“Một kiệt tác”
Đứng vững và toàn vẹn với niềm tin chắc
“Một kiệt tác”
KỂ TỪ buổi đầu lịch sử hiện đại của họ, Nhân Chứng Giê-hô-va đã hết sức quan tâm đến lời tiên tri này của Chúa Giê-su Christ: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. (Ma-thi-ơ 24:14) Khi năm 1914—khởi điểm của những “ngày sau-rốt”—gần đến, những Học Viên Kinh Thánh chân thành với niềm tin chắc đã bắt đầu một chiến dịch giáo dục có tầm cỡ quốc tế rất độc đáo, dựa trên Kinh Thánh.—2 Ti-mô-thê 3:1.
Để đạt mục tiêu rao truyền tin mừng khắp đất, những tôi tớ này của Đức Giê-hô-va đã dùng một phương pháp mới mẻ, táo bạo và sống động. Chúng ta hãy lùi về quá khứ để biết rõ thêm.
Một cách mới để rao truyền tin mừng
Lúc đó là tháng 1 năm 1914. Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trong bóng tối hội trường ở Thành Phố New York cùng với 5.000 người khác. Trước mặt bạn là một màn hình lớn để chiếu phim điện ảnh. Một ông tóc bạc mặc áo choàng hiện ra trên màn hình. Trước đó bạn đã từng xem phim câm, nhưng người đàn ông này đang nói, và bạn nghe được tiếng ông. Bạn đang thưởng thức buổi trình chiếu ra mắt của một tác phẩm sử dụng kỹ thuật tiên tiến, và một thông điệp độc đáo. Diễn giả là Charles Taze Russell, vị chủ tịch đầu tiên của Hội Tháp Canh, và tác phẩm là “Kịch-Ảnh về sự sáng tạo”.
C. T. Russell đã nhận thức được tác dụng của điện ảnh đối với đám đông. Do đó, vào năm 1912 ông bắt đầu chuẩn bị “Kịch-Ảnh về sự sáng tạo”. Kết cục là một thành phẩm phối hợp phim đèn chiếu và phim điện ảnh có cả màu sắc lẫn âm thanh, toàn bộ dài tám tiếng.
“Kịch-Ảnh” được sắp xếp để trình chiếu làm bốn hồi, dựng lại lịch sử loài người từ lúc sáng tạo cho đến cao điểm ý định của Giê-hô-va Đức Chúa Trời đối với trái đất và nhân loại vào cuối Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ. Việc sử dụng kỹ thuật tương tự còn phải chờ nhiều năm nữa mới đạt đến thành công trên thị trường. Vậy mà hàng triệu người đã được xem miễn phí “Kịch-Ảnh về sự sáng tạo”!
“Kịch-Ảnh” sử dụng âm nhạc chọn lọc thu sẵn cùng với 96 bài giảng thu trên đĩa hát. Các hình đèn chiếu nổi dùng những tác phẩm nghệ thuật cổ điển để minh họa lịch sử thế giới. Ngoài ra, cần phải vẽ thêm hàng trăm bức họa tỉ mỉ và bức phác họa mới. Một số phim và hình đèn chiếu có màu được vẽ bằng tay tốn nhiều công phu. Công việc này được lặp
đi lặp lại nhiều lần, với thời gian có tới 20 bản sao của vở kịch bốn hồi đã được chuẩn bị xong. Nhờ vậy mà trong cùng một ngày có thể chiếu một phần của “Kịch-Ảnh” tại 80 thành phố!Hậu trường
Điều gì diễn ra ở hậu trường trong các buổi trình chiếu “Kịch-Ảnh”? Học Viên Kinh Thánh Alice Hoffman nói: “Kịch bắt đầu với phim chiếu hình anh Russell. Khi anh xuất hiện trên màn ảnh, và bắt đầu nhép môi, một máy hát được mở lên... và chúng tôi thích thú nghe giọng nói của anh”.
Ám chỉ đến nghệ thuật nhiếp ảnh đa thì (time-lapse photography), chị Zola Hoffman hồi tưởng: “Tôi ngồi đó trố mắt nhìn những ngày sáng tạo hiện ra. Chúng tôi tận mắt nhìn thấy những cánh hoa huệ từ từ hé nở”.
Anh Karl F. Klein, một người yêu âm nhạc thuộc Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va, nói thêm: “Vừa nhìn hình chúng tôi vừa thưởng thức âm nhạc du dương, các kiệt tác Narcissus và Humoreske chẳng hạn”.
Đồng thời cũng có những sự cố nhỏ khó quên. Anh Clayton J. Woodworth, Jr., hồi tưởng: “Đôi khi cũng xảy ra những sự trùng hợp khôi hài. Có lần đĩa hát phát ra bài ‘Tung cánh chim trốn lên núi’ trong khi trên màn hình lại hiện ra một con khủng long khổng lồ trước thời Nước Lụt!”
Ngoài “Kịch-Ảnh về sự sáng tạo” thông thường, ít lâu sau đó cũng có thêm bộ “Kịch Eureka”. (Xem khung). Một phần vừa có những bài diễn văn vừa có âm nhạc thu trên đĩa. Phần kia gồm đĩa thu sẵn cùng với hình đèn chiếu. Bộ “Kịch Eureka” dù không có hình điện ảnh nhưng vẫn rất thành công khi trình chiếu ở những vùng thưa thớt dân cư.
Một phương tiện rao giảng hiệu nghiệm
Cho đến cuối năm 1914, ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Úc Châu tổng cộng đã có tới 9.000.000 người được xem “Kịch-Ảnh”. Dù ít người, nhưng các Học Viên Kinh Thánh không thiếu niềm tin chắc cần thiết để rao giảng tin mừng với phương tiện mới này. Họ sẵn lòng đóng góp để thuê các địa điểm thích hợp để chiếu phim. Vậy “Kịch-Ảnh về sự sáng tạo” đã đạt thành công lớn trong việc giúp người xem làm quen với Lời Đức Chúa Trời và ý định của Ngài.
Trong một bức thư gửi ông C. T. Russell, một người viết: “Lần đầu tiên đi xem Kịch của ông đã đánh dấu bước ngoặt trong đời tôi; hay đúng hơn tôi muốn nói là bước ngoặt trong sự hiểu biết Kinh Thánh của tôi”. Một người khác viết: “Tôi suýt đánh mất đức tin nào ngờ đã được cứu nhờ ‘Kịch-Ảnh về sự sáng tạo’ được chiếu vào mùa hè vừa qua... Bây giờ tôi có sự bình an nội tâm mà thế gian không thể nào cho được, và tôi không muốn đánh đổi sự bình an ấy lấy sự giàu có của đời này”.
Demetrius Papageorge, một thành viên kỳ cựu tại trụ sở trung ương của Hội, bình luận: “Xét về số Học Viên Kinh Thánh ít ỏi và tài chính eo hẹp của họ thì ‘Kịch-Ảnh’ quả là một kiệt tác. Đúng là có thánh linh Đức Giê-hô-va yểm trợ!”
[Khung/Các hình nơi trang 8, 9]
“Kịch Eureka”
Tám tháng sau buổi trình chiếu “Kịch-Ảnh” lần đầu tiên, Hội thấy cần phải phỏng theo đó mà làm một bản phóng tác gọi là “Kịch Eureka”. Toàn bộ “Kịch-Ảnh” tiếp tục được trình chiếu tại những thành phố lớn, còn bộ “Eureka” thì trình bày cùng thông điệp cơ bản trong các làng mạc và vùng thôn quê. Một trong những bản “Kịch Eureka” được xem như đã tạo cho “các chị một cơ hội ngoại hạng” để rao giảng. Vì sao? Bởi vì cái hộp đựng các đĩa hát “Eureka” chỉ nặng có 14 kí. Dĩ nhiên, khi trình chiếu cũng cần mang theo một máy hát đĩa.