Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một phụ nữ khôn ngoan tôn trọng lương tâm của mình

QUAN ĐIỂM KINH THÁNH

Phá thai

Phá thai

Mỗi năm có hàng chục triệu bào thai bị phá bỏ. Con số này lớn hơn dân số của nhiều quốc gia.

Lựa chọn cá nhân hay vấn đề đạo đức?

ĐIỀU NGƯỜI TA NÓI:

Phụ nữ phá thai vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như gánh nặng kinh tế, mối quan hệ có vấn đề, mong muốn được tự do để theo đuổi học vấn hay sự nghiệp, hoặc không muốn làm người mẹ đơn thân. Tuy nhiên, số khác xem phá thai là điều trái đạo đức, xâm phạm thiên chức làm mẹ được ban cho phụ nữ.

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:

Đức Chúa Trời xem sự sống, đặc biệt sự sống của con người, là thánh (Sáng-thế Ký 9:6; Thi-thiên 36:9). Nguyên tắc này cũng áp dụng cho em bé trong bụng mẹ, là nơi an toàn được Đức Chúa Trời thiết kế để thai nhi phát triển. Một người viết Kinh Thánh thốt lên: “[Ngài] che chắn con trong tử cung mẹ”. Ông nói thêm: “Mắt ngài đã thấy khi con mới là phôi thai; sách ngài có ghi hết thảy các phần của nó, ghi về các ngày chúng được nắn nên”.—Thi-thiên 139:13, 16, NW.

Quan điểm của Đức Chúa Trời về sự sống của một thai nhi được phản ánh qua Luật pháp ngài ban cho dân Y-sơ-ra-ên, và qua lương tâm của chúng ta. Luật pháp của Đức Chúa Trời quy định rằng một người hành hung phụ nữ mang thai và làm chết thai nhi thì phải lãnh án tử hình, tức kẻ giết người phải trả chính mạng sống mình cho mạng sống mà hắn lấy đi (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:22, 23). Dĩ nhiên, các quan xét phải điều tra động cơ và hoàn cảnh vụ việc.—Dân-số Ký 35:22-24, 31.

Con người cũng được phú cho lương tâm. Khi một phụ nữ nghe theo tiếng nói lương tâm bằng cách tôn trọng sự sống của thai nhi mình đang mang, cô sẽ cảm thấy thanh thản. * Nếu cô làm trái với lương tâm, nó sẽ kết án và khiến cô day dứt (Rô-ma 2:14, 15). Các nghiên cứu cho thấy những phụ nữ từng phá thai có nguy cơ mắc chứng lo âu và trầm cảm cao hơn.

Tuy nhiên, nói sao nếu viễn cảnh nuôi dạy con dường như quá sức, đặc biệt khi có thai ngoài ý muốn? Hãy chú ý đến lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho những người trung thành sống theo tiêu chuẩn của ngài: “Người nào trung tín, Ngài cũng trung tín lại, người nào nhân từ Ngài cũng nhân từ lại” (Thi-thiên 18:25, Bản Phổ thông). Một câu Kinh Thánh khác cũng nói: “Đức Giê-hô-va yêu chuộng công lý; người trung thành của ngài, ngài không bỏ mặc”.—Thi-thiên 37:28, NW.

“Lương tâm họ cũng làm chứng cùng với họ, và bởi tư tưởng của mình mà họ bị cáo buộc hoặc ngay cả được bào chữa”.Rô-ma 2:15.

Nói sao nếu bạn từng phá thai?

ĐIỀU NGƯỜI TA NÓI:

Một người mẹ đơn thân tên là Ruth nói: “Tôi đã có ba đứa con và thấy mình không thể chăm sóc nổi đứa thứ tư. Nhưng sau khi phá thai, tôi cảm thấy mình đã làm một điều thật kinh khủng”. * Phải chăng cô đã làm điều mà Đức Chúa Trời không bao giờ tha thứ?

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:

Chúa Giê-su phản ánh suy nghĩ của Đức Chúa Trời khi ngài nói: “Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi kẻ tội lỗi ăn năn” (Lu-ca 5:32). Đúng vậy, khi chúng ta thật lòng hối hận về việc làm sai trái của mình, ăn năn và cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ, thì ngài sẵn lòng làm thế, ngay cả khi chúng ta phạm tội trọng (Ê-sai 1:18). Thi-thiên 51:17 nói: “Đức Chúa Trời ôi! lòng đau-thương thống-hối Chúa không khinh-dể đâu”.

Ngoài việc có lương tâm trong sạch, người ăn năn cũng được Đức Chúa Trời ban cho sự bình an tâm trí khi khiêm nhường cầu nguyện với ngài. Phi-líp 4:6, 7 nói: “Hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và tạ ơn mà trình lời thỉnh cầu của anh em cho Đức Chúa Trời; rồi sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều không ai hiểu thấu, sẽ bảo vệ lòng và trí của anh em”. * Sau khi học Kinh Thánh và dốc đổ lòng mình với Đức Chúa Trời, Ruth đã có được bình an nội tâm. Cô biết rằng Đức Chúa Trời “có lòng tha-thứ”.—Thi-thiên 130:4.

[Đức Chúa Trời] không đãi chúng tôi theo tội-lỗi chúng tôi, cũng không báo-trả chúng tôi tùy sự gian-ác của chúng tôi”.Thi-thiên 103:10.

^ đ. 8 Nguy cơ người mẹ hoặc thai nhi có thể gặp vấn đề về sức khỏe cũng không thể bào chữa cho việc phá thai. Khi sinh, nếu phải chọn giữa mạng sống của mẹ hoặc của con thì cặp vợ chồng ấy phải tự đưa ra quyết định. Dù vậy, tại nhiều nước phát triển, trường hợp này rất hiếm khi xảy ra nhờ có sự tiến bộ về y khoa.

^ đ. 12 Tên đã được thay đổi.

^ đ. 14 Hy vọng về sự sống lại cũng có thể giúp một người có bình an nội tâm. Xem bài “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh ngày 15-4-2009. Bài này thảo luận về nguyên tắc Kinh Thánh liên quan đến khả năng một thai nhi đã chết có thể được sống lại.