Cách duy nhất xóa bỏ thù ghét
Cách duy nhất xóa bỏ thù ghét
“Sự sợ hãi luôn đi đôi với sự thù ghét... Chúng ta ghét những gì chúng ta sợ và nơi nào có thù ghét, nơi đó sợ hãi ẩn nấp”.—CYRIL CONNOLLY, NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC VÀ CHỦ BÚT.
NHIỀU nhà xã hội học tin rằng sự thù ghét ăn sâu vào tiềm thức của con người. Một khoa học gia chính trị nói: “Phần lớn sự thù ghét thậm chí có thể bị ghi khắc sẵn”, tức tiềm ẩn bên trong bản tính con người.
Thật dễ hiểu vì sao những nhà nghiên cứu bản tính con người đi đến kết luận như thế. Đối tượng nghiên cứu duy nhất của họ là những người đàn ông và đàn bà sinh ra đã “vương lầm lỗi” và “mang tội”, theo lời tường thuật của Kinh Thánh được soi dẫn. (Thi-thiên 51:5 [51:7, Tòa Tổng Giám Mục]) Ngay cả chính Đấng Tạo Hóa, đã đánh giá con người bất toàn hàng thiên niên kỷ nay, “thấy sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn”.—Sáng-thế Ký 6:5.
Thành kiến và kỳ thị sanh sự thù ghét, đều từ bản tính bất toàn và ích kỷ của con người mà ra. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:5) Đáng buồn thay, không có cơ quan nào hoặc chính phủ nào của loài người, dù theo chính sách nào đi nữa, có thể thay đổi lòng dạ con người trong những vấn đề như thế. Thông tín viên hải ngoại Johanna McGeary nhận xét: “Không có cảnh sát quốc tế nào, dù mạnh đến đâu, lại có thể ra tay xóa bỏ những thù ghét đã gây ra những cuộc đổ máu ở Bosnia, Somalia, Liberia, Kashmir, vùng núi Caucasus”.
Tuy nhiên, trước khi tìm giải pháp, chúng ta phải có sự hiểu biết căn bản về những gì nấp sau những hành động biểu lộ sự thù ghét.
Thù ghét do sợ hãi
Thù ghét thể hiện dưới nhiều sắc thái và hình thức. Nhà văn Andrew Sullivan đúc kết vấn đề một cách khéo léo: “Có sự thù ghét vì sợ hãi, và có sự thù ghét chỉ vì thái độ khinh người; có sự thù ghét do muốn biểu dương quyền lực, và có sự thù ghét do sự bất lực gây ra; rồi còn có sự thù ghét vì muốn trả thù, và có sự thù ghét vì ganh tị... Có sự thù ghét của kẻ áp bức, và sự thù ghét của nạn nhân. Có sự thù ghét dai dẳng, và có sự thù ghét nguội dần. Có sự thù ghét bùng nổ, và sự thù ghét âm ỉ”.
Chắc chắn, một số nguyên nhân chính gây ra sự xung đột đầy thù ghét trong thời chúng
ta mang tính chất xã hội và kinh tế. Những thành kiến ăn sâu và những sự thù ghét bộc phát thường xảy ra tại những vùng mà nhóm thiểu số nắm trong tay phần lớn tài sản đất nước. Sự thù ghét cũng thường phát sinh nơi mà mức sống của một nhóm người trong cộng đồng bị đe dọa bởi làn sóng ngoại kiều ồ ạt nhập cư.Một số người có thể cảm thấy rằng những người mới nhập cư này sẽ tranh giành miếng cơm manh áo của họ khi chịu làm việc ít lương hơn, hoặc khiến bất động sản bị mất giá. Những mối lo sợ thể ấy có chính đáng hay không, đó lại là chuyện khác. Mối lo sợ mất mát về kinh tế và mối lo sợ rằng mức sống của cộng đồng hoặc nếp sống sẽ sút kém là những yếu tố mạnh mẽ dẫn đến thành kiến và thù ghét.
Để xóa bỏ nạn thù ghét, bước đầu tiên phải làm là gì? Phải thay đổi thái độ.
Thay đổi thái độ
Bà McGeary nhận xét: “Sự thay đổi thật sự chỉ có thể đến từ ý chí của những người liên hệ”. Và làm sao thay đổi được ý chí? Kinh nghiệm đã cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, thúc đẩy nhiều nhất và lâu bền nhất để chống lại nạn thù ghét là ảnh hưởng đến từ Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh. Đó là vì “lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem-xét tư-tưởng và ý-định trong lòng”.—Hê-bơ-rơ 4:12.
Phải thừa nhận rằng việc xóa bỏ thành kiến và sự thù ghét không phải tự nhiên mà có, cũng không xảy ra một sớm một chiều. Nhưng có thể thực hiện được. Chúa Giê-su Christ, đấng vĩ đại có thể thúc đẩy lòng dạ và làm nhạy bén lương tâm, đã có thể thúc đẩy người ta thay đổi. Hàng triệu người đã thành công trong việc làm theo Ma-thi-ơ 5:44.
lời khuyên khôn ngoan của Chúa Giê-su Christ: “Hãy yêu kẻ thù-nghịch, và cầu-nguyện cho kẻ bắt-bớ các ngươi”.—Phù hợp với những sự dạy dỗ của chính mình, Chúa Giê-su nhận Ma-thi-ơ vào nhóm bạn hữu thân tín nhất của ngài; Ma-thi-ơ vốn là một người thâu thuế bị xã hội Do Thái thù ghét và xa lánh. (Ma-thi-ơ 9:9; 11:19) Hơn nữa, Chúa Giê-su đã thiết lập một đường lối thờ phượng thanh sạch mà sau này sẽ đón nhận hàng ngàn người thuộc Dân Ngoại trước đây bị ruồng bỏ và thù ghét. (Ga-la-ti 3:28) Người từ khắp nơi trên thế giới được biết đến thời bấy giờ đã trở thành môn đồ của Chúa Giê-su Christ. (Công-vụ 10:34, 35) Họ có tiếng là những người có tình thương vượt bực. (Giăng 13:35) Khi Ê-tiên, môn đồ của Chúa Giê-su, bị những người đầy thù ghét ném đá đến chết, ông thốt lên những lời cuối: “Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ!” Ê-tiên mong mỏi điều tốt nhất cho những kẻ thù ghét ông.—Công-vụ 6:8-14; 7:54-60.
Tín đồ thật của Đấng Christ thời nay cũng đã hưởng ứng tương tự trước lời khuyên của Chúa Giê-su là hãy làm điều thiện, không những cho anh em tín đồ, mà lại còn cho cả những kẻ thù ghét họ nữa. (Ga-la-ti 6:10) Họ chuyên cần tập luyện để loại bỏ sự thù ghét hiểm độc ra khỏi đời sống của họ. Vì biết rằng những ảnh hưởng mãnh liệt có thể phát sinh sự thù ghét trong lòng, nên họ tích cực hành động để thay thế sự thù ghét bằng tình yêu thương. Đúng vậy, như một người khôn ngoan thuở xưa đã nói, “sự ghen-ghét xui điều cãi-lộn; song lòng thương-yêu lấp hết các tội phạm”.—Châm-ngôn 10:12.
Sứ đồ Giăng nói: “Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người; anh em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người có sự sống đời đời ở trong mình”. (1 Giăng 3:15) Nhân Chứng Giê-hô-va tin điều đó. Kết quả là họ hiện được thống nhất thành một cộng đồng không thù ghét, một hiệp hội anh em chân thật toàn cầu—đến từ mọi sắc tộc, văn hóa, gốc gác tôn giáo và chính trị.—Xin xem các khung kèm theo bài này.
Sự thù ghét sẽ bị xóa bỏ!
Có lẽ bạn sẽ nói: ‘Nhưng tất cả những điều đó có thể là giải pháp cho những người có liên hệ. Tuy nhiên, điều này sẽ không khiến cho sự thù ghét biến mất hẳn khỏi trái đất’. Đúng vậy, ngay dù bạn không ghét ai trong lòng, bạn vẫn có thể là nạn nhân của sự thù ghét. Vậy chúng ta phải quay về Đức Chúa Trời để có giải pháp thật sự cho vấn đề toàn cầu này.
Ý định của Đức Chúa Trời là mọi tàn tích của sự thù ghét chẳng bao lâu nữa sẽ bị loại trừ khỏi trái đất. Điều này sẽ diễn ra dưới sự cai trị của chính phủ trên trời mà Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh; nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời!”—Khi Đức Chúa Trời đáp lại một cách trọn vẹn lời cầu nguyện ấy, những tình trạng xui khiến người ta thù ghét sẽ không còn nữa. Những tình huống lợi dụng sự thù ghét sẽ bị loại bỏ. Sự tuyên truyền, dốt nát và thành kiến sẽ được thay thế bởi sự soi sáng, chân lý và sự công bình. Thật thế, lúc ấy Đức Chúa Trời ‘sẽ lau ráo hết nước mắt, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa’.—Khải-huyền 21:1-4.
Bây giờ chúng ta còn có tin vui hơn! Có bằng chứng không thể chối cãi được rằng chúng ta đang sống trong những “ngày sau-rốt”. Vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ thấy sự thù ghét biến mất khỏi trái đất này. (2 Ti-mô-thê 3:1-5; Ma-thi-ơ 24:3-14) Trong thế giới mới mà Đức Chúa Trời đã hứa, sẽ có tình anh em chân thật vì nhân loại sẽ thành hoàn toàn trở lại.—Lu-ca 23:43; 2 Phi-e-rơ 3:13.
Nhưng bạn không phải chờ đợi đến lúc đó mới hưởng được tình anh em chân thật. Thật thế, như những câu chuyện kèm theo bài này cho thấy, tình yêu thương của tín đồ Đấng Christ đã ngự trị rồi trong hàng triệu con tim mà theo như bình thường thì tràn đầy thù ghét. Bạn cũng được mời trở thành hội viên của đoàn thể anh em đầy yêu thương đó!
[Khung nơi trang 5]
“Chúa Giê-su hẳn đã làm gì?”
Vào tháng 6 năm 1998, ba người da trắng ở miền quê bang Texas tại Hoa kỳ đã tấn công James Byrd, Jr., một người da đen. Họ đem anh đến một khu vực xa xôi, hẻo lánh, đánh đập và xiềng chân anh lại. Rồi họ trói anh vào một chiếc xe tải nhỏ, và kéo lê trên đường một đoạn năm kilômét cho tới khi thân thể anh đụng một ống cống. Sự kiện này được gọi là tội ác thù ghét khủng khiếp nhất thập niên (1990).
James Byrd có ba chị em gái là Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ cảm thấy thế nào về những thủ phạm của tội ác khủng khiếp này? Trong bản phát biểu chung, họ nói: “Việc một người thân yêu bị tra tấn và hành hình gây một cảm giác mất mát và đau khổ không tưởng tượng nổi. Một người phải phản ứng thế nào đây trước một hành vi tàn nhẫn như thế? Chúng tôi không hề nghĩ đến việc trả đũa, thốt lời căm thù, hoặc phát động sự tuyên truyền đượm vẻ thù hận. Chúng tôi nghĩ: ‘Chúa Giê-su hẳn đã làm gì? Ngài hẳn đã phản ứng thế nào?’ Câu trả lời hết sức rõ ràng. Thông điệp của ngài hẳn phải là thông điệp có tính cách hòa bình và hy vọng”.
Một trong những câu Kinh Thánh đã giúp họ không để cho sự căm thù phát triển trong lòng là Rô-ma 12:17-19. Sứ đồ Phao-lô viết: “Chớ lấy ác trả ác cho ai... Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người. Hỡi kẻ rất yêu-dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo-ứng”.
Họ nói tiếp: “Chúng tôi nhớ lại những lời thiết thực ghi trong các ấn phẩm có nói đến một số bất công hoặc tội ác khủng khiếp đến nỗi khó mà nói được câu: ‘Tôi tha thứ cho bạn’ và rồi quên đi. Sự tha thứ trong những trường hợp như thế có nghĩa là gạt bỏ sự oán giận để mình có thể tiếp tục sống và không bị bệnh hoạn về tinh thần và thể chất vì cưu mang sự oán giận. Thật là một bằng chứng hùng hồn biết bao của quyền lực Kinh Thánh nhằm ngăn cản không để sự căm thù sâu đậm bén rễ!
[Khung nơi trang 6]
Sự thù địch biến thành tình bạn
Trong những năm gần đây, hàng ngàn dân nhập cư ào ạt đến Hy Lạp để kiếm việc làm. Tuy nhiên, tình trạng kinh tế ngày càng tệ đã khiến cho cơ hội tìm việc càng ít hơn, và điều này làm tăng thêm sự tranh giành việc làm. Do đó phát sinh sự thù hận lớn giữa các nhóm dân tộc khác nhau. Một thí dụ điển hình là sự cạnh tranh giữa các dân nhập cư gốc Albania và Bun-ga-ri. Trong nhiều vùng ở Hy Lạp, sự cạnh tranh dữ dội đã xảy ra giữa những người thuộc hai nhóm này.
Ở thị xã Kiato, thuộc đông bắc Peloponnisos, một gia đình Bun-ga-ri và một người Albania đã bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va và có dịp quen biết nhau. Việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh đã đánh tan sự thù địch sẵn có giữa nhiều người từ hai nhóm dân tộc này. Nó cũng góp phần cho tình bạn chân thật giữa những người này. Ivan, một người Bun-ga-ri, thậm chí còn giúp Loulis, người Albania, tìm chỗ ở ngay bên cạnh nhà của mình. Hai gia đình thường chia sẻ cho nhau thực phẩm và đồ dùng ít ỏi của mình. Cả hai người hiện nay là Nhân Chứng Giê-hô-va và cùng hợp tác mật thiết trong công việc rao giảng tin mừng. Dĩ nhiên, tình bạn tín đồ Đấng Christ này không khỏi không gợi sự chú ý của những người lân cận.
[Hình nơi trang 7]
Dưới Nước Đức Chúa Trời, mọi tàn tích của sự thù ghét sẽ bị loại trừ khỏi trái đất