Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một xã hội không phân biệt giai cấp thật sự có thể đạt được không?

Một xã hội không phân biệt giai cấp thật sự có thể đạt được không?

Một xã hội không phân biệt giai cấp thật sự có thể đạt được không?

JOHN ADAMS, tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ, là một trong những người ký bản Tuyên Ngôn Độc Lập lịch sử trong đó có những lời cao thượng này: “Chúng tôi cho rằng chân lý này thật hiển nhiên: mọi người sinh ra đều bình đẳng”. Tuy nhiên, ông John Adams có vẻ không chắc chắn là người ta thật sự bình đẳng với nhau, vì ông viết: “Sự bất bình đẳng về Tinh thần và Thể xác được Thượng Đế Toàn Năng định rõ rệt nơi cấu trúc của Bản Chất Con Người nên không bao giờ có mưu kế hoặc chính sách nào có thể san bằng được”. Ngược lại, sử gia Anh Quốc H. G. Wells đã có thể tưởng tượng ra một xã hội bình đẳng dựa trên ba điều: một tôn giáo chung nhưng thanh sạch và không hoen ố cho cả thế giới, một hệ thống giáo dục toàn cầu, và không có quân đội.

Đến nay, trong lịch sử chưa có được một xã hội bình đẳng nào như ông Wells đã nghĩ ra. Người ta vẫn còn quá xa sự bình đẳng, và sự phân biệt giai cấp vẫn còn là một nét nổi bật của xã hội. Các giai cấp ấy có mang lại lợi ích nào cho xã hội nói chung không? Không. Giai cấp xã hội gây chia rẽ, khiến người ta ghen tị, thù ghét, gây đau lòng và làm đổ nhiều máu. Tinh thần cho rằng người da trắng giỏi hơn vào một thời ở Phi Châu, Úc Châu và Bắc Mỹ đã gây ra sự khốn khổ cho người không phải là da trắng—⁠kể cả họa diệt chủng thổ dân ở Van Diemen’s Land (nay là Tasmania). Ở Âu Châu, việc liệt người Do Thái vào hàng thấp kém hơn đã dẫn đến cuộc Tàn Sát Tập Thể. Sự phồn vinh của giai cấp quý tộc và sự bất mãn giữa những người thuộc giới hạ lưu và trung lưu là những nhân tố dẫn đến cuộc Cách Mạng Pháp vào thế kỷ 18 và cuộc Cách Mạng Bolshevik ở Nga vào thế kỷ 20.

Một người khôn ngoan thời cổ viết: “Con người thống trị con người, và gây cho nhau bao thảm họa”. (Truyền-đạo 8:​9, Tòa Tổng Giám Mục) Những lời của ông là đúng sự thật dù những người thống trị là cá nhân hay tầng lớp. Khi một nhóm người tự đề cao mình lên trên những người khác, hậu quả không thể tránh được là đau đớn và khốn khổ.

Trước mặt Đức Chúa Trời mọi người đều bình đẳng

Phải chăng một số nhóm người bẩm sinh là giỏi hơn những nhóm người khác? Trước mắt Đức Chúa Trời thì không phải như vậy. Kinh Thánh nói: “[Đức Chúa Trời] đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất”. (Công-vụ 17:26) Hơn nữa, Đấng Tạo Hóa “chẳng tư-vị những vương-tử, chẳng xem kẻ giàu trọng hơn kẻ nghèo; bởi chúng hết thảy là công-việc của tay Ngài”. (Gióp 34:19) Tất cả mọi người đều có quan hệ họ hàng với nhau và sinh ra bình đẳng trước mắt Đức Chúa Trời.

Cũng hãy nhớ rằng khi một người chết đi tất cả những sự tự cao đều tiêu tan. Người Ai Cập cổ không tin như vậy. Khi một Pha-ra-ôn chết, họ đặt các đồ vật quý giá trong mộ để ông có thể hưởng thụ chúng khi tiếp tục chức vụ cao trọng của ông ở bên kia thế giới. Có đúng như vậy không? Không. Nhiều tài sản ấy rơi vào tay những kẻ quật mồ cướp bóc và nhiều vật khác không bị kẻ cướp lấy ngày nay người ta có thể chiêm ngưỡng chúng trong các viện bảo tàng.

Vì đã chết, Pha-ra-ôn không thể sử dụng những vật đắt tiền ấy. Khi chết đi, không còn phân biệt giai cấp cao và thấp, giàu và nghèo nữa. Kinh Thánh ghi: “Người khôn-ngoan chết, kẻ điên-cuồng và người ngu-dại cũng chết như nhau​... Loài người dầu được sang-trọng, chẳng còn mãi; nó giống như thú-vật phải hư-mất”. (Thi-thiên 49:10, 12) Dù chúng ta là vua hoặc nô lệ, những lời được soi dẫn này áp dụng cho tất cả chúng ta: “Kẻ chết chẳng biết chi hết, chẳng được phần thưởng gì hết​... Dưới Âm-phủ, là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan”.—⁠Truyền-đạo 9:5, 10.

Tất cả chúng ta sinh ra đều bình đẳng trước mắt Đức Chúa Trời, và cuối cùng khi chết tất cả chúng ta đều bình đẳng. Vậy thì thật vô ích làm sao khi đề cao một nhóm người lên trên nhóm người khác trong quãng đời ngắn ngủi này!

Một xã hội không giai cấp—⁠Làm sao có được?

Thế nhưng, có hy vọng nào không rằng một ngày kia sẽ có một xã hội trong đó giai cấp không còn quan trọng nữa? Quả thật, có. Gần 2.000 năm trước đây, khi Chúa Giê-su còn ở trên đất, ngài đã đặt nền tảng cho một xã hội như thế. Ngài đã phó sự sống làm giá chuộc cho toàn thể nhân loại có đức tin hầu cho “hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”.—⁠Giăng 3:⁠16.

Để cho các môn đồ ngài thấy không ai được tự đề cao mình lên trên các anh em cùng đức tin, Chúa Giê-su nói: “Các ngươi đừng chịu người ta gọi mình bằng thầy; vì các ngươi chỉ có một Thầy, và các ngươi hết thảy đều là anh em. Cũng đừng gọi người nào ở thế-gian là cha mình; vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời. Cũng đừng chịu ai gọi mình là chủ; vì các ngươi chỉ có một Chủ, là Đấng Christ. Song ai lớn hơn hết trong các ngươi, thì sẽ làm đầy-tớ các ngươi. Kẻ nào tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống”. (Ma-thi-ơ 23:8-12) Trước mắt Đức Chúa Trời, tất cả những môn đồ thật của Chúa Giê-su đều bình đẳng trong đức tin.

Các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu có xem họ bình đẳng với nhau không? Những người nắm được ý nghĩa điều Chúa Giê-su dạy dỗ xem nhau là bình đẳng trong đức tin và chứng tỏ điều ấy bằng cách gọi nhau là “anh”. (Phi-lê-môn 1, 7, 20) Không ai được khuyến khích tự xem mình hơn người khác. Thí dụ, hãy xem Phi-e-rơ tự miêu tả mình một cách khiêm nhường thế nào trong lá thư thứ hai của ông: “Si-môn Phi-e-rơ, làm tôi-tớ và sứ-đồ của Đức Chúa Jêsus-Christ, gởi cho những kẻ cậy sự công-bình của Đức Chúa Trời chúng ta và của Cứu-Chúa là Đức Chúa Jêsus-Christ, đã lãnh phần đức-tin đồng quí-báu như của chúng tôi”. (2 Phi-e-rơ 1:1) Phi-e-rơ được chính Chúa Giê-su đích thân dạy dỗ, và với tư cách một sứ đồ, ông nắm giữ một trọng trách. Thế nhưng, ông tự xem mình là tôi tớ và nhận thức các tín đồ khác của Đấng Christ cũng có đức tin quý báu như ông.

Một số người có thể nói rằng lý tưởng về sự bình đẳng mâu thuẫn với sự kiện trước thời Đấng Christ Đức Chúa Trời chọn dân Y-sơ-ra-ên làm dân tộc đặc biệt của Ngài. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6) Họ có thể cho rằng đây là một trường hợp ưu đãi chủng tộc, nhưng không phải vậy. Công nhận rằng với tư cách là con cháu của Áp-ra-ham, người Y-sơ-ra-ên được hưởng mối liên lạc đặc biệt với Đức Chúa Trời và được dùng làm trung gian để Đức Chúa Trời tiết lộ ý muốn của Ngài. (Rô-ma 3:1, 2) Nhưng mục đích của điều này không phải để nâng họ lên trên bệ. Thay vì thế, đó là để cho ‘các dân sẽ được phước’.—⁠Sáng-thế Ký 22:18; Ga-la-ti 3:⁠8.

Cuối cùng phần đông dân Y-sơ-ra-ên chứng tỏ không noi theo đức tin của tổ phụ Áp-ra-ham. Họ tỏ ra bất trung và không chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Vì cớ đó, Đức Chúa Trời từ bỏ họ. (Ma-thi-ơ 21:43) Tuy nhiên, những người nhu mì giữa nhân loại không mất đi cơ hội nhận được những ân phước đã hứa. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, hội thánh tín đồ Đấng Christ hình thành. Tổ chức này của những tín đồ Đấng Christ được xức dầu bởi thánh linh, được gọi là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, và đã tỏ ra là trung gian để Đức Chúa Trời ban những ân phước đó.—⁠Ga-la-ti 6:⁠16.

Một số thành viên của hội thánh cần được dạy dỗ về vấn đề bình đẳng. Thí dụ, môn đồ Gia-cơ khuyên răn những anh em thiên vị tín đồ giàu và khinh dể người nghèo. (Gia-cơ 2:1-4) Làm như vậy là sai. Sứ đồ Phao-lô cho thấy tín đồ gốc dân ngoại không thấp kém hơn tín đồ gốc Do Thái, cũng như các nữ tín đồ không thấp kém hơn nam tín đồ. Ông viết: “Anh em bởi tin Đức Chúa Jêsus-Christ, nên hết thảy đều là con trai của Đức Chúa Trời. Vả, anh em thảy đều chịu phép báp-têm trong Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ vậy. Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi-mọi hoặc người tự-chủ; không còn đàn-ông hoặc đàn-bà; vì trong Đức Chúa Jêsus-Christ, anh em thảy đều làm một”.—⁠Ga-la-ti 3:26-⁠28.

Một dân tộc không giai cấp ngày nay

Ngày nay, Nhân Chứng Giê-hô-va cố gắng sống phù hợp với các nguyên tắc của Kinh Thánh. Họ nhận thức rằng trước mắt Đức Chúa Trời giai cấp xã hội là vô nghĩa. Vậy, giữa họ không có sự phân chia tăng lữ / giáo dân, và họ không phân biệt màu da hoặc giàu nghèo. Dù một số người trong họ giàu có, nhưng họ không chú mục đến “sự kiêu-ngạo của đời”, vì họ hiểu những sự đó chỉ là tạm bợ. (1 Giăng 2:15-17) Thay vì thế, tất cả đều hợp nhất trong sự thờ phượng Đấng Thống Trị Hoàn Vũ, Đức Chúa Trời Giê-hô-va.

Mỗi người trong họ nhận trách nhiệm tham gia vào công việc rao giảng tin mừng Nước Trời cho người đồng loại. Giống như Chúa Giê-su, các Nhân Chứng tôn trọng những người bị áp bức và bị bỏ bê bằng cách viếng thăm họ tại nhà, đề nghị học hỏi Kinh Thánh với họ. Những người có gốc gác khiêm nhường rao giảng vai kề vai với những người có thể được một số người xem là thuộc giới thượng lưu. Chính những đức tính thiêng liêng mới đáng kể, chứ không phải giai cấp xã hội. Cũng như trong thế kỷ thứ nhất, tất cả đều là anh chị em trong đức tin.

Bình đẳng nhưng đa dạng

Dĩ nhiên, sự bình đẳng không có nghĩa là đồng nhất hoàn toàn. Đàn ông và đàn bà, già và trẻ, thảy đều có mặt trong tổ chức tín đồ Đấng Christ gồm người từ thật nhiều gốc gác chủng tộc, ngôn ngữ, quốc gia và mức độ kinh tế. Trên bình diện cá nhân, họ có khả năng trí tuệ và thể chất khác nhau. Nhưng những sự khác biệt đó không nâng cao một số người hoặc hạ thấp những người khác. Thay vì thế, những sự khác biệt ấy đem lại sự đa dạng thú vị. Những tín đồ ấy nhận thức rằng bất cứ tài năng nào họ có đều là sự ban cho của Đức Chúa Trời, và không có lý do gì để tự tôn.

Sự phân chia giai cấp là kết quả của việc loài người tìm cách tự cai trị mình thay vì theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Chẳng bao lâu nữa, Nước Đức Chúa Trời sẽ tiếp quản sự cai trị tạm thời của thế gian này, và thành quả sẽ là không còn sự phân chia giai cấp của con người cũng như những điều khác gây đau khổ cho nhân loại qua bao đời. Rồi câu “người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp” sẽ thành sự thật. (Thi-thiên 37:11) Mọi lý do để một người khoe khoang về gốc gác cao trọng của mình sẽ không còn nữa. Sẽ không còn các giai cấp xã hội chia rẽ tình huynh đệ thế giới nữa.

[Câu nổi bật nơi trang 5]

Đấng Tạo Hóa “chẳng xem kẻ giàu trọng hơn kẻ nghèo; bởi chúng hết thảy là công-việc của tay Ngài”—⁠Gióp 34:⁠19.

[Hình nơi trang 6]

Nhân Chứng Giê-hô-va tôn trọng người lân cận

[Các hình nơi trang 7]

Những đức tính thiêng liêng mới đáng kể trong vòng tín đồ thật của Đấng Christ