Hãy đi trên ‘đường ngay-thẳng’
Hãy đi trên ‘đường ngay-thẳng’
NHÀ tiên tri Ê-sai công bố: “Kẻ công-bình được phước; vì họ sẽ ăn trái của việc làm mình”. Ê-sai cũng nói: “Đường của người công-bình là ngay-thẳng”. (Ê-sai 3:10; 26:7) Rõ ràng, nếu muốn việc làm của chúng ta sinh kết quả tốt, chúng ta phải làm điều ngay thẳng trước mắt Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể đi trên đường ngay thẳng? Khi làm thế chúng ta có thể trông mong những ân phước nào? Và người khác có thể được lợi ích nào khi chúng ta làm theo những tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời? Chương 10 của sách Châm-ngôn trong Kinh Thánh, Vua Sa-lô-môn của nước Y-sơ-ra-ên xưa cung cấp lời giải đáp cho những câu hỏi này khi ông tương phản người công bình và kẻ gian ác. Khi làm thế, ông dùng cụm từ “người công-bình” hay “kẻ công-bình” 13 lần. Cụm từ này xuất hiện chín lần trong những câu 15 tới 32. Như thế, việc xem xét Châm-ngôn 10:15-32 sẽ chứng tỏ là điều khích lệ. *
Nắm chặt sự sửa phạt
Sa-lô-môn chỉ rõ tầm quan trọng của sự công bình. Ông nói: “Tài-sản kẻ giàu-có là cái thành kiên-cố của người; song sự hư-nát của người khốn-khổ là sự nghèo-nàn của họ. Lao-khổ của người công-bình hướng về sự sống; còn hoa-lợi kẻ hung-ác chiều về tội-lỗi”.—Châm-ngôn 10:15, 16.
Của cải có thể che chở chống lại những bấp bênh trong đời sống, giống như thành kiên cố cung cấp mức an toàn cho người cư ngụ trong đó. Và sự nghèo khó có thể tàn hại khi xảy ra những chuyện bất ngờ. (Truyền-đạo 7:12) Tuy nhiên, vị vua khôn ngoan cũng có thể đang ám chỉ mối nguy hiểm liên quan tới cả sự giàu có lẫn nghèo khó. Người giàu có thể có khuynh hướng hoàn toàn tin cậy vào sự giàu có của mình, tưởng rằng những thứ quý giá ấy “như một bức tường cao”. (Châm-ngôn 18:11) Người nghèo có thể mắc quan điểm sai lầm là sự nghèo khó khiến họ không có hy vọng ở tương lai. Do đó, cả hai đều không tạo được tiếng tốt trước mắt Đức Chúa Trời.
Trái lại, về mặt vật chất dù một người công bình có nhiều hay ít, việc làm ngay thẳng của người đó dẫn đến sự sống. Bằng cách nào? Người đó bằng lòng với những gì mình hiện có. Người đó không để cho tình trạng tài chính chi phối vị thế tốt của mình với Đức Chúa Trời. Dù giàu hay nghèo, lối sống của người công bình đem lại hạnh phúc ngay bây giờ và hy vọng sống đời đời trong tương lai. (Gióp 42:10-13) Kẻ ác không hưởng được lợi ích cho dù tạo được sự giàu có. Thay vì biết ơn về giá trị che chở của sự giàu có và sống phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời, người đó dùng của cải để sống trong tội lỗi.
Vua Y-sơ-ra-ên tiếp tục: “Kẻ nghe lời khuyên-dạy ở trong đường sự sống, nhưng ai quên sự quở-trách phải lầm-lạc”. (Châm-ngôn 10:17) Một học giả Kinh Thánh gợi ý rằng câu Kinh Thánh này có thể hiểu theo hai cách. Một cách có thể là người chấp nhận sửa phạt và theo đuổi sự công bình thì ở trên con đường dẫn đến sự sống, trong khi người từ chối sự quở trách rời bỏ đường đó. Câu Kinh Thánh cũng có nghĩa là “người nghe theo sự sửa phạt chỉ đường sự sống [cho người khác vì gương tốt của người đó giúp ích cho họ], nhưng ai lờ đi sự sửa dạy khiến người khác lầm lạc”. (Châm-ngôn 10:17, New International Version) Trong cả hai trường hợp, việc chúng ta nắm chặt sự sửa phạt và không từ bỏ sự quở trách là trọng yếu biết chừng nào!
Thay thế sự ghen ghét bằng tình yêu thương
Sa-lô-môn trình bày tiếp một câu Châm-ngôn hai phần có một ý tương tự, phần thứ hai củng cố cho phần thứ nhất. Ông nói: “Người giấu sự ghen-ghét có môi dối-giả”. Nếu một người có sự ghen ghét trong lòng đối với một người khác và giấu giếm điều đó đằng sau những lời ngọt ngào hoặc sự tâng bốc, kẻ đó đang lừa gạt—kẻ đó có “môi dối-giả”. Vị vua khôn ngoan bổ sung cho ý này: “Ai rải điều nói hành là kẻ ngu-dại”. (Châm-ngôn 10:18) Thay vì giấu kín sự ghen ghét của mình, một số người buộc tội sai lầm hoặc gieo rắc những lời gièm pha về người họ ghen ghét. Việc làm đó là ngu dại bởi vì tin đồn có tính cách phỉ báng không thật sự thay đổi được nhân cách của người kia. Một người lắng nghe sâu sắc sẽ hiểu được sự hiểm độc và sẽ bớt tôn trọng kẻ vu khống. Do đó, kẻ gieo tiếng đồn xấu lại làm hại chính mình.
Lối hành động công bình là không cậy vào sự dối trá cũng như vu khống. Đức Chúa Trời phán với dân Y-sơ-ra-ên: “Chớ có lòng ghen-ghét anh em mình”. (Lê-vi Ký 19:17) Chúa Giê-su khuyên răn những người nghe ngài: “Hãy yêu [ngay cả] kẻ thù-nghịch, và cầu-nguyện cho kẻ bắt-bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời”. (Ma-thi-ơ 5:44, 45) Thật tốt đẹp hơn biết chừng nào khi làm cho lòng chúng ta đầy tình yêu thương thay vì ghen ghét!
“Cầm-giữ miệng”
Nhấn mạnh nhu cầu kiểm soát cái lưỡi, vị vua khôn ngoan nói: “Hễ lắm lời, vi-phạm nào có thiếu; nhưng ai cầm-giữ miệng mình là khôn-ngoan”.—Châm-ngôn 10:19.
“Kẻ ngu-muội hay nói nhiều lời”. (Truyền-đạo 10:14) Miệng kẻ ngu muội “chỉ buông điều điên-cuồng”. (Châm-ngôn 15:2) Điều này không có nghĩa là mọi người hay nói đều là kẻ ngu muội. Nhưng thật dễ dàng cho một người nói quá nhiều để trở thành công cụ truyền tin đồn hoặc chuyện thày lay có hại! Thanh danh bị xúc phạm, tình cảm bị tổn thương, mối liên hệ căng thẳng, và thậm chí sự tai hại về thể chất thường có thể qui cho lời nói ngu muội. “Nói nhiều không tránh được tội”. (Châm-ngôn 10:19, Trịnh Văn Căn) Hơn nữa, thật bực mình khi ở gần một người mà chuyện gì cũng xen vào. Mong sao chúng ta không lắm lời.
Người cầm giữ miệng mình không những Châm-ngôn 25:11.
tránh sự giả dối mà lại còn hành động một cách thận trọng. Người đó suy nghĩ trước khi nói. Được thúc đẩy bởi lòng yêu mến các đường lối của Đức Giê-hô-va và ước muốn thành thật giúp đỡ người anh em, người đó xem xét ảnh hưởng của lời nói mình đối với những người khác. Lời nói người đó có yêu thương và ân cần. Người suy ngẫm làm sao cho điều mình nói gây thiện cảm và giúp ích. Lời người giống như “trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc”—luôn luôn khéo léo và nghiêm trang.—“Nuôi dạy nhiều người”
Sa-lô-môn nói tiếp: “Lưỡi người công-bình giống như bạc cao, còn lòng kẻ hung-ác không ra gì”. (Châm-ngôn 10:20) Điều gì người công bình nói là tinh khiết—giống bạc nguyên chất, có phẩm chất cao, không có tạp chất. Điều này chắc chắn đúng đối với những tôi tớ của Đức Giê-hô-va vì họ truyền bá sự hiểu biết cứu mạng của Lời Đức Chúa Trời cho những người khác. Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, đã dạy dỗ họ và ‘đã ban cho họ cái lưỡi của người được dạy-dỗ, hầu cho họ biết dùng lời nói nâng-đỡ kẻ mệt-mỏi’. (Ê-sai 30:20; 50:4) Thật vậy, lưỡi của họ như bạc phẩm chất cao vì lưỡi đó nói ra lẽ thật của Kinh Thánh. Lời của họ đối với những người có lòng thành thật có giá trị hơn gấp bội so với dụng ý của những kẻ ác! Chúng ta hãy háo hức nói về Nước Đức Chúa Trời và những việc diệu kỳ của Ngài.
Người công bình là một ân phước cho những người xung quanh mình. Sa-lô-môn tiếp tục: “Môi miệng người công-bình nuôi dạy nhiều người. Nhưng kẻ ngu-dại chết, vì thiếu trí hiểu”.—Châm-ngôn 10:21.
“Người công-bình nuôi dạy nhiều người” bằng cách nào? Từ Hê-bơ-rơ được dùng ở đây có nghĩa là “chăn dắt”. (Châm-ngôn 10:21, cước chú NW) Từ này mang ý tưởng dẫn dắt cũng như nuôi dưỡng, giống như một người chăn chiên thời xưa chăm sóc chiên của mình. (1 Sa-mu-ên 16:11; Thi-thiên 23:1-3; Nhã-ca 1:7) Người công bình hướng hoặc chăn dắt những người khác tới con đường công bình, lời của người nuôi dưỡng người nghe. Kết cuộc, họ sống hạnh phúc hơn, thỏa mãn hơn, và thậm chí có thể nhận được sự sống đời đời.
Tuy nhiên, người ngu dại thì sao? Vì thiếu trí hiểu, người ấy tỏ ra thiếu động lực tốt hoặc thiếu quan tâm đến hậu quả lối sống của mình. Một người như thế làm những gì mình muốn, không màng đến hậu quả. Vì vậy, người ấy gánh lấy hình phạt của hành động mình. Trong khi người công bình giúp những người khác giữ mạng sống, người thiếu trí hiểu không thể thậm chí tự giữ lấy mạng sống mình.
Tránh xa việc làm ác
Nhân cách của một người thường biểu lộ qua những cái thích và không thích của người ấy. Nói về điều này, vua Y-sơ-ra-ên nói: “Kẻ thiếu trí hiểu coi sự làm ác như chơi; nhưng người thông-sáng thích sự khôn-ngoan”.—Châm-ngôn 10:23.
Một số người xem việc làm ác, tức hành vi luông tuồng, như trò chơi, và làm việc đó chỉ vì “việc đùa cho vui”. Những người như thế không đếm xỉa gì đến Đức Chúa Trời là Đấng mà tất cả mọi người phải khai trình công việc mình với Ngài, và họ không muốn nhìn nhận mình sai lầm. (Rô-ma 14:12) Họ có lối suy nghĩ sai lầm đến độ cho rằng Đức Chúa Trời không thấy việc làm sai trái của họ. Qua hành động của mình, họ thật sự nói: “Chẳng có Đức Chúa Trời”. (Thi-thiên 14:1-3; Ê-sai 29:15, 16) Thật ngu dại làm sao!
Trái lại, người thông sáng nhận thức rằng hành vi luông tuồng không phải là trò chơi. Người biết rằng hành động đó không làm Đức Chúa Trời hài lòng và có thể phá hủy mối quan hệ của một người với Ngài. Hạnh kiểm như thế là ngu dại vì nó khiến người ta mất lòng tự trọng, làm hỏng hôn nhân, làm hại cả tâm trí lẫn thân thể, và dẫn đến việc đánh mất thiêng liêng tính. Chúng ta nên khôn ngoan tránh xa hành vi luông tuồng và vun trồng lòng yêu mến sự khôn ngoan như đối với một người chị rất yêu quý.—Châm-ngôn 7:4.
Xây trên nền tảng đúng
Chỉ về giá trị của việc xây dựng đời sống dựa trên nền tảng đúng, Sa-lô-môn nói: “Điều gì kẻ hung-ác sợ-sệt—ắt sẽ xảy đến cho nó; nhưng kẻ công-bình sẽ được như ý mình ước-ao. Khi gió trốt thổi qua, kẻ hung-ác không còn nữa; song nền của người công-bình còn đến đời đời”.—Châm-ngôn 10:24, 25.
Kẻ ác có thể gây ra nhiều sự sợ hãi cho người khác. Tuy nhiên, những gì kẻ ác khiếp sợ rốt cuộc lại xảy đến với nó. Thiếu một nền tảng theo những nguyên tắc công bằng, nó giống như một tòa nhà không vững chắc sẽ sụp đổ trong một trận cuồng phong. Người đó khuất phục trước áp lực. Trái lại, người công bình giống như người hành động phù hợp với lời phán của Chúa Giê-su. Người đó là “một người khôn-ngoan cất nhà mình trên vầng đá”. Chúa Giê-su phán: “Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô-động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá”. (Ma-thi-ơ 7:24, 25) Một người như thế là vững vàng—sự suy nghĩ và các hành động của người đó đều xây vững chắc trên những nguyên tắc của Đức Chúa Trời.
Trước khi đi xa hơn để tương phản người ác với người công bình, vua khôn ngoan đưa ra lời cảnh báo ngắn gọn nhưng quan trọng. Ông nói: “Như giấm ghê răng, như khói cay mắt, kẻ làm biếng-nhác đối với người sai-khiến nó là vậy”. (Châm-ngôn 10:26) Giấm là chất làm cho răng khó chịu. Chất axít axêtic có trong giấm tạo ra vị chua trong miệng và có thể làm cho người ta cảm thấy ghê răng. Khói làm cay và nhức mắt. Do đó, bất cứ ai thuê một người lười biếng hoặc dùng kẻ đó làm người đại diện sẽ bực bội và chịu mất mát.
“Con đường của Đức Giê-hô-va như một đồn-lũy”
Vua Y-sơ-ra-ên tiếp tục: “Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va gia-thêm ngày tháng; còn năm tuổi kẻ ác sẽ bị giảm-bớt đi. Sự trông-mong của người công-bình giáp sự vui-vẻ; còn sự trông-đợi của kẻ ác sẽ hư-mất đi”.—Châm-ngôn 10:27, 28.
Người công bình được hướng dẫn bởi sự kính sợ Đức Chúa Trời và cố gắng làm vui lòng Đức Giê-hô-va qua ý nghĩ, lời nói và việc làm của mình. Đức Chúa Trời chăm sóc người đó và làm cho những trông đợi ngay thẳng của người đó thành hiện thực. Tuy nhiên, kẻ ác sống một đời sống không tin kính. Những hy vọng của kẻ ác đôi khi trở thành hiện thực nhưng chỉ là tạm thời, vì những ngày của nó thường bị rút ngắn lại vì hung bạo hoặc bệnh tật do lối sống của kẻ ấy. Trong ngày kẻ ác chết tất cả hy vọng của nó đều tiêu tán.—Châm-ngôn 11:7.
Sa-lô-môn nói: “Con đường của Đức Giê-hô-va như một đồn-lũy cho người ngay-thẳng; nhưng nó là sự bại-hoại cho kẻ làm ác”. (Châm-ngôn 10:29) Con đường của Đức Giê-hô-va ở đây nói đến, không phải con đường sự sống mà chúng ta nên theo, nhưng cách Đức Chúa Trời đối xử với nhân loại. Môi-se nói: “Công-việc của Hòn-Đá là trọn-vẹn; vì các đường-lối Ngài là công-bình”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4) Các đường lối công bình của Đức Chúa Trời có nghĩa là sự an toàn cho những người công bình và sự hủy diệt cho kẻ ác.
Quả thật Đức Giê-hô-va chứng tỏ Ngài là đồn lũy cho dân Ngài! “Người công-bình chẳng hề bị rúng-động; song kẻ ác không được ở trên đất. Miệng người công-bình sanh sự khôn-ngoan; duy lưỡi của kẻ gian-tà sẽ bị truất. Môi người công-bình biết điều đẹp ý; nhưng miệng kẻ hung-ác chỉ nói sự gian-tà”.—Châm-ngôn 10:30-32.
Chắc chắn người công bình hạnh phúc và được ban phước vì đi trên đường ngay thẳng. Thật vậy, “phước-lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu-có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào”. (Châm-ngôn 10:22) Vậy thì, mong sao chúng ta luôn luôn cẩn trọng hành động phù hợp với nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng hãy cầm giữ miệng và dùng lưỡi chúng ta để nuôi dưỡng những người khác bằng lẽ thật cứu mạng của Lời Đức Chúa Trời và dẫn dắt họ đi tới con đường công bình.
[Chú thích]
^ đ. 3 Muốn đọc bài thảo luận chi tiết về Châm-ngôn 10:1-14, xem Tháp Canh 15-7-2001, trang 24-27.
[Hình nơi trang 26]
Cái lưỡi có thể ví như “bạc cao”