Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có phải là tín đồ “trưởng thành” của Đấng Christ không?

Bạn có phải là tín đồ “trưởng thành” của Đấng Christ không?

Bạn có phải là tín đồ “trưởng thành” của Đấng Christ không?

“KHI tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư-tưởng như con trẻ, suy-xét như con trẻ”. Sứ đồ Phao-lô viết như vậy. Thật vậy, tất cả chúng ta một thời đều là những em bé phải nhờ vào người khác. Tuy nhiên, chúng ta đã không ở mãi trong tình trạng đó. Phao-lô nhận xét: “Khi tôi đã thành-nhân, bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ”.—1 Cô-rinh-tô 13:11.

Tương tự như thế, lúc đầu tất cả tín đồ Đấng Christ đều là những con trẻ về mặt thiêng liêng. Nhưng với thời gian, mọi người đều có thể “hiệp một trong đức-tin và trong sự hiểu-biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành-nhân, được tầm-thước vóc-giạc trọn-vẹn của Đấng Christ”. (Ê-phê-sô 4:13) Chúng ta được khuyên nơi 1 Cô-rinh-tô 14:20: “Hỡi anh em, về sự khôn-sáng, chớ nên như trẻ con... Còn về sự khôn-sáng, hãy nên như kẻ thành-nhân [“trưởng thành trong sự suy nghĩ”, Bản Dịch Mới]”.

Sự hiện diện của tín đồ Đấng Christ thành thục, trưởng thành là một ân phước cho dân sự Đức Chúa Trời ngày nay, đặc biệt vì có nhiều người mới. Các tín đồ trưởng thành giúp hội thánh vững vàng thêm. Họ tác động tích cực về mặt tinh thần, hoặc thái độ chung của bất cứ hội thánh nào họ dự.

Trong khi cơ thể hầu như tự động phát triển, sự lớn mạnh về thiêng liêng chỉ có được qua thời gian và nỗ lực. Không lạ gì là vào thời Phao-lô, một số tín đồ Đấng Christ không “tiến đến sự thành thục”, dù đã phụng sự Đức Chúa Trời nhiều năm. (Hê-bơ-rơ 5:12; 6:1, NW) Còn bạn thì sao? Bất luận bạn phụng sự Đức Chúa Trời nhiều năm rồi, hoặc chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, bạn cũng nên tự xét mình một cách thành thật. (2 Cô-rinh-tô 13:5) Bạn có ở trong số những người có thể thật sự được gọi là tín đồ thành thục, hoặc trưởng thành của Đấng Christ không? Nếu không, làm thế nào bạn có thể đạt đến mức đó?

“Trưởng thành trong sự suy nghĩ”

Ai non nớt về thiêng liêng thì dễ dàng bị “người ta lừa-đảo, bị mưu-chước dỗ-dành làm cho lầm-lạc, mà day-động và dời-đổi theo chiều gió của đạo lạc”. Do đó, Phao-lô khuyên giục: “Lấy lòng yêu-thương... để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ”. (Ê-phê-sô 4:14, 15) Làm sao một người làm được như thế? Hê-bơ-rơ 5:14 nói: “Đồ-ăn đặc là để cho kẻ thành-nhân, cho kẻ hay dụng tâm-tư [“khả năng nhận thức”, NW] luyện-tập mà phân-biệt điều lành và dữ”.

Xin lưu ý là người thành thục rèn luyện khả năng nhận thức của mình nhờ sử dụng, hoặc qua kinh nghiệm trong việc áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh. Vậy hiển nhiên không phải một sớm một chiều mà người tín đồ trở nên thành thục; cần có thời gian để phát triển về thiêng liêng. Dù vậy, bạn vẫn có thể làm nhiều việc để xúc tiến quá trình phát triển thiêng liêng qua việc học hỏi cá nhân—đặc biệt nghiên cứu về những điều sâu nhiệm của Lời Đức Chúa Trời. Trong thời kỳ gần đây, Tháp Canh đã thảo luận nhiều đề tài sâu sắc. Những người thành thục không bỏ qua những bài này chỉ vì trong đó có “mấy khúc khó hiểu”. (2 Phi-e-rơ 3:16) Thay vì thế, họ ham muốn thức ăn đặc ấy!

Những người rao giảng và dạy dỗ hăng hái

Chúa Giê-su đã ra lệnh cho môn đồ: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Sốt sắng tham gia vào công việc rao giảng cũng có thể kích thích sự phát triển thiêng liêng. Tại sao không cố gắng tham gia hết sức vào công việc rao giảng tùy theo hoàn cảnh bạn?—Ma-thi-ơ 13:23.

Đôi khi, vì áp lực của đời sống nên có thể khó kiếm thời gian để đi rao giảng. Thế nhưng, bằng cách ‘gắng hết sức mình’ làm người rao giảng, bạn chứng tỏ bạn xem “tin-lành” là điều quan trọng. (Lu-ca 13:24; Rô-ma 1:16) Như thế bạn có thể được xem là “gương cho các tín-đồ”.—1 Ti-mô-thê 4:12.

Những người giữ sự thanh liêm

Tiến đến sự thành thục cũng bao hàm việc cố gắng giữ sự thanh liêm. Như có ghi nơi Thi-thiên 26:1, Đa-vít tuyên bố: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy đoán-xét tôi, vì tôi đã bước đi trong sự thanh-liêm”. Thanh liêm là sự trọn vẹn, đầy đủ về mặt đạo đức. Tuy nhiên, thanh liêm không có nghĩa là hoàn toàn. Chính Đa-vít đã phạm vài trọng tội. Nhưng vì ông chấp nhận sự khiển trách và sửa sai đường lối của mình, nên ông chứng tỏ rằng tấm lòng ông vẫn còn chân thành yêu mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 26:2, 3, 6, 8, 11) Sự thanh liêm bao hàm lòng tin kính trọn vẹn hoặc đầy đặn. Đa-vít nói với Sa-lô-môn, con trai ông: “Hãy nhận-biết Đức Chúa Trời của cha, hết lòng... mà phục-sự Ngài”.—1 Sử-ký 28:9.

Giữ sự thanh liêm bao hàm việc “không thuộc về thế-gian”, đứng ngoài vòng chính trị và chiến tranh của các nước. (Giăng 17:16) Bạn cũng phải tránh những thực hành đồi bại, chẳng hạn như tà dâm, ngoại tình và lạm dụng ma túy. (Ga-la-ti 5:19-21) Nhưng giữ sự thanh liêm còn có nghĩa nhiều hơn là tránh những sự ấy. Sa-lô-môn cảnh cáo: “Con ruồi chết làm cho thúi dầu thơm của thợ hòa-hương; cũng vậy, một chút điên-dại làm nhẹ danh một người khôn-ngoan sang-trọng”. (Truyền-đạo 10:1) Đúng vậy, dù chỉ “một chút điên-dại”, chẳng hạn như việc đùa cợt hoặc tán tỉnh người khác phái, cũng có thể phá hủy danh tiếng của một “người khôn-ngoan sang-trọng”. (Gióp 31:1) Do đó, hãy chứng tỏ bạn thành thục bằng cách làm gương trong mọi khía cạnh của hạnh kiểm mình, tránh ngay cả những gì “tựa như điều ác”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:22.

Những người trung tín

Một người tín đồ Đấng Christ trưởng thành cũng là người trung tín. Như chúng ta đọc nơi Ê-phê-sô 4:24, sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ: “[Hãy] mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch [“trung tín, NW”] của lẽ thật”. Trong Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp, từ ngữ “trung tín” trong nguyên ngữ biểu thị sự thánh thiện, công bình, tôn kính. Một người trung tín thì sùng kính; người đó thận trọng làm trọn mọi phận sự đối với Đức Chúa Trời.

Bạn có thể phát triển lòng trung tín như thế bằng những cách nào? Một là bằng cách hợp tác với các trưởng lão của hội thánh địa phương. (Hê-bơ-rơ 13:17) Thừa nhận rằng Đức Chúa Trời bổ nhiệm Đấng Christ làm Đầu hội thánh, các tín đồ thành thục trung tín với những người được bổ nhiệm “để chăn Hội-thánh của Đức Chúa Trời”. (Công-vụ 20:28) Thật sai trái nếu nghi ngờ hoặc làm suy yếu uy quyền của các trưởng lão được bổ nhiệm! Bạn cũng nên cảm thấy cần trung thành với “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” và các phương tiện được sử dụng để phân phối “đồ-ăn” thiêng liêng “đúng giờ”. (Ma-thi-ơ 24:45) Hãy sốt sắng đọc và áp dụng những thông tin đăng trong Tháp Canh và các ấn phẩm tương tự.

Biểu thị tình yêu thương bằng hành động

Phao-lô viết cho tín đồ Đấng Christ ở Tê-sa-lô-ni-ca: “Lòng yêu-thương của mỗi người trong hết thảy anh em đối với nhau càng ngày càng thêm”. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:3) Lòng yêu thương ngày càng tăng là một khía cạnh đặc biệt quan trọng của sự phát triển thiêng liêng. Nơi Giăng 13:35, Chúa Giê-su nói: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”. Cảm xúc hoặc tình cảm không phải là nét đặc thù của tình yêu thương anh em thể ấy. Sách Vine’s Expository Dictionary of Old and New Testament Words nhận xét: “Tình yêu thương chỉ có thể biết được qua các hành động xuất phát từ nó”. Đúng vậy, bạn tiến tới sự thành thục về phương diện này bằng cách biểu thị tình yêu thương bằng hành động!

Chẳng hạn, chúng ta đọc nơi Rô-ma 15:7: “Hãy tiếp lấy nhau”. Một cách để thể hiện tình yêu thương là chào hỏi anh em cùng đức tin và những người mới tại các buổi họp hội thánh—một cách nồng hậu và nhiệt tình! Cố hiểu rõ họ. Hãy “chăm về lợi” của người khác. (Phi-líp 2:4) Bạn có thể ngay cả biểu lộ tính hiếu khách bằng cách mời nhiều người khác nhau đến nhà bạn chơi. (Công-vụ 16:14, 15) Đôi khi sự bất toàn của người khác có thể cho thấy tình yêu thương của bạn sâu đậm đến độ nào, nhưng khi tập ‘lấy lòng thương-yêu mà chìu họ’, bạn chứng tỏ mình đang trưởng thành.—Ê-phê-sô 4:2.

Dùng tài sản để phát huy sự thờ phượng thanh sạch

Trong thời xưa, không phải hết thảy dân sự Đức Chúa Trời đều chu toàn trách nhiệm của họ để ủng hộ đền thờ Đức Giê-hô-va. Bởi vậy Đức Chúa Trời phái những nhà tiên tri, chẳng hạn như A-ghê và Ma-la-chi, để thúc giục dân sự Ngài về phương diện này. (A-ghê 1:2-6; Ma-la-chi 3:10) Ngày nay tín đồ thành thục của Đấng Christ vui mừng dùng tài sản của họ để ủng hộ sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Hãy noi gương những người như thế bằng cách làm theo nguyên tắc ghi nơi 1 Cô-rinh-tô 16:1, 2, đều đặn “để dành” một ít tiền hầu đóng góp cho hội thánh và công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới. Lời Đức Chúa Trời hứa: “Ai gieo nhiều thì gặt nhiều”.—2 Cô-rinh-tô 9:6.

Chớ bỏ sót những thứ khác mà bạn có, như thì giờ và năng lực của bạn. Hãy cố “lợi-dụng thì-giờ” lấy ra từ những hoạt động kém quan trọng hơn. (Ê-phê-sô 5:15, 16; Phi-líp 1:10, NW) Hãy tập sử dụng thì giờ của bạn hữu hiệu hơn. Làm thế có thể giúp bạn tham gia những dự án bảo trì Phòng Nước Trời và những hoạt động tương tự để phát huy sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Dùng tài sản của bạn theo cách này là một bằng chứng khác nữa là bạn đang trở nên một tín đồ trưởng thành của Đấng Christ.

Tiến đến sự thành thục!

Những người nam và nữ siêng năng học hỏi, có trí khôn, sốt sắng rao giảng, thanh liêm không chỗ trách được, trung tín và yêu thương, sẵn sàng đem tài năng và tài sản ra ủng hộ công việc Nước Trời thì quả thật là một ân phước lớn. Vậy không lạ gì khi sứ đồ Phao-lô khuyên: “Chúng ta phải bỏ qua các điều sơ-học về Tin-lành của Đấng Christ, mà tấn-tới sự trọn-lành [“tiến đến sự thành thục”, NW]”!—Hê-bơ-rơ 6:1.

Bạn có phải là một tín đồ thành thục, trưởng thành của Đấng Christ không? Hay là về một vài khía cạnh nào đó, bạn hãy còn non nớt về thiêng liêng? (Hê-bơ-rơ 5:13) Dù trong trường hợp nào, hãy cương quyết học hỏi cá nhân, rao giảng và biểu thị tình yêu thương anh em. Hãy hoan nghênh bất cứ lời khuyên và đề nghị sửa sai của những người thành thục. (Châm-ngôn 8:33) Hãy gánh vác toàn bộ trách nhiệm của một tín đồ Đấng Christ. Với thời gian và nỗ lực, bạn cũng có thể “hiệp một trong đức-tin và trong sự hiểu-biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành-nhân, được tầm-thước vóc-giạc trọn-vẹn của Đấng Christ”.—Ê-phê-sô 4:13.

[Câu nổi bật nơi trang 27]

Tín đồ trưởng thành của Đấng Christ giúp hội thánh vững vàng thêm. Họ tác động tích cực về mặt tinh thần, hoặc thái độ chung của hội thánh

[Các hình nơi trang 29]

Những người thành thục góp phần vào tinh thần của hội thánh bằng cách quan tâm đến người khác