Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao bạn nên quan tâm đến các cuộn sách tại vùng Biển Chết?

Tại sao bạn nên quan tâm đến các cuộn sách tại vùng Biển Chết?

Tại sao bạn nên quan tâm đến các cuộn sách tại vùng Biển Chết?

Trước khi phát hiện các cuộn sách tại vùng Biển Chết, bản Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ chép tay xưa nhất người ta có thuộc khoảng thế kỷ thứ chín và thứ mười CN. Liệu những bản chép tay này có thật sự truyền đạt trung thực Lời Đức Chúa Trời không, vì Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ đã hoàn tất trước đó hơn một ngàn năm? Giáo sư Julio Trebolle Barrera, một thành viên của nhóm quốc tế thu thập và xuất bản các cuộn sách tại vùng Biển Chết, phát biểu: “Cuộn sách Ê-sai (được tìm thấy tại Qumran) đưa ra bằng chứng không thể chối cãi được là Kinh Thánh được những người sao chép Do Thái truyền đạt lại cực kỳ trung thực và cẩn thận dù đã trải qua thời gian hơn một ngàn năm”.

CUỘN sách mà Barrera nói đến là cuộn sách chứa đựng toàn bộ sách Ê-sai. Cho đến nay, trong số hơn 200 bản chép tay được tìm thấy tại Qumran, người ta nhận ra các sách Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, trừ sách Ê-xơ-tê. Không giống như Cuộn Ê-sai, phần lớn những mảnh chép tay tìm được ít hơn một phần mười các sách tương ứng. Những sách Kinh Thánh phổ cập nhất tại Qumran là Thi-thiên (36 bản), Phục-truyền Luật-lệ Ký (29 bản) và Ê-sai (21 bản). Những sách này cũng thường được trích dẫn nhất trong Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp.

Dù những cuộn sách chứng minh về cơ bản Kinh Thánh không thay đổi, nhưng trong chừng mực nào đó cho thấy có sự khác biệt so với bản dịch Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ được người Do Thái dùng trong thời kỳ Đền Thờ Thứ Hai, mỗi bản có sự biến đổi riêng. Không phải tất cả những cuộn sách đều y hệt bản Kinh Thánh Masoretic theo vần hoặc theo cách viết. Một số cuộn sát với bản Kinh Thánh Hy Lạp Septuagint hơn. Trước đây nhiều học giả nghĩ rằng sở dĩ có những sự khác nhau trong bản Kinh Thánh Septuagint là do hậu quả của việc hiểu sai ý hoặc thậm chí do người dịch chủ tâm biến chế. Giờ đây những cuộn sách cho thấy những điểm khác nhau này thật sự là do sự biến đổi trong bản Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Điều này có thể giải thích một số trường hợp khi tín đồ Đấng Christ thời ban đầu trích dẫn Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ với lời lẽ khác so với bản Kinh Thánh Masoretic.—Xuất Ê-díp-tô Ký 1:5; Công-vụ 7:14.

Vậy, sự phát hiện kho tàng này cung cấp một cơ bản tuyệt vời cho việc nghiên cứu bản Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ được truyền lại cho chúng ta. Các cuộn sách tại vùng Biển Chết củng cố giá trị của cả hai bản Kinh Thánh Septuagint và sách Ngũ Thư của người Sa-ma-ri trong việc so sánh văn bản. Chúng cung cấp thêm một nguồn hỗ trợ cho những người dịch Kinh Thánh khi xem xét những đoạn văn có thể cần được sửa lại trong bản Kinh Thánh Masoretic. Trong một số trường hợp, những cuộn sách này củng cố quyết định của Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới trong việc phục hồi danh của Đức Giê-hô-va vào những chỗ mà bản Kinh Thánh Masoretic đã xóa.

Những cuộn sách miêu tả luật lệ và niềm tin của giáo phái Qumran cho thấy rất rõ rằng vào thời Chúa Giê-su không phải chỉ có một hình thức của đạo Do Thái. Giáo phái Qumran có những truyền thống khác biệt so với người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê. Những sự khác biệt này rất có thể đã khiến giáo phái rút lui vào đồng vắng. Họ lầm lẫn nghĩ rằng tiếng kêu trong đồng vắng ban bằng đường cho Đức Giê-hô-va nơi Ê-sai 40:3 là chỉ về họ. Một số mảnh sách vụn nói về Đấng Mê-si, Đấng mà các tác giả cho là sắp đến. Điều này đặc biệt thú vị vì Lu-ca nói rằng “dân-chúng vẫn trông đợi” sự đến của Đấng Mê-si.—Lu-ca 3:15.

Trong chừng mực nào đó, các cuộn sách tại vùng Biển Chết giúp chúng ta hiểu bối cảnh cuộc sống của người Do Thái vào thời Chúa Giê-su rao giảng. Sách cung cấp thông tin dùng để so sánh trong việc nghiên cứu tiếng Hê-bơ-rơ cổ và Kinh Thánh. Nhưng nhiều cuộn sách tại vùng Biển Chết vẫn cần được phân tích kỹ hơn. Vì vậy có thể chưa có nhiều sự thông sáng mới. Quả thật, phát hiện khảo cổ lớn nhất của thế kỷ 20 vẫn tiếp tục gây kích động cho giới học giả lẫn những học viên Kinh Thánh khi chúng ta đang bước vào thế kỷ 21.

[Nguồn hình ảnh nơi trang 7]

Những cuộc khai quật tại Qumran: Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.; bản chép tay: Courtesy of Shrine of the Book, Israel Museum, Jerusalem