Nhà thờ và Nhà nước ở Byzantium
Nhà thờ và Nhà nước ở Byzantium
ĐẤNG sáng lập đạo thật Đấng Christ rất minh bạch về sự phân biệt rõ rệt phải có giữa môn đồ ngài và thế gian loài người xa cách Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su nói với môn đồ: “Nếu các ngươi thuộc về thế-gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế-gian và ta đã lựa-chọn các ngươi giữa thế-gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi”. (Giăng 15:19) Trước mặt Phi-lát, người đại diện cho cường quốc chính trị thời ngài, Chúa Giê-su tuyên bố: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy”.—Giăng 18:36.
Để thi hành trách nhiệm rao giảng “cho đến cùng trái đất”, tín đồ Đấng Christ phải tránh để cho những việc thế gian làm họ phân tâm. (Công-vụ 1:8) Giống như Chúa Giê-su, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu không dính líu đến chính trị. (Giăng 6:15) Điều đáng lưu ý là các tín đồ trung thành không làm công chức hoặc giữ chức vụ hành chính. Cuối cùng lập trường này đã bị thay đổi.
“Không thuộc về thế-gian”
Một thời gian sau khi sứ đồ cuối cùng qua đời, những người lãnh đạo tôn giáo sẵn sàng bắt đầu thay đổi quan điểm về mối quan hệ giữa họ với thế gian. Họ bắt đầu quan niệm “Nước Trời” không những ở giữa thế gian mà còn thuộc về thế gian nữa. Chúng ta sẽ học được nhiều điều khi xem xét về cách tôn giáo và chính trị quyện vào nhau trong Đế Quốc Byzantine—Đế Quốc La Mã Đông Phương, đặt kinh đô tại Byzantium (nay là Istanbul).
Trong một xã hội mà trong đó tôn giáo giữ vai trò truyền thống chính yếu, Giáo Hội Byzantine đặt trung tâm ở Byzantium nắm giữ quyền đáng kể. Sử gia Panayotis Christou của giáo hội có lần nhận xét: “Người Byzantine xem đế quốc trên đất của họ là ảnh tượng của Nước Đức Chúa Trời”. Tuy nhiên, hoàng đế không luôn luôn có cùng quan điểm đó. Kết quả là mối quan hệ giữa Nhà Thờ và Nhà Nước đôi khi căng thẳng. Từ điển Oxford Dictionary of Byzantium nói: “Các giám mục Constantinople [hoặc Byzantium] biểu lộ nhiều cung cách khác nhau, kể cả hèn hạ phục dịch một vị vua chúa có thế lực... cộng tác đắc lực với ngai vàng... và táo bạo chống lại ý muốn của hoàng đế”.
Đại thượng phụ Constantinople, người đứng đầu Giáo Hội Đông Phương, đã trở thành nhân vật rất
có thế lực. Chính ông tấn phong cho hoàng đế, do đó mong đợi hoàng đế phải năng nổ bảo vệ Giáo Hội Chính Thống. Đại thượng phụ cũng rất giàu có, vì ông kiểm soát nguồn tài nguyên phong phú của giáo hội. Ông vừa có thế lực đối với vô số tu sĩ vừa gây nhiều ảnh hưởng trên giáo dân.Đại thượng phụ thường ở trong tư thế kình địch với hoàng đế. Ông có thể ngăm đe dứt phép thông công—nhân danh Đức Chúa Trời áp đặt ý muốn của ông—hoặc chọn những phương cách khác để truất phế các hoàng đế.
Với sự suy yếu dần dần của nền hành chính dân sự bên ngoài thủ đô, các giám mục thường trở thành những người có thế lực nhất trong những thành phố của họ, ngang hàng với tỉnh trưởng mà họ đã giúp bổ nhiệm. Các giám mục quan tâm đến những vụ tư pháp và chuyện kinh doanh mỗi khi có liên can—và đôi khi chẳng liên can gì—đến giáo hội. Một yếu tố cơ bản là các linh mục và thầy
dòng đông đến hàng chục ngàn, thảy đều răm rắp tuân lệnh các giám mục.Chính trị và việc buôn bán chức vị
Như đã nói ở trên, chức vị tu sĩ gắn liền với chính trị đến độ không thể tách rời ra được. Hơn nữa, nhiều tu sĩ và hoạt động tôn giáo thiết yếu của họ cần rất nhiều tiền. Hầu hết các tu sĩ cao cấp đều sống xa hoa. Khi giáo hội có nắm được quyền hành và tích lũy của cải, bần tăng và thánh đồ biến mất. Một số các linh mục và giám mục mua được chức vị của mình. Việc buôn bán chức vị phổ biến từ dưới thấp lên đến cấp bậc cao nhất trong phẩm trật. Những tu sĩ được những người giàu có ủng hộ tranh nhau chức vụ trong giáo hội trước mặt hoàng đế.
Hối lộ cũng là một phương tiện để gây ảnh hưởng với những người lãnh đạo kỳ cựu trong giáo hội. Khi Nữ Hoàng Zoe (khoảng năm 978-1050 CN) sai người ám sát chồng là Romanus III và định kết hôn với tình nhân, người mà sau đó trở thành Hoàng Đế Michael IV, bà vội vời Đại Thượng Phụ Alexius vào cung. Ở đó đại thượng phụ hay tin Romanus đã chết và nhiệm vụ tác hợp mà ông phải thực hiện. Sự kiện giáo hội đang cử hành Thứ Sáu Tuần Thánh buổi tối hôm đó không làm tình thế dễ dàng hơn cho Alexius. Tuy nhiên, ông đã nhận quà hậu hĩ của nữ hoàng và làm cho bà được như ý.
Phục dịch hoàng đế
Thỉnh thoảng trong lịch sử Đế Quốc Byzantine, hoàng đế sử dụng quyền tự tiện bổ nhiệm đại thượng phụ Constantinople. Trong những giai đoạn như thế, không ai có thể trở thành đại thượng phụ nghịch lại ý muốn của hoàng đế hoặc ngồi lâu trên ghế đó.
Hoàng Đế Andronicus II (1260-1332) thấy cần phải thay đổi đại thượng phụ chín lần. Trong hầu hết những trường hợp như thế, mục tiêu là đặt những đại thượng phụ dễ sai bảo nhất vào chức vị đó. Theo sách The Byzantines, một đại thượng phụ thậm chí còn viết giấy hứa với hoàng đế là “sẽ làm bất cứ điều gì hoàng đế yêu cầu, bất luận việc phi pháp đến đâu chăng nữa, và tránh làm bất cứ điều gì khiến hoàng đế phật lòng”. Các hoàng đế đã hai lần cố áp đặt ý muốn của mình đối với giáo hội bằng cách phong một hoàng tử của hoàng tộc làm đại thượng phụ. Hoàng Đế Romanus I đã phong cho con trai là Theophylact, chỉ mới 16 tuổi, lên làm đại thượng phụ.
Nếu một đại thượng phụ không vừa lòng quốc chủ, quốc chủ có thể ép buộc đại thượng phụ thoái vị hoặc ra lệnh cho một hội đồng tôn giáo truất phế ông. Sách Byzantium nhận xét: “Dần dần trong lịch sử Byzantine giới lãnh đạo cao cấp và thậm chí đích thân Hoàng Đế gây ảnh hưởng trực tiếp trong việc chọn lựa giám mục”.
Với đại thượng phụ bên cạnh, hoàng đế cũng chủ trì tại các giáo hội nghị. Ông lèo lái các cuộc tranh cãi, đề ra những tín điều, và tranh luận với các giám mục cũng như với những người dị giáo, là những người mà ông có phán quyết sau cùng—chết trên cây cột. Hoàng đế cũng xác nhận và phê chuẩn những chuẩn mực được duyệt tại hội đồng. Không những ông buộc cho những kẻ chống đối ông tội phạm thượng mà lại còn liệt họ vào hàng kẻ thù của đức tin và của Đức Chúa
Trời. Một đại thượng phụ thế kỷ thứ sáu nói: “Không gì được phép thực hiện trong Giáo Hội mà đi ngược lại ý muốn và mệnh lệnh của Hoàng Đế”. Các giám mục chung quanh tòa án—những người dịu ngọt, dễ bảo, dễ bị mua chuộc và thỏa thuận—chỉ phản kháng cho có lệ như cấp trên của họ.Chẳng hạn, khi Đại Thượng Phụ Ignatius (khoảng năm 799-878 CN) từ chối ban thánh thể cho Thủ Tướng Bardas, ông này trả đũa. Bardas gán cho Ignatius tội âm mưu làm phản. Đại thượng phụ bị bắt và bị đày. Để thế vào chỗ trống, thủ tướng bầu Photius, một giáo dân chỉ trong sáu ngày đã leo lên phẩm chức cao trong giáo hội, và cuối cùng đạt chức đại thượng phụ. Photius có hội đủ điều kiện để giữ chức vị đó không? Ông được mô tả là người “tràn đầy tham vọng, tự cao tự đại, và thủ đoạn chính trị không ai sánh bằng”.
Giáo điều phục vụ cho chính trị
Những cuộc tranh luận về chính thống và dị giáo thường ngụy trang cho sự đối lập chính trị, và những nhân tố chính trị chứ không phải ước muốn ban hành những giáo lý mới ảnh hưởng đến nhiều hoàng đế. Nói chung, hoàng đế giành quyền ban bố giáo điều và đòi hỏi giáo hội phải tuân theo ý muốn của ông.
Chẳng hạn, Hoàng Đế Heraclius (575-641 CN) cố hết sức để hàn gắn sự bất đồng ý kiến về bản tính của Đấng Christ đe dọa gây chia rẽ đế quốc ông vốn dĩ đã kiệt quệ và mong manh. Cố nhượng bộ, ông du nhập một giáo lý mới gọi là Độc Thần. * Rồi, để đảm bảo có được sự trung thành của các tỉnh miền nam trong đế quốc ông, Heraclius chọn một đại thượng phụ mới ở Alexandria, Cyrus của Phasis, người chấp nhận giáo lý được hoàng đế ủng hộ. Không những hoàng đế phong cho Cyrus làm đại thượng phụ mà còn làm tỉnh trưởng Ai Cập, cấp trên của các nhà cầm quyền địa phương. Ít bị áp lực của sự chống đối, Cyrus đạt được sự đồng ý của hầu như toàn bộ giáo hội Ai Cập.
Một mùa gặt cay đắng
Làm thế nào những diễn biến và biến cố này có thể phản ánh từ ngữ và tinh thần của lời cầu nguyện mà trong đó Chúa Giê-su nói rằng các môn đồ ngài “không thuộc về thế-gian”?—Giăng 17:14-16.
Những người lãnh đạo xưng là tín đồ Đấng Christ vào thời Byzantine và sau đó đã phải trả giá đắt cho việc họ dính líu vào chính trị và quân sự thuộc thế gian. Việc xem xét vắn tắt về lịch sử này cho bạn biết điều gì? Những người lãnh đạo Giáo Hội Byzantine có nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su không?—Gia-cơ 4:4.
Những người lãnh đạo tôn giáo đầy tham vọng ấy và các tình nhân chính trị của họ đã không phục vụ cho đạo thật Đấng Christ. Sự pha trộn ô uế này giữa chính trị và tôn giáo đã bóp méo tôn giáo thanh sạch do Chúa Giê-su dạy. Mong sao chúng ta rút tỉa bài học lịch sử và “không thuộc về thế-gian”.
[Chú thích]
^ đ. 21 Giáo lý Độc Thần chủ trương rằng mặc dù có hai bản tính là Thiên Chúa và loài người, Đấng Christ chỉ có một ý muốn.
[Khung/Hình nơi trang 10]
“GIỐNG NHƯ MỘT VỊ THẦN NGAO DU TRÊN TRỜI”
Những biến cố quanh Đại Thượng Phụ Michael Cerularius (khoảng năm 1000-1059) tiêu biểu cho vai trò của người đứng đầu giáo hội trong công việc Nhà Nước và những tham vọng liên hệ. Sau khi nhận được chức vị đại thượng phụ, Cerularius có ý định trèo lên cao hơn. Ông được mô tả là ngạo mạn, tự phụ, cứng cỏi—“cư xử giống như một vị thần ngao du trên trời”.
Vì ham muốn tự đề cao, Cerularius đã gieo rắc mầm chia rẽ với giáo hoàng ở Rô-ma vào năm 1054, và thúc ép hoàng đế phải chấp nhận sự phân chia. Hài lòng với chiến thắng này, Cerularius đặt Michael VI lên ngai vàng và giúp ông củng cố quyền lực. Một năm sau, Cerularius cưỡng bức hoàng đế đó thoái vị và đặt Isaac Comnenus (khoảng năm 1005-1061) lên ngôi.
Cuộc xung đột giữa chức vị đại thượng phụ và hoàng đế leo thang. Cerularius—chiếm được sự ủng hộ của quần chúng—đe dọa, đòi hỏi và cậy vào bạo lực. Một sử gia đương đại ghi: “Ông báo trước sự sụp đổ của Hoàng Đế bằng ngôn ngữ bình dân, thô lỗ, nói: ‘Ta đã đưa kẻ ngu ngốc như ngươi lên; nhưng ta sẽ hạ ngươi’ ”. Tuy nhiên, Isaac Comnenus hạ lệnh bắt ông, tống giam và đày ông sang Imbros.
Những trường hợp trên cho thấy đại thượng phụ Constantinople có thể gây rắc rối đến độ nào và ông cũng có thể bạo gan kháng cự hoàng đế đến mức nào. Ngai vàng thường phải xử lý những kẻ như thế, những chính khách tài ba, dám cả gan thách thức cả hoàng đế và quân đội.
[Bản đồ/Hình nơi trang 9]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Biên thùy của Đế Quốc Byzantine
Ravenna
Rô-ma
MA-XÊ-ĐOAN
Constantinople
Biển Đen
Nicaea
Ê-phê-sô
An-ti-ốt
Giê-ru-sa-lem
Alexandria
Địa Trung Hải
[Nguồn tư liệu]
Bản đồ: Mountain High Maps® Copyright © 1997 Digital Wisdom, Inc.
[Các hình nơi trang 10, 11]
Comnenus
Romanus III (bên trái)
Michael IV
Nữ Hoàng Zoe
Romanus I (bên trái)
[Nguồn tư liệu]
Comnenus, Romanus III, và Michael IV: Courtesy Classical Numismatic Group, Inc.; Nữ Hoàng Zoe: Hagia Sophia; Romanus I: Photo courtesy Harlan J. Berk, Ltd.
[Hình nơi trang 12]
Photius
[Hình nơi trang 12]
Heraclius và con trai
[Nguồn tư liệu]
Heraclius và con trai: Photo courtesy Harlan J. Berk, Ltd.; all design elements, trang 8-12: Từ sách L’Art Byzantin III Ravenne Et Pompose