Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Áp-ra-ham—Một gương mẫu về đức tin

Áp-ra-ham—Một gương mẫu về đức tin

Áp-ra-ham​—⁠Một gương mẫu về đức tin

“[Áp-ra-ham] làm cha hết thảy những kẻ tin”.—RÔ-MA 4:11.

1, 2. (a) Áp-ra-ham được tín đồ Đấng Christ ngày nay nhớ đến vì điều gì? (b) Tại sao Áp-ra-ham được gọi là “cha hết thảy những kẻ tin”?

ÔNG là tổ tiên của một dân tộc hùng mạnh, một nhà tiên tri, một thương gia và nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, đối với tín đồ Đấng Christ ngày nay, ông được nhớ đến nhiều nhất nhờ vào đức tin không lay chuyển của ông, khiến ông được Đức Giê-hô-va xem là bạn. (Ê-sai 41:8; Gia-cơ 2:23) Tên ông là Áp-ra-ham, và Kinh Thánh gọi ông là “cha hết thảy những kẻ tin”.—Rô-ma 4:11.

2 Chẳng phải những người trước Áp-ra-ham, như A-bên, Ê-nóc và Nô-ê, cũng đã bày tỏ đức tin sao? Phải, nhưng giao ước mang lại ân phước cho mọi dân trên đất chỉ được lập với Áp-ra-ham. (Sáng-thế Ký 22:18) Vì thế, theo nghĩa bóng, ông trở thành cha của tất cả những ai đặt đức tin nơi Dòng Dõi được hứa. (Ga-la-ti 3:8, 9) Theo một nghĩa nào đó, Áp-ra-ham còn có thể được xem là cha chúng ta vì đức tin của ông là gương mẫu cho chúng ta noi theo. Có thể xem cả cuộc đời ông là biểu hiện của đức tin vì đó là một cuộc đời đầy thử thách gian truân. Thật vậy, rất lâu trước khi phải đương đầu với thử thách có thể được xem là cam go nhất trong đời ông—được lệnh dâng con trai Y-sác—Áp-ra-ham đã chứng tỏ đức tin mình qua nhiều thử thách ít khó khăn hơn. (Sáng-thế Ký 22:1, 2) Hãy cùng nhìn lại một số thử thách đức tin ban đầu này của ông để xem chúng ta có thể rút ra bài học nào ngày nay.

Được lệnh rời khỏi U-rơ

3. Kinh Thánh cho biết gì về hoàn cảnh xuất thân của Áp-ram?

3 Áp-ram (sau này được gọi là Áp-ra-ham) được Kinh Thánh nói đến lần đầu tiên nơi Sáng-thế Ký 11:26: “Tha-rê được bảy mươi tuổi, sanh Áp-ram, Na-cô và Ha-ran”. Áp-ram là con cháu của Sem, một người kính sợ Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 11:10-24) Theo Sáng-thế Ký 11:31, Áp-ram cùng gia đình sống ở “U-rơ, thuộc về xứ Canh-đê”, một thành phố phồn thịnh, trước đây nằm ở phía đông Sông Ơ-phơ-rát. * Như vậy, ông lớn lên là dân thành thị, quen sống nơi tiện nghi giàu có, chứ không phải dân du mục ở trong lều. Hàng nhập được bày bán tại các chợ ở U-rơ và dọc theo các dãy phố là những ngôi nhà quét vôi, có đến 14 phòng, với hệ thống nước đầy đủ.

4. (a) Thành U-rơ đặt ra thử thách nào cho những người thờ phượng Đức Chúa Trời thật? (b) Vì sao Áp-ram đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va?

4 Mặc dù có điều kiện vật chất thuận lợi, thành U-rơ đặt ra một thử thách nghiêm trọng cho những ai muốn phụng sự Đức Chúa Trời thật. Đó là một thành đắm chìm trong sự thờ hình tượng và mê tín. Kiến trúc nổi bật nhất trong thành là một tháp đền cao vút hình chóp để tôn thờ thần mặt trăng Nanna. Chắc chắn Áp-ram bị áp lực phải tham gia vào sự thờ phượng đồi bại này, trong đó có thể có cả áp lực của một số bà con thân thuộc. Theo một số truyền thuyết của người Do Thái thì chính Tha-rê, cha của Áp-ram, là một người tạc tượng. (Giô-suê 24:2, 14, 15) Dù thế nào đi nữa, Áp-ram đã không theo sự thờ phượng giả đồi bại. Ông tổ Sem lúc đó vẫn còn sống, chắc chắn đã truyền lại sự hiểu biết về Đức Chúa Trời thật. Kết quả là Áp-ram đã đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va, chứ không phải Nanna!—Ga-la-ti 3:6.

Một thử thách đức tin

5. Đức Chúa Trời đã cho Áp-ram mệnh lệnh và lời hứa nào khi ông còn ở thành U-rơ?

5 Đức tin của Áp-ram sắp bị thử thách. Đức Chúa Trời hiện ra cùng ông và bảo: “Ngươi hãy ra khỏi quê-hương, vòng bà-con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa-sả kẻ nào rủa-sả ngươi; và các chi-tộc nơi thế-gian sẽ nhờ ngươi mà được phước”.—Sáng-thế Ký 12:1-3; Công-vụ 7:2, 3.

6. Tại sao phải có đức tin thật Áp-ram mới có thể rời khỏi thành U-rơ?

6 Lúc đó Áp-ram đã già và chưa có con. Vậy làm thế nào ông có thể trở nên “một dân lớn”? Đâu là xứ mà ông được lệnh phải đi đến? Đức Chúa Trời chẳng cho biết. Vì thế, phải có đức tin thật Áp-ram mới có thể rời bỏ thành U-rơ thịnh vượng cùng những tiện nghi ở đó. Cuốn Family, Love and the Bible (Gia đình, tình yêu và Kinh Thánh) nhận xét về thời xưa như sau: “Hình phạt nặng nhất đối với một thành viên trong gia đình đã phạm trọng tội là bị từ và đuổi đi... Do đó, việc Áp-ram làm theo lời phán bảo của Đức Chúa Trời, không chỉ rời khỏi xứ sở mà cả bà con mình là một biểu hiện phi thường của sự vâng phục và tin cậy tuyệt đối nơi Đức Chúa Trời”.

7. Tín đồ Đấng Christ ngày nay có thể phải đương đầu với những thử thách nào như Áp-ram?

7 Tín đồ Đấng Christ ngày nay có thể gặp phải những thử thách tương tự. Giống như Áp-ram, chúng ta có thể bị áp lực đặt vật chất lên trên sự thờ phượng thật. (1 Giăng 2:16) Chúng ta có thể bị chống đối bởi những người thân không tin đạo, kể cả những người đã bị khai trừ, cố lôi cuốn chúng ta vào những giao tiếp không lành mạnh. (Ma-thi-ơ 10:34-36; 1 Cô-rinh-tô 5:11-13; 15:33) Áp-ram đã nêu gương mẫu tốt cho chúng ta. Ông đặt tình bạn với Đức Giê-hô-va lên trên hết—trên cả quan hệ gia đình. Ông không biết chính xác lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện như thế nào, khi nào hay ở đâu. Tuy vậy ông vẫn sẵn lòng tin cậy hoàn toàn nơi những lời hứa đó. Điều này thật khích lệ chúng ta đặt Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống mình ngày nay!—Ma-thi-ơ 6:33.

8. Đức tin của Áp-ram đã ảnh hưởng thế nào đến những người thân trong gia đình ông, và tín đồ Đấng Christ có thể rút ra được bài học nào từ điều này?

8 Còn những người thân trong gia đình Áp-ram thì sao? Đức tin của ông hẳn đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến họ vì cả vợ ông là Sa-rai lẫn người cháu mồ côi là Lót đều đã vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, rời khỏi U-rơ. Anh của Áp-ram là Na-cô và một số con cháu ông sau đó cũng rời U-rơ tới cư ngụ ở Cha-ran và thờ phượng Đức Giê-hô-va tại đó. (Sáng-thế Ký 24:1-4, 10, 31; 27:43; 29:4, 5) Ngay cả Tha-rê, cha của Áp-ram, cũng đồng ý đi cùng con trai! Vì Tha-rê là gia trưởng, nên Kinh Thánh đã nói ông là người đưa gia đình dọn về phía Ca-na-an. (Sáng-thế Ký 11:31) Liệu chúng ta cũng có thể thành công bằng cách khéo léo làm chứng cho thân thuộc mình không?

9. Áp-ram phải làm gì để chuẩn bị cho chuyến đi, và tại sao ông có thể đã phải chịu tổn thất trong việc đó?

9 Trước khi bắt đầu cuộc hành trình, Áp-ram có nhiều việc phải làm. Ông phải bán tài sản, đồ đạc, và mua lều, lạc đà, thực phẩm cùng những thiết bị cần dùng. Có lẽ Áp-ram phải chịu ít nhiều tổn thất khi chuẩn bị vội vã như vậy, nhưng ông vui mừng vâng lời Đức Giê-hô-va. Chắc hẳn đó phải là một ngày trọng đại khi mọi việc đã chuẩn bị xong và đoàn người nhà Áp-ram đứng ngoài tường thành U-rơ, sẵn sàng lên đường! Dọc theo dòng Ơ-phơ-rát, họ đi về hướng tây bắc. Sau nhiều tuần hành trình, vượt qua một quảng đường dài gần 1.000 kilômét, họ dừng lại tại một thành phố ở phía bắc vùng Mê-sô-bô-ta-mi có tên là Cha-ran, nơi các đoàn lữ hành thường nghỉ chân.

10, 11. (a) Tại sao Áp-ram ở lại Cha-ran một thời gian? (b) Những tín đồ Đấng Christ đang chăm sóc cha mẹ già được sự khích lệ nào?

10 Áp-ram định cư ở Cha-ran có lẽ vì nghĩ đến cha già Tha-rê. (Lê-vi Ký 19:32) Ngày nay, nhiều tín đồ Đấng Christ cũng có cơ hội chăm sóc cho cha mẹ già hoặc đau ốm, một số có khi phải thu xếp đời sống để chu toàn trách nhiệm này. Khi hoàn cảnh đòi hỏi phải làm thế, những người đó có thể tin chắc rằng những hy sinh đầy yêu thương của họ làm “đẹp lòng Đức Chúa Trời”.—1 Ti-mô-thê 5:4.

11 Thời gian trôi qua, “Tha-rê hưởng-thọ được hai trăm năm tuổi, rồi qua đời tại Cha-ran”. Chắc chắn Áp-ram rất đau buồn trước mất mát này nhưng khi vừa mãn tang, ông lập tức lên đường. “Khi Áp-ram ra khỏi Cha-ran, tuổi người được bảy mươi lăm. Áp-ram dẫn Sa-rai, vợ mình, Lót, cháu mình, cả gia-tài đã thâu-góp, và các đầy-tớ đã được tại Cha-ran, từ đó ra, để đi đến xứ Ca-na-an”.—Sáng-thế Ký 11:32; 12:4, 5.

12. Áp-ram đã làm gì khi sống ở Cha-ran?

12 Điều đáng chú ý là trong khi ở Cha-ran, Áp-ram đã ‘thâu-góp gia-tài’. Mặc dù đã hy sinh của cải vật chất để rời thành U-rơ nhưng khi đi khỏi Cha-ran, Áp-ram lại là người giàu có. Rõ ràng đó là sự ban phước của Đức Chúa Trời. (Truyền-đạo 5:19) Mặc dù Đức Chúa Trời không hứa ban sự giàu có cho tất cả dân sự Ngài ngày nay, nhưng Ngài luôn thành tín giữ lời hứa chăm lo cho nhu cầu của những người đã “từ-bỏ nhà-cửa, anh em, chị em” vì Nước Trời. (Mác 10:29, 30) Áp-ram cũng ‘được các đầy-tớ’. Các bản dịch diễn ý Jerusalem Targum và Chaldee Paraphrase nói rằng Áp-ram ‘làm cải đạo’. (Sáng-thế Ký 18:19) Đức tin có thúc đẩy bạn nói chuyện với láng giềng, đồng nghiệp hay bạn học không? Thay vì lo an cư lập nghiệp và quên đi mạng lệnh của Đức Chúa Trời, Áp-ram đã sử dụng hiệu quả thời gian ở Cha-ran. Nhưng bây giờ thời gian ở đó đã hết. “Rồi, Áp-ram đi, theo như lời Đức Giê-hô-va đã phán dạy”.—Sáng-thế Ký 12:4.

Băng qua Sông Ơ-phơ-rát

13. Áp-ram băng qua Sông Ơ-phơ-rát khi nào, và hành động này có ý nghĩa gì?

13 Một lần nữa, Áp-ram phải lên đường. Rời Cha-ran, đoàn người nhà ông đi khoảng 90 kilômét về phía tây. Có lẽ Áp-ram đã dừng chân bên dòng Ơ-phơ-rát tại nơi đối ngang Cạt-kê-mít, một trung tâm thương mại thời cổ đại. Đây là điểm chính yếu để các đoàn lữ hành băng qua sông. * Đoàn lữ hành của Áp-ram băng qua sông vào ngày nào? Theo Kinh Thánh, điều này xảy ra 430 năm trước khi dân Do Thái xuất hành khỏi Ai Cập vào ngày 14 tháng Ni-san năm 1513 TCN. Xuất Ê-díp-tô Ký 12:41 tường thuật: “Khi mãn bốn trăm ba mươi năm rồi, thì, cũng trong ngày đó, các quân-đội của Đức Giê-hô-va ra khỏi xứ Ê-díp-tô”. (Chúng tôi viết nghiêng). Như vậy, có lẽ giao ước Áp-ra-ham đã có hiệu lực vào ngày 14 tháng Ni-san năm 1943 TCN khi Áp-ram vâng lời băng qua Sông Ơ-phơ-rát.

14. (a) Với con mắt đức tin, Áp-ram đã có thể nhìn thấy điều gì? (b) Dân của Đức Chúa Trời ngày nay có phước hơn Áp-ram theo nghĩa nào?

14 Áp-ram đã bỏ lại phía sau một thành phố phồn thịnh. Tuy nhiên, giờ đây ông có thể hình dung “một thành có nền vững-chắc”, một chính phủ công bình cai trị trên nhân loại. (Hê-bơ-rơ 11:10) Thật vậy, chỉ với một ít thông tin, Áp-ram đã bắt đầu hiểu được những nét sơ bộ trong ý định của Đức Chúa Trời nhằm cứu chuộc nhân loại đang bị án chết. Ngày nay, chúng ta có ân phước được hiểu sâu rộng hơn Áp-ram rất nhiều về ý định của Đức Chúa Trời. (Châm-ngôn 4:18) “Thành” hay chính phủ Nước Trời mà Áp-ram trông đợi nay đã thành hiện thực—đã được lập trên trời từ năm 1914. Điều đó không thúc đẩy chúng ta tỏ rõ đức tin và sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va qua hành động sao?

Thời kỳ tạm trú trong đất hứa bắt đầu

15, 16. (a) Tại sao phải can đảm Áp-ram mới có thể xây bàn thờ cho Đức Giê-hô-va? (b) Làm thế nào tín đồ Đấng Christ ngày nay có thể tỏ ra can đảm như Áp-ram?

15 Sáng-thế Ký 12:5, 6 nói: “Rồi, chúng đều đến xứ Ca-na-an. Áp-ram trải qua xứ nầy, đến cây dẻ-bộp của Mô-rê, tại Si-chem”. Si-chem cách Giê-ru-sa-lem 50 kilômét về phía bắc, nằm trong một thung lũng phì nhiêu từng được miêu tả là “địa đàng của đất thánh”. Tuy nhiên, “lúc đó, dân Ca-na-an ở tại xứ”. Vì dân Ca-na-an rất bại hoại về mặt đạo đức, nên Áp-ram có lẽ đã phải vất vả lắm mới bảo vệ được gia đình mình khỏi ảnh hưởng tai hại của họ.—Xuất Ê-díp-tô Ký 34:11-16.

16 Một lần nữa “Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Áp-ram mà phán rằng: Ta sẽ ban cho dòng-dõi ngươi đất nầy!” Thật sung sướng làm sao! Dĩ nhiên, phải có đức tin Áp-ram mới có thể vui mừng về một điều mà chỉ con cháu ông trong tương lai mới được hưởng. Dù vậy, để đáp lại, Áp-ram đã ‘lập tại đó một bàn-thờ cho Đức Giê-hô-va, là Đấng đã hiện đến cùng người’. (Sáng-thế Ký 12:7) Một học giả Kinh Thánh cho rằng: “Lập bàn thờ thật ra là hình thức sở hữu hóa vùng đất dựa trên quyền thực hành đức tin”. Việc xây bàn thờ cũng là một hành động can đảm. Chắc chắn, bàn thờ này đã được xây theo kiểu được qui định trong giao ước Luật Pháp sau này, tức làm bằng đá tự nhiên (không chạm trổ). (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:24, 25) Nó hẳn phải trông rất khác với bàn thờ của dân Ca-na-an. Như vậy, Áp-ram đã can đảm công khai cho thấy ông là người thờ phượng Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời thật, dù điều đó có thể khiến ông bị ghét, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng. Còn chúng ta ngày nay thì sao? Một vài người trong chúng ta, đặc biệt là những người trẻ, có ngại cho láng giềng hoặc bạn học biết mình thờ phượng Đức Giê-hô-va không? Mong sao gương can đảm của Áp-ram khuyến khích tất cả chúng ta tự hào là tôi tớ Đức Giê-hô-va!

17. Áp-ram chứng tỏ ông là người rao truyền danh Đức Chúa Trời như thế nào, và điều đó nhắc nhở tín đồ Đấng Christ thời nay về việc gì?

17 Dù đi đến đâu, Áp-ram cũng đặt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu. “Từ đó, người đi qua núi ở về phía đông Bê-tên, rồi đóng trại; phía tây có Bê-tên, phía đông có A-hi. Đoạn, người lập tại đó một bàn-thờ cho Đức Giê-hô-va và cầu-khẩn danh Ngài”. (Sáng-thế Ký 12:8) Cụm từ Hê-bơ-rơ được dịch là “cầu-khẩn danh” còn có nghĩa “công bố (hay rao truyền) danh”. Chắc chắn Áp-ram đã can đảm công bố danh Đức Giê-hô-va cho những người láng giềng Ca-na-an biết. (Sáng-thế Ký 14:22-24) Điều này nhắc nhở chúng ta về bổn phận phải làm hết sức để ‘công bố danh Ngài’ vào thời nay.—Hê-bơ-rơ 13:15, Bản Dịch Mới; Rô-ma 10:10.

18. Áp-ram có quan hệ thế nào với cư dân ở Ca-na-an?

18 Áp-ram không ở lại lâu tại một nơi. “Kế sau, Áp-ram vừa đi vừa đóng trại lần lần đến Nam-phương”—vùng đất nửa khô cằn ở phía nam miền cao nguyên Giu-đa. (Sáng-thế Ký 12:9) Bằng cách liên tục di chuyển và xưng mình là người thờ phượng Đức Giê-hô-va tại mỗi nơi đến, Áp-ram cùng gia đình đã “tự xưng là kiều dân và lữ khách trên mặt đất”. (Hê-bơ-rơ 11:13, Bản Diễn Ý) Họ luôn tránh thân quá mức với những người láng giềng ngoại đạo. Ngày nay, tín đồ Đấng Christ cũng phải giữ mình “không thuộc về thế-gian”. (Giăng 17:16) Mặc dù vẫn tử tế và lịch sự với láng giềng và đồng nghiệp, chúng ta phải cẩn thận tránh có cung cách phản ánh tinh thần của thế gian xa cách Đức Chúa Trời.—Ê-phê-sô 2:2, 3.

19. (a) Tại sao đời sống du mục hẳn đã gây nhiều thử thách cho Áp-ram và Sa-rai? (b) Những thử thách nào khác đang chờ đợi Áp-ram phía trước?

19 Chúng ta chớ quên rằng việc thích nghi với đời sống du mục khắc nghiệt chắc chắn không phải là điều dễ dàng cho cả Áp-ram lẫn Sa-rai. Họ chỉ có thức ăn lấy từ bầy gia súc chứ không còn được dùng đủ loại thực phẩm tại các chợ ở U-rơ, phải sống trong lều thay vì một ngôi nhà kiên cố. (Hê-bơ-rơ 11:9) Mỗi ngày Áp-ram phải bận rộn với đủ thứ công việc, cai quản bầy gia súc và các đầy tớ. Sa-rai hiển nhiên phải coi sóc những công việc truyền thống của phụ nữ theo văn hóa đó, như nhồi bột, làm bánh, dệt len, may vá. (Sáng-thế Ký 18:6, 7; 2 Các Vua 23:7; Châm-ngôn 31:19; Ê-xê-chi-ên 13:18) Nhưng vẫn còn những thử thách khác đang chờ đợi họ phía trước. Áp-ram và gia đình sắp phải đối phó với một tình huống nguy hiểm đến chính tính mạng của họ! Liệu đức tin của Áp-ram có đủ mạnh để đương đầu với thử thách này không?

[Chú thích]

^ đ. 3 Mặc dù ngày nay Sông Ơ-phơ-rát nằm cách vị trí trước đây của thành U-rơ 16 kilômét về phía đông, nhưng có bằng chứng cho thấy vào thời xưa con sông này nằm về phía tây thành. Vì thế, sau này Áp-ram đã được xem là đến từ “bên kia Sông [Ơ-phơ-rát]”.—Giô-suê 24:3, Nguyễn Thế Thuấn.

^ đ. 13 Nhiều thế kỷ sau, Vua Ashurnasirpal II của A-si-ri đã dùng bè để băng qua Sông Ơ-phơ-rát tại gần Cạt-kê-mít. Kinh Thánh không nói rõ Áp-ram cùng người nhà đã phải đóng bè hay chỉ lội qua sông.

Bạn có lưu ý không?

• Tại sao Áp-ram được gọi là “cha hết thảy những kẻ tin”?

• Tại sao phải có đức tin Áp-ram mới có thể rời khỏi thành U-rơ, xứ Canh-đê?

• Áp-ram cho thấy ông đặt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Bản đồ nơi trang 16]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA ÁP-RAM

U-rơ

Cha-ran

Cạt-kê-mít

CA-NA-AN

Biển Lớn

[Nguồn tư liệu]

Based on a map copyrighted by Pictorial Archive (Near Eastern History) Est. and Survey of Israel

[Hình nơi trang 15]

Phải có đức tin Áp-ram mới có thể từ bỏ cuộc sống tiện nghi ở U-rơ

[Hình nơi trang 18]

Bằng cách sống trong lều, Áp-ram cùng gia đình đã “tự xưng là kiều dân và lữ khách trên mặt đất”