Bạn có thể đối phó với sự ngã lòng!
Bạn có thể đối phó với sự ngã lòng!
MỘT người khôn ngoan có lần đã viết: “Nếu con ngã lòng trong ngày hoạn-nạn, thì sức-lực con nhỏ-mọn thay”. (Châm-ngôn 24:10) Nếu đã từng ngã lòng, rất có thể bạn sẽ đồng ý với câu nói trên.
Không ai có thể tránh khỏi ảnh hưởng của sự ngã lòng. Một cơn ngã lòng nhẹ có thể kéo dài một hai ngày rồi nguôi đi, nhưng vấn đề có thể dai dẳng hơn khi dính líu đến sự đau lòng hoặc hờn giận. Một số tín đồ Đấng Christ đã từng trung thành qua nhiều năm đâm ra nản lòng đến độ ngưng rao giảng và không đi họp với hội thánh nữa.
Nếu bạn cảm thấy ngã lòng thì hãy can đảm lên! Các tôi tớ trung thành thời xưa đã thành công trong việc đối phó với sự ngã lòng, và với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời bạn cũng có thể làm được điều này.
Khi người khác làm bạn đau lòng
Không ai có thể tránh khỏi mọi lời nói sơ ý hoặc hành vi thiếu suy nghĩ. Tuy nhiên, bạn có thể quyết tâm không để cho sự bất toàn của người khác chi phối việc bạn phụng sự Đức Giê-hô-va. Nếu ai đó làm bạn đau lòng, bạn có thể thấy có ích khi xem cách An-ne, mẹ của Sa-mu-ên, xử lý một tình huống gây ngã lòng.
An-ne muốn có con vô cùng nhưng bà lại bị son sẻ. Vợ lẽ của chồng bà là Phê-ni-na đã sinh được con trai và con gái rồi. Thay vì thông cảm cảnh ngộ khốn khổ của An-ne, Phê-ni-na lại xem An-ne là kẻ tình địch và trêu ghẹo An-ne đến độ bà “khóc và không ăn”.—1 Sa-mu-ên 1:2, 4-7.
Một ngày nọ, An-ne đi lên đền tạm để cầu nguyện. Hê-li, thầy tế lễ thượng phẩm của Y-sơ-ra-ên, nhìn bà nhép môi. Không hiểu là An-ne đang cầu nguyện, Hê-li kết luận là hẳn bà say rượu. Ông hỏi: “Chừng nào nàng mới hết say? Hãy đi giã rượu đi”. (1 Sa-mu-ên 1:12-14) Bạn có thể tưởng tượng nỗi buồn của An-ne không? Bà đi lên đền tạm để tìm sự an ủi và chắc hẳn đã không ngờ sẽ bị người có uy tín nhất trong Y-sơ-ra-ên ngờ oan!
Tình trạng này dễ khiến An-ne vô cùng ngã lòng. Bà đã có thể đột ngột rời bỏ đền tạm, thề rằng hễ ngày nào ông Hê-li vẫn còn làm thầy tế lễ thượng phẩm, bà sẽ không bao giờ trở lại đó nữa. Tuy nhiên, rõ ràng là An-ne quý trọng mối liên lạc của bà với Đức Giê-hô-va. Bà biết rằng nếu hờn dỗi bỏ đi, thì hẳn Ngài sẽ không hài lòng. Đền tạm là trung tâm của sự thờ phượng thanh sạch và Đức Giê-hô-va đã đặt danh Ngài tại đó. Dù bất toàn đến đâu, Hê-li vẫn được Đức Giê-hô-va chọn làm người đại diện.
Câu trả lời lễ độ của An-ne khi bị Hê-li kết tội là gương mẫu quý giá cho chúng ta ngày nay. Bà đã không để cho người khác ngờ oan mình, nhưng đã đáp lại một cách rất kính trọng. Bà thưa: “Chẳng phải vậy, chúa; tôi vốn một đàn-bà có lòng buồn-bực, chẳng uống rượu hay là vật gì uống say; nhưng tôi giãi bày lòng tôi ra trước mặt Đức Giê-hô-va. Chớ tưởng con đòi của ông là một người đàn-bà gian-ác; vì nỗi đau-đớn và ưu-phiền quá độ của tôi bắt tôi phải nói đến bây giờ”.—1 Sa-mu-ên 1:15, 16.
An-ne có làm sáng tỏ sự thật không? Đương nhiên là có. Thế nhưng, bà nói với Hê-li một cách tế nhị, không dám chỉ trích ông về lời ngờ oan của ông. Cũng vậy, ông tử tế đáp lời bà: “Hãy đi bình-yên, nguyện Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên nhậm lời nàng đã cầu-xin cùng Ngài!” Một khi vấn đề đã 1 Sa-mu-ên 1:17, 18.
được làm sáng tỏ, An-ne “lui ra, ăn, và nét mặt nàng chẳng còn ra ưu-sầu nữa”.—Chúng ta học được gì qua câu chuyện này? An-ne đã mau mắn đính chính sự hiểu lầm, nhưng bà làm thế với sự kính trọng sâu xa. Kết quả là bà giữ được mối liên lạc tốt với Đức Giê-hô-va và Hê-li. Quả là khéo ăn nói và biết tế nhị một chút thường có thể tránh được chuyện bé xé ra to!
Phải nhìn nhận rằng muốn giải quyết những mối bất hòa với người khác đòi hỏi cả hai bên đều biết khiêm nhường và mềm mỏng. Nếu một người anh em cùng đạo không hưởng ứng nỗ lực của bạn để giải quyết một mối bất hòa, bạn có thể giao cho Đức Giê-hô-va định liệu sự việc, tin cậy rằng Ngài sẽ xử lý việc đó đúng kỳ và đúng cách.
Bạn đã mất đi một đặc ân phụng sự chăng?
Một số người đâm ra ngã lòng vì không được phụng sự Đức Chúa Trời nữa với một đặc ân mà mình quý chuộng. Họ đã yêu thích phục vụ anh em, và khi mất đặc ân ấy, họ cảm thấy như là không còn hữu ích cho Đức Giê-hô-va và tổ chức Ngài nữa. Nếu đấy chính là cảm nghĩ của bạn, bạn sẽ có được nhận thức đúng đắn hơn khi xem xét gương của người viết Kinh Thánh là Mác, cũng gọi là Giăng Mác.—Công-vụ 12:12.
Mác đi theo Phao-lô và Ba-na-ba trong chuyến làm giáo sĩ lần thứ nhất, nhưng giữa chừng lại bỏ họ để về Giê-ru-sa-lem. (Công-vụ 13:13) Sau đó, Ba-na-ba muốn dẫn Mác đi cùng với họ vào một chuyến đi khác. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói: “Phao-lô không có ý đem Mác đi với, vì người đã lìa hai người trong xứ Bam-phi-ly, chẳng cùng đi làm việc với”. Ba-na-ba không đồng ý và “nhân đó có sự cãi-lẫy nhau dữ-dội, đến nỗi [Phao-lô và Ba-na-ba] phân-rẽ nhau, và Ba-na-ba đem Mác cùng xuống thuyền vượt qua đảo Chíp-rơ. Còn Phao-lô... chọn Si-la, và... khởi đi”.—Công-vụ 15:36-40.
Hẳn là Mác đã rất buồn khi biết rằng mình không được sứ đồ Phao-lô đáng kính cho đi theo, và giữa Phao-lô và Ba-na-ba đã xảy ra một vụ tranh cãi sôi nổi về khả năng của Mác khiến mối quan hệ của họ bị rạn nứt. Nhưng vấn đề chưa hết.
Phao-lô và Si-la vẫn còn cần thêm một đồng bạn và khi đến Lít-trơ, họ tìm được một người thay thế Mác, một chàng trai tên Ti-mô-thê. Có thể khi được chọn, Ti-mô-thê chỉ mới làm báp têm được khoảng hai ba năm. Còn Mác thì đã kết hợp với hội thánh Đấng Christ từ khi mới được thành lập—quả vậy, lâu năm hơn cả Phao-lô nữa. Vậy mà Ti-mô-thê lại nhận được đặc ân ấy.—Công-vụ 16:1-3.
Mác đã phản ứng thế nào khi biết rằng một người trẻ tuổi hơn, ít kinh nghiệm hơn đã thế chỗ của mình? Kinh Thánh không đề cập đến. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho thấy rằng Mác tiếp tục tích cực phụng sự Đức Giê-hô-va. Ông tận dụng những đặc ân sẵn có trước mắt mình. Dù không thể cùng phụng sự với Phao-lô và Si-la, ông đã có thể đi với Ba-na-ba đến Chíp-rơ, nguyên quán của Ba-na-ba. Mác cũng đã cùng Phi-e-rơ phụng sự ở Ba-by-lôn. Cuối-cùng, ông cũng đã có cơ hội hợp tác với Phao-lô—và Ti-mô-thê—ở Rô-ma. (Cô-lô-se 1:1; 4:10; 1 Phi-e-rơ 5:13) Sau đó thậm chí Mác còn được soi dẫn để viết một trong bốn sách Phúc Âm!
Tất cả những điều này nói lên một bài học quý giá. Mác đã không quá bận tâm về việc bị mất một đặc ân đến nỗi coi thường những đặc ân khác đang trong tầm tay mình. Mác tiếp tục bận rộn trong công việc của Đức Giê-hô-va, và Ngài đã ban phước cho ông.
Vậy nếu bạn đã mất đi một đặc ân, chớ ngã lòng. Nếu giữ được một thái độ tích cực và tiếp tục bận rộn, bạn sẽ nhận được những đặc ân khác. Trong công việc của Chúa có biết bao việc để làm.—1 Cô-rinh-tô 15:58.
Một tôi tớ trung thành ngã lòng
Kiên trì đánh trận tốt cho đức tin không phải là chuyện dễ dàng. Đôi khi, bạn có thể
ngã lòng. Lúc ấy bạn có thể ngay cả mang mặc cảm tội lỗi vì nghĩ rằng một tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời không thể ngã lòng được. Hãy nghĩ đến Ê-li, một trong những nhà tiên tri xuất chúng của Y-sơ-ra-ên.Khi hoàng hậu Giê-sa-bên của Y-sơ-ra-ên, một kẻ cuồng tín cổ võ cho sự thờ phượng Ba-anh, biết được rằng Ê-li đã giết chết các tiên tri của Ba-anh, bà thề sẽ giết ông. Trước đó, Ê-li đã từng đối phó với những kẻ thù lợi hại hơn Giê-sa-bên nhiều, nhưng bỗng dưng ông đâm ra ngã lòng đến nỗi muốn chết. (1 Các Vua 19:1-4) Làm sao điều đó lại có thể xảy ra? Ông đã quên một điều.
Ê-li đã quên xem Đức Giê-hô-va như Nguồn sức mạnh của mình. Ai đã cho Ê-li quyền năng làm người chết sống lại và đối phó với các tiên tri của Ba-anh? Đức Giê-hô-va. Chắc chắn, Đức Giê-hô-va cũng có thể cho ông sức mạnh để đối phó với cơn giận của Hoàng Hậu Giê-sa-bên.—1 Các Vua 17:17-24; 18:21-40; 2 Cô-rinh-tô 4:7.
Thỉnh thoảng sự tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va có thể bị lung lay. Giống như Ê-li, đôi khi bạn có thể nhìn một vấn đề nào đó theo quan điểm của loài người, thay vì sử dụng “sự khôn-ngoan từ trên” để xử lý. (Gia-cơ 3:17) Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã không bỏ rơi Ê-li vì sự sai sót nhất thời này.
Ê-li đã trốn đến Bê-e-Sê-ba, và sau đó đi đến sa mạc, nơi mà ông nghĩ sẽ không ai tìm ra ông. Nhưng Đức Giê-hô-va đã tìm thấy ông và Ngài phái một thiên sứ đến an ủi ông. Thiên sứ đã lo cho ông có bánh mới nướng để ăn và nước mát lạnh để uống. Sau khi Ê-li nghỉ ngơi, thiên sứ bảo ông lên đường đi bộ khoảng 300 kilômét đến Núi Hô-rép. Ở đó ông sẽ được Đức Giê-hô-va tiếp tục thêm sức.—1 Các Vua 19:5-8.
Trên Núi Hô-rép, Ê-li chứng kiến một sự biểu dương về quyền năng của Đức Giê-hô-va khiến đức tin ông vững mạnh thêm. Rồi, với một giọng nói êm dịu, Đức Giê-hô-va trấn an rằng ông không cô độc. Đức Giê-hô-va ở cùng ông; và ngoài ra, ông cũng có 7.000 anh em trung thành khác, dù ông không biết đến họ. Cuối cùng, Đức Giê-hô-va giao việc cho ông làm. Ngài không bãi chức tiên tri của ông!—1 Các Vua 19:11-18.
Có sự giúp đỡ
Nếu thỉnh thoảng bị ngã lòng, bạn có thể thấy khá hơn nếu được nghỉ ngơi thêm hoặc ăn uống bổ dưỡng. Anh Nathan H. Knorr, một thời là thành viên Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va cho đến khi anh mất vào năm 1977, có lần nhận xét rằng các vấn đề lớn thường trở thành bớt nghiêm trọng sau một đêm ngủ ngon giấc. Tuy nhiên, khi vấn đề dai dẳng hơn, một giải pháp như thế có thể không thích hợp—bạn sẽ cần được giúp đỡ để chống lại sự ngã lòng.
Vào thời xưa, Đức Giê-hô-va đã phái một thiên sứ đến bổ sức cho Ê-li. Ngày nay, Đức Chúa Trời an ủi chúng ta qua các trưởng lão và các tín đồ thành thục khác của Đấng Christ. Các trưởng lão có thể thật sự “như nơi núp gió”. (Ê-sai 32:1, 2) Nhưng muốn được họ an ủi, bạn cần phải chủ động. Dù ngã lòng, Ê-li đã phải đi lên Núi Hô-rép để nhận sự chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va. Chúng ta được củng cố qua sự dạy dỗ của hội thánh tín đồ Đấng Christ.
Khi chấp nhận sự giúp đỡ và can đảm đương đầu với thử thách, chẳng hạn như lúc bị đau lòng hay do mất một đặc ân phụng sự nào đó, chúng ta ủng hộ Đức Giê-hô-va trong một cuộc tranh chấp quan trọng. Tranh chấp nào? Sa-tan cho rằng con người chỉ phụng sự Đức Giê-hô-va vì lòng ích kỷ mà thôi. Sa-tan không chối cãi việc chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va khi mọi sự đều suôn sẻ, nhưng hắn tranh cãi rằng khi gặp vấn đề khó khăn, chúng ta sẽ bỏ cuộc. (Gióp, chương 1 và 2) chúng ta góp phần vào việc đáp lại lời vu khống của Ma-quỉ nhờ trung kiên phụng sự Đức Giê-hô-va dù ngã lòng.—Châm-ngôn 27:11.
An-ne, Mác và Ê-li thảy đều đã gặp phải những khó khăn khiến họ nhất thời mất đi
niềm vui. Dù vậy, họ đối phó với vấn đề của họ và tiếp tục sống hữu dụng. Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chính bạn cũng có thể đối phó với sự ngã lòng!