Các đại hội—Những dịp vui mừng khẳng định tình anh em của chúng ta
Đứng vững và toàn vẹn với niềm tin chắc
Các đại hội—Những dịp vui mừng khẳng định tình anh em của chúng ta
Ở TUỔI 50, Joseph F. Rutherford, tuy không được khỏe lắm sau gần một năm bị giam cầm oan ức, nhưng lại vui sướng đóng vai bồi phòng khách sạn. Anh khuân hành lý hộ anh em và giúp họ nhận phòng. Hai người bạn tù của anh—cùng là Học Viên Kinh Thánh—trao cho đông đảo khách đang đợi giấy đăng ký phòng. Công việc này tiếp tục nhộn nhịp đến quá nửa đêm. Tinh thần hào hứng khiến mọi người phấn khởi. Đó là dịp nào vậy?
Năm đó là năm 1919, và các Học Viên Kinh Thánh (nay là Nhân Chứng Giê-hô-va) vừa ra khỏi một giai đoạn bị bắt bớ dữ dội. Để củng cố lại hàng ngũ nội bộ, họ tổ chức một đại hội ở Cedar Point, Ohio, Hoa Kỳ, từ ngày 1 đến 8 tháng 9 năm 1919. Vào ngày cuối của đại hội, 7.000 thính giả hưng phấn chăm chú lắng nghe anh Rutherford khuyến khích mỗi đại biểu bằng những lời này: “Bạn là một sứ thần của vị Vua của các vua và Chúa của các chúa, hãy thông báo cho mọi dân... nước vinh hiển của Chúa chúng ta”.
Trong vòng dân tộc Đức Giê-hô-va, các đại hội có từ thời Y-sơ-ra-ên xa xưa. (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:14-17; Lu-ca 2:41-43) Những cuộc hội họp như thế là dịp vui mừng, giúp tất cả những ai có mặt ghi nhớ Lời Đức Chúa Trời. Thời nay cũng thế, các đại hội của Nhân Chứng Giê-hô-va xoay quanh quyền lợi thiêng liêng. Đối với những người thành thật quan sát, các cuộc hội họp vui mừng ấy đưa ra bằng chứng không thể chối cãi là các Nhân Chứng được hợp nhất qua mối ràng buộc chặt chẽ của tình anh em tín đồ Đấng Christ.
Nỗ lực để tham dự
Tín đồ Đấng Christ thời nay nhận thức rằng các đại hội của họ là những cơ hội tươi mát về thiêng liêng và dịp được dạy dỗ về Lời Đức Chúa Trời. Họ xem những buổi họp lớn này là những phương cách không thể thiếu được nhằm giúp họ “đứng vững và toàn vẹn với niềm tin chắc về mọi ý muốn của Đức Chúa Trời”. (Cô-lô-se 4:12, NW) Bởi vậy, các Nhân Chứng hết lòng ủng hộ các cuộc hội họp này và cố gắng hết sức để tham dự.
Đối với một số người, chính sự có mặt ở các cuộc đại hội như thế đòi hỏi họ phải thực hành đức tin và vượt qua những trở ngại lớn lao. Chẳng hạn hãy xem gương của một chị Nhân Chứng lớn tuổi ở nước Áo. Dù bị bệnh tiểu đường và cần tiêm chất insulin mỗi ngày, chị lo liệu sao cho có mặt mỗi ngày trong suốt kỳ đại hội địa hạt được tổ chức ở nước chị. Ở Ấn Độ, một gia đình Nhân Chứng đông người ở trong cảnh túng thiếu cùng cực cảm thấy hầu như không thể tham dự được một đại hội. Một thành viên trong gia đình ra công giúp đỡ. Chị nói: “Không muốn bỏ lỡ dịp này, tôi bán đi hoa tai của tôi để tài trợ chuyến đi này. Sự hy sinh này đáng công vì sự kết hợp với anh em và các kinh nghiệm trong đại hội củng cố đức tin của chúng tôi”.
Ở Papua New Guinea, một nhóm người chú ý chưa làm báp têm cương quyết tham dự một đại hội địa hạt ở thủ đô. Họ tiếp xúc với một người đàn ông trong làng, chủ một chiếc xe công cộng, và hỏi ông giá cả để chở họ đến đại hội. Vì tiền xe quá sức trả của họ, nên họ thỏa thuận với ông và ra công tân trang nhà bếp của ông. Như vậy họ đã có thể đi dự đại hội địa hạt và nhận lãnh lợi ích qua toàn bộ chương trình.
Khoảng cách không phải là vấn đề không vượt
qua được đối với các Nhân Chứng Giê-hô-va quyết chí có mặt tại các đại hội. Vào năm 1978, để tham dự một đại hội ở Lille, nước Pháp, một đại biểu trẻ tuổi ở Ba Lan đã đạp xe đạp suốt sáu ngày xuyên qua đoạn đường dài 1.200 kilômét. Vào mùa hè năm 1997, hai Nhân Chứng ở Mông Cổ thực hiện một cuộc hành trình dài 1.200 kilômét để dự một cuộc hội họp đạo Đấng Christ ở Irkutsk, nước Nga.Tình anh em chân chính thể hiện qua hành động
Những người quan sát có tinh thần cởi mở thấy rõ sự hợp nhất và tình anh em giữa các Nhân Chứng tại các đại hội. Nhiều người có ấn tượng tốt khi thấy các đại biểu không thiên vị ai và có sự nồng nhiệt chân thành ngay cả giữa những người gặp nhau lần đầu tiên.
Tại một đại hội quốc tế gần đây ở Úc, một hướng dẫn viên du lịch phục vụ một tuần cho các đại biểu đại hội từ nơi khác đến, muốn đi thêm với họ lâu hơn nữa vì thích kết hợp với họ. Ông ấy có ấn tượng tốt về tình yêu thương và sự hợp nhất của họ, và không thể tin nổi rằng họ lại có thể hòa thuận với nhau đến thế, bởi phần đông trong họ là người trước đó không quen với nhau. Đến lúc chia tay, ông ta xin phát biểu. Xưng họ bằng “anh chị”, ông ta bắt đầu cám ơn họ, nhưng không thể kết thúc vì cảm động và bật lên khóc.
Vào năm 1997, anh em ở Sri Lanka tổ chức một đại hội địa hạt đầu tiên bằng ba ngôn ngữ trong một vận động trường lớn. Toàn bộ chương trình được trình bày cùng một lúc bằng tiếng Anh, Sinhalese và Tamil. Trong một thế gian đầy căng thẳng giữa các sắc tộc, một cuộc hội họp chung giữa ba nhóm ngôn ngữ như thế không khỏi khiến người ta để ý. Một cảnh sát viên hỏi một anh Nhân Chứng: “Ai đứng ra tổ chức đại hội này—nhóm người Sinhalese, Tamil hoặc nhóm người Anh?” Anh Nhân Chứng đáp: “Không riêng nhóm nào cả. Tất cả chúng tôi đồng tổ chức”. Cảnh sát viên lắc đầu, không thể tin nổi. Khi cả ba nhóm ngôn ngữ cùng nghe lời cầu nguyện bế mạc và tiếng “A-men” đồng thanh vang dội khắp vận động trường, các đại biểu đồng loạt vỗ tay nồng nhiệt. Ít có ai trong cử tọa cầm được giọt nước mắt. Đúng vậy, các cuộc đại hội quả thật là dịp vui mừng khẳng định tình anh em của chúng ta.—Thi-thiên 133:1. *
[Chú thích]
^ đ. 14 Xem sách Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom, nơi các trang 66-77, 254-282, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.