Đạo thật Đấng Christ đắc thắng!
Đạo thật Đấng Christ đắc thắng!
“Ấy vậy, nhờ quyền-phép của Chúa, đạo bèn đồn ra, càng ngày càng được thắng”.—CÔNG-VỤ 19:20.
1. Hãy miêu tả sự phát triển của đạo Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất.
TÍN ĐỒ Đấng Christ thời ban đầu được sức mạnh thánh linh thúc đẩy đã sốt sắng rao giảng đạo Đức Chúa Trời, không một trở lực nào có thể làm nhụt nhuệ khí của họ. Một sử gia đã viết: “Đạo Đấng Christ đã nhanh chóng lan rộng khắp Đế Quốc La Mã một cách đáng kinh ngạc. Đến năm 100 hầu như mỗi tỉnh ven Địa Trung Hải đều có cộng đồng đạo Đấng Christ”.
2. Sa-tan mưu đồ chống lại tin mừng ra sao, và điều này đã được báo trước như thế nào?
2 Sa-tan Ma-quỉ không thể bịt miệng các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu. Thay vì thế, hắn cố chống lại tác động của tin mừng bằng hình thức khác, đó là sự bội đạo. Chúa Giê-su đã báo trước về điều này trong ví dụ về lúa mì và cỏ lùng. (Ma-thi-ơ 13:24-30, 36-43) Sứ đồ Phi-e-rơ cũng cảnh báo trong hội thánh sẽ có giáo sư giả nổi lên truyền những đạo dối làm hại. (2 Phi-e-rơ 2:1-3) Tương tự thế, sứ đồ Phao-lô đặc biệt cảnh báo về sự bội đạo sẽ đến trước ngày của Đức Giê-hô-va.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-3.
3. Điều gì xảy ra sau khi các sứ đồ chết?
3 Sau khi các sứ đồ chết, tin mừng bị những dạy dỗ và triết lý ngoại giáo làm lu mờ. Như đã báo trước, các giáo sư giả xuyên tạc và làm ô uế thông điệp tinh khiết của lẽ thật. Đạo thật Đấng Christ dần dần bị đạo tự xưng theo Đấng Christ lấn át. Hàng ngũ giáo phẩm xuất hiện, tìm mọi cách ngăn cản không để Kinh Thánh tới tay dân thường. Dù số người tự xưng là tín đồ Đấng Christ gia tăng nhưng sự thờ phượng của họ không thanh sạch. Tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ nới rộng địa bàn, trở thành tổ chức có thế lực và ảnh hưởng lớn trong văn hóa phương Tây, song không hề nhận được ân phước và thánh linh của Đức Chúa Trời.
4. Tại sao âm mưu của Sa-tan nhằm ngăn trở ý định của Đức Chúa Trời phải thất bại?
4 Tuy nhiên âm mưu của Sa-tan nhằm ngăn trở ý định Đức Chúa Trời tất phải thất bại. Ngay trong thời kỳ đen tối nhất của sự bội đạo, một số người vẫn theo đạo thật Đấng Christ. Những người sao chép Kinh Thánh nỗ lực làm công việc này một cách chính xác. Chính nhờ điều này mà Kinh Thánh vẫn nguyên vẹn dù nhiều người tự xưng có quyền dạy dỗ đã xuyên tạc thông điệp ấy. Qua nhiều thế kỷ các học giả như Jerome và Tyndale can đảm dịch và phát hành
Lời Đức Chúa Trời. Hàng triệu người được tiếp cận với Kinh Thánh và một hình thức đạo Đấng Christ nào đó dù chỉ là đạo giả.5. Nhà tiên tri Đa-ni-ên báo trước điều gì liên quan đến “sự hiểu biết thật”?
5 Cuối cùng như đã báo trước trong sách Đa-ni-ên, “sự hiểu biết thật sẽ dư dật”. Điều này xảy ra trong “kỳ cuối cùng” tức thời kỳ chúng ta đang sống. (Đa-ni-ên 12:4, NW) Thánh linh đã hướng dẫn những người yêu mến lẽ thật trên khắp đất đạt đến sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời thật và ý định của Ngài. Đúng thế, sau nhiều thế kỷ của sự dạy dỗ bội đạo, Lời Đức Chúa Trời vẫn đắc thắng! Ngày nay tin mừng được rao báo khắp nơi, hướng người ta đến hy vọng về một thế giới mới tuyệt diệu. (Thi-thiên 37:11) Giờ đây chúng ta hãy xem xét sự phát triển của đạo Đức Chúa Trời trong thời hiện đại.
Sự phát triển của đạo ngày nay
6. Đến năm 1914 Học Viên Kinh Thánh hiểu được những lẽ thật nào?
6 Vào cuối thế kỷ 19, lẽ thật của Kinh Thánh đã làm phấn khích một nhóm nhỏ Học Viên Kinh Thánh, ngày nay được biết dưới tên Nhân Chứng Giê-hô-va. Đến năm 1914 Kinh Thánh trở nên sống động đối với họ. Họ hiểu được những lẽ thật tuyệt diệu liên quan đến ý định của Đức Chúa Trời. Họ cảm động sâu sắc trước tình yêu thương của Đức Giê-hô-va trong việc Ngài gửi Con một xuống trái đất mở đường cho sự sống đời đời. Họ cũng dần dần được biết và quý trọng danh và cá tính của Đức Chúa Trời. Hơn nữa họ ý thức “kỳ dân ngoại” đã chấm dứt, báo hiệu gần đến thời kỳ chính phủ Nước Trời mang lại ân phước cho nhân loại. (Lu-ca 21:24) Tin mừng thật thú vị làm sao! Những lẽ thật mạnh mẽ này phải được chia sẻ cho mọi người, mọi nơi. Mạng sống nhiều người đang lâm nguy!
7. Lẽ thật Kinh Thánh chiến thắng thế nào trong thời hiện đại?
7 Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào cho nhóm nhỏ tín đồ Đấng Christ được xức dầu. Ngày nay có hơn sáu triệu người theo đạo thật Đấng Christ. Đạo Đức Chúa Trời lan rộng khắp nơi, Nhân Chứng Giê-hô-va có trên 235 xứ. Hơn nữa, lẽ thật Kinh Thánh bày tỏ quyền lực, chiến thắng mọi trở ngại do tôn giáo và nhiều nguyên nhân khác gây ra. Hoạt động rao giảng Ma-thi-ơ 24:3, 14.
toàn cầu này càng làm tăng thêm bằng chứng hùng hồn là Chúa Giê-su hiện đang ngự trong quyền lực Nước Trời.—8. Một số người đã nói gì về sự phát triển của Nhân Chứng Giê-hô-va?
8 Nhiều học giả đã bình luận về sự phát triển đáng kinh ngạc của dân Đức Giê-hô-va thời nay y như nhận xét của các sử gia về đạo Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất. Tại Hoa Kỳ, hai học giả cùng viết: “Trong 75 năm qua Nhân Chứng Giê-hô-va giữ vững mức phát triển lạ thường... trên phạm vi toàn cầu”. Một nhật báo ở Đông Phi nói Nhân Chứng Giê-hô-va là “một trong những tôn giáo trên thế giới phát triển nhanh nhất, được kính trọng và được quốc tế biết đến vì hoàn toàn theo sát những dạy dỗ của Kinh Thánh”. Một nhật báo Công Giáo bảo thủ phát hành ở Châu Âu nói đến “sự phát triển tràn lan của Nhân Chứng Giê-hô-va”. Điều gì góp phần vào sự phát triển này?
Thánh linh Đức Chúa Trời hoạt động ngày nay
9. (a) Yếu tố chính giúp đạo Đức Chúa Trời đắc thắng ngày nay là gì? (b) Đức Giê-hô-va kéo người ta đến với Ngài như thế nào?
9 Yếu tố chính giúp đạo Đức Chúa Trời đắc thắng ngày nay là thánh linh của Đức Giê-hô-va đang hoạt động mạnh mẽ như trong thế kỷ thứ nhất. Chúa Giê-su phán: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta”. (Giăng 6:44) Những lời này gợi ý rằng Đức Chúa Trời ưu ái thúc giục và kéo những người có lòng hướng thiện, đến với tin mừng. Qua hoạt động rao giảng của các Nhân Chứng, Đức Giê-hô-va đang thu hút “sự ao-ước của các nước” tức những người nhu mì, giống như chiên đến thờ phượng Ngài.—A-ghê 2:6, 7.
10. Những hạng người nào đã đáp ứng đạo Đức Chúa Trời?
10 Thánh linh không những ban sức mạnh giúp dân Đức Chúa Trời rao truyền đạo Ngài đến đầu cùng trái đất mà còn thúc đẩy mọi hạng người đáp ứng tin mừng. Thật thế, những người theo đạo Đức Chúa Trời đến từ “mọi chi-phái, mọi tiếng, mọi dân-tộc, mọi nước”. (Khải-huyền 5:9; 7:9, 10) Họ gồm những người giàu và nghèo, trí thức và thất học. Một số người đã chấp nhận đạo trong hoàn cảnh chiến tranh và ngược đãi tàn nhẫn trong khi số khác lại theo đạo lúc hòa bình và thịnh vượng. Đàn ông và đàn bà dưới mọi hình thức cai trị, thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau, từ trại tập trung đến lâu đài đã đáp ứng tin mừng.
11. Thánh linh hoạt động như thế nào trong đời sống của dân Đức Chúa Trời, và có sự phân biệt rất rõ nào?
11 Mặc dù đa dạng lạ lùng nhưng dân của Đức Chúa Trời ăn ở hòa thuận với nhau. (Thi-thiên 133:1-3) Điều này thêm bằng chứng thánh linh đang hoạt động trong đời sống những người thờ phượng Đức Chúa Trời. Thánh linh Ngài là một sức mạnh hướng thiện mãnh liệt giúp tôi tớ Ngài biểu lộ tình yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhân từ, và những đức tính đáng quý khác. (Ga-la-ti 5:22, 23) Ngày nay chúng ta hiểu rất rõ điều mà nhà tiên tri Ma-la-chi đã báo trước từ lâu: “Các ngươi sẽ... phân-biệt giữa kẻ công-bình và kẻ gian-ác, giữa kẻ hầu-việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu-việc Ngài”.—Ma-la-chi 3:18.
Đạo Đức Chúa Trời đắc thắng trong lòng những người làm việc sốt sắng
12. Nhân Chứng Giê-hô-va cảm thấy thế nào về việc truyền giáo, và họ tiên liệu người ta sẽ phản ứng ra sao trước hoạt động rao giảng?
12 Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay không là những tín đồ thụ động. Họ tham gia tích cực vào công việc truyền giáo. Giống như tín đồ Đấng Christ thời ban đầu, họ tự nguyện trình diện làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, giúp người khác hiểu biết về lời hứa của Nước Trời. Họ là những người cùng làm việc với Đức Chúa Trời, hòa hợp với thánh linh của Ngài, nhóm hiệp những người khác phụng sự Đức Giê-hô-va. Khi làm thế, họ phản ánh lòng nhân từ và tình yêu thương của Đức Giê-hô-va đối với những người không tin. Họ làm thế bất chấp sự lãnh đạm, nhạo báng và ngược đãi. Chúa Giê-su đã chuẩn bị cho các môn đồ đối phó với những phản ứng khác nhau trước tin mừng. Ngài phán: “Đầy-tớ chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt-bớ ta, ắt cũng bắt-bớ các ngươi; bằng họ đã giữ lời ta, ắt cũng giữ lời các ngươi”.—Giăng 15:20.
13. Những đặc điểm nào tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ thiếu lại đầy dẫy trong Nhân Chứng Giê-hô-va?
13 Giữa Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay và những người theo đạo thật Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất có nét tương tự nổi bật. Cũng nổi bật không kém là sự tương phản giữa Nhân Chứng Giê-hô-va và tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ ngày nay. Sau khi viết về lòng sốt sắng của tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đối với công việc truyền giáo, một học giả than: “Chúng ta sẽ không tiến bộ trừ phi giáo hội có sự thay đổi chính sách để một lần nữa, nhiệm vụ truyền giáo phải là phận sự của mọi tín đồ Đấng Christ đã báp têm; thêm vào là một lối sống đạo đức, nổi bật hơn hẳn nếp sống người không tin đạo”. Những đặc điểm mà tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ thiếu thì lại đầy dẫy trong Nhân Chứng Giê-hô-va! Đức tin của họ là đức tin sống, chân thật và dựa trên lẽ thật Kinh Thánh mà họ được thúc đẩy chia sẻ với tất cả những ai muốn nghe.—14. Chúa Giê-su xem thánh chức như thế nào, và các môn đồ ngài bày tỏ thái độ nào ngày nay?
14 Chúa Giê-su xem trọng và quan tâm nhất đến thánh chức. Ngài đã nói với Phi-lát: “Vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng-thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật”. (Giăng 18:37) Dân của Đức Chúa Trời cũng cảm thấy như Chúa Giê-su. Vì lòng tràn đầy lẽ thật Kinh Thánh, nên họ nỗ lực tìm cách chia sẻ với thật nhiều người. Một số phương cách chia sẻ tin mừng phản ánh sự tài tình đáng chú ý.
15. Một số phương pháp tài tình nào được dùng trong việc rao giảng tin mừng?
15 Ở một xứ Nam Mỹ, Nhân Chứng Giê-hô-va đem lẽ thật đến với những người sống ở thượng nguồn một nhánh của Sông Amazon. Tuy nhiên, khi nội chiến bùng nổ vào năm 1995, dân thường bị cấm đi lại dọc theo sông. Các Nhân Chứng nhất quyết không ngừng cung cấp ấn phẩm về Kinh Thánh cho những người chú ý, nên đã nghĩ ra cách thả thông điệp trôi xuôi dòng. Kèm theo tạp chí Tháp Canh và Tỉnh Thức! là những lá thư được bỏ vào các chai rỗng bằng nhựa thả xuống dòng sông. Công việc này tiếp tục trong bốn năm rưỡi, cho đến khi dân thường được phép đi lại trên sông. Dân sống dọc bờ sông cám ơn Nhân Chứng về các sách báo này. Ôm chầm lấy họ, mắt đẫm lệ, một phụ nữ đã từng học hỏi Kinh Thánh nói: “Tôi ngỡ sẽ không bao giờ gặp lại các anh chị. Tuy nhiên, khi nhặt được tạp chí trong các chai tôi biết là mình không bị bỏ quên!” Những người khác sống dọc bờ sông nói rằng họ đọc các tạp chí nhiều lần. Nhiều làng có “bưu điện” tức một xoáy nước, nơi những vật nổi tạm thời tụ lại. Những người chú ý đến tin mừng thường xuyên đến đó để xem có “bưu kiện” nào trôi xuôi dòng không.
16. Luôn ở tư thế sẵn sàng đôi khi cho chúng ta cơ hội đào tạo môn đồ như thế nào?
16 Giê-hô-va Đức Chúa Trời và các thiên sứ mạnh mẽ của Ngài hướng dẫn và ủng hộ việc rao giảng tin mừng. (Khải-huyền 14:6) Chỉ cần luôn ở tư thế sẵn sàng là chúng ta đôi khi cũng có dịp đào tạo môn đồ trong những tình huống bất ngờ. Ở Nairobi, xứ Kenya, khi hai nữ tín đồ Đấng Christ vừa viếng thăm xong một số nhà, thì thình lình một phụ nữ trẻ tiến đến gần họ, hớn hở nói: “Tôi đã cầu nguyện xin được gặp người giống như các chị”. Cô khẩn khoản mời các Nhân Chứng lập tức đến nhà để thảo luận, và bắt đầu học Kinh Thánh ngay ngày hôm ấy. Tại sao cô lại khẩn cấp đến gặp các Nhân Chứng như thế? Con gái nhỏ của cô đã chết cách nay khoảng hai tuần. Vì vậy khi nhìn thấy một bé trai cầm tờ giấy nhỏ “Có hy vọng gì cho những người thân đã chết?” cô rất muốn có tờ giấy đó. Cô xin nhưng nó không cho. Nó chỉ người đưa tờ giấy là các Nhân Chứng. Chẳng bao lâu, người phụ nữ này tiến bộ về thiêng liêng và có thể đương đầu khá hơn với nỗi nhớ tiếc đứa con đã mất.
Tình yêu thương của Đức Chúa Trời tất thắng
17-19. Đức Giê-hô-va đã thể hiện tình yêu thương nào đối với loài người qua giá chuộc?
17 Sự phát triển của đạo Đức Chúa Trời trên khắp đất có liên hệ chặt chẽ với việc hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ. Giống như giá chuộc, công việc rao giảng cũng thể hiện tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho loài người ở khắp nơi. Sứ đồ Giăng được soi dẫn viết: “Vì Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian [loài người], đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”.—Giăng 3:16.
18 Hãy suy nghĩ về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va thể hiện qua việc cung cấp giá chuộc. Trong khoảng thời gian vô tận, Đức Chúa Trời đã vui hưởng mối quan hệ mật thiết với Con một yêu quý của Ngài, “Đấng làm đầu cội-rễ cuộc sáng-thế của Đức Chúa Trời”. (Khải-huyền 3:14) Chúa Giê-su yêu Cha ngài sâu đậm và được Cha yêu từ “trước khi sáng-thế”. (Giăng 14:31; 17:24) Vậy mà Đức Giê-hô-va để cho Con yêu dấu này phải chết để loài người nhận được sự sống đời đời. Ngài đã tỏ tình yêu thương đáng kính biết bao đối với loài người!
19 Giăng 3:17 nói: “Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế-gian, chẳng phải để đoán-xét thế-gian đâu, nhưng hầu cho thế-gian nhờ Con ấy mà được cứu”. Vậy, Đức Giê-hô-va đã phái Con Ngài đến thế gian với nhiệm vụ yêu thương là cứu rỗi chứ không phải để xét đoán hay kết án. Điều này hòa hợp với lời của Phi-e-rơ: “[Đức Giê-hô-va] không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”.—2 Phi-e-rơ 3:9.
20. Sự cứu rỗi liên hệ thế nào với việc rao giảng tin mừng?
20 Vì đã phải trả một giá rất đắt để cung cấp nền tảng hợp pháp cho sự cứu rỗi, nên Đức Giê-hô-va muốn thật nhiều người biết tận dụng giá chuộc ấy. Sứ đồ Phao-lô viết: “Ai kêu-cầu danh Chúa thì sẽ được cứu. Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu-cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao-giảng, thì nghe làm sao?”—Rô-ma 10:13, 14.
21. Chúng ta nên cảm thấy thế nào về cơ hội được tham gia rao giảng?
21 Được tham gia công việc rao giảng và dạy dỗ toàn cầu quả là một đặc ân tuyệt diệu! Đây không phải là một việc dễ dàng, nhưng Đức Giê-hô-va vui thích biết bao khi thấy dân của Ngài trung thành sống theo lẽ thật và chia sẻ tin mừng với nhiều người! Thế nên dù ở trong hoàn cảnh nào cũng hãy để thánh linh và tình yêu thương từ trong lòng thúc đẩy bạn tham gia công việc này. Và hãy nhớ là điều đang được thực hiện trên khắp đất ngày nay là bằng chứng hùng hồn cho thấy chẳng bao lâu nữa Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ làm ứng nghiệm lời hứa mở ra “trời mới đất mới” vinh quang, nơi “sự công-bình ăn-ở”.—2 Phi-e-rơ 3:13.
Bạn còn nhớ không?
• Tại sao sự bội đạo đã không thể làm những người giảng tin mừng im tiếng?
• Đạo Đức Chúa Trời đắc thắng như thế nào trong thời chúng ta?
• Ngày nay thánh linh Đức Chúa Trời hoạt động theo cách nào?
• Giá chuộc liên hệ thế nào với việc rao giảng tin mừng?
[Câu hỏi thảo luận]
[Biểu đồ/Hình nơi trang 16]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Sự gia tăng số người công bố Nước Trời trong thế kỷ 20
Số trung bình người công bố (tính bằng triệu)
6,0
5,5
5,0
4,5
4,0
3,5
3,0
2,5
2,0
1,5
1,0
0,5
1900 1910 1920 1930 1940 1950 1960 1970 1980 1990 2000
[Các hình nơi trang 15]
JEROME
TYNDALE
GUTENBERG
HUS
[Nguồn tư liệu]
Gutenberg và Hus: Lấy từ sách The Story of Liberty, 1878
[Hình nơi trang 15]
Học Viên Kinh Thánh đang loan báo tin mừng trong thập niên 1920
[Các hình nơi trang 16, 17]
Trên khắp thế giới, người ta đang đáp ứng tin mừng
[Hình nơi trang 18]
Như sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ, công việc rao giảng tán dương tình yêu thương của Đức Chúa Trời