Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Các buổi họp khuyên giục về tình yêu thương và việc tốt lành

Các buổi họp khuyên giục về tình yêu thương và việc tốt lành

“Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ”

Các buổi họp khuyên giục về tình yêu thương và việc tốt lành

TỪ Toronto đến Tokyo, từ Moscow đến Montevideo—mỗi tuần vài lần, hàng triệu Nhân Chứng Giê-hô-va và cảm tình viên lũ lượt kéo đến những nơi thờ phượng của họ. Trong số những người đó phải kể đến những người chủ gia đình làm việc cần cù, mỏi mệt sau một ngày làm việc dài; những người vợ và mẹ siêng năng dẫn theo các con nhỏ; những người trẻ năng nổ học hành suốt ngày; những người già cả yếu ớt bước đi chầm chậm vì nhức mỏi và đau đớn; những góa phụ và những con côi can đảm; và những người buồn nản cần được an ủi.

Những Nhân Chứng này của Đức Giê-hô-va đến đó bằng nhiều phương tiện chuyên chở—từ xe lửa cao tốc đến những con lừa, từ những toa xe điện ngầm đông nghẹt hành khách đến xe tải. Một số người đã phải lội qua những dòng sông đầy cá sấu, trong khi những người khác phải chịu đựng cảnh kẹt xe gây căng thẳng ở những đô thị lớn. Tại sao tất cả những người này lại nỗ lực nhiều đến thế?

Trước nhất là vì việc đi dự và tham gia các buổi họp của tín đồ Đấng Christ là một cách quan trọng để thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (Hê-bơ-rơ 13:15) Sứ đồ Phao-lô nói đến một lý do khác nữa khi viết: “Ai nấy hãy coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành; chớ bỏ sự nhóm lại..., nhưng phải khuyên-bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy”. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25, chúng tôi viết nghiêng). Ở đây Phao-lô có cùng cảm nghĩ với người viết Thi-thiên Đa-vít: “Tôi vui-mừng khi người ta nói với tôi rằng: Ta hãy đi đến nhà Đức Giê-hô-va”.—Thi-thiên 122:1.

Tại sao tín đồ Đấng Christ vui mừng về việc có mặt tại các buổi họp? Vì những người tham dự không chỉ thụ động quan sát. Thay vì thế, họ có cơ hội làm quen với nhau. Những buổi họp mặt này đặc biệt tạo dịp để cho chứ không phải chỉ để nhận, và khuyến giục lẫn nhau nhằm bày tỏ tình yêu thương và tham gia vào các việc lành. Điều này giúp biến các buổi họp thành những dịp đầy xây dựng. Hơn nữa, các buổi họp đạo Đấng Christ là một trong những cách để Chúa Giê-su thực hiện lời hứa của ngài: “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ”.—Ma-thi-ơ 11:28.

Một ốc đảo đầy an ủi và quan tâm

Nhân Chứng Giê-hô-va có những lý do chính đáng để xem các buổi họp là nơi yên nghỉ. Trước hết, tại các buổi họp, thức ăn thiêng liêng đúng giờ được lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” dọn ra. (Ma-thi-ơ 24:45) Các buổi họp cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đào tạo các tôi tớ của Đức Giê-hô-va để họ trở thành những người dạy Lời Đức Chúa Trời một cách khéo léo và sốt sắng. Ngoài ra, tại Phòng Nước Trời, một người có thể tìm thấy một nhóm bạn bè đầy yêu thương, biết quan tâm và chăm sóc sẵn sàng giúp đỡ và an ủi người khác trong kỳ gian truân.—2 Cô-rinh-tô 7:5-7.

Đây là kinh nghiệm của chị Phillis, góa chồng khi hai con của chị vừa được tám và năm tuổi. Miêu tả việc các buổi họp đạo Đấng Christ giúp chị và hai con nhỏ của chị được tươi tỉnh, chị nói: “Đi đến Phòng Nước Trời thật là một niềm an ủi vì những người cùng tin đạo luôn luôn bày tỏ lòng yêu thương và quan tâm bằng cách ôm choàng lấy nhau, chia sẻ một ý tưởng dựa trên Kinh Thánh, hoặc xiết chặt tay nhau. Tôi luôn muốn đến nơi đấy”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14.

Sau khi chị Marie trải qua một cuộc giải phẫu nghiêm trọng, bác sĩ nói phải mất ít nhất sáu tuần chị mới khỏi hẳn. Trong những tuần đầu tiên dưỡng bệnh, chị Marie không thể đi nhóm họp. Bác sĩ thấy chị không được vui vẻ như trước nữa do không đi nhóm họp được, ông khuyên chị nên đi. Chị Marie đáp rằng chồng chị là người không có cùng đức tin với chị, vì lo cho sức khỏe của chị nên không muốn chị đi. Do đó ông bác sĩ biên toa chính thức “ra lệnh” chị Marie phải đến lại Phòng Nước Trời để nhận được sự khuyến khích và kết hợp xây dựng. Chị Marie kết luận: “Sau khi dự được một buổi họp, tôi thấy khỏe hơn nhiều. Tôi bắt đầu ăn, ngủ suốt đêm, tôi không phải thường xuyên uống thuốc để giảm đau, và tôi tươi cười trở lại!”—Châm-ngôn 16:24.

Bầu không khí đầy yêu thương ở các buổi họp đạo Đấng Christ không khỏi khiến người ta chú ý đến. Một nữ sinh cao đẳng chọn quan sát Nhân Chứng Giê-hô-va để viết bài luận văn trong lớp học về chủng tộc. Trong bài luận văn, cô viết về bầu không khí ở các buổi họp: “Sự tiếp đón nồng nhiệt gây ấn tượng sâu sắc cho tôi... Sự thân thiện của Nhân Chứng Giê-hô-va là một nét rất nổi bật, và tôi cảm nhận đó là phần quan trọng nhất của bối cảnh”.—1 Cô-rinh-tô 14:25.

Trong thế giới hỗn loạn này, hội thánh tín đồ Đấng Christ là một ốc đảo thiêng liêng. Đó là một nơi hòa thuận và yêu thương. Bằng cách có mặt ở các buổi họp, chính bạn có thể cảm nghiệm được sự xác thật về những lời của người viết Thi-thiên: “Kìa, anh em ăn-ở hòa-thuận nhau thật tốt-đẹp thay!”—Thi-thiên 133:1.

[Khung/​Hình nơi trang 25]

ĐÁP ỨNG MỘT NHU CẦU ĐẶC BIỆT

Làm thế nào những người điếc có thể rút tỉa lợi ích qua các buổi họp đạo Đấng Christ? Khắp thế giới, Nhân Chứng Giê-hô-va thành lập những hội thánh sử dụng ngôn ngữ ra dấu. Trong 13 năm qua, tại Hoa Kỳ có 27 hội thánh và 43 nhóm sử dụng ngôn ngữ ra dấu đã được thành lập. Tại ít nhất 40 xứ khác, nay có khoảng 140 hội thánh sử dụng ngôn ngữ ra dấu. Các ấn phẩm đạo Đấng Christ được thu băng video trong 13 ngôn ngữ ra dấu.

Hội thánh tín đồ Đấng Christ tạo cơ hội cho những người điếc ca ngợi Đức Giê-hô-va. Chị Odile, trước kia theo Công Giáo ở Pháp bị trầm cảm nặng và có ý nghĩ tự sát, biết ơn sâu đậm về sự giáo dục dựa trên Kinh Thánh chị nhận được tại các buổi họp đạo Đấng Christ. Chị nói: “Tôi hồi phục sức khỏe và niềm vui sống. Nhưng trên hết mọi sự, tôi tìm ra lẽ thật. Bây giờ đời tôi có mục đích”.