Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lên đường đến các đảo Thái Bình Dương để làm việc!

Lên đường đến các đảo Thái Bình Dương để làm việc!

Lên đường đến các đảo Thái Bình Dương để làm việc!

PHÒNG chờ khởi hành của hai sân bay quốc tế Brisbane và Sydney, ở Úc, bỗng náo nhiệt hơn mọi khi. Một nhóm 46 người sắp sửa đáp máy bay đến đảo Samoa tràn ngập ánh nắng để gặp gỡ 39 người khác đến từ New Zealand, Hawaii và Hoa Kỳ. Hành lý của họ rất kỳ lạ—chủ yếu gồm các dụng cụ như búa, cưa và máy khoan—chứ không phải những thứ người ta thường mang theo khi đi đến một hòn đảo hấp dẫn ở Thái Bình Dương. Và cả đến nhiệm vụ của họ cũng thật khác thường.

Bằng chi phí riêng, họ sắp sửa làm việc hai tuần với tư cách công nhân tình nguyện không ăn lương trong chương trình xây cất do Văn Phòng Kỹ Thuật Vùng của Nhân Chứng Giê-hô-va, thuộc chi nhánh Úc, giám sát. Chương trình này, được tài trợ bởi các đóng góp tình nguyện, bao gồm việc xây dựng các Phòng Nước Trời, Phòng Hội Nghị, nhà giáo sĩ, cơ sở chi nhánh hoặc văn phòng dịch thuật cho các hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va đang gia tăng rất nhanh trên các đảo ở Thái Bình Dương. Chúng ta hãy cùng gặp gỡ một số công nhân trước đó đã tham gia đội xây dựng Phòng Nước Trời tại xứ sở họ.

Anh Max là thợ lợp mái, đến từ thị trấn Cowra, bang New South Wales, Úc. Anh có gia đình và năm con. Còn anh Arnold là người Hawaii. Vợ chồng anh có hai con trai và anh là một tiên phong, hay người truyền giáo trọn thời gian. Cũng như anh Max, anh Arnold là một trưởng lão trong hội thánh của anh ở quê nhà. Hiển nhiên, những anh này—và họ cũng tiêu biểu cho phần lớn những người tham gia trong chương trình—không tình nguyện đến đây vì quá rảnh. Đúng hơn, họ và gia đình thấy rõ nhu cầu, và muốn giúp đỡ trong khả năng của họ.

Công nhân đa quốc gia đáp ứng một nhu cầu quan trọng

Một trong những nơi cần đến kỹ năng và sự góp sức của họ là Tuvalu, một quốc gia ở Thái Bình Dương với khoảng 10.500 dân cư sống trên một chuỗi chín hòn đảo san hô xa mút gần xích đạo, về phía tây bắc Samoa. Mỗi đảo san hô này có diện tích trung bình khoảng 2,5 kilômét vuông. Đến năm 1994, 61 Nhân Chứng ở đó rất cần có một Phòng Nước Trời mới và một văn phòng dịch thuật lớn hơn.

Trong vùng nhiệt đới Thái Bình Dương này, các tòa nhà phải được thiết kế và xây dựng, đủ sức chịu đựng các cơn bão và gió xoáy dữ dội thường xuyên xảy ra. Thế nhưng trên đảo lại rất hiếm vật liệu xây dựng tốt. Phải tìm giải pháp nào đây? Mọi vật liệu—từ tôn, kèo tới đồ đạc trong nhà, màn, toa-lét, vòi hoa sen, thậm chí cả đinh, ốc—đều được chở bằng tàu từ Úc sang.

Trước khi vật liệu được chở đến, một nhóm nhỏ bắt đầu trước với việc chuẩn bị và đổ móng. Sau đó, các công nhân quốc tế đến xây dựng các tòa nhà, quét vôi và trang trí.

Tất cả hoạt động này ở Tuvalu vô tình đã khiến cho một linh mục địa phương nổi giận và ông đã tuyên bố trên đài phát thanh là các Nhân Chứng đang xây một “Tháp Ba-bên”! Nhưng chuyện Tháp Ba-bên thật ra thế nào? Graeme, một công nhân tình nguyện, bình luận: “Khi những người xây Tháp Ba-bên được nói đến trong Kinh Thánh thấy rằng họ không thể hiểu nhau nữa vì Đức Chúa Trời đã làm lộn xộn ngôn ngữ của họ, thì họ buộc lòng phải bỏ dở công trình của mình. Làm việc cho Đức Giê-hô-va thì hoàn toàn trái lại. Mặc dù có sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa nhưng các công trình luôn luôn được hoàn tất”. (Sáng-thế Ký 11:1-9) Và công trình này cũng vậy—đã được hoàn tất trong vòng chỉ hai tuần. Có đến 163 người, kể cả phu nhân thủ tướng Tuvalu, đã tham dự buổi lễ khánh thành.

Anh Doug, người giám sát công trình, nghiệm thấy: “Làm việc với các anh chị tình nguyện đến từ các nước khác là một niềm vui sướng. Chúng tôi có cách làm việc khác nhau, sử dụng những thuật ngữ khác nhau, thậm chí có hệ đơn vị đo lường cũng khác nhau, nhưng tất cả những điều đó không hề gây nên bất kỳ rắc rối nào”. Đã từng làm việc trong một số công trình như thế, anh nói thêm: “Kinh nghiệm này khiến tôi càng tin chắc rằng với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va dân sự Ngài có thể xây dựng các tòa nhà ở bất kỳ nơi nào trên trái đất, dù nơi đó có xa xôi hiểm trở đến đâu. Đúng là chúng ta có nhiều anh rất giỏi, nhưng chính thánh linh Đức Giê-hô-va làm cho công việc được thành”.

Thánh linh Đức Chúa Trời cũng thúc đẩy các gia đình Nhân Chứng trên đảo cung cấp nơi ăn ở, và đối với nhiều gia đình, điều này là cả một sự hy sinh. Sự hiếu khách dường ấy rất được những người đón nhận quí trọng. Anh Ken, đến từ Melbourne, Úc, đã từng làm việc trong một công trình tương tự trên quần đảo Polynesia thuộc Pháp. Anh nói: “Chúng tôi đến đó để giúp việc nhưng lại được tiếp đãi như vua”. Khi có thể, các Nhân Chứng địa phương cũng giúp sức trong công việc xây dựng. Trên Quần Đảo Solomon, các chị đã trộn hồ—bằng tay. Một trăm anh chị đã leo lên những ngọn núi cao dưới mưa dầm dề để đem về hơn 40 tấn gỗ. Các em trẻ cũng tham gia giúp đỡ. Một công nhân đến từ New Zealand nhớ lại: “Tôi nhớ một anh trẻ trên đảo đã vác một lần tới hai, ba bao xi măng. Và anh ta xúc sỏi suốt ngày bất kể mưa nắng”.

Việc các Nhân Chứng địa phương tham gia vào công việc còn đem lại một lợi ích khác nữa. Chi nhánh Hội Tháp Canh ở Samoa báo cáo: “Các anh địa phương học được những kỹ năng có thể giúp họ xây dựng Phòng Nước Trời cũng như thực hiện những việc sửa chữa và tái thiết sau các cơn lốc. Những kỹ năng đó cũng giúp họ kiếm sống trong hoàn cảnh khó khăn ở địa phương”.

Chương trình xây cất làm chứng tốt

Ông Colin đã có mặt ở Honiara và chứng kiến việc xây dựng Phòng Hội Nghị trên Quần Đảo Solomon. Với ấn tượng sâu sắc, ông đã viết về văn phòng chi nhánh của Hội Tháp Canh bức thư ngắn như sau bằng tiếng Anh “bồi”: “Mọi người đều nhất trí, không ai trong họ cau có khó chịu, họ cũng như một gia đình”. Chẳng bao lâu sau đó, khi ông trở về làng mình ở Aruligo, cách đó 40 kilômét, ông và gia đình ông đã xây dựng Phòng Nước Trời của riêng họ. Rồi họ viết một bức thư khác đến văn phòng chi nhánh: “Phòng Nước Trời của chúng tôi đã sẵn sàng, có cả một bục giảng, vậy chúng tôi có thể có các buổi họp ở đây được không?” Điều này lập tức được sắp xếp, và có hơn 60 người đều đặn tham dự các buổi họp ở đó.

Một cố vấn của Liên Minh Châu Âu đã chứng kiến công trình ở Tuvalu. Ông nhận xét với một công nhân như sau: “Tôi nghĩ chắc hẳn mọi người đều nói như tôi, nhưng đối với riêng tôi thì đây quả là một phép lạ!” Một phụ nữ làm việc tại tổng đài điện thoại hỏi một chị tình nguyện: “Làm sao tất cả ông bà lại có thể vui vẻ đến thế? Ở đây trời quá nóng nực!” Những người này chưa bao giờ nhìn thấy đạo Đấng Christ hoạt động một cách thực tiễn và hy sinh như thế.

Hy sinh không hối tiếc

2 Cô-rinh-tô 9:6, Kinh Thánh nói: “Ai gieo nhiều thì gặt nhiều”. Các công nhân cùng với gia đình và hội thánh của họ đang tiếp tục gieo một cách rộng rãi trong việc giúp đỡ các anh em Nhân Chứng ở Thái Bình Dương. Anh Ross, một trưởng lão đến từ Kincumber, gần Sydney, nói: “Hội thánh của tôi đóng góp hơn một phần ba tiền vé máy bay cho tôi, và anh rể tôi, người cũng cùng đi với tôi, góp thêm 500 đô la nữa”. Một công nhân khác trang trải cho chuyến đi bằng cách bán chiếc xe hơi của mình. Một người khác nữa thì bán một số đất đai. Anh Kevin cần có thêm 900 đô la cho chuyến đi, thế là anh quyết định bán 16 chú bồ câu hai tuổi của mình. Qua người quen, anh tìm được người chịu mua với giá đúng 900 đô la!

Có người hỏi anh Danny và chị Cheryl: “Chuyến đi có đáng với mọi phí tổn gần 6.000 đô la, vừa tiền vé máy bay vừa tiền lương bị trừ, không?” Họ trả lời: “Có chứ! Thậm chí nếu có phải trả hơn gấp đôi số đó thì vẫn rất đáng”. Anh Alan đến từ thị trấn Nelson, ở New Zealand, nói thêm: “Với số tiền đi Tuvalu, tôi có thể đi du lịch Châu Âu mà vẫn còn dư. Nhưng nếu làm thế thì liệu tôi có nhận được nhiều ân phước, hay tìm được nhiều người bạn thuộc nhiều quốc gia khác nhau, hoặc làm được điều gì đó cho người khác thay vì chỉ cho bản thân thôi không? Không! Nhưng dù tôi có cho các anh chị ở đảo bao nhiêu đi nữa thì cũng không bằng những gì họ đã đáp lại cho tôi”.

Một yếu tố quan trọng khác góp phần vào sự thành công của chương trình đó là sự hỗ trợ của gia đình. Trong khi một số người vợ có thể cùng đi với chồng và thậm chí giúp đỡ trong việc xây cất, những người khác phải ở nhà lo cho con đi học hoặc coi sóc công việc kinh doanh của gia đình. Anh Clay nói: “Việc vợ tôi sẵn lòng chăm sóc con cái và nhà cửa trong khi tôi đi vắng là một sự hy sinh còn lớn hơn sự hy sinh của tôi rất nhiều”. Thật vậy, tất cả những người chồng không thể đem vợ theo đều hết lòng đồng ý với anh Clay!

Kể từ khi hoàn tất công trình ở Tuvalu, các công nhân tình nguyện đã xây xong các Phòng Nước Trời, Phòng Hội Nghị, nhà giáo sĩ, và văn phòng dịch thuật ở Fiji, Tonga, Papua New Guinea, New Caledonia và những nơi khác. Nhiều công trình, gồm cả một số ở Đông Nam Á, hiện vẫn còn ở mức dự án. Liệu rồi sẽ có đủ công nhân không?

Hiển nhiên, điều đó sẽ không thành vấn đề. Văn phòng chi nhánh ở Hawaii viết: “Tất cả những người ở đây đã từng tham gia vào các công trình xây dựng quốc tế đều nói hãy nhớ đến họ khi có kế hoạch cho một công trình mới. Vừa về đến nhà là họ đã bắt đầu để dành tiền cho việc đó”. Làm sao chương trình này có thể thất bại được, khi cùng với phước ân dư dật của Đức Giê-hô-va lại có thêm sự xả thân cống hiến như thế?

[Hình nơi trang 9]

Vật liệu để xây cất

[Các hình nơi trang 9]

Đội ngũ công nhân tại công trường xây dựng

[Các hình nơi trang 10]

Khi các công trình kết thúc, chúng tôi vui sướng về những gì thánh linh Đức Chúa Trời đã làm cho thành tựu