Những vấn đề của nhân loại—Có bao giờ chấm dứt không?
Những vấn đề của nhân loại—Có bao giờ chấm dứt không?
“MỘT phần tư dân số thế giới sống trong cảnh nghèo túng, 1,3 tỉ người sống lay lất dưới 1 Mỹ Kim mỗi ngày, 1 tỉ người bị mù chữ, 1,3 tỉ người không có nước sạch để uống và 1 tỉ người hàng ngày bị đói”. Một bản báo cáo từ xứ Ireland nói như thế về tình trạng thế giới.
Thật là một bản cáo trạng bi đát nói lên sự bất lực của con người trong việc tìm ra giải pháp lâu dài cho những vấn đề của thế giới. Những vấn đề ấy càng thảm khốc hơn khi biết rằng đại đa số những người nói đến trong bản báo cáo lại là những trẻ em và phụ nữ yếu thế. Chẳng phải là kinh khủng sao khi thậm chí bây giờ, trong thế kỷ 21, nhân quyền của họ tiếp tục “bị xâm phạm mỗi ngày nhiều đến mức không kể hết”?—The State of the World’s Children 2000.
“Một thế giới mới chỉ trong một thế hệ”
Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ niềm tin tưởng rằng “bầu không khí ảm đạm mà những vụ lạm dụng này... đã gây ra cho nhiều người khắp đất có thể được giải tỏa”. Tổ chức này nói rằng những tình trạng khủng khiếp mà hàng tỉ người kém may mắn này hiện phải chịu đựng “không phải không thể tránh được, cũng không phải không thể thay đổi được”. Trên thực tế, tổ chức này đã lên tiếng kêu gọi “mọi người kiến tạo một thế giới mới chỉ trong một thế hệ”. Họ hy vọng rằng đó sẽ là một thế giới mà trong đó toàn thể nhân loại sẽ được “thoát khỏi nạn nghèo túng và kỳ thị, không còn bạo lực và bệnh tật nữa”.
Những ai phát biểu cảm nghĩ ấy được khích lệ qua sự kiện những nhà hảo tâm đang hăng say hoạt động để xoa dịu những hậu quả đau buồn của “hàng loạt xung đột và khủng hoảng dường như triền miên”. Chẳng hạn, trong 15 năm qua, Dự Án Cứu Trợ Trẻ Em ở Chernobyl “đã giúp xoa dịu nỗi đau khổ của hàng trăm trẻ em bị ung thư vì nhiễm chất phóng xạ”. (The Irish Examiner, ngày 4-4-2000) Chắc chắn các cơ quan cứu tế lớn và nhỏ đã góp phần lớn trong việc giúp đỡ vô số nạn nhân của chiến tranh và thảm họa.
Thế nhưng, những người tham gia vào các nỗ lực nhân đạo như thế là những người thực tế. Họ biết rằng các vấn đề họ đang đối phó “ăn sâu và lan rộng hơn so với cách đây mười năm”. David Begg, tổng ủy viên tổ chức từ thiện Ireland, nói rằng “các nhân viên, các người ủng hộ và các nhà hảo tâm đều đã hưởng ứng tuyệt vời” khi xứ Mozambique gặp thảm họa lũ lụt. Ông nói thêm: “Nhưng chúng ta không thể một mình đối phó với những thảm họa ở tầm mức to lớn như thế”. Ông thành thật thú nhận về nỗ lực cứu trợ ở Phi Châu: “Những tia hy vọng ấy giống như những ánh đèn le lói”. Nhiều người cảm thấy lời ấy tóm lược một cách chính xác tình hình thế giới.
Chúng ta có thể nào trông mong một cách thực tế được nhìn thấy điều hằng mơ ước—“thế giới mới chỉ trong một thế hệ”—không? Dù các nỗ lực nhân đạo hiện tại thật đáng khen, chắc chắn chúng ta cũng nên xem xét một triển vọng khác về thế giới mới công chính và thanh bình. Kinh Thánh nêu ra triển vọng ấy, như được trình bày trong bài kế tiếp.
[Nguồn tư liệu nơi trang 2]
Trang 3, trẻ em: UN/DPI Photo by James Bu