Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chớ nghe rồi quên đi

Chớ nghe rồi quên đi

Chớ nghe rồi quên đi

“Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa-dối mình”.—GIA-CƠ 1:22.

1. Dân Y-sơ-ra-ên xưa đã có đặc ân chứng kiến những phép lạ nào?

“KHÔNG thể nào quên được” quả là lời thích hợp để mô tả các phép lạ Đức Giê-hô-va đã làm tại Ai Cập cổ. Mười Tai Vạ đều thật đáng kính sợ. Sau các thảm họa ấy, dân Y-sơ-ra-ên đã được giải cứu cách lạ lùng khi nước Biển Đỏ rẽ ra cho họ đi. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 34:10-12) Nếu được chứng kiến tận mắt, chắc hẳn bạn sẽ không thể quên được Đấng đã làm nên các biến cố ấy. Ấy thế mà nhà viết Thi-thiên đã hát: “Họ [dân Y-sơ-ra-ên] quên Đức Chúa Trời là Đấng cứu-rỗi mình, và đã có làm công-việc lớn-lao ở Ê-díp-tô, những việc lạ-kỳ trong xứ Cham, và các điều đáng kinh-hãi ở bên Biển-đỏ”.—Thi-thiên 106:21, 22.

2. Điều gì cho thấy dân Y-sơ-ra-ên đã chóng quên những hành động quyền năng của Đức Chúa Trời?

2 Sau khi băng qua Biển Đỏ, dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu “kính-sợ Ngài [Đức Giê-hô-va], tin Ngài”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:31) Những người nam Y-sơ-ra-ên đã cùng Môi-se hát ngợi khen chiến thắng của Đức Giê-hô-va, còn Mi-ri-am và những người nữ khác đã đáp lại bằng cách đánh trống và nhảy múa. (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:1, 20) Vâng, dân tộc của Đức Giê-hô-va đã thật cảm kích trước những việc quyền năng của Ngài. Nhưng họ đã chóng quên ơn Đấng đã làm mọi phép lạ ấy. Không bao lâu sau đó nhiều người trong số họ đã xử sự như thể bị chứng bệnh quên trầm trọng vậy. Họ đã lằm bằm và oán trách Đức Giê-hô-va. Một số đã đi thờ hình tượng và thực hành sự vô luân.—Dân-số Ký 14:27; 25:1-9.

Điều gì có thể làm chúng ta quên?

3. Vì bản chất bất toàn, chúng ta có thể quên điều gì?

3 Sự vô ơn của dân Y-sơ-ra-ên quả là khó hiểu. Thế nhưng chuyện đó cũng có thể xảy đến cho chúng ta. Thật vậy, tuy không được chứng kiến những phép lạ như họ, nhưng chắc chắn trong mối liên lạc giữa chúng ta với Đức Chúa Trời đã có những trường hợp không thể nào quên được. Một số trong chúng ta có thể nhớ lại lúc mình mới nhận lẽ thật từ Kinh Thánh. Những dịp thật vui mừng khác gồm lúc cầu nguyện dâng mình cho Đức Giê-hô-va và lúc chịu báp têm trong nước để làm tín đồ thật Đấng Christ. Vào những thời điểm khác trong cuộc đời, biết bao người trong chúng ta đã được Đức Giê-hô-va đưa tay cứu giúp. (Thi-thiên 118:15) Ơn lớn nhất là qua sự chết hy sinh của chính Con Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ, chúng ta có thể hy vọng được cứu rỗi. (Giăng 3:16) Tuy nhiên, vì bản chất bất toàn, khi đối mặt với những ham muốn sai quấy và những lo lắng của đời sống, chúng ta có thể rất dễ quên những điều tốt lành Đức Giê-hô-va đã làm cho chúng ta.

4, 5. (a) Gia-cơ đã cảnh giác về nguy cơ trở thành người nghe mau quên như thế nào? (b) Minh họa của Gia-cơ về người soi mặt trong gương có thể áp dụng ra sao?

4 Trong bức thư gửi cho anh em tín đồ Đấng Christ, em cùng mẹ khác cha với Chúa Giê-su là Gia-cơ đã cảnh giác về nguy cơ trở thành người nghe mau quên. Ông viết: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa-dối mình. Vì, nếu có kẻ nghe lời mà không làm theo, thì khác nào người kia soi mặt mình trong gương, thấy rồi thì đi, liền quên mặt ra thể nào”. (Gia-cơ 1:22-24) Gia-cơ muốn nói gì đây?

5 Buổi sáng thức dậy, chúng ta thường soi gương để chỉnh trang diện mạo mình. Vì phải tham gia nhiều hoạt động và phải tập trung đầu óc vào nhiều việc, nên chúng ta không còn nghĩ đến những gì đã xem thấy trong gương. Điều này cũng có thể xảy ra theo nghĩa thiêng liêng. Khi xem xét Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có thể so sánh con người thật của mình với điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi chúng ta. Như vậy, chúng ta trực tiếp đối mặt với những yếu kém của mình. Sự hiểu biết này phải thúc đẩy chúng ta chỉnh sửa nhân cách mình. Nhưng vì hằng ngày phải lo toan nhiều việc và đấu tranh với nhiều vấn đề, nên chúng ta dễ bỏ qua những điều thiêng liêng. (Ma-thi-ơ 5:3, NW; Lu-ca 21:34) Đó chẳng khác nào chúng ta quên những việc đầy yêu thương mà Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta. Nếu điều ấy xảy ra, chúng ta sẽ dễ bị các khuynh hướng tội lỗi tấn công.

6. Xem xét những câu Kinh Thánh nào có thể giúp chúng ta không quên lời của Đức Giê-hô-va?

6 Trong thư đầu tiên được soi dẫn gửi cho người Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô có đề cập đến những người Y-sơ-ra-ên mau quên nơi đồng vắng. Cũng như các tín đồ Đấng Christ thế kỷ thứ nhất đã được lợi ích từ lá thư ấy, chúng ta cũng được giúp không quên lời của Đức Giê-hô-va khi ôn lại lời của Phao-lô. Vậy chúng ta hãy cùng xem xét 1 Cô-rinh-tô 10:1-12.

Chừa bỏ ham muốn thế gian

7. Dân Y-sơ-ra-ên đã nhận được bằng chứng hùng hồn nào về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va?

7 Những điều Phao-lô nói về dân Y-sơ-ra-ên là lời cảnh báo cho tín đồ Đấng Christ. Ông viết: “Hỡi anh em, tôi chẳng muốn cho anh em không biết tổ-phụ chúng ta đều đã ở dưới đám mây, đi ngang qua biển, chịu Môi-se làm phép báp-têm trong đám mây và dưới biển”. (1 Cô-rinh-tô 10:1-4) Những người Y-sơ-ra-ên thời Môi-se đã thấy quyền năng của Đức Giê-hô-va thể hiện qua nhiều cách tuyệt diệu, chẳng hạn như trụ mây mầu nhiệm của Đức Chúa Trời đã dẫn họ đi vào ban ngày và giúp họ thoát qua Biển Đỏ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 13:21; 14:21, 22) Vâng, những người Y-sơ-ra-ên ấy đã có bằng chứng hùng hồn về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho họ.

8. Việc dân Y-sơ-ra-ên quên những điều thiêng liêng đã đưa đến hậu quả nào?

8 Phao-lô viết tiếp: “Song phần nhiều trong vòng họ không đẹp lòng Đức Chúa Trời, nên đã ngã chết nơi đồng vắng”. (1 Cô-rinh-tô 10:5) Đáng buồn thay! Phần lớn những người đã rời Ai Cập đều tự làm cho mình không còn xứng đáng để vào Đất Hứa nữa. Vì không được Đức Chúa Trời chấp nhận do thiếu đức tin, nên họ đã chết trong đồng vắng. (Hê-bơ-rơ 3:16-19) Chúng ta học được gì từ điều này? Phao-lô nói: “Mọi điều đó đã xảy ra để làm gương cho chúng ta, hầu cho chúng ta chớ buông mình theo tình-dục xấu [“ham-muốn điều ác”, Ghi-đê-ôn], như chính tổ-phụ chúng ta đã buông mình [“ham-muốn”, Ghi]”.—1 Cô-rinh-tô 10:6.

9. Đức Giê-hô-va đã làm những sắp đặt nào cho dân Ngài, nhưng dân Y-sơ-ra-ên đã phản ứng ra sao?

9 Khi ở đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên đã nhận được rất nhiều đặc ân giúp họ chú tâm về thiêng liêng. Họ đã vào giao ước với Đức Giê-hô-va và trở thành dân biệt riêng cho Ngài. Hơn nữa, họ được ban cho các thầy tế lễ và đền tạm để làm trung tâm thờ phượng, cùng sự sắp đặt để dâng lễ vật cho Đức Giê-hô-va. Thế nhưng, thay vì vui mừng về những sự ban cho thiêng liêng này, họ lại bất mãn về vật chất mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ.—Dân-số Ký 11:4-6.

10. Tại sao chúng ta nên luôn nhớ đến Đức Chúa Trời?

10 Khác với những người Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng, dân của Đức Giê-hô-va ngày nay vui mừng vì được Ngài chấp nhận. Tuy thế, xét theo từng cá nhân, điều quan trọng vẫn là mỗi người phải luôn nhớ đến Đức Chúa Trời. Điều ấy sẽ giúp chúng ta loại bỏ những ham muốn ích kỷ có thể làm vẩn đục cái nhìn thiêng liêng. Chúng ta phải nhất quyết “chừa-bỏ sự không tin-kính và tình-dục [“đam mê”, Nguyễn Thế Thuấn] thế-gian, phải sống ở đời nầy theo tiết-độ, công-bình, nhân-đức”. (Tít 2:12) Những ai trong chúng ta kết hợp với hội thánh Đấng Christ từ khi còn nhỏ đừng bao giờ nghĩ rằng mình đang bị thiệt thòi vì không hưởng được một điều tốt nào đó. Nếu những ý tưởng ấy có chợt đến trong tâm trí, tốt nhất hãy nhớ đến Đức Giê-hô-va và những ân phước tuyệt diệu Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta.—Hê-bơ-rơ 12:2, 3.

Vâng phục Đức Giê-hô-va trong mọi sự

11, 12. Làm thế nào một người có thể phạm tội thờ hình tượng mặc dù không tham gia tôn sùng ảnh tượng?

11 Phao-lô còn cảnh báo thêm: “Cũng đừng thờ hình-tượng nữa, như mấy người trong họ, theo lời chép rằng: Dân sự ngồi mà ăn uống, rồi đứng dậy mà chơi-giỡn”. (1 Cô-rinh-tô 10:7) Ở đây, Phao-lô nói đến lúc dân Y-sơ-ra-ên thuyết phục được A-rôn để làm con bò vàng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:1-4) Mặc dù không phải là chúng ta sẽ quay hẳn sang thờ hình tượng, nhưng chúng ta có thể trở thành những kẻ như thế khi để cho những ham muốn ích kỷ làm xao lãng việc thờ phượng Đức Giê-hô-va hết linh hồn.—Cô-lô-se 3:5.

12 Vào một dịp khác, Phao-lô đã viết về những người quan tâm chủ yếu đến vật chất thay vì đến những vấn đề thiêng liêng. Về những kẻ “có cách ăn-ở như là kẻ thù-nghịch thập-tự-giá [“cây khổ hình”, NW] của Đấng Christ”, Phao-lô viết: “Sự cuối-cùng của họ là hư-mất; họ lấy bụng mình làm chúa mình”. (Phi-líp 3:18, 19) Thần tượng của họ không phải là một hình tượng chạm khắc, mà chính là lòng ham muốn vật chất. Dĩ nhiên, không phải mọi ham muốn đều sai quấy. Đức Giê-hô-va đã tạo chúng ta với những nhu cầu của con người và với khả năng vui hưởng nhiều thú vui. Nhưng thực ra những ai đặt việc theo đuổi thú vui trọng hơn mối liên lạc với Đức Chúa Trời đã là thờ hình tượng rồi.—2 Ti-mô-thê 3:1-5.

13. Chúng ta học được gì qua sự tường thuật về con bò vàng?

13 Dân Y-sơ-ra-ên đã làm con bò vàng để thờ phượng sau khi rời khỏi Ai Cập. Ngoài lời cảnh báo giúp đề phòng tội thờ hình tượng, sự tường thuật này còn cho ta một bài học quan trọng nữa. Dân Y-sơ-ra-ên đã bất tuân sự chỉ đạo rõ ràng của Đức Giê-hô-va. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4-6) Thế nhưng họ không có ý định từ bỏ Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời họ. Họ đã dâng của-lễ hy sinh cho tượng bò và gọi đó là “lễ tôn-trọng Đức Giê-hô-va”. Dẫu sao họ đã tự lừa dối mình đến nỗi nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ bỏ qua sự không vâng lời của họ. Đây đúng là điều làm nhục Đức Giê-hô-va, và khiến Ngài vô cùng giận dữ.—Xuất Ê-díp-tô Ký 32:5, 7-10; Thi-thiên 106:19, 20.

14, 15. (a) Tại sao dân Y-sơ-ra-ên không có lý do để biện minh cho việc trở thành những kẻ nghe mau quên? (b) Nếu nhất quyết không muốn trở thành kẻ nghe mau quên, chúng ta phải hành động ra sao trước những lời răn dạy của Đức Giê-hô-va?

14 Việc một Nhân Chứng Giê-hô-va đi theo một tôn giáo giả rất hiếm khi xảy ra. Thế nhưng, một số người tuy vẫn ở trong hội thánh, nhưng lại từ bỏ sự dẫn dắt của Đức Giê-hô-va trong nhiều cách khác. Những người Y-sơ-ra-ên không có lý do gì để biện minh cho việc trở thành những kẻ nghe mau quên. Họ đã nghe Mười Điều Răn và có mặt khi Môi-se ban cho họ mạng lịnh này của Đức Chúa Trời: “Chớ đúc tượng-thần bằng bạc hay bằng vàng mà sánh với ta”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:18, 19, 22, 23) Ấy thế mà dân Y-sơ-ra-ên lại thờ bò vàng.

15 Chúng ta cũng không có lý do chính đáng để trở thành những kẻ nghe mau quên. Qua Kinh Thánh, chúng ta có sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời về rất nhiều lãnh vực trong đời sống. Chẳng hạn, Lời của Đức Giê-hô-va rõ ràng kết án thói vay mượn mà không trả. (Thi-thiên 37:21) Con cái được dạy phải vâng phục cha mẹ, còn cha thì phải “dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa” mà nuôi dạy con cái. (Ê-phê-sô 6:1-4) Những tín đồ Đấng Christ độc thân được dạy là phải kết hôn “theo ý Chúa”, còn những tôi tớ của Đức Chúa Trời đã có gia đình được khuyên: “Mọi người phải kính-trọng sự hôn-nhân, chốn quê-phòng chớ có ô-uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán-phạt kẻ dâm-dục cùng kẻ phạm tội ngoại-tình”. (1 Cô-rinh-tô 7:39; Hê-bơ-rơ 13:4) Nếu nhất quyết không muốn trở thành kẻ nghe mau quên, chúng ta phải hết sức coi trọng và làm đúng theo những lời dạy này cũng như những lời răn khác nữa.

16. Việc thờ bò vàng đưa đến những hậu quả nào?

16 Đức Giê-hô-va không chấp nhận việc dân Y-sơ-ra-ên nỗ lực thờ phượng Ngài theo những điều kiện của riêng họ. Ngài đã diệt 3.000 người, có thể vì họ chủ chốt trong hành động chống nghịch thờ con bò vàng. Những kẻ làm quấy khác đã bị Đức Giê-hô-va hành phạt bằng tai vạ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:28, 35) Thật là bài học tốt thay cho những ai đọc Lời Đức Chúa Trời nhưng lại tự làm theo ý mình!

“Hãy tránh sự dâm-dục”

17. Biến cố nào được nói đến nơi 1 Cô-rinh-tô 10:8?

17 Phao-lô cũng đề cập đến một lãnh vực khác mà những ham muốn xác thịt có thể xui khiến chúng ta quên thiêng liêng: “Chúng ta chớ dâm-dục như mấy người trong họ đã dâm-dục, mà trong một ngày có hai vạn ba ngàn người bị bỏ mạng”. (1 Cô-rinh-tô 10:8) Ở đây Phao-lô nhắc đến sự việc xảy ra vào cuối hành trình 40 năm trong đồng vắng khi dân Y-sơ-ra-ên tới Đồng Bằng Mô-áp. Họ vừa mới được Đức Giê-hô-va giúp chiếm nhiều xứ phía đông sông Giô-đanh, nhưng nhiều người trong họ đã tỏ ra mau quên và vô ơn. Ở biên giới Đất Hứa, họ đã bị dụ sa vào tình dục vô luân và thờ phượng tà thần Ba-anh-Phê-ô. Khoảng 24.000 người đã bị hủy diệt, trong đó 1.000 người là những kẻ cầm đầu.—Dân-số Ký 25:9.

18. Hành vi nào có thể dẫn đến tình dục vô luân?

18 Dân của Đức Giê-hô-va ngày nay được nhiều người biết đến nhờ các tiêu chuẩn đạo đức cao của họ. Nhưng một số tín đồ Đấng Christ khi bị tình dục vô luân cám dỗ, đã không còn nghĩ đến Đức Chúa Trời và các nguyên tắc của Ngài nữa. Họ đã thành những kẻ nghe mau quên. Mới đầu, sự cám dỗ có thể không kéo theo một hành động dâm dục. Đó có thể là xu hướng tìm tòi sách báo hay phim ảnh khiêu dâm, buông mình vào thói bông đùa hay tán tỉnh không đúng đắn, hoặc thích kết thân với những người yếu về đạo đức. Mọi điều này đã dẫn một số tín đồ Đấng Christ vào con đường tội lỗi.—1 Cô-rinh-tô 15:33; Gia-cơ 4:4.

19. Lời khuyên nào của Kinh Thánh giúp chúng ta “tránh sự dâm-dục”?

19 Khi bị cám dỗ sa vào hành vi vô luân, chúng ta đừng bao giờ ngừng nghĩ đến Đức Giê-hô-va, mà nên vâng theo những điều nhắc nhở trong Lời Ngài. (Thi-thiên 119:1, 2) Là tín đồ Đấng Christ, đa số chúng ta cố gắng hết sức để giữ thanh sạch về đạo đức, nhưng cần nỗ lực liên tục làm điều đúng dưới mắt Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 9:27) Phao-lô viết cho các tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma như sau: “Sự anh em vâng-phục thì ai ai cũng biết rồi, vậy tôi vì anh em vui-mừng, mong rằng anh em khôn-ngoan về điều lành, và thanh-sạch đối với điều dữ”. (Rô-ma 16:19) Hai mươi bốn ngàn người Y-sơ-ra-ên đã bị hành phạt thể nào về tội lỗi của họ, thì sắp tới đây những kẻ tà dâm và những kẻ phạm tội khác cũng sẽ bị Đức Giê-hô-va trừng phạt thể ấy. (Ê-phê-sô 5:3-6) Vậy chúng ta hãy tiếp tục “tránh sự dâm-dục” để không trở thành kẻ nghe mau quên.—1 Cô-rinh-tô 6:18.

Luôn biết ơn về các sắp đặt của Đức Giê-hô-va

20. Dân Y-sơ-ra-ên đã thử Đức Giê-hô-va như thế nào, và hậu quả là gì?

20 Đại đa số tín đồ Đấng Christ không bao giờ sa ngã vào tình dục vô luân. Thế nhưng, chúng ta cần cẩn thận, đừng bao giờ cho phép mình thường xuyên lằm bằm khiến bị Đức Chúa Trời từ bỏ. Phao-lô khuyên chúng ta như sau: “Chớ thử-thách Chúa như mấy người trong họ đã thử-thách mà bị loài rắn hủy-diệt. Lại cũng chớ lằm-bằm như mấy người trong họ đã lằm-bằm mà bị chết bởi kẻ hủy-diệt”. (1 Cô-rinh-tô 10:9, 10) Dân Y-sơ-ra-ên đã lằm bằm nghịch lại Môi-se và A-rôn—vâng, ngay cả nghịch lại với chính Đức Chúa Trời—than phiền cả về bánh ma-na được cung cấp bằng phép lạ. (Dân-số Ký 16:41; 21:5) Lời lằm bằm của họ có chọc giận Đức Giê-hô-va ít hơn sự vô luân không? Sự tường thuật trong Kinh Thánh cho biết rất nhiều kẻ lằm bằm đã bị rắn cắn chết. (Dân-số Ký 21:6) Có một lúc trước đó, hơn 14.700 kẻ lằm bằm phản nghịch đã bị hủy diệt. (Dân-số Ký 16:49) Do đó chúng ta đừng thử sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va bằng cách xem thường những sắp đặt của Ngài.

21. (a) Phao-lô đã cho lời khuyến giục nào? (b) Theo Gia-cơ 1:25, làm thế nào chúng ta có thể thật sự hạnh phúc?

21 Khi viết cho các anh em tín đồ Đấng Christ, Phao-lô đã kết luận những lời cảnh báo bằng lời khuyến giục sau đây: “Những sự ấy có nghĩa hình-bóng, và họ đã lưu-truyền để khuyên-bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối-cùng các đời. Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã”. (1 Cô-rinh-tô 10:11, 12) Chúng ta cũng đã nhận lãnh nhiều ân phước từ Đức Giê-hô-va như dân Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, mong sao chúng ta khác họ là đừng bao giờ quên và vô ơn đối với những điều tốt lành Đức Chúa Trời đang làm cho chúng ta. Khi mệt mỏi vì những nỗi lo âu trong cuộc sống, chúng ta hãy nghĩ về các lời hứa tuyệt diệu trong Lời Ngài. Mong sao chúng ta luôn nhớ đến mối liên lạc quý báu với Đức Giê-hô-va và tiếp tục thi hành công việc rao giảng Nước Trời đã giao phó cho chúng ta. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Đường lối ấy chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc thật vì Kinh Thánh hứa: “Kẻ nào xét kĩ luật-pháp trọn-vẹn, là luật-pháp về sự tự-do, lại bền lòng suy-gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép-tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời”.—Gia-cơ 1:25.

Bạn trả lời như thế nào?

• Điều gì có thể khiến chúng ta thành kẻ nghe mau quên?

• Tại sao việc vâng phục Đức Chúa Trời trong mọi sự là thiết yếu?

• Chúng ta có thể “tránh sự dâm-dục” như thế nào?

• Chúng ta nên có thái độ nào đối với những sắp đặt của Đức Giê-hô-va?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Dân Y-sơ-ra-ên đã quên các công việc quyền năng Đức Giê-hô-va làm cho họ

[Hình nơi trang 16]

Dân của Đức Giê-hô-va nhất quyết gìn giữ tiêu chuẩn đạo đức cao