Bạn có thể nhận lãnh ân phước Nước Trời
Bạn có thể nhận lãnh ân phước Nước Trời
SỨ ĐỒ Phao-lô thông thạo một số ngôn ngữ chính thông dụng vào thời ông. Học vấn của ông tương đương với trình độ đại học ngày nay, và ông còn được hưởng mọi ưu tiên cùng đặc quyền của một công dân La Mã. (Công-vụ 21:37-40; 22:3, 28) Những ưu thế này hẳn đã có thể giúp ông trở nên giàu có và nổi tiếng. Thế nhưng ông nói: “Vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ... Thật, tôi xem những điều đó như rơm-rác, hầu cho được Đấng Christ”. (Phi-líp 3:7, 8) Tại sao Phao-lô lại tuyên bố như thế?
Được biết đến trước đây với cái tên Sau-lơ, người Tạt-sơ, kẻ chuyên bắt bớ “người nào thuộc về đạo”, Phao-lô đã trở thành người tin đạo sau khi được Chúa Giê-su phục sinh vinh hiển hiện ra với ông. (Công-vụ 9:1-19) Đối với Phao-lô, kinh nghiệm có được trên đường đi Đa-mách là một bằng chứng hiển nhiên cho thấy Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-si, hay Đấng Christ, vị vua tương lai của Nước Trời được hứa trước. Đúng như lời tuyên bố mạnh mẽ được nêu trên, kinh nghiệm này đã thay đổi hoàn toàn đời sống ông. Nói cách khác, với bản tính chân thật, Phao-lô đã ăn năn hối lỗi.—Ga-la-ti 1:13-16.
Trong Kinh Thánh, động từ “ăn năn” thường được dịch từ Công-vụ 3:19; Khải-huyền 2:5) Đối với Phao-lô, biến cố quan trọng xảy ra trên đường đi Đa-mách không chỉ là cảm xúc nhất thời, hay một kinh nghiệm tâm linh. Biến cố đó đã thức tỉnh ông sớm nhận ra sự vô ích của lối sống thiếu hiểu biết về Đấng Christ trước đây của ông. Ông cũng ý thức rằng muốn hưởng được lợi ích từ những hiểu biết mới về Đấng Christ, thì cần phải điều chỉnh lối sống.—Rô-ma 2:4; Ê-phê-sô 4:24.
một từ Hy Lạp có nghĩa đen là “biết sau”, trái nghĩa với “biết trước”. Vì vậy, sự ăn năn bao hàm việc thay đổi suy nghĩ, thái độ, hay ý định, hoặc từ bỏ những đường lối không tốt trước đây. (Một sự thay đổi đem lại nhiều ân phước
Trước đây, sự hiểu biết của Phao-lô về Đức Chúa Trời chủ yếu bắt nguồn từ sự dạy dỗ của phái Pha-ri-si mà ông là thành viên. Niềm tin của họ bao gồm rất nhiều triết lý và truyền thống của con người. Những định kiến tôn giáo sai lầm đã làm lạc hướng mọi sốt sắng và nỗ lực của Phao-lô. Ông tưởng mình đang hầu việc Đức Chúa Trời, nhưng thực chất là đang chống lại Ngài.—Phi-líp 3:5, 6.
Sau khi nhận được sự hiểu biết chính xác về Đấng Christ và vai trò của ngài trong ý định Đức Chúa Trời, Phao-lô ý thức rằng ông phải lựa chọn: Hoặc tiếp tục làm một người Pha-ri-si có địa vị và danh tiếng, hoặc phải thay đổi đời sống và bắt đầu làm những điều cần thiết để được Đức Chúa Trời chấp nhận. Đáng mừng thay, Phao-lô đã lựa chọn đúng, vì ông nói: “Tôi không hổ-thẹn về Tin-lành đâu, vì là quyền-phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc”. (Rô-ma 1:16) Phao-lô đã trở thành người sốt sắng rao truyền tin mừng về Đấng Christ và Nước Trời.
Nhiều năm sau, Phao-lô nói cùng các anh em tín đồ Đấng Christ: “Về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục-đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục-đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu-gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. (Phi-líp 3:13, 14) Phao-lô đã được hưởng lợi ích từ tin mừng vì sẵn lòng từ bỏ những điều khiến ông lìa xa Đức Chúa Trời, đồng thời hết lòng theo đuổi những mục tiêu phù hợp với ý định Ngài.
Bạn sẽ làm gì?
Có lẽ bạn chỉ mới được nghe tin mừng Nước Trời. Niềm hy vọng được sống mãi mãi trong một địa đàng hoàn hảo có hấp dẫn bạn không? Nếu có, đó chỉ là điều tự nhiên vì bẩm sinh tất cả chúng ta đều khao khát được sống và vui hưởng cuộc sống trong hòa bình và an ninh. Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời đã đặt ‘sự đời đời’ ở nơi lòng chúng ta. (Truyền-đạo 3:11) Vì thế, hy vọng rằng sẽ có lúc mọi người được sống mãi mãi trong hòa bình và hạnh phúc là điều tự nhiên. Và đó chính là điều mà tin mừng Nước Trời đem lại.
Tuy nhiên, muốn biến niềm hy vọng đó thành hiện thực, bạn cần tìm tòi và xem xét kỹ nội dung tin mừng. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “[Hãy] thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”. (Rô-ma 12:2) Vì vậy, giống như Phao-lô, sau khi thu thập sự hiểu biết, bạn phải lựa chọn.
Mặt khác, có lẽ bạn đã có một số niềm tin riêng về tương lai. Hãy nhớ rằng Sau-lơ cũng đã có quan điểm riêng về ý muốn Đức Chúa Trời trước khi trở thành sứ đồ Phao-lô. Nhưng tại sao bạn không xem xét vấn đề một cách khách quan, thay vì chờ đợi một sự mặc khải thần kỳ của Đức Chúa Trời? Hãy tự hỏi: ‘Mình có thật sự biết ý muốn của Đức Chúa Trời đối với nhân loại và trái đất là gì không? Đâu là bằng chứng để chứng minh cho niềm tin này? Bằng chứng đó có đứng vững khi được xem xét dưới ánh sáng Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh không?’ Bạn chẳng mất mát gì khi xem xét lại tín ngưỡng của mình. Thật ra, đó là điều nên làm, vì Kinh Thánh khuyến giục chúng ta: “Hãy xem-xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21) Suy cho cùng, được Đức Chúa Trời chấp nhận chẳng phải là điều quan trọng hơn hết sao?—Giăng 17:3; 1 Ti-mô-thê 2:3, 4.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể hứa hẹn cho chúng ta tương lai vĩnh cửu. Nhưng nếu không dựa trên sự dạy dỗ của Kinh Thánh, lời hứa đó sẽ chẳng giúp chúng ta nhận được ân phước Nước Trời. Trong Bài Giảng trên Núi nổi tiếng, Chúa Giê-su đã cảnh cáo mạnh mẽ: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên-đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý-muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi”.—Hãy lưu ý Chúa Giê-su đã nhấn mạnh việc làm theo ý muốn của Cha ngài là một điều kiện để được hưởng những ân phước của Nước Đức Chúa Trời. Nói cách khác, vẻ sùng đạo bên ngoài không hẳn đã được Đức Chúa Trời chấp nhận. Thật vậy, Chúa Giê-su nói tiếp: “Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên-tri sao? Nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? Và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ-ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian-ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!” (Ma-thi-ơ 7:22, 23) Rõ ràng, điều quan trọng là phải xét xem sự hiểu biết của chúng ta về tin mừng Nước Trời có xác đáng không và phải hành động phù hợp với tin mừng này.—Ma-thi-ơ 7:24, 25.
Luôn sẵn sàng giúp đỡ
Hơn một trăm năm qua, Nhân Chứng Giê-hô-va đã rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Bằng ấn phẩm và lời nói, họ đang giúp nhiều người ở khắp nơi trên thế giới thu thập sự hiểu biết chính xác về Nước Trời, về những ân phước Nước đó sẽ đem lại, và về những điều phải làm để nhận lãnh những ân phước đó.
Chúng tôi khuyến khích bạn hưởng ứng thông điệp mà Nhân Chứng Giê-hô-va đang rao truyền. Khi đón nhận và hành động phù hợp với tin mừng, bạn có thể nhận lãnh những ân phước lớn, không chỉ bây giờ mà cả trong tương lai khi Nước Đức Chúa Trời cai trị khắp đất.—1 Ti-mô-thê 4:8.
Hãy hành động ngay bây giờ, vì những ân phước của Nước Đức Chúa Trời đã đến gần!
[Các hình nơi trang 7]
Bằng ấn phẩm và lời nói, Nhân Chứng Giê-hô-va rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời