Nạn dịch thù ghét
Nạn dịch thù ghét
“Người ta không bao giờ hiểu người mình ghét”.—JAMES RUSSELL LOWELL, NHÀ VĂN TIỂU LUẬN VÀ NGOẠI GIAO.
THẾ GIỚI ngày nay dường như chìm đắm trong sự thù ghét. Những địa danh như Đông Timor, Kosovo, Liberia, Littleton và Sarajevo—cũng như những danh xưng tân Quốc Xã, băng đảng đầu trọc và sự ưu việt của người da trắng—còn hằn sâu trong tâm trí chúng ta cùng với những hình ảnh khó phai mờ của những đống tro tàn, những nấm mồ tập thể mới đào xong và thây chết nằm la liệt.
Những mơ ước có được một tương lai không thù ghét, xung đột và bạo động đã tiêu tán. Bà Danielle Mitterand, quả phụ của cố tổng thống Pháp, nhớ lại tuổi thanh xuân của bà: “Người ta mơ ước được sống tự do trong một xã hội thân thiện mà họ có thể tin tưởng; sống thanh thản giữa và với người khác; mong ước được mạnh khỏe, có một cuộc sống thanh bình và cao đẹp trong một thế giới hùng cường và rộng lượng, nơi mà họ được chăm sóc”. Điều gì đã xảy ra cho những lý tưởng đó? Bà than phiền: “Phải nhìn nhận là nửa thế kỷ sau, ước vọng của chúng ta đã bị tiêu hao”.
Không ai có thể làm ngơ trước sự kiện sự thù ghét hiện đang tái diễn. Mỗi ngày nó càng lan rộng, và xuất hiện dưới những hình thức trắng trợn hơn. Cảm giác an toàn cá nhân mà hàng triệu người xem là chuyện đương nhiên nay không còn nữa vì cớ làn sóng những hành vi thù ghét vô nghĩa, ngày càng thêm khủng khiếp. Dù không nhìn thấy sự thù ghét tại nơi mình ở hoặc trong xứ mình đang sống, nhưng chúng ta có thể thấy ở những nơi khác. Có lẽ chúng ta nhìn thấy bằng chứng về điều này mỗi ngày khi xem bản tin truyền hình và nghe tin tức thời sự. Một số thông tin này còn lan sang mạng Internet. Hãy xem xét một ít trường hợp.
Người ta đã chứng kiến sự bành trướng chủ nghĩa quốc gia chưa từng thấy trong thập kỷ vừa qua. Joseph S. Nye Jr., giám đốc Trung Tâm Giao Dịch Quốc Tế Harvard, nhận xét: “Hầu như trên khắp thế giới, chủ nghĩa quốc gia thay vì yếu đi, lại ngày càng trở nên mãnh liệt hơn. Thay vì là một ngôi làng toàn cầu, lại là nhiều ngôi làng khắp địa cầu gườm nhau nhiều hơn. Điều này gia tăng nguy cơ chiến tranh”.
Những hình thức thù ghét khác xảo quyệt hơn. Nó ẩn nấp trong biên giới quốc gia hoặc ngay cả trong phạm vi láng giềng. Khi năm tên đầu trọc sát hại một cụ già đạo Sikh ở Canada, sự việc này “nêu bật điều mà một số người xem là sự tái diễn của nạn tội ác thù ghét ở một nước thường được khen vì tinh thần bao dung trong vấn đề chủng tộc”. Ở Đức, sau những năm liên tục lắng giảm, những vụ tấn công mang tính chất kỳ thị chủng tộc của các nhóm cực đoan đã gia tăng 27 phần trăm vào năm 1997. Manfred Kanther, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ, nhận xét: “Đây là một diễn biến gây chán nản”.
Tại miền bắc nước Albania, một báo cáo tiết lộ rằng hơn 6.000 trẻ em gần như không dám bước ra khỏi nhà vì sợ kẻ thù của gia đình bắn. Những đứa trẻ này là nạn nhân của mối thù truyền kiếp, “khiến cho đời sống của hàng ngàn gia đình bị tê liệt”. Ở Hoa Kỳ, theo Cục Điều
tra Liên Bang (FBI), “thành kiến về chủng tộc là động cơ gây ra hơn phân nửa trong số 7.755 tội ác liên quan đến sự thù ghét trong năm 1998 mà người ta đã báo cho FBI biết”. Ngoài một số động cơ gây ra những tội ác thù ghét còn lại là thành kiến tôn giáo, sắc tộc hoặc nguồn gốc quốc gia và khuyết tật.Hơn nữa, hàng ngày những hàng tít lớn trên nhật báo nêu rõ nạn dịch bài ngoại, chủ yếu nhắm vào những người tị nạn, nay vượt quá 21 triệu người. Đáng buồn thay, đa số những người biểu lộ lòng thù ghét đối với người nước ngoài lại là giới trẻ, bị xúi giục bởi những nhân vật chính trị vô trách nhiệm và những kẻ đi tìm người giơ đầu chịu báng. Những dấu hiệu kém hiển nhiên hơn của cùng hiện tượng này bao gồm việc ngờ vực, thiếu khoan dung và có ý tưởng rập khuôn về những người khác với mình.
Đâu là một số nguyên nhân của nạn dịch thù ghét này? Ta có thể làm gì để xóa bỏ nạn thù ghét? Bài kế tiếp sẽ bàn đến những câu hỏi này.
[Nguồn tư liệu nơi trang 2]
Cover, top: UN PHOTO 186705/J. Isaac
[Nguồn tư liệu nơi trang 3]
Daud/Sipa Press