Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lời tiên tri của Đức Chúa Trời ban hy vọng cho tương lai

Lời tiên tri của Đức Chúa Trời ban hy vọng cho tương lai

Lời tiên tri của Đức Chúa Trời ban hy vọng cho tương lai

NHỜ có Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh, tín đồ thật của Đấng Christ nhìn tương lai với niềm tin, hy vọng và lạc quan. Được an toàn nhờ có mối liên hệ với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, họ hướng về tương lai. Như bài diễn văn khai mạc Hội Nghị Địa Hạt “Lời tiên tri của Đức Chúa Trời” giải thích, Nhân Chứng Giê-hô-va là những người nhiệt tình nghiên cứu lời tiên tri trong Kinh Thánh từ nhiều năm qua. Vậy, tại những hội nghị này Đức Giê-hô-va đã dành sẵn điều gì cho dân sự Ngài? Với Kinh Thánh trong tay, cử tọa nóng lòng muốn biết. Chủ đề cho mỗi ngày hội nghị được trình bày thành một tiểu đề riêng biệt.

NGÀY THỨ NHẤT: Bước đi trong ánh sáng của Lời Đức Chúa Trời

Diễn văn “Lời Đức Chúa Trời đã dẫn dắt chúng ta” giải thích rằng dân sự Đức Giê-hô-va giống như một người khởi đầu cuộc hành trình trong bóng đêm. Khi mặt trời mọc, người ấy thấy bóng mờ mờ, nhưng khi mặt trời chiếu sáng trên đỉnh đầu thì người ấy thấy rõ từng chi tiết. Như Châm-ngôn 4:18 báo trước, dưới ánh sáng lẽ thật rực rỡ như mặt trời, phát ra từ lời tiên tri của Đức Chúa Trời, dân sự Đức Giê-hô-va đã thấy rõ con đường họ đi. Họ không bị bỏ mặc để đi quờ quạng trong sự tối tăm thiêng liêng.

Bài diễn văn chính, “Hãy chú ý đến lời tiên tri của Đức Chúa Trời”, nhắc nhở cử tọa rằng những ai trông chờ Đức Giê-hô-va thì không bị thất vọng và vỡ mộng như những người theo các mê-si và các tiên tri giả. Trái lại, bằng chứng về Đấng Mê-si thật, Chúa Giê-su Christ, nhiều vô số kể! Thí dụ, phép lạ hóa hình của Chúa Giê-su đã cho thấy trước thời kỳ khi ngài được phong làm Vua của Nước Đức Chúa Trời. Kể từ khi lên cầm quyền Nước Trời vào năm 1914, Chúa Giê-su cũng là “sao mai” đề cập nơi 2 Phi-e-rơ 1:19. Diễn giả nói: “Là Sao Mai Cứu Thế, ngài báo trước một ngày hay thời đại mới bắt đầu ló dạng cho nhân loại biết vâng lời”.

Dẫn nhập chương trình buổi chiều, bài diễn văn “Chiếu sáng như đuốc” khai triển Ê-phê-sô 5:8, trong câu này sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta “bước đi như các con sáng-láng”. Tín đồ Đấng Christ là ngọn đuốc, không chỉ qua việc chia sẻ Lời Đức Chúa Trời cho người khác mà còn vì áp dụng Kinh Thánh trong đời sống mình, theo gương của Chúa Giê-su.

Để là ngọn đuốc thuộc loại này, chúng ta phải “Vui thích đọc Lời Đức Chúa Trời”. Đề tài này được khai triển trong bài thuyết trình phối hợp gồm ba phần. Sau khi trích dẫn lời của Abraham Lincoln, người đã gọi Kinh Thánh “là món quà quý giá nhất Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại”, diễn giả thứ nhất hỏi cử tọa xem thói quen đọc Kinh Thánh cho biết gì về chiều sâu lòng biết ơn của họ đối với Lời của Đức Giê-hô-va. Cử tọa được khuyến khích đọc Kinh Thánh một cách kỹ càng, dành thời gian để hình dung những lời tường thuật của Kinh Thánh và liên kết những điểm mới với những điều đã học.

Phần tiếp theo của bài thuyết trình phối hợp nhấn mạnh nhu cầu học hỏi, không đọc một cách hời hợt, nếu chúng ta muốn hấp thu “đồ-ăn đặc”. (Hê-bơ-rơ 5:13, 14) Theo lời diễn giả, sự học hỏi đặc biệt có tính chất xây dựng nếu chúng ta ‘sửa-soạn lòng mình’ trước, như E-xơ-ra, thầy tế lễ của Y-sơ-ra-ên, đã làm. (E-xơ-ra 7:10) Nhưng tại sao việc học hỏi lại quan trọng đến thế? Vì điều này liên quan trực tiếp đến mối liên hệ giữa chúng ta với Đức Giê-hô-va. Do đó, nên xem việc học Kinh Thánh là đáng trọng, thích thú và tươi mát tâm thần, dù rằng điều này đòi hỏi tinh thần kỷ luật và nỗ lực trí tuệ. Làm sao chúng ta tìm được thì giờ cho việc học hỏi đầy ý nghĩa? Diễn giả chót của bài thuyết trình phối hợp nói đó là bằng cách “lợi-dụng thì-giờ” lấy từ những việc kém quan trọng hơn. (Ê-phê-sô 5:16) Đúng vậy, bí quyết tìm ra thì giờ là tận dụng thì giờ chúng ta có.

Bài diễn văn “Đức Chúa Trời ban sức cho người mệt mỏi” thừa nhận rằng ngày nay có nhiều người cảm thấy mệt mỏi. Để có “quyền-phép lớn dường ấy” hầu làm thánh chức của tín đồ Đấng Christ, chúng ta cần nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, là Đấng “ban sức mạnh cho kẻ nhọc-nhằn”. (2 Cô-rinh-tô 4:7; Ê-sai 40:29) Sự hỗ trợ để làm chúng ta vững mạnh bao gồm Lời Đức Chúa Trời, sự cầu nguyện, hội thánh tín đồ Đấng Christ, việc đều đặn tham gia thánh chức, các giám thị lưu động và gương trung thành của những người khác. Chủ đề “Đã đến lúc để làm thầy” nêu rõ rằng tín đồ Đấng Christ cần làm thầy cũng như làm người rao giảng và phải cố sức phát huy “nghệ thuật dạy dỗ”.—2 Ti-mô-thê 4:2NW.

Bài diễn văn cuối cùng trong ngày hôm đó, “Những kẻ chống lại Đức Chúa Trời sẽ không thành công”, đề cập rằng gần đây trong một số nước, có những nỗ lực lầm lạc chụp mũ Nhân Chứng Giê-hô-va là một giáo phái nguy hiểm. Nhưng chúng ta không sợ sệt vì Ê-sai 54:17 nói: “Phàm binh-khí chế ra nghịch cùng ngươi sẽ chẳng thạnh-lợi, và ngươi sẽ định tội mọi lưỡi dấy lên để xét-đoán ngươi. Đức Giê-hô-va phán: Ấy là phần cơ-nghiệp của các tôi-tớ Đức Giê-hô-va, và sự công-bình bởi ta ban cho họ”.

NGÀY THỨ HAI: Những điều được tiết lộ qua các sách tiên tri

Sau phần thảo luận câu Kinh Thánh trong ngày, những người tề tựu thưởng thức bài thuyết trình phối hợp thứ nhì của hội nghị với nhan đề “Tôn vinh Đức Giê-hô-va với tư cách người mang sự sáng”. Bài diễn văn đầu tiên cho thấy mục tiêu của tín đồ Đấng Christ là tôn vinh Đức Giê-hô-va bằng cách rao giảng khắp nơi. Phần tiếp theo nói đến nhu cầu hướng những người hưởng ứng việc rao giảng đến với tổ chức của Đức Chúa Trời. Bằng cách nào? Bằng cách chúng ta dành năm hay mười phút trước hoặc sau buổi học Kinh Thánh tại nhà để giải thích phương cách hoạt động của tổ chức Đức Chúa Trời. Bài diễn văn thứ ba của mục thuyết trình phối hợp nhấn mạnh đến sự cần thiết làm vinh hiển Đức Chúa Trời bằng những việc lành.

Bài diễn văn “Hết lòng yêu mến lời nhắc nhở của Đức Giê-hô-va” bàn đến những câu Kinh Thánh lựa ra từ Thi-thiên 119. Chắc chắn, chúng ta cần được nhắc nhở vì mọi người đều có khuynh hướng hay quên. Vậy thì phát triển lòng yêu mến lời nhắc nhở của Đức Giê-hô-va, y như người viết Thi-thiên đã làm, quả là quan trọng biết bao!

Tiếp theo là phần đặc biệt—bài diễn văn báp têm với tựa đề “Vâng theo lời tiên tri dẫn đến báp têm”. Những ứng viên làm báp têm được nhắc nhở rằng họ theo gương Đấng Christ không những bằng cách làm báp têm mà còn bằng cách theo sát dấu chân ngài. (1 Phi-e-rơ 2:21) Những người mới này quả là có đặc ân góp phần làm ứng nghiệm Giăng 10:16, trong câu này Chúa Giê-su báo trước ngài sẽ nhóm các “chiên khác” lại để cùng phụng sự với những môn đồ được xức dầu của ngài.

Mở đầu chương trình buổi chiều, bài diễn văn “Hãy nghe những gì thánh linh nói” giải thích rằng thánh linh của Đức Giê-hô-va nói với chúng ta qua Kinh Thánh, qua lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” và qua lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện. (Ma-thi-ơ 24:45) Do đó, tín đồ Đấng Christ không cần phải nghe một tiếng nói thật sự phát ra từ trời mới biết phải làm thế nào đẹp lòng Đức Chúa Trời. Bài thảo luận tiếp theo, “Cương quyết ủng hộ sự dạy dỗ phù hợp với sự tin kính”, khuyến giục tín đồ Đấng Christ chớ nghiên cứu những tư tưởng làm hư hỏng đạo đức do thế gian này truyền bá. Thật thế, không kiềm chế sự tò mò có thể khiến chúng ta chịu ảnh hưởng của những thông tin tai hại do những kẻ bội đạo hoặc những tay sai khác của Sa-tan gài. Tốt hơn nhiều biết bao là đều đặn đọc Kinh Thánh cũng như các bài trong tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức!

Với tựa đề “Hãy giữ lấy mẫu mực của các sự dạy dỗ có ích”, bài diễn văn tiếp theo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn toàn quen thuộc “mẫu-mực” hay khuôn khổ của lẽ thật. (2 Ti-mô-thê 1:13) Hiểu rõ mẫu mực này không những là bí quyết để có sự tin kính, mà cũng là bí quyết để nhận ra điều gì không phù hợp với lẽ thật.

Hãy tưởng tượng mình được Đức Giê-hô-va xem là người đáng chuộng. Thật là một vinh dự! Dựa trên lời tiên tri của A-ghê, bài diễn văn “ ‘Những sự ao-ước’ đang đến đầy nhà Đức Giê-hô-va” khích lệ nhất vì nó khiến cử tọa vững lòng rằng mỗi thành viên của “đám đông” đều thật sự đáng chuộng đối với Đức Giê-hô-va. (Khải-huyền 7:9, NW) Vì thế, Đức Giê-hô-va sẽ bảo toàn tính mạng họ khi Ngài “làm rúng-động” các nước lần cuối cùng trong “hoạn-nạn lớn” sắp đến. (A-ghê 2:7, 21, 22; Ma-thi-ơ 24:21) Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, dân sự của Đức Giê-hô-va phải tỉnh thức về thiêng liêng, như được giải thích trong phần “Những lời tiên tri trong Kinh Thánh khiến chúng ta cảnh giác”. Diễn giả trích dẫn lời Chúa Giê-su: “Vậy hãy tỉnh-thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến”. (Ma-thi-ơ 24:42) Làm thế nào chúng ta duy trì sự cảnh giác về phương diện thiêng liêng? Bằng cách bận rộn phụng sự Đức Giê-hô-va, cầu nguyện thường xuyên và chờ đợi ngày lớn của Đức Giê-hô-va mau đến.

Bài diễn văn chót trong ngày có tựa đề “Lời tiên tri trong kỳ sau rốt”. Bài này sẽ còn được nhớ đến trong nhiều năm tới. Tại sao? Vì diễn giả thông báo một sách mới được cho ra mắt—Hãy chú ý đến lời tiên tri của Đa-ni-ên! Diễn giả nói: “Ấn phẩm này dày 320 trang được trình bày đẹp mắt, thảo luận toàn thể nội dung sách Đa-ni-ên”. Quả là một bằng chứng củng cố đức tin, cho thấy rằng Đức Giê-hô-va đang soi sáng Lời tiên tri của Ngài!

NGÀY THỨ BA: Lời tiên tri của Đức Chúa Trời không bao giờ sai

Mở đầu ngày cuối cùng của hội nghị là bài thuyết trình phối hợp “Những lời tiên tri về kỳ định”. Ba phần của bài thuyết trình phối hợp xem xét ba lời tuyên bố của nhà tiên tri Ha-ba-cúc về sự phán xét của Đức Giê-hô-va. Lời tuyên bố thứ nhất nghịch cùng nước Giu-đa ương ngạnh và lời thứ nhì chống lại nước Ba-by-lôn áp bức. Lời cuối cùng, sẽ còn được ứng nghiệm, liên quan đến sự hủy diệt sắp xảy đến cho tất cả người ác. Nói về Ha-ma-ghê-đôn, diễn giả chót của bài thuyết trình phối hợp khêu gợi lên trong lòng cử tọa một sự kính sợ lành mạnh đối với Đức Chúa Trời khi anh nói rằng: “Quả thật, cảnh tượng sẽ hãi hùng khi Đức Giê-hô-va tung ra toàn lực vĩ đại của Ngài”.

“Quý trọng di sản thiêng liêng của chúng ta” là tựa đề vở kịch cảm động của hội nghị, một vở kịch dựa trên Kinh Thánh. Phần trình diễn này đối chiếu thái độ của Gia-cốp và Ê-sau về những điều thiêng liêng khiến cử tọa tự xét tâm hồn mình. Ê-sau khinh thường di sản thiêng liêng của ông, vì vậy di sản ấy được trao cho Gia-cốp là người biết trân trọng nó. Diễn giả hỏi những người tham dự hội nghị như sau: “Đức Giê-hô-va đã trao cho chúng ta [di sản thiêng liêng] nào?” Anh trả lời: “Đó là lẽ thật của Lời Ngài, Kinh Thánh; hy vọng sống đời đời; và vinh dự được đại diện Ngài làm người công bố tin mừng”.

Phần tiếp theo có nhan đề “Di sản quý báu của chúng ta có ý nghĩa gì đối với bạn?” Chúng ta biểu hiện thái độ đúng đối với di sản thiêng liêng bằng cách đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va và những đặc ân thiêng liêng lên trên quyền lợi cá nhân hay vật chất. Bằng cách này chúng ta xây đắp đời sống mình chung quanh mối liên hệ với Đức Giê-hô-va, khác hẳn A-đam, Ê-sau và những người Y-sơ-ra-ên bất trung.

Bài diễn văn công cộng, “Làm mới lại hết thảy muôn vật—Như đã tiên tri”, kết hợp bốn lời tiên tri then chốt nói về “trời mới” và “đất mới”. (Ê-sai 65:17-25; 66:22-24; 2 Phi-e-rơ 3:13; Khải-huyền 21:1, 3-5) Hiển nhiên, Đức Giê-hô-va có ý định làm ứng nghiệm những lời tiên tri này trên bình diện lớn hơn sự ứng nghiệm khi Ngài phục hồi dân Ngài vào năm 537 TCN. Đúng thế, Ngài có ý định lập chính phủ Nước Trời (“trời mới”) và cho những thần dân trên đất (“đất mới”) của chính phủ này sống trong địa đàng vinh quang khắp đất.

Bài diễn văn “Niềm trông mong của chúng ta khi để Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn” hào hứng kết thúc hội nghị và thúc đẩy cử tọa hành động. Nó nhắc nhở mọi người “thì-giờ” còn lại để hoàn thành việc công bố về Nước Trời thì “ngắn-ngủi”. (1 Cô-rinh-tô 7:29) Đúng vậy, chúng ta sắp sửa chứng kiến Đức Giê-hô-va thi hành phán quyết chống lại Sa-tan và toàn thể hệ thống ác của hắn. Mong sao cảm xúc của chúng ta giống lời ca của người viết Thi-thiên: “Linh-hồn chúng tôi trông-đợi Đức Giê-hô-va; Ngài là sự tiếp-trợ và cái khiên của chúng tôi”. (Thi-thiên 33:20) Thật là một triển vọng vinh quang đang chờ đón những ai đặt lòng mong đợi nơi lời tiên tri của Đức Chúa Trời!

[Hình nơi trang 7]

Một vở kịch hào hứng nâng cao lòng biết ơn của tôi tớ Đức Giê-hô-va đối với di sản thiêng liêng

[Hình nơi trang 7]

Nhiều người nghe theo lời tiên tri của Đức Chúa Trời đã làm báp têm