Vun trồng lòng kính sợ Đức Giê-hô-va
Vun trồng lòng kính sợ Đức Giê-hô-va
“Ồ! chớ chi dân nầy thường có một lòng kính-sợ ta, hằng giữ theo các điều-răn ta”.—PHỤC-TRUYỀN LUẬT-LỆ KÝ 5:29.
1. Làm sao chúng ta có thể tin chắc một ngày nào đó người ta sẽ thoát khỏi nỗi sợ hãi?
SỰ SỢ HÃI ám ảnh loài người từ hàng bao thế kỷ. Nỗi sợ đói, bệnh tật, tội ác hoặc chiến tranh làm cho hàng triệu người lo lắng triền miên. Bởi lý do này, lời mở đầu của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền diễn đạt ước muốn mang đến cho toàn thể nhân loại một thế giới nơi đó con người thoát khỏi nỗi sợ hãi. * Điều đáng mừng là chính Đức Chúa Trời cam đoan với chúng ta một thế giới như thế sẽ đến—dù không phải do những nỗ lực của loài người. Qua nhà tiên tri Mi-chê, Đức Giê-hô-va hứa với chúng ta trong thế giới mới công bình của Ngài, ‘không ai làm cho dân lo-sợ’.—Mi-chê 4:4.
2. (a) Kinh Thánh khuyến khích chúng ta kính sợ Đức Chúa Trời như thế nào? (b) Chúng ta có thể nêu ra những câu hỏi nào khi xem xét bổn phận kính sợ Đức Chúa Trời?
2 Mặt khác, sự sợ hãi cũng có thể là một lực tích cực. Trong Kinh Thánh, các tôi tớ của Đức Chúa Trời thường xuyên được khuyến khích kính sợ Đức Giê-hô-va. Môi-se bảo dân Y-sơ-ra-ên: “Ngươi phải kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, phục-sự Ngài”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:13) Nhiều thế kỷ sau, Sa-lô-môn viết: “Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi”. (Truyền-đạo 12:13) Tương tự thế, qua công việc làm chứng được thực hiện dưới sự giám sát của các thiên sứ, chúng ta khuyên giục mọi người “kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài”. (Khải-huyền 14:6, 7) Ngoài việc kính sợ Đức Giê-hô-va, tín đồ Đấng Christ còn phải hết lòng yêu mến Ngài. (Ma-thi-ơ 22:37, 38) Làm thế nào chúng ta có thể vừa yêu mến Đức Chúa Trời vừa kính sợ Ngài? Tại sao kính sợ một Đức Chúa Trời yêu thương là điều cần thiết? Chúng ta nhận được những lợi ích nào qua việc vun trồng lòng kính sợ Đức Chúa Trời? Để trả lời các câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải hiểu kính sợ Đức Chúa Trời có nghĩa gì và làm thế nào sự kính sợ này hình thành phần cơ bản trong mối liên hệ giữa chúng ta với Đức Giê-hô-va.
Kính phục, tôn kính và kính sợ
3. Kính sợ Đức Chúa Trời có nghĩa gì?
3 Sự kính sợ Đức Chúa Trời là cảm giác mà người tín đồ Đấng Christ nên có đối với Đấng Tạo Hóa. Một định nghĩa về sự kính sợ này là “kính phục Đấng Tạo Hóa với lòng tôn kính sâu đậm và là sự kính sợ lành mạnh, sợ làm mất lòng Ngài”. Thế nên, sự kính sợ Đức Chúa Trời phải ảnh hưởng trên hai khía cạnh của đời sống: thái độ của chúng ta đối với Đức Chúa Trời và đối với hành vi mà Ngài ghét. Rõ ràng cả hai khía cạnh này rất quan trọng và đáng được xem xét cẩn thận. Như Vine’s Expository Dictionary of New Testament Words chỉ rõ, đối với tín đồ Đấng Christ sự kính sợ đầy tôn kính này là ‘động cơ kiểm soát đời sống về cả hai phương diện thiêng liêng và đạo đức’.
4. Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng cảm xúc kính phục và tôn kính đối với Đấng Tạo Hóa?
4 Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng cảm xúc kính phục và tôn kính đối với Đấng Tạo Hóa? Khi ngắm một phong cảnh đẹp, một thác nước hùng vĩ hay một buổi hoàng hôn ngoạn mục, chúng ta cảm thấy thán phục. Cảm xúc này tăng thêm khi chúng ta nhận thức bằng con mắt đức tin, phía sau các công trình sáng tạo đó có bàn tay của Đức Chúa Trời. Hơn thế nữa, như Vua Đa-vít, chúng ta nhận biết sự vô nghĩa Thi-thiên 8:3, 4) Sự kính phục sâu sắc này dẫn đến sự tôn kính, thúc đẩy chúng ta tạ ơn và ngợi khen Đức Giê-hô-va về tất cả những điều Ngài làm cho chúng ta. Đa-vít cũng viết: “Tôi cảm-tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng. Công-việc Chúa thật lạ-lùng, lòng tôi biết rõ lắm”.—Thi-thiên 139:14.
của mình khi so sánh với sự sáng tạo đáng kính sợ của Đức Giê-hô-va. “Khi tôi nhìn-xem các từng trời là công-việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt, loài người là gì, mà Chúa nhớ đến?” (5. Tại sao chúng ta nên kính sợ Đức Giê-hô-va, và về phương diện này có gương mẫu tốt nào?
5 Cảm xúc kính phục và tôn kính sinh ra niềm kính sợ lành mạnh đối với quyền lực của Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa và với uy quyền chính đáng là Đấng Cai Trị hoàn vũ. Trong một sự hiện thấy ban cho sứ đồ Giăng, “những kẻ đã thắng con thú và hình-tượng nó”—những tín đồ Đấng Christ được xức dầu ở trên trời—tuyên bố: “Hỡi Chúa là Đức Chúa Trời Toàn-năng, công-việc Chúa lớn-lao và lạ-lùng thay! Hỡi Vua của muôn đời, đường-lối Ngài là công-bình và chân-thật! Lạy Chúa, ai là kẻ không kính-sợ và không ngợi-khen danh Ngài?” (Khải-huyền 15:2-4) Sự kính sợ Đức Chúa Trời, xuất phát từ lòng tôn kính vẻ uy nghi của Ngài, khiến những người đồng cai trị với Đấng Christ trong Nước Trời, tôn vinh Đức Chúa Trời là uy quyền tối hậu. Khi xem xét tất cả những điều Đức Giê-hô-va đã thực hiện và cai trị vũ trụ theo đường lối công bình của Ngài, há chúng ta không có đủ lý do để kính sợ Ngài sao?—Thi-thiên 2:11; Giê-rê-mi 10:7.
6. Tại sao chúng ta nên có sự sợ lành mạnh về việc không làm đẹp ý Đức Giê-hô-va?
6 Tuy nhiên, ngoài việc kính phục và tôn kính Đức Chúa Trời, sự sợ lành mạnh phải bao gồm sự kiện không muốn làm mất lòng hoặc cãi lời Ngài. Tại sao? Vì mặc dù Đức Giê-hô-va “chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ”, chúng ta phải nhớ rằng Ngài “chẳng kể kẻ có tội là vô-tội”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7) Dẫu yêu thương và thương xót, Đức Giê-hô-va không dung thứ sự không công bình và cố ý phạm tội. (Thi-thiên 5:4, 5; Ha-ba-cúc 1:13) Những ai chủ tâm thực hành điều ác trước mắt Đức Giê-hô-va và không ăn năn tự đặt mình vào vị trí đối nghịch với Ngài, không được miễn hình phạt. Như sứ đồ Phao-lô đã nói, “sa vào tay Đức Chúa Trời hằng sống là sự đáng kinh-khiếp thay!” Có sự sợ lành mạnh, sợ sa vào trường hợp như thế, cuối cùng là sự che chở cho chúng ta.—Hê-bơ-rơ 10:31.
“Tríu-mến Ngài”
7. Có những lý do nào để chúng ta tin cậy nơi quyền năng giải cứu của Đức Giê-hô-va?
7 Lòng kính sợ Đức Giê-hô-va và nhận thức sâu sắc về quyền năng đáng kinh sợ của Ngài là những bước mở đầu cho sự tin cậy và tin tưởng chắc chắn nơi Đức Giê-hô-va. Chúng ta cảm thấy an toàn và tin cậy nơi sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va như con trẻ cảm thấy được che chở khi ở gần bên người cha. Hãy lưu ý sự kiện dân Y-sơ-ra-ên đã phản ứng như thế nào sau khi Đức Giê-hô-va dắt họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô: “Dân Y-sơ-ra-ên thấy việc lớn-lao mà Đức Giê-hô-va đã làm cho người Ê-díp-tô, nên kính-sợ Ngài, tin Ngài”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:31) Kinh nghiệm của Ê-li-sê cũng chứng thật việc “thiên-sứ Đức Giê-hô-va đóng lại chung-quanh những kẻ kính-sợ Ngài, và giải-cứu họ”. (Thi-thiên 34:7; 2 Các Vua 6:15-17) Lịch sử thời nay của dân sự Đức Giê-hô-va và rất có thể kinh nghiệm riêng của chúng ta khẳng định rằng Đức Chúa Trời quả có sử dụng quyền năng vì lợi ích những người phụng sự Ngài. (2 Sử-ký 16:9) Vì thế chúng ta hiểu rõ “trong sự kính-sợ Đức Giê-hô-va có nơi nương-cậy vững-chắc”.—Châm-ngôn 14:26.
8. (a) Tại sao sự kính sợ Đức Chúa Trời thúc đẩy chúng ta bước đi trong đường lối Ngài? (b) Hãy giải thích chúng ta nên “tríu-mến” hoặc bám sát theo Đức Giê-hô-va như thế nào.
8 Sự kính sợ lành mạnh đối với Đức Chúa Trời không những khiến chúng ta tin cậy và tin tưởng nơi Ngài mà lại còn thúc đẩy chúng ta bước đi trong đường lối của Ngài. Khi Sa-lô-môn khánh thành đền thờ, ông đã cầu xin Đức Giê-hô-va “khiến [dân Y-sơ-ra-ên] kính-sợ Chúa, đi theo đường lối của Chúa trọn đời chúng sống ở trên đất mà Chúa đã ban cho tổ-phụ chúng tôi”. (2 Sử-ký 6:31) Trước đó, Môi-se đã thúc giục dân Y-sơ-ra-ên: “Các ngươi phải theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi, kính-sợ Ngài, gìn-giữ các điều-răn Ngài, vâng nghe tiếng phán Ngài, phục-sự Ngài và tríu-mến Ngài”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 13:4) Như những câu Kinh Thánh này chỉ rõ, ước muốn đi trong đường lối Đức Giê-hô-va và “tríu-mến” hoặc bám sát theo Ngài bắt nguồn từ sự tin cậy và tin tưởng nơi Đức Chúa Trời. Thật vậy, lòng tôn kính Đức Giê-hô-va dẫn chúng ta đến việc vâng lời, phụng sự và bám sát theo Ngài như con trẻ bám sát theo cha mình là người mà chúng tín nhiệm và tin cậy tuyệt đối.—Thi-thiên 63:8; Ê-sai 41:13.
Yêu thương Đức Chúa Trời là kính sợ Ngài
9. Giữa sự yêu thương và lòng kính sợ đối với Đức Chúa Trời có mối liên hệ nào?
9 Theo quan điểm Kinh Thánh, kính sợ Đức Chúa Trời không ngăn cản người ta yêu mến Ngài. Ngược lại, dân Y-sơ-ra-ên được dạy “kính sợ Chúa... sống theo đường lối Chúa, yêu mến... Chúa”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:12, Trịnh Văn Căn) Vậy, kính sợ và yêu mến Đức Chúa Trời liên hệ mật thiết với nhau. Kính sợ Đức Chúa Trời thúc đẩy chúng ta bước đi trong đường lối Ngài và điều này là bằng chứng cho sự yêu thương của chúng ta đối với Ngài. (1 Giăng 5:3) Điều này hợp lý vì khi yêu thương ai, điều chính đáng là chúng ta sợ gây đau lòng cho người ấy. Dân Y-sơ-ra-ên làm Đức Giê-hô-va đau lòng bởi đường lối phản nghịch của họ trong đồng vắng. Chắc chắn chúng ta không muốn làm điều gì gây buồn phiền như thế cho Cha chúng ta ở trên trời. (Thi-thiên 78:40, 41) Mặt khác, vì “Chúa ưa thích những người kính sợ Chúa”, việc chúng ta vâng lời và trung thành khiến lòng Ngài vui mừng. (Thi-thiên 147:11, TVC; Châm-ngôn 27:11) Lòng yêu mến Đức Chúa Trời thúc đẩy chúng ta làm Ngài vui lòng, và sự kính sợ Đức Chúa Trời ngăn giữ chúng ta làm điều khiến Ngài đau lòng. Hai đức tính này bổ túc lẫn nhau chứ không mâu thuẫn nhau.
10. Chúa Giê-su đã cho thấy ngài vui trong việc kính sợ Đức Giê-hô-va như thế nào?
10 Đời sống của Chúa Giê-su Christ minh họa rõ nét làm thế nào chúng ta có thể yêu mến đồng thời kính sợ Đức Chúa Trời. Nhà tiên tri Ê-sai viết về Chúa Giê-su: “Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài, tức là thần khôn-ngoan và thông-sáng, thần mưu-toan và mạnh-sức, thần hiểu-biết và kính-sợ Đức Giê-hô-va. Ngài lấy sự kính-sợ Đức Giê-hô-va làm vui”. (Ê-sai 11:2, 3) Theo lời tiên tri này, thánh linh của Đức Chúa Trời thúc đẩy Chúa Giê-su kính sợ Cha trên trời. Hơn nữa, chúng ta lưu ý sự kính sợ này thay vì là gánh nặng, lại là nguồn thỏa lòng. Chúa Giê-su tìm thấy niềm vui trong việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời và làm đẹp lòng Ngài ngay cả trong những hoàn cảnh gay go nhất. Khi đứng trước sự hành quyết trên cây khổ hình, ngài thưa cùng Đức Giê-hô-va: “Không theo ý-muốn Con, mà theo ý-muốn Cha”. (Ma-thi-ơ 26:39) Chính vì lòng kính sợ này của Chúa Giê-su mà Đức Giê-hô-va đã lắng nghe một cách ưu ái lời nài xin của Con Ngài, ban thêm sức và cứu Chúa Giê-su khỏi sự chết.—Hê-bơ-rơ 5:7.
Học kính sợ Đức Giê-hô-va
11, 12. (a) Tại sao chúng ta phải học kính sợ Đức Chúa Trời? (b) Chúa Giê-su đã dạy cho chúng ta kính sợ Đức Giê-hô-va như thế nào?
11 Khác với cảm giác kinh sợ theo bản năng đứng trước sức mạnh và vẻ hùng vĩ của thiên nhiên, lòng kính sợ Đức Chúa Trời không đến một cách đương nhiên. Đó là lý do tại sao Đa-vít Lớn, Chúa Giê-su Christ, gửi đến chúng ta lời mời đã được nói trước từ xưa: “Hỡi các con, hãy đến nghe ta; ta sẽ dạy các con sự kính-sợ Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 34:11) Làm thế nào chúng ta có thể học kính sợ Đức Giê-hô-va từ gương Chúa Giê-su?
12 Chúa Giê-su dạy chúng ta kính sợ Đức Giê-hô-va bằng cách giúp chúng ta hiểu những cá tính tuyệt vời của Cha ở trên trời. (Giăng 1:18) Gương mẫu của chính Chúa Giê-su tiết lộ cách Đức Chúa Trời suy nghĩ và cư xử với người khác, vì Chúa Giê-su phản ánh cá tính của Cha một cách hoàn hảo. (Giăng 14:9, 10) Hơn nữa, qua của-lễ hy sinh của Chúa Giê-su, chúng ta được đến gần Đức Giê-hô-va khi cầu nguyện xin Ngài tha thứ tội lỗi. Chính sự bày tỏ lòng thương xót nổi bật này của Đức Chúa Trời là lý do mạnh mẽ để chúng ta kính sợ Ngài. Người viết Thi-thiên ghi: “Chúa có lòng tha-thứ cho, để người ta kính-sợ Chúa”.—Thi-thiên 130:4.
13. Sách Châm-ngôn nêu ra những bước tuần tự nào giúp chúng ta kính sợ Đức Giê-hô-va?
13 Sách Châm-ngôn nêu ra một số bước tuần tự giúp chúng ta phát triển lòng kính sợ Đức Chúa Trời. “Hỡi con, nếu con tiếp-nhận lời ta, dành-giữ mạng-lịnh ta nơi lòng con, để lắng tai nghe sự khôn-ngoan, và chuyên lòng con về sự thông-sáng; phải, nếu con kêu-cầu sự phân-biện, và cất tiếng lên cầu-xin sự thông-sáng... bấy giờ con sẽ hiểu-biết sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, và tìm được điều tri-thức của Đức Chúa Trời”. (Châm-ngôn 2:1-5) Vì thế, để có lòng kính sợ Đức Chúa Trời chúng ta phải học hỏi Lời Ngài, sốt sắng nỗ lực hiểu những dạy dỗ, và cẩn thận chú ý đến lời khuyên.
14. Làm thế nào chúng ta có thể làm theo lời khuyên ban cho các vua Y-sơ-ra-ên?
14 Mỗi vị vua của xứ Y-sơ-ra-ên xưa được chỉ thị phải có một bổn sao Luật Pháp và ‘vua phải đọc để tập biết kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, cẩn-thận làm theo các lời của luật-pháp’. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:18, 19) Đọc và học hỏi Kinh Thánh là điều trọng yếu nếu chúng ta muốn học kính sợ Đức Giê-hô-va. Khi áp dụng những nguyên tắc Kinh Thánh trong đời sống, càng ngày chúng ta càng nhận được sự khôn ngoan và sự hiểu biết đến từ Đức Chúa Trời. Chúng ta dần dần “hiểu biết sự kính-sợ Đức Chúa Trời” vì nhận thấy những hiệu quả tốt sinh ra trong đời sống và chúng ta quý trọng mối liên hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Hơn nữa, nhờ kết hợp đều đặn với những người cùng đức tin, cả người trẻ lẫn người cao tuổi đều có thể lắng nghe sự dạy dỗ, học kính sợ Đức Chúa Trời và bước đi trong đường lối Ngài.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:12.
Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va
15. Sự kính sợ Đức Chúa Trời liên hệ đến sự thờ phượng của chúng ta như thế nào?
15 Như đã nói ở trên, ta có thể hiểu rằng sự kính sợ Đức Chúa Trời là một thái độ lành mạnh mà tất cả chúng ta nên vun trồng, vì đó là phần cơ bản trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va. Sự kính sợ dẫn chúng ta đến việc tuyệt đối tin cậy nơi Ngài, bước đi trong đường lối Ngài và bám sát theo Ngài. Đúng như trường hợp của Chúa Giê-su, sự kính sợ Đức Chúa Trời cũng có thể thúc đẩy chúng ta hoàn thành lời hứa nguyện dâng mình ngay từ bây giờ cho đến muôn đời.
16. Tại sao Đức Giê-hô-va khuyến khích chúng ta kính sợ Ngài?
16 Sự kính sợ Đức Chúa Trời không bao giờ là điều không lành mạnh hay giới hạn con người một cách quá đáng. Kinh Thánh cam đoan với chúng ta: “Phước cho người nào kính-sợ Đức Giê-hô-va, đi trong đường-lối Ngài”. (Thi-thiên 128:1) Đức Giê-hô-va khuyến khích chúng ta kính sợ Ngài vì Ngài biết đức tính này sẽ che chở chúng ta. Chúng ta lưu ý mối quan tâm đầy yêu thương của Ngài qua những lời Ngài phán cùng Môi-se: “Ồ! chớ chi dân [Y-sơ-ra-ên] nầy thường có một lòng kính-sợ ta, hằng giữ theo các điều-răn ta như thế, để chúng nó và con-cháu chúng nó được phước đời đời!”—Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:29.
17. (a) Chúng ta rút tỉa những lợi ích nào từ việc kính sợ Đức Chúa Trời? (b) Bài tới sẽ xem xét những khía cạnh nào của việc kính sợ Đức Chúa Trời?
17 Tương tự thế, nếu phát triển lòng kính sợ Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ được phước. Trong những cách nào? Trước tiên, một thái độ như thế sẽ làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và thu hút chúng ta đến gần Ngài. Qua kinh nghiệm riêng Đa-vít biết rằng “Ngài làm thỏa nguyện mọi người kính-sợ Ngài; cũng nghe tiếng kêu-cầu của họ, và giải-cứu cho”. (Thi-thiên 145:19) Thứ nhì, sự kính sợ Đức Chúa Trời sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta vì điều này ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta đối với điều sai quấy. (Châm-ngôn 3:7) Bài tới sẽ xem xét làm thế nào sự kính sợ này gìn giữ chúng ta khỏi nguy hiểm về thiêng liêng và xem lại một vài gương trong Kinh Thánh về những người kính sợ Đức Chúa Trời và xây bỏ điều ác.
[Chú thích]
^ đ. 1 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thừa nhận Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền vào ngày 10-12-1948.
Bạn có thể trả lời những câu hỏi sau đây không?
• Sự kính sợ Đức Chúa Trời có nghĩa gì, và ảnh hưởng chúng ta như thế nào?
• Sự kính sợ Đức Chúa Trời có liên hệ gì đến việc đồng đi với Ngài?
• Gương mẫu của Chúa Giê-su cho thấy sự kính sợ có liên hệ với lòng yêu mến Đức Chúa Trời như thế nào?
• Chúng ta có thể vun trồng lòng kính sợ Đức Chúa Trời theo những cách nào?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 17]
Các vua Y-sơ-ra-ên được lệnh phải có một bổn sao của sách Luật Pháp và đọc mỗi ngày
[Hình nơi trang 18]
Sự kính sợ Đức Giê-hô-va dẫn chúng ta đến việc tin cậy nơi Ngài như con đối với cha
[Nguồn tư liệu nơi trang 15]
Ngôi sao: Photo by Malin, © IAC/RGO 1991