Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cá hề độc đáo

Cá hề độc đáo

Cá hề da cam

Ít loài cá nào thu hút sự chú ý của chúng ta như cá hề. Có lẽ chúng chiếm được cảm tình của chúng ta bởi màu sắc sặc sỡ, gợi chúng ta nhớ đến chú hề trong rạp xiếc. Hoặc có lẽ chúng ta ấn tượng về chỗ ở khác thường mà chúng chọn: giữa các xúc tu có độc của hải quỳ. Không lạ gì khi cá hề còn có tên gọi khác là cá hải quỳ.

Như nhiều diễn viên Hollywood, cá hề không ngại chụp hình. Những người đi lặn biết là thế nào cá hề cũng “làm dáng” cho họ chụp hình, vì chúng rất hiếm khi bơi xa nhà và không mắc cỡ lắm.

Nhưng điều khiến cho cá hề trở nên độc đáo là lối sống dường như mạo hiểm của chúng. Sống giữa các xúc tu độc cũng tương tự như làm nhà trong ổ rắn. Dù vậy, cá hề và tổ ấm hải quỳ không thể chia lìa. Nhờ đâu mà mối quan hệ lạ thường này có thể thành công?

KHÔNG THỂ SỐNG THIẾU NHAU

Cá hề hai dải

Như hầu hết những mối quan hệ tốt, cá hề và hải quỳ có qua có lại với nhau. Mối quan hệ này không đơn thuần là tiện lợi nhưng rất thiết yếu đối với cá hề. Các nhà sinh học biển xác nhận là trong thiên nhiên, cá hề không thể sống thiếu chủ nhà hải quỳ. Chúng bơi rất kém nên nếu không có sự bảo vệ của hải quỳ thì chúng dễ dàng trở thành miếng mồi của những loài ăn thịt háu đói. Nhưng nhờ có hải quỳ làm nhà và nơi trú ẩn khi bị đe dọa, cá hề có thể “sống thọ” đến mười năm.

Hải quỳ vừa là chỗ ở, vừa là nơi an toàn cho cá hề sinh sản. Cá hề đẻ trứng trên nền của chủ nhà hải quỳ, và cả cá đực lẫn cá cái cùng nhau cẩn thận canh giữ chúng. Một thời gian sau, cả gia đình cá hề cùng bơi lội xung quanh chủ nhà hải quỳ ấy.

Còn hải quỳ thì được lợi ích gì từ mối quan hệ này? Cá hề là bảo vệ của chủ nhà hải quỳ, chúng đuổi những con cá bướm thích ăn xúc tu của hải quỳ. Có ít nhất một loại hải quỳ không thể sống thiếu cá hề. Khi các nhà nghiên cứu thử tách cá hề ra thì chỉ trong 24 giờ, hải quỳ hoàn toàn biến mất. Rất có thể cá bướm đã ăn sạch chúng.

Dường như cá hề còn cung cấp năng lượng cho chủ nhà của mình. Chất a-mô-ni mà cá hề thải ra kích thích hải quỳ phát triển. Hơn nữa, khi bơi lội giữa các xúc tu, cá hề giúp luân chuyển nước giàu ô-xy cho hải quỳ.

SỐNG Ở NƠI MÀ AI CŨNG SỢ

Cá hề màu hồng

Yếu tố bảo vệ cá hề là da của chúng. Lớp chất nhầy bao quanh da bảo vệ chúng khỏi bị châm. Dường như lớp áo hóa học của cá hề khiến hải quỳ tưởng chúng cũng là hải quỳ. Một nhà sinh học biển gọi cá hề là “cá đội lốt hải quỳ”.

Một số cuộc nghiên cứu cho thấy khi chọn chủ nhà mới, cá hề phải trải qua một quá trình thích nghi. Khi quan sát, người ta thấy lần đầu tiên tiếp cận với hải quỳ mới, cá hề đụng vào hải quỳ nhiều lần cách quãng trong vài giờ. Dường như cách này giúp cá hề điều chỉnh lớp màng bảo vệ của mình để thích ứng với chất độc của hải quỳ mới. Có thể cá hề bị châm một chút trong quá trình này, nhưng sau đó cả hai sẽ chung sống hài hòa với nhau.

Sự cộng tác giữa hai sinh vật rất khác nhau này dạy chúng ta một bài học tuyệt vời về cách làm việc chung. Nếu cố gắng, những người có văn hóa và xuất thân khác nhau có thể đạt được kết quả xuất sắc khi cùng đóng góp những gì mình có. Như cá hề, có thể chúng ta phải mất chút thời gian để thích ứng với cách làm việc của người kia, nhưng kết quả sẽ rất đáng công!