Phép vệ sinh quan trọng đến mức nào?
Phép vệ sinh quan trọng đến mức nào?
NHIỀU người có quan niệm khác nhau về phép vệ sinh. Chẳng hạn, khi người mẹ bảo một đứa con nhỏ đi rửa tay và rửa mặt, thì có lẽ đứa bé này nghĩ chỉ cần đặt các ngón tay dưới vòi nước và thấm ướt môi là đủ. Nhưng mẹ em biết rõ phải làm gì. Dù lớn tiếng phản đối, em bị mẹ đẩy trở lại phòng tắm, dùng nhiều xà phòng và nước cọ xát bàn tay và mặt mũi cho em!
Dĩ nhiên, các tiêu chuẩn vệ sinh khác nhau ở mỗi địa phương, và người ta lớn lên với những khái niệm khác nhau về vấn đề này. Trong quá khứ, môi trường sạch sẽ và ngăn nắp ở trường học tại nhiều nước đã giúp học sinh vun trồng thói quen ăn ở hợp vệ sinh. Ngày nay, một số khuôn viên nhà trường đầy rác và mảnh vụn đến độ làm cho trường học trông giống như một bãi rác hơn là một nơi để chơi đùa hay tập luyện. Còn phòng học thì sao? Darren, một lao công nhà trường trung học ở Úc, nhận xét: “Giờ đây, ngay trong lớp học cũng thấy có sự bẩn thỉu”. Một số học sinh xem các chỉ thị “Nhặt rác” hoặc “Dọn cho sạch” đồng nghĩa với kỷ luật trừng phạt. Vấn đề ở chỗ là một số thầy cô phạt học trò bằng cách bắt chúng lau chùi.
Mặt khác, những người lớn không luôn luôn làm gương tốt về việc giữ vệ sinh trong đời sống hàng ngày của họ cũng như trong thế giới kinh doanh. Chẳng hạn, nhiều nơi công cộng rất bừa bãi và khó coi. Một số ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sự ô nhiễm không đến từ những công nghiệp hay doanh nghiệp vô tri, mà là do con người gây ra. Dù tham lam có lẽ là nguyên nhân chính của vấn đề ô nhiễm và các hậu quả của nó trên thế giới, nhưng các thói quen thiếu vệ sinh của con người cũng là một phần của vấn đề. Một cựu tổng giám đốc của Liên Bang Úc ủng hộ kết luận này khi ông nói: “Mọi vấn đề y tế chung quy là sự quan tâm của từng người—đàn ông, đàn bà và trẻ con—về vệ sinh”.
Thế nhưng, một số người cho rằng phép vệ sinh là một vấn đề cá nhân không liên quan gì đến người khác. Có thật như vậy không?
Chúng ta không thể nào nói cho hết tầm quan trọng của phép vệ sinh khi nó liên quan đến thực phẩm—dù là mua ở ngoài chợ, ăn trong nhà hàng hoặc tại nhà một người bạn. Những người sửa soạn thức ăn hoặc phục vụ tại bàn phải hội đủ những tiêu chuẩn cao về vệ sinh.
Những bàn tay dơ bẩn—của người khác hoặc của chúng ta—có thể gây ra nhiều bệnh tật. Còn các bệnh viện—những nơi lẽ ra phải sạch sẽ nhất—thì sao? Tờ báo y khoa The New England Journal of Medicine báo cáo rằng nguyên nhân của nhiều tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân, đưa tổn thất chữa trị lên đến mười tỉ Mỹ Kim mỗi năm, có lẽ là do tay không được rửa sạch của các bác sĩ và y tá. Chúng ta có lý khi không muốn ai gây nguy cơ cho sức khỏe của mình vì thói quen ăn ở thiếu vệ sinh của họ.Một vấn đề cũng rất nghiêm trọng là khi một người nào đó—cố ý hoặc thiếu suy nghĩ—làm ô nhiễm nguồn nước uống của chúng ta. Và làm sao cảm thấy an toàn khi đi dạo với đôi chân trần dọc theo bãi biển và nhìn thấy các ống tiêm của những người nghiện ma túy hoặc ai khác vất bỏ? Trên bình diện cá nhân, có lẽ câu hỏi này còn quan trọng hơn nữa: Chúng ta có thói quen ăn ở hợp vệ sinh trong nhà không?
Trong sách Chasing Dirt, nhà văn nữ Suellen Hoy hỏi: “Chúng ta có còn sạch sẽ giống như trước đây không?” Bà trả lời: “Có lẽ không”. Bà viện dẫn lý do chính yếu là giá trị trong xã hội đã bị thay đổi. Khi thời gian ở nhà càng ngày càng ít đi, thì người ta chỉ đơn thuần trả tiền cho một người khác làm sạch sẽ nhà họ. Hậu quả là việc giữ cho môi trường được sạch sẽ không còn là một vấn đề cá nhân và quan trọng nữa. Một người đàn ông nói: “Tôi chẳng làm sạch phòng tắm—tôi chỉ tắm để được sạch. Ít ra, nếu nhà tôi dơ, tôi thì vẫn được sạch”.
Tuy nhiên, sống hợp vệ sinh không chỉ liên quan đến ngoại hình của một người. Nó bao gồm toàn bộ tiêu chuẩn về lối sống lành mạnh. Nó cũng còn là một trạng thái trí tuệ lẫn tâm hồn liên quan đến đạo đức và sự thờ phượng của chúng ta nữa. Chúng ta hãy xem xét tại sao.