Bạn có thể biến đổi thế giới thành một nơi tốt hơn không?
Bạn có thể biến đổi thế giới thành một nơi tốt hơn không?
“Chính trị không thể tái tạo lại cơ cấu của xã hội đã trở nên lỏng lẻo. Nó không đủ phương tiện để tái tạo những giá trị đạo đức truyền thống. Các chính sách tốt nhất cũng không thể phục hồi lại giá trị về việc tìm hiểu nhau hoặc về hôn nhân, làm cho những người cha có trách nhiệm đối với con cái, khiến người ta cảm thấy phẫn nộ hoặc biết xấu hổ như trước đây... Luật pháp không thể giải quyết tận gốc phần lớn những vấn đề đạo đức gây phiền muộn cho chúng ta”.
BẠN có thường nghĩ như những lời trên của một cựu phu tá trong chính quyền Hoa Kỳ không? Nếu có, đâu là giải pháp cho nhiều vấn đề ngày nay xuất phát từ tính tham lam, việc thiếu tình thương trong gia đình, luân lý suy đồi, sự ngu dốt và những nhân tố khác xói mòn cơ cấu của xã hội? Một số người cảm thấy rằng không có giải pháp, nên họ chỉ tiếp tục bận rộn với cuộc sống của họ theo cách tốt nhất. Những người khác hy vọng rằng một ngày nào đó một lãnh tụ xuất chúng và có tài thu hút quần chúng, có lẽ ngay cả một nhà lãnh đạo tôn giáo, sẽ xuất hiện và dẫn dắt họ đi đúng hướng.
Thật thế, cách đây hai ngàn năm, người ta từng muốn tôn Chúa Giê-su Christ làm vua vì họ cảm nhận rằng ngài được Đức Chúa Trời phái đến và ngài hẳn sẽ là một nhà cai trị lỗi lạc nhất. Tuy nhiên, khi biết được ý định của họ, Chúa Giê-su mau mắn ẩn mình. (Giăng 6:14, 15) Sau đó, ngài giải thích với quan tổng trấn La Mã: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy”. (Giăng 18:36) Tuy nhiên, ngày nay ít ai có lập trường giống như Chúa Giê-su—ngay cả những người lãnh đạo tôn giáo tự nhận là môn đồ ngài. Một số những người này cố gắng biến đổi thế giới thành một nơi tốt hơn bằng cách cố gây ảnh hưởng đối với các nhà cai trị của thế gian hoặc bằng cách chính họ giữ chức vụ trong chính quyền. Chúng ta có thể hiểu điều này khi duyệt lại các thập niên 1960 và 1970.
Các nỗ lực tôn giáo nhằm cải thiện thế giới
Vào cuối thập niên 1960, một số nhà thần học thuộc các nước ở Châu Mỹ La-tinh đấu tranh bênh vực người nghèo bị áp bức. Nhằm mục đích đó, họ đề xướng thần học giải phóng, theo đó người ta xem Chúa Giê-su không chỉ là một Đấng Cứu Thế theo nghĩa của Kinh Thánh mà còn cả trong lĩnh vực chính trị và kinh tế nữa. Ở Hoa Kỳ, một số lãnh tụ tôn giáo vì quan tâm sâu sắc đến giá trị đạo đức suy đồi nên đã thành lập một tổ chức gọi là Moral Majority. Mục tiêu của tổ chức đó là nhằm đưa vào chính trường những nhà lập pháp sẽ đưa ra những tiêu chuẩn đạo đức gia đình lành mạnh. Cũng thế, ở các nước theo Hồi Giáo, một số nhóm đã cố gắng bài trừ tham nhũng và lạm quyền bằng cách khuyến khích người ta theo sát kinh Koran hơn.
Bạn có tin rằng thế giới sẽ là một nơi tốt hơn nhờ những nỗ lực như thế không? Thực tế cho thấy rằng nói chung các giá trị đạo đức cứ tiếp tục suy đồi và khoảng cách giữa người giàu và người nghèo
càng rộng ra, kể cả tại những nước chủ trương thần học giải phóng.Vì tổ chức Moral Majority ở Hoa Kỳ thất bại trong những mục tiêu then chốt, sáng lập viên Jerry Falwell đã giải tán tổ chức này vào năm 1989. Những tổ chức khác đã thay thế. Tuy nhiên, Paul Weyrich, người đã nghĩ ra cụm từ “moral majority”, viết trong tạp chí Christianity Today: “Dù chúng ta thắng cử, sự chiến thắng của chúng ta không thể biến thành loại chính sách mà chúng ta xem là quan trọng”. Ông cũng viết: “Tư tưởng nào cũng chấp nhận được nhân danh văn hóa. Chúng ta rơi vào tình trạng văn hóa suy thoái như chưa từng thấy trong lịch sử, đến nỗi chính trị cũng bất lực”.
Nhà báo và nhà văn Cal Thomas cho biết rằng ông xem việc cậy vào chính trị để nâng cao trình độ của xã hội là một sai lầm cơ bản: “Sự thay đổi thật sự phải diễn ra từng người một chứ không phải qua mỗi cuộc bầu cử, vì các vấn đề chính yếu có tính chất đạo đức và thiêng liêng chứ không phải kinh tế và chính trị”.
Nhưng làm sao người ta có thể giải quyết những vấn đề đạo đức và thiêng liêng trong một thế giới không có tiêu chuẩn tuyệt đối, nơi người ta tự quyết định lấy điều đúng và sai cho mình? Nếu những người có uy tín và hảo ý—dù thuộc tôn giáo hay không—không thể biến đổi thế giới này thành một chỗ tốt hơn, vậy ai có thể? Có lời giải đáp, như chúng ta sẽ thấy trong bài tới. Thật thế, đó là lý do chính tại sao Chúa Giê-su nói Nước ngài không thuộc về thế gian này.
[Nguồn hình ảnh nơi trang 2]
COVER: Dirty water: WHO/UNICEF photo; địa cầu: Mountain High Maps® Copyright © 1997 Digital Wisdom, Inc.
[Nguồn hình ảnh nơi trang 3]
Trẻ em: UN photo; địa cầu: Mountain High Maps® Copyright © 1997 Digital Wisdom, Inc.