CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
Sự thỏa lòng và rộng rãi
BIẾT BAO LẦN BẠN NGHE NGƯỜI TA NÓI HẠNH PHÚC VÀ THÀNH CÔNG ĐƯỢC ĐO BẰNG TÀI SẢN HOẶC SỰ GIÀU SANG. Với quan điểm đó, hàng triệu người làm việc thêm nhiều giờ đến mức kiệt sức để kiếm nhiều tiền hơn. Nhưng tiền bạc và tài sản có đem lại hạnh phúc lâu dài không? Sự thật là gì?
Theo một tạp chí nghiên cứu về hạnh phúc (Journal of Happiness Studies), khi nhu cầu cơ bản được đáp ứng thì việc có thêm thu nhập cũng không làm chúng ta cảm thấy hạnh phúc hoặc sung sướng hơn bao nhiêu. Tiền tự nó không phải là vấn đề. Nhưng như một bài trong tạp chí về tâm lý (Monitor on Psychology) cho biết “chạy theo [đồng tiền] liên quan đến việc không hạnh phúc”. Nhận xét này tương tự với điều Kinh Thánh nói cách đây khoảng hai ngàn năm: “Lòng ham tiền là gốc rễ của mọi loại tai hại, vì nuôi dưỡng ham muốn đó mà một số người... tự gây cho mình nhiều nỗi đau” (1 Ti-mô-thê 6:9, 10). Những nỗi đau đó có thể là gì?
LO LẮNG VÀ MẤT NGỦ VÌ PHẢI BẢO VỆ TÀI SẢN. “Giấc ngủ của người hầu việc thì êm đềm, dù người ăn ít hay nhiều; nhưng sự dư dả của người giàu chẳng để người ngủ yên”.—Truyền đạo 5:12.
THẤT VỌNG KHI HẠNH PHÚC KHÔNG ĐẾN NHƯ MONG ĐỢI. Một yếu tố dẫn đến thất vọng là vì lòng ham tiền vô đáy. Kinh Thánh nói: “Người yêu bạc không bao giờ chán bạc, người yêu sự giàu sang chẳng bao giờ chán lợi nhuận” (Truyền đạo 5:10). Việc ham muốn giàu sang có thể khiến một người phải hy sinh những điều thật sự quan trọng và mang lại hạnh phúc, như thời gian quý báu dành cho gia đình, bạn bè hoặc những điều tâm linh.
ĐAU BUỒN VÀ BỰC BỘI KHI ĐỒNG TIỀN HOẶC VỐN ĐẦU TƯ BỊ SỤT GIẢM HOẶC MẤT TRẮNG. “Đừng vắt kiệt sức tích lũy của cải, nhưng hãy dừng lại, tỏ ra hiểu biết. Con mới vừa đưa mắt nhìn, nó chẳng còn đó, bởi nó quả sẽ mọc cánh, bay lên... như đại bàng”.—Châm ngôn 23:4, 5.
NHỮNG PHẨM CHẤT MANG LẠI HẠNH PHÚC
THỎA LÒNG. “Khi ra đời, chúng ta chẳng mang gì theo, và khi qua đời cũng chẳng mang gì đi được. Vậy nên, có thức ăn, áo mặc thì phải thỏa lòng” (1 Ti-mô-thê 6:7, 8). Thường thì người thỏa lòng sẽ không phàn nàn, lầm bầm hoặc ghen tị với điều người khác có. Hơn nữa, vì không ao ước những điều vượt quá khả năng, nên họ tránh được sự lo lắng và căng thẳng không cần thiết.
RỘNG RÃI. “Cho thì hạnh phúc hơn nhận” (Công vụ 20:35). Người rộng rãi thì hạnh phúc vì họ vui khi làm người khác hạnh phúc, ngay cả khi họ chỉ có thể cho đi thời gian và năng lực. Họ thường có những điều mà tiền không thể mua được như tình yêu thương, sự tôn trọng và những người bạn chân thật, là những người rộng rãi cho lại!—Lu-ca 6:38.
XEM NGƯỜI KHÁC QUAN TRỌNG HƠN CỦA CẢI. “Thà một món rau mà có tình yêu thương, còn hơn bò vỗ béo mà có lòng căm ghét” (Châm ngôn 15:17). Vậy điểm chính là gì? Mối quan hệ yêu thương với người khác có giá trị hơn của cải. Và tình yêu thương, là điều sẽ được xem xét sau, đóng vai trò thiết yếu đem lại hạnh phúc.
Chị Sabina ở Nam Mỹ đã học về giá trị của các nguyên tắc Kinh Thánh. Vì bị chồng bỏ nên chị phải vất vả chăm lo nhu cầu thiết yếu cho chính mình và hai con gái. Chị phải làm hai việc và mỗi ngày dậy từ lúc 4 giờ sáng. Dù đầu tắt mặt tối, chị Sabina quyết định dành thời gian tìm hiểu Kinh Thánh. Kết quả là gì?
Mặc dù tình trạng kinh tế của chị vẫn không khá hơn, nhưng cái nhìn của chị về cuộc sống đã thay đổi đáng kể. Chẳng hạn, chị tìm được hạnh phúc từ việc thỏa mãn nhu cầu tâm linh (Ma-thi-ơ 5:3). Chị tìm được những người bạn chân thật trong vòng anh em đồng đạo. Chị thấy hạnh phúc khi chia sẻ với người khác điều mình học được.
Kinh Thánh nói: “Sự khôn ngoan được chứng minh bởi việc làm của nó” (Ma-thi-ơ 11:19, chú thích). Vậy, quả là khôn ngoan khi vun trồng sự thỏa lòng, rộng rãi và xem người khác quan trọng hơn của cải!