Những người tử vì đạo thời hiện đại làm chứng tại Thụy Điển
Những người rao giảng về Nước Trời kể lại
Những người tử vì đạo thời hiện đại làm chứng tại Thụy Điển
TỪ Hy Lạp để chỉ “nhân chứng” là martyr, và từ này là gốc của từ “martyr” trong tiếng Anh có nghĩa “người tử vì đạo”, tức “người làm chứng bằng cách chịu chết”. Nhiều tín đồ Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất làm chứng về Đức Giê-hô-va đã chịu chết vì đức tin.
Cũng thế, trong thế kỷ 20, hàng ngàn Nhân Chứng đã bị tay sai của Hitler sát hại vì họ giữ sự trung lập trong các vấn đề chính trị và ái quốc. Những người tử vì đạo thời hiện đại này cũng làm chứng một cách hùng hồn. Sự làm chứng này đã diễn ra ở Thụy Điển gần đây.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 Thế Chiến II chấm dứt, chính phủ Thụy Điển khởi xướng một chiến dịch giáo dục tầm cỡ quốc gia về Cuộc Tàn Sát Tập Thể. Dự án này được gọi là Lịch Sử Sinh Động. Nhân Chứng Giê-hô-va được mời góp phần vào dự án này và kể lại kinh nghiệm của họ.
Các Nhân Chứng đã hưởng ứng bằng cách mở một cuộc triển lãm với chủ đề “Những nạn nhân bị quên lãng của Cuộc Tàn Sát Tập Thể”. Cuộc triển lãm này được tổ chức tại Phòng Hội Nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Strängnäs. Các Nhân Chứng sống sót sau cuộc tàn sát có mặt để chia sẻ kinh nghiệm của họ với hơn 8.400 quan khách đến vào ngày đầu! Đến cuối năm 1999, cuộc triển lãm đã được tổ chức tại hơn 100 bảo tàng viện và thư viện công cộng khắp nước Thụy Điển và khoảng 150.000 lượt người đã đến xem. Khách tham quan gồm một số quan chức chính phủ, và cuộc triển lãm đã gây được thiện cảm với họ.
Trước đây chưa hề có hoạt động nào của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Thụy Điển lại được đông đảo quần chúng biết đến và ủng hộ nhiều như vậy. Nhiều quan khách hỏi: “Tại sao quý vị không cho chúng tôi biết sớm hơn về những gì quý vị đã trải qua trong Cuộc Tàn Sát Tập Thể?”
Sau khi cuộc triển lãm được tổ chức trong vùng, một hội thánh báo cáo số học hỏi Kinh Thánh đã gia tăng 30 phần trăm! Một Nhân Chứng mời một bạn đồng nghiệp đi xem triển lãm. Người đó nhận lời và dẫn theo cô bạn. Sau đó cô ấy nói thấy khó hiểu tại sao có những người có đức tin mạnh đến độ thà bị hành quyết chứ không chịu ký tên vào một văn kiện chối bỏ đức tin đó. Thế là nhiều cuộc thảo luận diễn ra và cô ấy bắt đầu học hỏi Kinh Thánh.
Giống như những người tử vì đạo trong thế kỷ thứ nhất, những người trung thành chết vì đức tin của họ trong thế kỷ 20 đã dạn dĩ làm chứng rằng chỉ một mình Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật, đáng để chúng ta đặt đức tin không gì lay chuyển và bày tỏ lòng trung thành.—Khải-huyền 4:11.
[Nguồn tư liệu nơi trang 13]
Tù nhân trong trại: Państwowe Muzeum Oświęcim-Brzezinka, courtesy of the USHMM Photo Archives