Tại sao bạn phụng sự Đức Chúa Trời?
Tại sao bạn phụng sự Đức Chúa Trời?
Một vị vua kính sợ Đức Chúa Trời có lần cho con trai ông lời khuyên: “Hãy nhận-biết Đức Chúa Trời của cha, hết lòng vui ý mà phục-sự Ngài”. (1 Sử-ký 28:9) Rõ ràng, Đức Giê-hô-va muốn các tôi tớ phụng sự Ngài với lòng biết ơn.
VỚI tư cách là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta sẵn sàng thừa nhận rằng lần đầu tiên được nghe giải thích về những lời hứa trong Kinh Thánh, lòng chúng ta tràn đầy biết ơn. Mỗi ngày chúng ta được học điều mới về ý định của Đức Chúa Trời. Càng học biết nhiều về Đức Giê-hô-va càng khiến chúng ta ước muốn phụng sự Ngài mạnh mẽ hơn với “hết lòng vui ý”.
Nhiều người trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va vẫn tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va với niềm vui mừng vô hạn trong suốt đời họ. Tuy nhiên, cũng có một số tín đồ Đấng Christ lúc ban đầu sốt sắng, nhưng cuối cùng, họ quên đi những lý do đúng thúc đẩy họ phụng sự Đức Chúa Trời. Có phải điều đó xảy ra cho bạn không? Nếu có, đừng thất vọng. Niềm vui đã mất có thể được khôi phục trở lại. Làm sao có được?
Hãy nghĩ về những ân phước của bạn
Trước tiên, hãy nghĩ đến những ân phước hàng ngày bạn nhận từ nơi Đức Chúa Trời. Nghĩ về những món quà tốt lành của Đức Giê-hô-va: những công trình sáng tạo muôn vẻ của Ngài—mà mọi người đều có thể hưởng được bất chấp tình trạng kinh tế hay địa vị xã hội—thực phẩm và thức uống thiên nhiên, sức khỏe nhiều ít mà bạn có, sự hiểu biết về lẽ thật của Kinh Thánh và hơn hết, món quà qua Con của Ngài. Sự chết của con Ngài đã mở đường cho chúng ta phụng sự Ngài với lương tâm trong sạch. (Giăng 3:16; Gia-cơ 1:17) Càng nghĩ về lòng tốt của Đức Chúa Trời, bạn càng gia tăng lòng biết ơn đối với Ngài nhiều hơn. Rồi đây lòng bạn sẽ thúc đẩy bạn phụng sự Ngài với sự biết ơn về tất cả những gì Ngài đã làm. Chắc chắn bạn sẽ bắt đầu có lại cảm nghĩ như nhà viết Thi-Thiên: “Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, công-việc lạ-lùng Chúa đã làm, và những tư-tưởng của Chúa hướng cùng chúng tôi, thật là nhiều... Thật lấy làm nhiều quá không đếm được”.—Thi-thiên 40:5.
Cuộc đời Đa-vít, người đã viết những lời này, không miễn trừ được những tai họa. Khi còn trẻ, Đa-vít đã bao phen chạy trốn sự truy đuổi của Vua độc ác Sau-lơ và đội bảo vệ tìm giết ông. (1 Sa-mu-ên 23:7, 8, 19-23) Đa-vít còn phải chiến đấu với những nhược điểm của bản thân. Ông thừa nhận điều này trong bài Thi-thiên 40: “Vì vô-số tai-họa đã vây quanh tôi; các gian-ác tôi đã theo kịp tôi, đến nỗi không thể ngước mắt lên được; nó nhiều hơn tóc trên đầu tôi”. (Thi-thiên 40:12) Vâng, Đa-vít đã gặp nhiều vấn đề, nhưng ông không hoàn toàn tuyệt vọng vì chúng. Mặc dù gặp nhiều vấn đề, ông đã tập trung vào những cách Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ông, và ông nhận ra rằng những ân phước đó hơn hẳn những đau khổ của ông.
Khi bạn cảm thấy nặng trĩu vì những vấn đề cá nhân hay cảm thấy mình thiếu tự tin, thật tốt để dừng lại và suy nghĩ về những ân phước của bạn như Đa-vít đã làm. Chắc chắn, lòng biết ơn về những ân phước như thế là động cơ đã thúc đẩy bạn dâng mình cho Đức Giê-hô-va; lối suy nghĩ
như thế cũng có thể giúp bạn khôi phục lại niềm vui đã bị mất và giúp bạn phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng biết ơn.Những buổi họp có thể giúp bạn
Ngoài việc suy ngẫm riêng về lòng tốt của Đức Giê-hô-va, chúng ta cần nhóm họp với anh em cùng đạo. Thật là khích lệ khi thường xuyên gặp những người đàn ông, đàn bà, và những người trẻ yêu mến Đức Chúa Trời và quyết tâm phụng sự Ngài. Gương mẫu của họ có thể khuyến khích chúng ta trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va hết linh hồn mình. Sự hiện diện của chúng ta ở phòng Nước Trời cũng khuyến khích họ nữa.
Phải nhìn nhận rằng, không phải dễ cho chúng ta tham dự các buổi họp tại phòng Nước Trời sau một ngày làm việc vất vả hay khi chúng ta buồn nản do những vấn đề khó khăn hay yếu kém. Trong những lúc như thế, chúng ta có lẽ phải nghiêm khắc với chính chúng ta, ‘đãi thân-thể cách nghiêm-khắc’, để vâng theo mệnh lệnh nhóm họp với anh em tín đồ Đấng Christ.—1 Cô-rinh-tô 9:26, 27; Hê-bơ-rơ 10:23-25.
Nếu phải làm đến như thế, chúng ta có nên kết luận rằng chúng ta không thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va không? Không hẳn như vậy. Dù tình yêu thương của những tín đồ Đấng Christ thành thục trong quá khứ dành cho Đức Chúa Trời không thể bị nghi ngờ, họ vẫn phải nỗ lực hết sức để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. (Lu-ca 13:24) Sứ đồ Phao-lô là một trong những tín đồ Đấng Christ như thế. Ông đã bộc lộ cảm nghĩ của ông như sau: “Tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác-thịt tôi, bởi tôi có ý-muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn”. (Rô-ma 7:18, 19) Và ông nói với người Cô-rinh-tô: “Ví bằng tôi rao-truyền Tin-lành, tôi chẳng có cớ gì khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi... Nếu tôi vui lòng làm việc đó, thì được thưởng; lại nếu tôi không vui lòng mà làm, thì cái chức-vụ cũng vẫn phó-thác cho tôi”.—1 Cô-rinh-tô 9:16, 17.
Giống như nhiều người trong chúng ta, Phao-lô có những khuynh hướng tội lỗi cản trở ông làm điều lành mình muốn. Tuy nhiên, ông đã đấu tranh quyết liệt để chống lại những khuynh hướng đó và phần lớn ông đã thành công. Dĩ nhiên, Phao-lô đã không thực hiện việc này bằng sức riêng của mình. Ông viết: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”. (Phi-líp 4:13) Đức Giê-hô-va là Đấng đã cho Phao-lô năng lực, cũng sẽ giúp bạn làm điều đúng nếu bạn cầu xin sự giúp đỡ của Ngài. (Phi-líp 4:6, 7) Hãy “vì đạo mà tranh-chiến” và Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho bạn.—Giu-đe 3.
Bạn không phải tiến hành cuộc tranh chiến này dựa vào sức riêng bạn. Trong hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va, các trưởng lão thành thục là những người bền chí “vì đạo mà tranh-chiến”, sẵn lòng giúp đỡ bạn. Nếu bạn đến trưởng lão xin giúp đỡ, họ sẽ cố gắng cho lời “yên-ủi” bạn. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) Mục đích của họ là làm “nơi núp gió và chỗ che bão-táp”.—Ê-sai 32:2.
“Đức Chúa Trời là sự yêu-thương” và Ngài muốn các tôi tớ phụng sự Ngài với tình yêu thương. (1 Giăng 4:8) Nếu bạn nhận thấy tình yêu thương của bạn dành cho Đức Chúa Trời cần được hâm nóng trở lại, hãy làm những bước thích hợp như được nêu trên. Bạn sẽ vui mừng vì đã làm điều này.