Đức Giê-hô-va dạy chúng ta đếm các ngày của mình
Đức Giê-hô-va dạy chúng ta đếm các ngày của mình
“Cầu-xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn-ngoan”.—THI-THIÊN 90:12.
1. Tại sao cầu xin Đức Giê-hô-va dạy chúng ta ‘đếm các ngày chúng ta’ là điều thích đáng?
GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI là Đấng Tạo Hóa và Đấng Ban Sự Sống cho chúng ta. (Thi-thiên 36:9; Khải-huyền 4:11) Vì thế, ngoài Ngài ra, không ai khác tốt hơn có thể dạy chúng ta biết sử dụng khôn ngoan những năm tháng đời mình. Bởi vậy, người viết Thi-thiên đã cầu nguyện thật thích đáng: “Cầu-xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn-ngoan”. (Thi-thiên 90:12) Bài Thi-thiên 90 ghi lại lời cầu xin này, chắc chắn đáng để chúng ta cẩn thận xem xét. Trước hết, chúng ta hãy xem sơ lược nội dung bài hát được soi dẫn trên.
2. (a) Ai được xem là tác giả của bài Thi-thiên 90, và bài này có lẽ đã được viết khi nào? (b) Bài Thi-thiên 90 nên có ảnh hưởng nào trên nhân sinh quan của chúng ta?
2 Lời chú thích ở đầu bài cho biết Thi-thiên 90 là “bài cầu-nguyện của Môi-se, người của Đức Chúa Trời”. Vì bài Thi-thiên này nhấn mạnh sự ngắn ngủi của đời người, nên có lẽ nó đã được sáng tác sau khi dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi xiềng xích Ai Cập, trong khoảng thời gian 40 năm họ đi trong đồng vắng, nơi cả một thế hệ gồm hàng ngàn người đã chết vì thiếu đức tin. (Dân-số Ký 32:9-13) Dù thế nào đi nữa, bài Thi-thiên 90 cũng cho thấy đời người bất toàn thật ngắn ngủi. Vì thế, chúng ta phải biết sử dụng những năm tháng quý báu của đời mình một cách khôn ngoan.
3. Nội dung sơ lược của bài Thi-thiên 90 là gì?
3 Câu 1 đến 6 của bài Thi-thiên 90 khẳng định Đức Giê-hô-va là nơi ở đời đời của chúng ta. Câu 7 đến 12 dạy chúng ta cách sử dụng những năm tháng chóng qua của cuộc đời theo ý muốn Ngài. Cuối cùng, như được diễn tả nơi câu 13 đến 17, chúng ta nhiệt thành khao khát được nhận lãnh sự nhân từ và ban phước của Đức Giê-hô-va. Dĩ nhiên, bài Thi-thiên này không trực tiếp áp dụng cho từng tôi tớ Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, mỗi cá nhân chúng ta vẫn cần khắc ghi thái độ tin kính được thể hiện qua lời cầu nguyện này. Vì vậy, chúng ta hãy cùng cẩn thận xem xét bài Thi-thiên 90 dưới cặp mắt của người đã dâng mình cho Đức Chúa Trời.
Đức Giê-hô-va—“Nơi-ở” của chúng ta
4-6. Làm thế nào Đức Giê-hô-va là “nơi-ở” của chúng ta?
4 Người viết Thi-thiên mở đầu với những lời này: “Lạy Chúa, từ đời nầy qua đời kia Chúa là nơi-ở của chúng tôi. Trước khi núi-non chưa sanh ra, đất và thế-gian chưa dựng-nên [“bởi công khó Ngài”, “NW”], từ trước vô-cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời”.—Thi-thiên 90:1, 2.
5 Đối với chúng ta, “Đức Chúa Trời hằng sống”, Đức Giê-hô-va là “nơi-ở”, nơi nương náu về thiêng liêng. (Rô-ma 16:26) Chúng ta cảm thấy an toàn vì với tư cách là “Đấng nghe lời cầu-nguyện”, Ngài luôn túc trực giúp đỡ chúng ta. (Thi-thiên 65:2) Khi trao gánh nặng cho Cha trên trời qua Con một yêu dấu Ngài, ‘sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng chúng ta’.—Phi-líp 4:6, 7; Ma-thi-ơ 6:9; Giăng 14:6, 14.
6 Ngoài ra, chúng ta còn vui hưởng sự an toàn về phương diện thiêng liêng vì, nói theo nghĩa bóng, Đức Giê-hô-va là “nơi-ở” của chúng ta. Ngài cung cấp những “buồng”—có lẽ liên quan mật thiết tới các hội thánh của dân Ngài—để làm nơi trú ẩn về thiêng liêng, nơi những người chăn bầy yêu thương góp phần lớn tạo nên cảm giác an toàn. (Ê-sai 26:20; 32:1, 2; Công-vụ 20:28, 29) Hơn thế nữa, một số người trong chúng ta cũng xuất thân từ những gia đình phụng sự Đức Chúa Trời lâu năm nên cảm nhận được Ngài là ‘nơi-ở của mình từ đời nầy qua đời kia’.
7. Núi non đã “sanh ra” và trái đất được dựng nên “bởi công khó” Đức Chúa Trời theo nghĩa nào?
7 Đức Giê-hô-va hiện hữu trước khi núi non “sanh ra”, hay trái đất được dựng nên “bởi công khó Ngài”. Đối với con người, việc tạo ra trái đất với tất cả những đặc tính, hóa chất và cơ chế phức tạp của nó đòi hỏi vô vàn công sức. Khi nói núi non “sanh ra” và trái đất được dựng nên “bởi công khó Ngài”, người viết Thi-thiên muốn tỏ lòng kính phục sâu xa trước lượng công việc khổng lồ mà Đức Giê-hô-va đã thực hiện để tạo nên những vật này. Chẳng lẽ chúng ta lại không bày tỏ cùng lòng kính phục và biết ơn như thế đối với công việc của Đấng Tạo Hóa sao?
Đức Giê-hô-va luôn bên cạnh chúng ta
8. Câu Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời “từ trước vô-cùng cho đến đời đời” có nghĩa gì?
8 Người viết Thi-thiên hát: “Từ trước vô-cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời”. “Đời đời” có thể được dùng để nói đến những sự việc có kết thúc, nhưng chưa xác định khi nào. (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:16, 17; Hê-bơ-rơ 9:15) Tuy nhiên, ở Thi-thiên 90:2 và một số nơi khác trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, từ “đời đời” mang ý nghĩa vĩnh hằng. (Truyền-đạo 1:4) Trí óc chúng ta không sao hiểu nổi làm thế nào Đức Chúa Trời luôn luôn hiện hữu. Ấy thế nhưng Đức Giê-hô-va không có bắt đầu và cũng không có kết thúc. (Ha-ba-cúc 1:12, NW) Ngài sẽ luôn có mặt và sẵn sàng giúp chúng ta.
9. Người viết Thi-thiên ví một ngàn năm hiện hữu của con người như điều gì?
9 Người viết Thi-thiên được soi dẫn ví một ngàn năm hiện hữu của con người như một thời gian rất ngắn trước mặt Đấng Tạo Hóa vĩnh hằng. Ông nói với Đức Chúa Trời: “Chúa khiến loài người trở vào bụi-tro, và phán rằng: Hỡi con-cái loài người, hãy trở lại. Vì một ngàn năm trước mắt Chúa khác nào ngày hôm qua đã qua rồi, giống như một canh của đêm”.—Thi-thiên 90:3, 4.
10. Đức Chúa Trời khiến con người “trở vào bụi-tro” theo nghĩa nào?
10 Loài người ai cũng chết, và Đức Chúa Trời khiến họ “trở vào bụi-tro”. Trên thực tế, Ngài nói với họ: ‘Ngươi trở về bụi đất là nơi mà có ngươi ra’. (Sáng-thế Ký 2:7; 3:19) Điều này xảy ra cho tất cả mọi người—mạnh lẫn yếu, giàu lẫn nghèo—vì không một người bất toàn nào ‘chuộc được anh em mình, hoặc đóng giá chuộc người nơi Đức Chúa Trời, hầu cho người được sống mãi-mãi’. (Thi-thiên 49:6-9) Do đó chúng ta thật biết ơn xiết bao vì ‘Đức Chúa Trời đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy được sự sống đời đời’!—Giăng 3:16; Rô-ma 6:23.
11. Tại sao có thể nói một thời gian dài đối với chúng ta rất ngắn ngủi trước mắt Đức Chúa Trời?
11 Đối với Đức Giê-hô-va, ngay cả cụ già Mê-tu-sê-la 969 tuổi cũng sống chưa đầy một ngày. (Sáng-thế Ký 5:27) Một ngàn năm trước mặt Ngài chẳng khác nào ngày hôm qua—chỉ như 24 tiếng đồng hồ vừa trôi qua mà thôi. Người viết Thi-thiên còn nói một ngàn năm đối với Đức Chúa Trời chỉ như một canh trực đêm bốn giờ của người gác trại. (Các Quan Xét 7:19) Rõ ràng, một thời gian dài đối với chúng ta rất ngắn ngủi trước mắt Đức Chúa Trời hằng sống, Đức Giê-hô-va.
12. Đức Chúa Trời khiến loài người “trôi đi” như thế nào?
12 So với sự vĩnh hằng của Đức Chúa Trời, đời người quả ngắn ngủi. Người viết Thi-thiên nói: “Chúa làm chúng nó trôi đi như nước chảy cuồn-cuộn; chúng nó khác nào một giấc-ngủ, ban mai họ tựa như cây cỏ xanh-tươi: Sáng ngày cỏ nở bông và tốt-tươi; buổi chiều người ta cắt nó và nó héo”. (Thi-thiên 90:5, 6) Môi-se đã chứng kiến hàng ngàn người Y-sơ-ra-ên phải chết trong đồng vắng, vì bị Đức Chúa Trời khiến “trôi đi” như trong dòng lũ. Phần này của bài Thi-thiên còn được dịch là: “Ngài cuốn con người vào giấc ngủ ngàn thu”. (New International Version) Mặt khác, đời người bất toàn chẳng khác nào một “giấc-ngủ” ngắn ngủi—một cái chợp mắt về đêm.
13. Vì sao chúng ta chỉ “tựa như cây cỏ xanh-tươi”, và điều này nên có ảnh hưởng nào trên suy nghĩ của chúng ta?
13 Chúng ta ‘tựa như cây cỏ xanh-tươi sáng nở bông’, nhưng đến chiều thì héo úa dưới sức nóng của mặt trời. Thật vậy, đời sống chúng ta cũng phù du như hoa cỏ tàn héo trong chỉ một ngày. Vì thế, chúng ta chớ nên lãng phí những năm tháng quý giá của đời mình, mà hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời để biết sử dụng chúng một cách hữu ích trong hệ thống mọi sự này.
Đức Giê-hô-va giúp chúng ta ‘đếm các ngày chúng ta’
14, 15. Thi-thiên 90:7-9 ứng nghiệm thế nào trên dân Y-sơ-ra-ên?
14 Người viết Thi-thiên nói thêm với Đức Chúa Trời: “Chúng tôi bị hao-mòn [“vong mạng”, “Nguyễn Thế Thuấn”] vì cơn giận của Chúa, bị bối-rối bởi sự thịnh-nộ Chúa. Chúa đã đặt gian-ác chúng tôi ở trước mặt Chúa, để những tội-lỗi kín-đáo chúng tôi trong ánh sáng mặt Chúa. Bởi cơn giận của Chúa, các ngày chúng tôi đều qua đi; năm chúng tôi tan mất như hơi-thở”.—Thi-thiên 90:7-9.
15 Dân Y-sơ-ra-ên thiếu đức tin đã ‘vong mạng vì cơn giận của Đức Chúa Trời’. Họ bị ‘bối-rối bởi sự thịnh-nộ Ngài’, hay ‘chết điếng trước cơn nóng giận Ngài’. (NTT) Một số người đã “ngã chết nơi đồng vắng” vì bị Đức Chúa Trời kết án. (1 Cô-rinh-tô 10:5) Đức Giê-hô-va cũng ‘đặt gian-ác họ ở trước mặt Ngài’, không chỉ bắt họ phải chịu trách nhiệm về những tội lỗi công khai, mà cả “những tội-lỗi kín-đáo” của họ cũng được bày ra ‘trong ánh sáng mặt Ngài’. (Châm-ngôn 15:3) Là đối tượng của cơn thạnh nộ Đức Chúa Trời, dân Y-sơ-ra-ên không ăn năn đã phải “tan mất như hơi-thở”. Cũng một thể ấy, đời sống ngắn ngủi của chính chúng ta cũng chỉ như hơi thở thoáng qua.
16. Nếu có người đang lén lút phạm tội, người đó nên làm gì?
16 Nếu có ai trong chúng ta lén lút phạm tội, Châm-ngôn 28:13; Gia-cơ 5:14, 15) Như vậy sẽ tốt hơn biết bao là để ‘những năm chúng ta tan mất như hơi-thở’, đánh mất hy vọng về sự sống đời đời!
có thể chúng ta sẽ giấu được những người xung quanh trong một thời gian. Nhưng tội lỗi đó sẽ bị phơi bày trước ‘ánh sáng mặt Đức Giê-hô-va’, và sẽ làm tổn thương mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Muốn hòa thuận lại với Đức Giê-hô-va, chúng ta phải cầu xin Ngài tha thứ, từ bỏ tội lỗi, và chấp nhận với lòng biết ơn sự giúp đỡ về thiêng liêng của các trưởng lão. (17. Đời người trung bình kéo dài bao lâu, và đầy dẫy những điều gì?
17 Luận về tuổi thọ của con người bất toàn, người viết Thi-thiên nói tiếp: “Tuổi-tác của chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh-khỏe thì đến tám mươi; song sự kiêu-căng của nó bất quá là lao-khổ và buồn-thảm, vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi”. (Thi-thiên 90:10) Tuổi thọ trung bình của con người là 70 năm; khi đến tuổi 85, Ca-lép đã xem mình là mạnh khỏe khác thường. Đã có những trường hợp ngoại lệ như A-rôn (123 tuổi), Môi-se (120 tuổi), và Giô-suê (110 tuổi). (Dân-số Ký 33:39; Phục-truyền Luật-lệ Ký 34:7; Giô-suê 14:6, 10, 11; 24:29) Nhưng trong số những người thuộc thế hệ thiếu đức tin được giải thoát khỏi Ai Cập, tất cả những người được thống kê từ 20 tuổi trở lên đều đã phải chết trong vòng 40 năm sau đó. (Dân-số Ký 14:29-34) Ngày nay, tại nhiều nước, tuổi thọ của người ta nói chung vẫn nằm trong độ tuổi mà người viết Thi-thiên đã nêu và đời người vẫn đầy dẫy “lao-khổ và buồn-thảm”. Thời gian qua nhanh chóng và ‘chúng ta bay mất đi’.—Gióp 14:1, 2.
18, 19. (a) ‘Biết đếm các ngày chúng ta, hầu cho chúng ta được lòng khôn-ngoan’ nghĩa là gì? (b) Sự khôn ngoan sẽ thúc đẩy chúng ta làm gì?
18 Tiếp theo, người viết Thi-thiên hát: “Ai biết sức sự giận của Chúa? Tùy theo sự kính-sợ xứng-đáng cho Chúa, ai biết sức sự nóng nảy Chúa? Cầu-xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn-ngoan”. (Thi-thiên 90:11, 12) Cơn giận của Đức Chúa Trời thật khó lường, và điều này càng khiến chúng ta kính sợ Ngài hơn nữa, đồng thời được thúc đẩy để cầu xin Ngài ‘dạy chúng ta biết đếm các ngày mình hầu chúng ta được lòng khôn-ngoan’.
19 Bài Thi-thiên là một lời cầu nguyện, xin Đức Giê-hô-va dạy dân Ngài biết dùng sự khôn ngoan để đánh giá và sử dụng những ngày tháng còn lại của đời họ theo ý muốn Ngài. Với tuổi thọ trung bình 70 năm, một người có thể hy vọng sống được 25.500 ngày. Nhưng dù ở tuổi nào chăng nữa, ‘ngày mai sẽ ra thế nào, chúng ta chẳng biết! Vì, sự sống của chúng ta là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay’. (Gia-cơ 4:13-15) Thật vậy, vì “thời thế và sự bất trắc xảy ra cho mọi người”, chúng ta không thể lượng trước mình sẽ sống được bao lâu. Vì thế, chúng ta hãy cầu xin cho có sự khôn ngoan để đương đầu với khó khăn, biết cách xử sự với người khác, và hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va ngay từ bây giờ, ngay hôm nay! (Truyền-đạo 9:11, NW; Gia-cơ 1:5-8) Đức Giê-hô-va hướng dẫn chúng ta qua Lời Ngài, thánh linh và tổ chức của Ngài. (Ma-thi-ơ 24:45-47; 1 Cô-rinh-tô 2:10; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Sự khôn ngoan sẽ thúc đẩy chúng ta ‘trước hết, tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời’, và dùng những năm tháng đời mình làm vui lòng Đức Giê-hô-va và tôn vinh danh Ngài. (Ma-thi-ơ 6:25-33; Châm-ngôn 27:11) Dĩ nhiên, hết lòng thờ phượng Ngài sẽ không giúp chúng ta thoát khỏi mọi vấn đề, nhưng chắc chắn vẫn đem lại niềm vui lớn.
Phước lành của Đức Giê-hô-va mang lại niềm vui
20. (a) Đức Chúa Trời “đổi lòng” theo nghĩa nào? (b) Đức Giê-hô-va sẽ đối xử với chúng ta ra sao nếu chúng ta phạm tội trọng nhưng biết ăn năn?
20 Thật tuyệt vời biết bao nếu luôn được sống vui vẻ trong suốt quãng đời còn lại! Môi-se đã cầu xin điều này: “Đức Giê-hô-va ơi, xin hãy trở lại.—Cho đến chừng nào?—Xin đổi lòng về việc các tôi-tớ Chúa. Ôi! xin Chúa cho chúng tôi buổi sáng được thỏa dạ về sự nhân-từ [hay “tình yêu thương chân thành”] Chúa, thì trọn đời chúng tôi sẽ hát mừng vui-vẻ”. (Thi-thiên 90:13, 14; cước chú NW). Đức Chúa Trời không lầm lỗi. Tuy nhiên, Ngài “đổi lòng” và “trở lại”, rút lại cơn giận và hình phạt khi những người phạm tội nghe lời cảnh cáo Ngài mà biết ăn năn, thay đổi thái độ và lối sống. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 13:17) Vì vậy, dù có trót phạm tội trọng, nhưng nếu chúng ta thành thật ăn năn, Đức Giê-hô-va vẫn sẽ cho chúng ta được ‘thỏa dạ về sự nhân-từ Ngài’, và khi đó chúng ta sẽ có lý do để “hát mừng vui-vẻ”. (Thi-thiên 32:1-5) Khi theo đuổi lối sống ngay thẳng, chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu thương chân thành của Đức Chúa Trời, và có thể ‘trọn đời hát mừng vui-vẻ’—vâng, trong suốt quãng đời còn lại của mình.
21. Môi-se có thể đã cầu xin điều gì nơi Thi-thiên 90:15, 16?
21 Người viết Thi-thiên khẩn nài tiếp: “Xin Chúa làm cho chúng tôi được vui-mừng tùy theo các ngày Chúa làm cho chúng tôi bị hoạn-nạn, và tùy theo những năm mà chúng tôi đã thấy sự tai-họa. Nguyện công-việc Chúa lộ ra cho các tôi-tớ Chúa, và sự vinh-hiển Chúa sáng trên con-cái họ!” (Thi-thiên 90:15, 16) Môi-se xin Đức Chúa Trời bù đắp lại những năm tháng hoạn nạn và tai họa mà dân Y-sơ-ra-ên đã phải chịu đựng bằng ngần ấy tháng năm vui mừng. Ông xin Đức Chúa Trời tỏ cho các tôi tớ Ngài thấy “công-việc” ban phước của Ngài trên dân Y-sơ-ra-ên, và cho con cái, hay dòng dõi họ thấy rõ sự vinh hiển Ngài. Chúng ta cũng có thể cầu xin Đức Chúa Trời ban phước dồi dào cho nhân loại biết vâng lời trong thế giới mới Ngài đã hứa.—2 Phi-e-rơ 3:13.
22. Theo Thi-thiên 90:17, cầu xin cho điều gì là chính đáng?
22 Thi-thiên 90 kết thúc với lời khẩn nguyện sau: “Nguyện ơn Chúa, là Đức Chúa Trời chúng tôi, giáng trên chúng tôi; cầu Chúa lập cho vững công-việc của tay chúng tôi; phải, xin lập cho vững công-việc của tay chúng tôi”. (Thi-thiên 90:17) Những lời này cho thấy cầu xin Đức Chúa Trời ban phước cho những nỗ lực của chúng ta để hầu việc Ngài là điều chính đáng. Dù là tín đồ Đấng Christ được xức dầu hay là bạn đồng hành của họ, những “chiên khác”, chúng ta đều vui sướng vì được ‘ơn Đức Giê-hô-va’. (Giăng 10:16) Chúng ta thật hạnh phúc biết bao vì Đức Chúa Trời đã ‘lập cho vững công-việc của tay chúng ta’, với tư cách người công bố Nước Trời và trong những phương diện khác nữa!
Chúng ta hãy tiếp tục đếm các ngày của mình
23, 24. Chúng ta hưởng được những lợi ích nào khi suy ngẫm về bài Thi-thiên 90?
23 Suy ngẫm về bài Thi-thiên 90 khiến chúng ta gia tăng lòng nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, “nơi-ở” của chúng ta. Nghiền ngẫm về sự ngắn ngủi của cuộc đời cũng giúp chúng ta càng ý thức rõ hơn chúng ta cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời để biết đếm các ngày của mình. Và nếu chúng ta kiên trì tìm kiếm và áp dụng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, chắc chắn chúng ta sẽ được hưởng sự nhân từ và ân phước của Ngài.
24 Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục dạy chúng ta biết đếm các ngày của mình. Nếu tuân theo sự hướng dẫn của Ngài, có thể chúng ta sẽ được đếm các ngày của mình cho đến mãi mãi. (Giăng 17:3) Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn sống đời đời, Đức Giê-hô-va phải là nơi nương náu của chúng ta. (Giu-đe 20, 21) Điểm này sẽ được làm rõ qua những lời đầy khích lệ của bài Thi-thiên 91, như chúng ta sẽ thấy trong bài tới.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
• Làm thế nào Đức Giê-hô-va là “nơi-ở” của chúng ta?
• Vì sao có thể nói Đức Giê-hô-va luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta?
• Làm thế nào Đức Giê-hô-va giúp chúng ta ‘đếm các ngày chúng ta’?
• Điều gì giúp chúng ta ‘trọn đời hát mừng vui-vẻ’?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 10]
“Trước khi núi-non chưa sanh ra”, Đức Giê-hô-va đã là Đức Chúa Trời
[Hình nơi trang 12]
Đối với Đức Giê-hô-va, cụ già Mê-tu-sê-la 969 tuổi sống chưa đầy một ngày
[Các hình nơi trang 14]
Đức Giê-hô-va đã ‘lập cho vững công-việc của tay chúng ta’