Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có thể tránh khỏi cơn đau tim thiêng liêng

Bạn có thể tránh khỏi cơn đau tim thiêng liêng

Bạn có thể tránh khỏi cơn đau tim thiêng liêng

Một vận động viên tầm cỡ thế giới, hoàn toàn làm chủ được kỹ năng của mình và bề ngoài trông rất tráng kiện, thình lình ngã quỵ trong một buổi diễn tập và chết. Đó chính là Sergei Grinkov, một vận động viên trượt băng hai lần đoạt huy chương vàng Olympic, sự nghiệp đầy hứa hẹn của anh thình lình bị chấm dứt—⁠khi anh chỉ mới 28 tuổi. Thật là bi thảm! Nguyên nhân bởi đâu? Một cơn đau tim. Người ta nói rằng cái chết của anh hoàn toàn bất ngờ bởi vì không có dấu hiệu gì cho thấy anh bị bệnh tim. Tuy nhiên, bác sĩ khám nghiệm nhận thấy tim anh ta to lên và động mạch vành bị nghẽn nghiêm trọng.

DÙ HÌNH như nhiều cơn đau tim xảy ra đột xuất, các chuyên gia y khoa nói rằng đây là trường hợp hiếm có. Sự thật là những dấu báo hiệu như trên và thêm vào những yếu tố phụ như khó thở, béo phì và đau ngực thường bị lờ đi. Do đó, cho dù không chết trong cơn đau tim, nhiều người cũng trở nên tàn tật nghiêm trọng trong quãng đời còn lại.

Giới y khoa hiện nay đều thống nhất là để tránh cơn đau tim đòi hỏi phải thường xuyên cảnh giác về chế độ ăn uống và lối sống cũng như đều đặn kiểm tra sức khỏe. * Những biện pháp như thế, cùng với việc thành thật sẵn sàng thay đổi cái gì cần thiết, sẽ giúp đỡ rất nhiều để một người tránh những hậu quả bi thảm bởi cơn đau tim.

Tuy nhiên, có một điều khác thậm chí còn đáng để ý nhiều hơn. Kinh Thánh cảnh báo chúng ta: “Khá cẩn-thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra”. (Châm-ngôn 4:23) Cần cảnh giác để che chở trái tim thể chất của chúng ta, nhưng thậm chí còn quan trọng hơn nữa luôn luôn tinh ý nếu chúng ta muốn che chở lòng, tức tim theo nghĩa bóng, chống lại những bệnh có thể dẫn đến sự chết thiêng liêng.

Phân tích cơn đau tim theo nghĩa bóng

Giống như bệnh tim về thể chất, một trong những cách bảo đảm nhất để phòng ngừa cơn đau tim về thiêng liêng là tìm hiểu nguyên nhân và rồi có biện pháp thích đáng. Vậy chúng ta hãy xem xét một số yếu tố căn bản gây ra những vấn đề về tim—⁠nghĩa đen và nghĩa bóng.

Chế độ dinh dưỡng. Thường thường người ta thừa nhận rằng đồ ăn vặt, tuy ngon miệng, nhưng ít có lợi hoặc không có lợi gì cho sức khỏe. Tương tự, thức ăn vặt cho tâm trí luôn luôn có sẵn và nhử giác quan của chúng ta, nhưng có hại cho sức khỏe thiêng liêng. Trên phương tiện truyền thông đại chúng có đầy dẫy tài liệu mô tả tình dục bất chính, ma túy, bạo lực và ma thuật. Nuôi dưỡng tâm trí bằng một chế độ dinh dưỡng như thế là độc hại cho lòng. Lời Đức Chúa Trời cảnh báo: “Mọi sự trong thế-gian, như sự mê-tham của xác-thịt, mê-tham của mắt, và sự kiêu-ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế-gian mà ra. Vả thế-gian với sự tham-dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”.—⁠1 Giăng 2:16, 17.

Những thức ăn lành mạnh, như trái cây và rau quả xanh, ít hấp dẫn đối với một người ghiền ăn vặt. Cũng vậy, thức ăn thiêng liêng lành mạnh và đặc có thể ít hấp dẫn đối với một người đã quen nuôi dưỡng lòng và trí theo cách của thế gian. Trong một thời gian, người đó có thể sống bằng “sữa” của Lời Đức Chúa Trời. (Hê-bơ-rơ 5:13) Về lâu về dài, người đó không phát triển sự thành thục về thiêng liêng cần thiết để gánh vác những trách nhiệm thiêng liêng căn bản trong hội thánh và thánh chức tín đồ Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19; Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Một số người ở trong tình huống đó đã để cho năng lực thiêng liêng của họ suy yếu dần tới độ họ trở thành những Nhân Chứng ngưng hoạt động!

Một mối nguy hiểm khác là vẻ bề ngoài đó có thể làm người ta dễ lầm tưởng. Việc thi hành bổn phận tín đồ Đấng Christ một cách chiếu lệ có thể che giấu một tấm lòng ngày càng yếu đi do sự ngấm ngầm buông lung theo triết lý duy vật hoặc sự giải trí đề cao sự vô luân, bạo lực hoặc ma thuật. Một chế độ dinh dưỡng thiêng liêng khiếm khuyết như thế dường như có thể ít tác dụng trên tính thiêng liêng của một người, nhưng nó cũng có thể làm cho lòng bị tê liệt giống như cách mà một chế độ ăn uống không đầy đủ có thể làm cho chai những động mạch và làm hại tim. Chúa Giê-su khuyên chớ để cho những ham muốn sai quấy len lỏi vào lòng. Ngài phán: “Hễ ai ngó đàn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi”. (Ma-thi-ơ 5:28) Đúng vậy, một chế độ dinh dưỡng thiêng liêng không đầy đủ có thể dẫn đến cơn đau tim thiêng liêng. Tuy nhiên, có những điều khác nữa cần xem xét.

Vận động. Ai cũng biết rõ rằng một lối sống thiếu hoạt động có thể góp phần dẫn đến cơn đau tim. Tương tự, một lối sống thiếu hoạt động về thiêng liêng có thể có những hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn, một người có thể tham gia thánh chức tín đồ Đấng Christ nhưng chỉ trong phạm vi được gọi là vùng thoải mái, nỗ lực ít hoặc không nỗ lực trở thành “người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật”. (2 Ti-mô-thê 2:15) Hoặc một người có thể tham dự một vài buổi họp nhưng ít chuẩn bị cũng ít góp phần bình luận. Có thể người đó không có mục tiêu thiêng liêng hoặc không khao khát hay không nhiệt thành đối với những điều thiêng liêng. Cuối cùng việc thiếu vận động thiêng liêng làm suy yếu, thậm chí làm chết đức tin mà người đó có thể đã từng có. (Gia-cơ 2:26) Sứ đồ Phao-lô lưu ý sự nguy hiểm này khi viết cho anh em tín đồ gốc Hê-bơ-rơ, một số người trong họ dường như đã rơi vào lối sống thiếu hoạt động về thiêng liêng như thế. Hãy lưu ý cách ông đã cảnh báo về ảnh hưởng có thể làm chai cứng tính thiêng liêng của họ. “Hỡi anh em, hãy giữ lấy, kẻo ai trong anh em có lòng dữ và chẳng tin mà trái-bỏ Đức Chúa Trời hằng sống chăng. Nhưng hằng ngày anh em hãy khuyên-bảo lẫn nhau, đang khi còn gọi là “ngày nay”, hầu cho trong anh em không ai bị tội-lỗi dỗ-dành mà cứng lòng”.—⁠Hê-bơ-rơ 3:12, 13.

Căng thẳng. Song, một nguyên nhân chính khác của cơn đau tim là sự căng thẳng quá mức. Tương tự, sự căng thẳng, hoặc “sự lo-lắng đời nầy”, có thể tỏ ra rất tai hại cho lòng, thậm chí khiến cho nạn nhân hoàn toàn ngưng phụng sự Đức Chúa Trời. Lời cảnh báo của Chúa Giê-su về lĩnh vực này thật đúng lúc: “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa”. (Lu-ca 21:34, 35) Sự căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng bất lợi đến lòng chúng ta nếu chúng ta bị giày vò vì một tội thầm kín trong một thời gian dài. Vua Đa-vít học được bài học qua kinh nghiệm đau khổ vì sự căng thẳng tai hại như thế khi ông nói: “Tại cớ tội-lỗi tôi, xương-cốt tôi chẳng được an-nghỉ. Vì sự gian-ác tôi vượt qua đầu tôi; nó nặng quá cho tôi, khác nào một gánh nặng”.—⁠Thi-thiên 38:3, 4.

Sự quá tự tin. Nhiều nạn nhân của cơn đau tim rất tin tưởng về tình trạng sức khỏe của họ ngay trước khi cơn đau tim xảy ra. Họ thường bỏ qua việc khám sức khỏe hoặc thậm chí cười xòa xem như hoàn toàn không cần thiết. Tương tự, một số người có thể cảm thấy rằng vì họ đã là tín đồ Đấng Christ được một thời gian rồi, có lẽ không gì có thể xảy ra cho họ được. Họ có thể thiếu sót trong việc kiểm tra sức khỏe thiêng liêng hoặc tự kiểm điểm cho đến khi gặp tai họa. Ghi nhớ lời khuyên tốt lành của Phao-lô để chống lại sự quá tự tin là điều trọng yếu: “Ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã”. Điều khôn ngoan là nhìn nhận bản chất bất toàn của chúng ta và đều đặn tự xem xét mình về thiêng liêng.—⁠1 Cô-rinh-tô 10:12; Châm-ngôn 28:⁠14.

Chớ lờ đi những dấu hiệu cảnh báo

Kinh Thánh có lý do chính đáng để dành ưu tiên cho tình trạng của trái tim theo nghĩa bóng, tức là lòng. Chúng ta đọc nơi Giê-rê-mi 17:9, 10: “Lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật, và rất là xấu-xa: ai có thể biết được? Ta, Đức Giê-hô-va, dò-xét trong trí, thử-nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết-quả của việc họ làm”. Nhưng ngoài việc xem xét lòng chúng ta, Đức Giê-hô-va cũng ban sự sắp đặt đầy yêu thương để giúp chúng ta trong việc cần thiết là tự xét mình.

Qua “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, chúng ta được nhắc nhở đúng lúc. (Ma-thi-ơ 24:45) Chẳng hạn, một trong những cách chính mà lòng có thể lừa dối chúng ta là khiến chúng ta thả mình trong những mộng tưởng của thế gian. Đó là những tưởng tượng không thực tế, những mộng tưởng hão huyền, những suy nghĩ vẩn vơ. Những mộng tưởng như thế có thể trở nên rất tai hại, nhất là nếu chúng gợi ra những ý tưởng không thanh sạch. Vậy, chúng ta phải dứt khoát từ bỏ những ý tưởng này. Nếu chúng ta ghét sự phi pháp như Chúa Giê-su, chúng ta sẽ che chở lòng mình để tránh những mộng tưởng thế gian.—⁠Hê-bơ-rơ 1:8, 9.

Ngoài ra, chúng ta có sự giúp đỡ của các trưởng lão đầy yêu thương trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. Dù chắc chắn quý trọng sự quan tâm của người khác, chung quy mỗi người chúng ta vẫn có trách nhiệm chăm sóc lòng mình. Mỗi người chúng ta có bổn phận “xem-xét mọi việc” và “tự-xét để xem mình có đức-tin chăng”.—⁠1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21; 2 Cô-rinh-tô 13:⁠5.

Che chở lòng

Nguyên tắc Kinh Thánh “ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” cũng áp dụng cho lòng chúng ta. (Ga-la-ti 6:7) Thường thì điều có vẻ là một tai họa thình lình về thiêng liêng hóa ra lại là hậu quả của việc chìm đắm thầm kín và lâu dài vào những cuộc theo đuổi tai hại về thiêng liêng như xem tài liệu khiêu dâm, quá lo lắng về vật chất, hoặc cố giành được tiếng tăm hoặc quyền thế.

Do đó, để che chở lòng, điều quan trọng là canh chừng chế độ dinh dưỡng thiêng liêng. Hãy nuôi dưỡng tâm trí bằng cách tiếp thu Lời Đức Chúa Trời. Hãy tránh xa tài liệu độc hại cho trí tuệ nhan nhản ở khắp nơi và thật hấp dẫn cho xác thịt nhưng chỉ khiến cho lòng chai lì mà thôi. Người viết Thi-thiên cảnh báo bằng một sự tương đồng thích hợp—⁠và chính xác về y khoa: “Lòng chúng nó dày như mỡ”.—⁠Thi-thiên 119:⁠70.

Nếu có những khuyết điểm thầm kín dai dẳng, hãy cố gắng hết sức để loại trừ chúng, nếu không, chúng làm nghẽn huyết mạch thiêng liêng của bạn. Nếu thế gian bắt đầu có vẻ hấp dẫn và dường như cung cấp nhiều lạc thú và hưởng thụ, hãy suy ngẫm lời khuyên khôn ngoan sứ đồ Phao-lô cung cấp. Ông viết: “Hỡi anh em, vậy thì tôi bảo nầy, thì-giờ ngắn-ngủi. Từ nay về sau​... kẻ dùng của thế-gian, nên như kẻ chẳng dùng vậy; vì hình-trạng thế-gian nầy qua đi”. (1 Cô-rinh-tô 7:29-31) Và, nếu sự giàu có về vật chất bắt đầu lôi cuốn, hãy lưu ý lời của Gióp: “Nếu tôi có để lòng tin-cậy nơi vàng, và nói với vàng ròng rằng: Ngươi là sự nương-nhờ của ta; điều đó cũng là một tội-ác đáng bị quan-xét phạt; vì nếu làm vậy, tôi đã từ-chối Đức Chúa Trời trên cao kia”.—⁠Gióp 31:24, 28; Thi-thiên 62:10; 1 Ti-mô-thê 6:9, 10.

Nhắc đến sự nghiêm trọng của việc quen làm ngơ lời khuyên dựa trên Kinh Thánh, Kinh Thánh cảnh báo: “Người nào bị quở-trách thường, lại cứng cổ mình, sẽ bị bại-hoại thình-lình, không phương cứu-chữa”. (Châm-ngôn 29:1) Trái lại, chăm sóc tốt lòng mình, chúng ta có thể hưởng được niềm vui và sự bình an của tâm trí đến từ lối sống đơn giản, ngăn nắp. Đây luôn luôn là đường lối được đề cao trong đạo thật Đấng Christ. Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để viết: “Vả, sự tin-kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng”.—⁠1 Ti-mô-thê 6:6-⁠8.

Đúng vậy, huấn luyện và thực tập theo đường lối tin kính sẽ bảo đảm chúng ta có tấm lòng lành mạnh và vững chắc. Bằng cách kiểm soát kỹ lưỡng chế độ dinh dưỡng thiêng liêng, chúng ta sẽ không để cho đường lối và tư tưởng độc hại của thế gian có cơ hội làm hại tình trạng thiêng liêng của chúng ta. Trên hết mọi sự, bằng cách chấp nhận những sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va qua tổ chức của Ngài, mong sao chúng ta đều đặn xem xét lòng mình. Siêng năng làm như vậy sẽ góp phần rất lớn giúp tránh hậu quả xấu của cơn đau tim thiêng liêng.

[Chú thích]

^ đ. 4 Muốn tìm hiểu thêm, xin xem loạt bài “Heart Attack—⁠What Can Be Done?” trong Tỉnh Thức! (Anh ngữ) số ra ngày 8-12-1996, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Câu nổi bật nơi trang 10]

MỘT CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG THIÊNG LIÊNG KHIẾM KHUYẾT CÓ THỂ LÀM TÊ LIỆT LÒNG CŨNG NHƯ CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG KHÔNG ĐẦY ĐỦ CÓ THỂ LÀM CHAI MẠCH MÁU VÀ LÀM HẠI TIM

[Câu nổi bật nơi trang 10]

MỘT LỐI SỐNG THIẾU HOẠT ĐỘNG VỀ THIÊNG LIÊNG CÓ THỂ CÓ HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

[Câu nổi bật nơi trang 11]

“SỰ LO-LẮNG ĐỜI NẦY” CÓ THỂ TỎ RA RẤT TAI HẠI CHO LÒNG

[Hình nơi trang 11]

Bỏ bê sức khỏe thiêng liêng có thể dẫn đến nhiều đau đớn

[Các hình nơi trang 13]

Vun trồng những thói quen tốt về thiêng liêng che chở lòng

[Nguồn tư liệu nơi trang 9]

AP Photo/David Longstreath