Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phụng sự bất cứ nơi nào có nhu cầu

Phụng sự bất cứ nơi nào có nhu cầu

Tự truyện

Phụng sự bất cứ nơi nào có nhu cầu

DO JAMES B. BERRY KỂ LẠI

Năm đó là năm 1939. Cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế đã khiến đời sống ở Hoa Kỳ chật vật, và chiến tranh đe dọa Âu Châu. Tôi và Bennett, em trai tôi, rời gia đình chúng tôi ở tiểu bang Mississippi để đi tìm việc ở Houston, tiểu bang Texas.

VÀO một ngày nọ gần cuối mùa hè, từ âm thanh rè rè của máy radio chúng tôi nghe một lời thông báo kinh khủng: Quân đội của Hitler đã tiến vào Ba Lan. Em tôi thốt lên: “Thôi rồi, Ha-ma-ghê-đôn đã bùng nổ!” Lập tức chúng tôi nghỉ việc và đi đến Phòng Nước Trời gần nhất để dự buổi họp đầu tiên trong đời chúng tôi. Nhưng tại sao lại đi đến Phòng Nước Trời? Tôi xin phép kể lại đầu đuôi câu chuyện.

Tôi sinh năm 1915 ở Hebron, tiểu bang Mississippi và lớn lên ở thôn quê. Mỗi năm một lần, các Học Viên Kinh Thánh—tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ—đi xuyên qua vùng và sắp đặt nói bài giảng ở nhà một người nào đó. Kết quả là cha mẹ tôi có nhiều ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Tôi và Bennett dần dần tin những điều các sách này dạy: Địa ngục không nóng bỏng, linh hồn không bất tử, người công bình sẽ sống mãi mãi trên đất. Tuy vậy, chúng tôi vẫn còn phải học thêm nhiều điều nữa. Ít lâu sau khi ra trường, tôi và em tôi đi tìm việc làm ở Texas.

Cuối cùng, khi chúng tôi tiếp xúc với các Nhân Chứng tại Phòng Nước Trời, họ hỏi chúng tôi có phải là người tiên phong hay không. Hồi đó chúng tôi chưa biết tiên phong là người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va. Rồi họ hỏi chúng tôi có thích rao giảng không. Chúng tôi đáp: “Có chứ!” và tưởng rằng họ sẽ phái một người đi theo chúng tôi để chỉ cách thức rao giảng. Trái lại, họ đưa cho chúng tôi một bản đồ và nói: “Đây là khu vực rao giảng của các anh!” Tôi và Bennett chẳng biết ất giáp gì về việc rao giảng, chúng tôi cũng không thích bị ngượng. Cuối cùng, chúng tôi chỉ bỏ bản đồ đó vào thùng thư gửi trả lại và trở về Mississippi!

Để cho lẽ thật thấm sâu vào lòng

Sau khi trở về nhà, và trong ngót một năm, chúng tôi mỗi ngày đọc các ấn phẩm của Nhân Chứng. Thời đó nhà không có điện nên ban đêm chúng tôi phải đọc sách bên ánh lửa. Dạo ấy, các giám thị lưu động viếng thăm các hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va và cả các Nhân Chứng sống lẻ loi để củng cố sức khỏe thiêng liêng cho họ. Anh Ted Klein, một trong những giám thị này, đến thăm hội thánh chúng tôi, và dẫn tôi và Bennett đi rao giảng từng nhà với anh, thường thì anh đi chung với cả hai anh em chúng tôi. Anh giải thích cho chúng tôi biết về công việc tiên phong.

Gần gũi với anh Klein đã thật sự khiến chúng tôi nghĩ đến việc phụng sự Đức Chúa Trời nhiều hơn. Thế là vào ngày 18 tháng 4 năm 1940, anh Klein làm báp têm cho em trai tôi là Bennett, em gái tôi tên là Velva và cả tôi nữa. Cha mẹ cũng có mặt khi chúng tôi làm báp têm và họ sung sướng về quyết định này. Khoảng hai năm sau, họ cũng làm báp têm. Cha mẹ tôi vẫn trung thành với Đức Chúa Trời cho đến chết. Cha tôi mất vào năm 1956, và mẹ tôi, năm 1975.

Khi anh Klein hỏi tôi có thể làm tiên phong không, tôi nói với anh rằng tôi thích lắm nhưng lại không tiền, không quần áo, và không có gì cả. Anh nói: “Được rồi, anh sẽ lo liệu tất cả!” Và anh đã giữ lời. Trước hết, anh gửi đơn làm tiên phong của tôi đi, sau đó chở tôi đến New Orleans, cách nhà tôi độ 300 kilômét, và chỉ cho tôi thấy một vài căn hộ đẹp ở trên lầu của một Phòng Nước Trời. Những căn hộ đó được dành cho người tiên phong. Chẳng bao lâu, tôi dọn đến đó ở và bắt đầu sự nghiệp tiên phong. Các Nhân Chứng ở New Orleans hỗ trợ bằng cách cung cấp quần áo, tiền bạc và thực phẩm cho những người tiên phong. Ban ngày các anh em thường mang thực phẩm đến để trước cửa, thậm chí cất vào tủ lạnh cho chúng tôi. Một anh làm chủ nhà hàng ở gần đó thường xuyên mời chúng tôi đến vào giờ anh sắp đóng cửa để lấy thức ăn làm sẵn còn dư trong ngày, như thịt, bánh mì, đậu hầm và bánh ngọt.

Đối phó với đám đông hung bạo

Một thời gian sau, tôi được bổ nhiệm làm tiên phong ở Jackson, tiểu bang Mississippi. Tôi và anh bạn trẻ cùng làm tiên phong đã bị đám đông hành hung một vài lần, và dường như với sự ủng hộ của lực lượng cảnh sát địa phương! Ở Columbus, tiểu bang Mississippi—nhiệm vụ kế tiếp của chúng tôi—thì cũng vậy. Vì chúng tôi rao giảng cho người thuộc mọi chủng tộc và quốc tịch cho nên một số người da trắng ghét chúng tôi. Nhiều người nghĩ rằng chúng tôi phạm tội dấy loạn và viên chỉ huy Lữ Đoàn Mỹ (American Legion), một tổ chức rất ái quốc, cũng nghĩ như vậy. Nhiều lần ông ta xúi đám đông giận dữ tấn công chúng tôi.

Lần đầu tiên bị tấn công ở Columbus, một đám đông tràn đến áp đảo chúng tôi khi chúng tôi đang mời nhận tạp chí ngoài đường phố. Họ dồn chúng tôi vào cửa kính của một tiệm buôn. Nhiều người khác kéo nhau đến để xem chuyện gì xảy ra. Chẳng mấy chốc cảnh sát cũng có mặt và chở chúng tôi đến tòa án. Bám sát theo chúng tôi đến tận tòa án, đám đông thông báo trước mặt các viên chức rằng nếu chúng tôi rời khỏi thị trấn trước một kỳ hạn nào đó, thì sẽ được toàn mạng, bằng không, tất sẽ mất mạng đấy! Chúng tôi nghĩ tốt hơn là nên rời khỏi thị trấn một thời gian. Nhưng ít tuần sau, chúng tôi trở lại và tiếp tục rao giảng.

Ít lâu sau, một băng đảng gồm tám người đàn ông xông vào chúng tôi và ép chúng tôi lên hai chiếc xe của họ. Họ chở chúng tôi vào rừng, cởi hết quần áo của chúng tôi và lấy sợi dây thắt lưng của tôi quất chúng tôi mỗi người 30 cái! Bọn chúng có súng và cả dây thừng nữa, phải nói là chúng tôi rất kinh hoàng. Tôi tưởng rằng chúng sẽ trói và quăng chúng tôi xuống sông. Chúng xé nát và vất tung tóe các ấn phẩm của chúng tôi, và đập máy hát đĩa của chúng tôi vào một gốc cây cho bể tan tành.

Sau khi đánh đập chúng tôi, bọn chúng bảo chúng tôi mặc quần áo vào, đi theo con đường mòn trong rừng và không được nhìn lại. Khi đang bước đi, chúng tôi nghĩ rằng giá như chúng tôi dám liều quay lại, ắt bọn chúng sẽ bắn chết chúng tôi mà không để lộ tông tích gì cả! Nhưng ít phút sau, chúng tôi nghe tiếng chúng lái xe đi mất.

Vào một dịp khác, một đám đông giận dữ rượt đuổi, chúng tôi đã phải cột chặt quần áo vào cổ và lội qua sông để trốn thoát. Không lâu sau đó, chúng tôi bị bắt và bị kết tội dấy loạn. Chúng tôi bị giam ba tuần trước khi được đưa ra xét xử. Mọi người ở Columbus đều biết đến vụ này. Ngay cả các sinh viên của trường đại học kế cận được phép về sớm để đi dự phiên tòa. Vào ngày xét xử chúng tôi, tòa án đông nghịt người đến độ hết chỗ ngồi! Hai mục sư, ông thị trưởng, và cảnh sát đại diện cho Chính Quyền.

Một luật sư Nhân Chứng Giê-hô-va là G. C. Clarke với một luật sư khác biện hộ cho chúng tôi. Họ yêu cầu hủy bỏ vụ kiện chúng tôi vì thiếu bằng chứng về tội dấy loạn. Luật sư cộng tác với anh Clarke đưa ra những lời biện hộ hùng hồn bênh vực chúng tôi, dù ông ta không phải là một Nhân Chứng Giê-hô-va. Giữa chừng, ông nói với quan tòa: “Nhiều người nói Nhân Chứng Giê-hô-va là những người điên. Điên ư? Ông Thomas Edison cũng bị người ta cho là điên!” Rồi ông giơ tay chỉ một cái đèn điện và nói: “Nhưng quí vị hãy nhìn vào bóng đèn điện kia!” Có thể một số người đã xem ông Edison, nhà phát minh bóng đèn điện, là điên rồ, nhưng không ai có thể phủ nhận những thành tựu của ông.

Sau khi nghe qua lời chứng, chánh án tòa án lưu động thông báo cho ủy viên công tố: “Ông không trưng ra được bằng chứng nào về tội dấy loạn cả, và những người này có quyền thực hiện công việc của họ. Chớ dẫn họ đến tòa án này lần nữa làm phí thì giờ và tiền bạc của Chính Quyền cũng như thì giờ của tôi, cho đến chừng nào có được bằng chứng!” Chúng tôi đã thắng kiện!

Nhưng sau đó, chánh án gọi chúng tôi vào phòng làm việc của ông. Ông biết cả thị trấn đều chống lại quyết định của ông. Bởi vậy, ông khuyến cáo chúng tôi: “Hồi nãy, tôi nói theo pháp luật, riêng tôi xin khuyên hai ông: Hãy đi khỏi đây, nếu không họ sẽ giết hai ông đấy!” Biết ông ta có lý, nên chúng tôi rời khỏi thị trấn.

Đi khỏi nơi đó, tôi kết hợp với Bennett và Velva, đang làm tiên phong đặc biệt ở Clarksville, tiểu bang Tennessee. Ít tháng sau, chúng tôi được bổ nhiệm đến Paris, ở tiểu bang Kentucky. Một năm rưỡi sau, khi sắp sửa thành lập một hội thánh ở đó, tôi và Bennett nhận được một thư mời rất đặc biệt.

Lên đường làm giáo sĩ

Khi đọc lá thư mời đi thụ huấn khóa hai của Trường Ga-la-át của Hội Tháp Canh, chúng tôi nghĩ: ‘Họ mời nhầm người rồi! Ai lại đi mời hai anh dân dã vùng Mississippi đi học?’ Chúng tôi tưởng họ chỉ mời người học thức mà thôi, nhưng dù sao đi nữa, chúng tôi vẫn đi dự. Lớp học có 100 học viên và khóa học dài năm tháng. Chúng tôi mãn khóa vào ngày 31-1-1944 và nóng lòng phụng sự trong một cánh đồng hải ngoại. Nhưng vào dạo ấy, thủ tục làm hộ chiếu và thị thực đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian, bởi vậy các học viên tạm thời được bổ nhiệm phụng sự ở Hoa Kỳ. Sau khi phụng sự một thời gian với tư cách người tiên phong ở Alabama và Georgia, cuối cùng Bennett và tôi nhận được nhiệm vụ mới—Barbados, ở Tây Ấn.

Thế Chiến II vẫn còn đang tiếp diễn, và ở nhiều nơi, kể cả ở Barbados, Nhân Chứng Giê-hô-va không được rao giảng, cũng không được phân phát ấn phẩm. Ở trạm hải quan tại đó, khi nhân viên hải quan mở hành lý của chúng tôi và khám xét, họ tìm thấy các ấn phẩm mà chúng tôi giấu trong đó. Chúng tôi nghĩ: ‘Vậy là đời tàn’. Nhưng trái lại, một viên chức chỉ nói: “Chúng tôi rất tiếc phải khám kỹ hành lý của các ông; một số sách báo này bị cấm ở Barbados”. Thế mà ông ta vẫn cho chúng tôi đi qua với mọi ấn phẩm mà chúng tôi đã cất vào va-li! Sau đó, khi chúng tôi làm chứng cho nhân viên chính phủ, họ bảo không biết tại sao ấn phẩm lại bị cấm. Vài tháng sau, lệnh cấm đã bị thu hồi.

Thánh chức của chúng tôi rất thành công ở Barbados. Mỗi người chúng tôi hướng dẫn ít nhất 15 học hỏi Kinh Thánh và hầu hết những người học đều tiến bộ về thiêng liêng. Chúng tôi sung sướng thấy một số người trong họ đến họp với hội thánh. Tuy nhiên, vì ấn phẩm đã bị cấm đoán một thời gian trước đó, anh em địa phương thiếu sự hiểu biết mới nhất về cách tổ chức các buổi họp. Nhưng chẳng bao lâu chúng tôi đã huấn luyện được một số anh có khả năng. Chúng tôi vui mừng được giúp nhiều người học hỏi với chúng tôi bắt đầu đi rao giảng và nhìn thấy hội thánh gia tăng.

Nuôi nấng gia đình

Sau khi ở Barbados được 18 tháng, tôi cần được giải phẫu và tôi trở về Hoa Kỳ. Ở đó, tôi cưới một chị Nhân Chứng tên là Dorothy, mà trước đó tôi có trao đổi thư từ. Rồi tôi và vợ tôi làm tiên phong ở Tallahassee, tiểu bang Florida, nhưng sáu tháng sau, chúng tôi dọn nhà về Louisville, tiểu bang Kentucky, nơi mà một anh Nhân Chứng cho tôi việc làm. Em tôi, Bennett, tiếp tục làm công việc giáo sĩ ở Barbados thêm nhiều năm nữa. Sau đó, chú ấy thành hôn với một chị giáo sĩ và phục vụ trong công việc lưu động trên các đảo. Cuối cùng, hai vợ chồng phải trở về Hoa Kỳ vì lý do sức khỏe. Họ tiếp tục phục vụ các hội thánh nói tiếng Tây Ban Nha qua công việc lưu động cho đến khi Bennett mất vào năm 1990, vào tuổi 73.

Vào năm 1950, Dorothy sinh con gái đầu lòng mà chúng tôi đặt tên là Daryl. Cuối cùng, chúng tôi có tất cả năm cháu. Đứa thứ hai, Derrick, chết sớm lúc mới có hai tuổi rưỡi do bệnh viêm màng não. Rồi Leslie sinh năm 1956, và sau đó là Everett năm 1958. Tôi và Dorothy cố gắng nuôi nấng con cái theo lẽ thật và đường lối của Kinh Thánh. Chúng tôi luôn duy trì một chương trình học hỏi Kinh Thánh gia đình hàng tuần và tạo sự thích thú học hỏi để các cháu thích học. Ngay cả khi Daryl, Leslie và Everett hãy còn nhỏ, mỗi tuần chúng tôi giao cho chúng những câu hỏi để tra cứu và trả lời vào tuần sau. Chúng cũng tập trình diễn rao giảng từ nhà này sang nhà kia. Một đứa đi vào buồng đựng quần áo và giả làm chủ nhà trong khi đứa kia đứng ở ngoài và gõ cửa. Chúng khôi hài và dọa nạt lẫn nhau, nhưng điều này giúp chúng tập ưa thích công việc rao giảng. Chúng tôi cũng thường xuyên đi rao giảng với chúng.

Khi con út của chúng tôi, Elton, ra đời năm 1973, Dorothy đã gần 50 còn tôi thì sắp được 60. Trong hội thánh, anh chị em gọi chúng tôi là Áp-ra-ham và Sa-ra! (Sáng-thế Ký 17:15-17) Các anh của Elton thường dẫn nó đi theo khi rao giảng. Chúng tôi cảm thấy đó là một việc làm chứng hùng hồn khi cả gia đình—nào anh chị em, nào cha mẹ, nào con cái—đi rao giảng chung, chia sẻ lẽ thật Kinh Thánh với người khác. Các anh của Elton thay phiên nhau vác em trên vai và cho nó cầm trong tay một tờ giấy nhỏ giải thích Kinh Thánh. Khi mở cửa và thấy một cậu bé đáng yêu ngồi trên vai anh nó, hầu như người ta luôn luôn lắng nghe. Các cháu trai dạy Elton trao giấy nhỏ cho chủ nhà khi nói chuyện xong và chính nó cũng bập bẹ vài lời. Nó bắt đầu rao giảng như thế đấy.

Năm tháng trôi qua, chúng tôi đã giúp được một số người khác biết đến Đức Giê-hô-va. Vào cuối thập kỷ 1970, chúng tôi dọn nhà từ Louisville đến Shelbyville, tiểu bang Kentucky, để phụng sự trong một hội thánh cần giúp đỡ. Khi ở đó, không những chúng tôi chứng kiến sự gia tăng trong hội thánh, mà lại còn giúp tìm địa điểm và cất Phòng Nước Trời. Sau đó, chúng tôi được yêu cầu dọn đến một hội thánh khác không xa mấy.

Đời sống gia đình bất ổn

Ước gì tôi có thể nói rằng tất cả các con chúng tôi đều tiếp tục trong đường lối Đức Giê-hô-va, nhưng tiếc thay. Sau khi lớn lên và ra riêng, ba trong số những đứa còn lại đã từ bỏ lẽ thật. Tuy nhiên, con trai Everett của chúng tôi theo gương tôi và tham gia thánh chức trọn thời gian. Sau đó cháu phụng sự tại trụ sở trung ương thế giới của Nhân Chứng Giê-hô-va ở New York, và được mời thụ huấn khóa 77 của Trường Ga-la-át vào năm 1984. Sau khi tốt nghiệp, cháu được bổ nhiệm đi Sierra Leone, Tây Phi. Vào năm 1988, Everett cưới Marianne, một người tiên phong từ Bỉ đến. Cả hai cùng làm giáo sĩ kể từ dạo đó.

Như mọi cha mẹ khác có thể tưởng tượng, chúng tôi thật đau lòng khi nhìn thấy ba trong số các con mình từ bỏ lối sống vừa thỏa đáng cho bây giờ, vừa đầy hy vọng đẹp đẽ về sự sống đời đời trong địa đàng tương lai. Đôi khi tôi tự trách mình. Nhưng tôi lại thấy an ủi khi biết rằng một số con thần linh, hay thiên sứ của chính Đức Giê-hô-va cũng ngưng phụng sự Ngài—mặc dù Đức Giê-hô-va thi hành kỷ luật trong tình yêu thương đầy ân điển và không bao giờ nhầm lẫn. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4; Giăng 8:44; Khải-huyền 12:4, 9) Điều này khắc sâu trong trí tôi rằng dù cha mẹ có cố gắng nuôi nấng con cái trong đường lối Đức Giê-hô-va đến đâu chăng nữa, một số vẫn có thể từ chối chấp nhận lẽ thật.

Giống như một cái cây bị gió mạnh thổi ngã, chúng ta phải uyển chuyển để thích nghi với những nỗi khó khăn và vấn đề khác nhau khi chúng đánh vào chúng ta. Qua năm tháng, tôi thấy rằng việc học hỏi Kinh Thánh đều đặn và dự các buổi họp cho tôi nghị lực để thích nghi và sống sót về thiêng liêng. Khi về già và nhìn lại những lỗi lầm đã qua, tôi cố nhìn khía cạnh tích cực của sự việc. Nghĩ cho cùng, nếu cứ tiếp tục trung thành, những kinh nghiệm ấy càng làm cho sự phát triển thiêng liêng của chúng ta tăng thêm. Nếu rút được kinh nghiệm từ những lỗi lầm đó, chúng ta sẽ tìm được những điểm tích cực trong các khía cạnh tiêu cực.—Gia-cơ 1:2, 3.

Giờ đây tôi và Dorothy không còn khỏe mạnh để phụng sự Đức Giê-hô-va như ý muốn. Nhưng chúng tôi biết ơn về sự yểm trợ của anh chị em tín đồ yêu dấu. Hầu như vào mỗi buổi họp, anh em nói với chúng tôi họ quý trọng biết là dường bao sự có mặt của chúng tôi ở các buổi họp. Họ cũng giúp đỡ chúng tôi bằng mọi cách khác họ có thể làm được, thậm chí cả đến việc sửa sang nhà cửa và xe cộ.

Thỉnh thoảng chúng tôi có thể tham gia công việc tiên phong phụ trợ, và hướng dẫn học hỏi với những người chú ý. Một diễm phúc đặc biệt luôn làm chúng tôi vui sướng là khi nhận được tin tức của con trai chúng tôi ở Phi Châu. Chúng tôi vẫn duy trì học hỏi gia đình, dù nay chỉ còn lại hai vợ chồng mà thôi. Chúng tôi sung sướng đã dành nhiều năm để phụng sự Đức Giê-hô-va. Ngài cam kết với chúng ta rằng Ngài sẽ không ‘bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của chúng ta đã tỏ ra vì danh Ngài’.—Hê-bơ-rơ 6:10.

[Hình nơi trang 25]

Velva, Bennett và tôi lúc được anh Ted Klein làm báp têm vào ngày 18 tháng 4 năm 1940

[Các hình nơi trang 26]

Với Dorothy, vợ tôi, vào đầu thập niên 1940 và năm 1997

[Hình nơi trang 27]

Bài diễn văn công cộng “Chúa Bình An” được quảng bá trên một xe buýt thành phố ở Barbados

[Hình nơi trang 27]

Bennett, em tôi, trước nhà giáo sĩ