Làm thế nào để đời sống có giá trị trước mắt Đức Giê-hô-va?
Làm thế nào để đời sống có giá trị trước mắt Đức Giê-hô-va?
“Hôm qua, giữa bình minh và hoàng hôn, bị mất hai giờ vàng ngọc, mỗi giờ là một chuỗi gồm sáu mươi ‘hạt kim cương’ phút. Không ai treo giải thưởng để kiếm lại, vì đã mất vĩnh viễn!”—Lydia H. Sigourney, một tác giả người Hoa Kỳ (1791-1865).
CUỘC ĐỜI chúng ta ngắn ngủi và chóng qua. Người viết Thi-thiên Đa-vít ngẫm nghĩ về đời người ngắn ngủi và được thúc đẩy cầu nguyện: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết cuối-cùng tôi, và số các ngày tôi là thể nào; xin cho tôi biết mình mỏng-mảnh là bao. Kìa, Chúa khiến ngày giờ tôi dài bằng bàn tay, và đời tôi như không-không trước mặt Chúa”. Mối quan tâm của Đa-vít là sống sao cho vừa ý Đức Chúa Trời, qua cả lời nói lẫn hành động. Phát biểu việc ông tùy thuộc vào Đức Chúa Trời, ông nói: “Sự trông-cậy tôi ở nơi Chúa”. (Thi-thiên 39:4, 5, 7) Đức Giê-hô-va đã lắng nghe. Ngài thật sự cân nhắc những hoạt động của Đa-vít và tưởng thưởng ông đích đáng.
Thật dễ bận rộn từng phút một trong ngày và bị cuốn hút vào một cuộc sống hối hả và đầy các hoạt động. Điều này có thể làm chúng ta rất băn khoăn, nhất là khi có quá nhiều điều muốn làm và nếm trải mà lại có quá ít thì giờ. Chúng ta có cùng mối quan tâm với Đa-vít—tức sống một cuộc đời sao cho được Đức Chúa Trời chấp nhận—không? Chắc chắn Đức Giê-hô-va quan sát và xem xét kỹ lưỡng mỗi người chúng ta. Cách đây khoảng 3.600 năm, Gióp, một người kính sợ Đức Chúa Trời, nhìn nhận rằng Đức Giê-hô-va nhìn thấy các đường lối và xem xét các hoạt động của ông. Gióp đặt câu hỏi theo kiểu tu từ: “Khi Ngài đến thẩm-sát tôi, tôi sẽ đáp sao?” (Gióp 31:4-6, 14) Có thể làm cho đời sống chúng ta có giá trị trước mắt Đức Chúa Trời bằng cách thiết lập những điều ưu tiên thiêng liêng, vâng theo mệnh lệnh Ngài và khôn khéo dùng thời gian. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn những vấn đề này.
Quan tâm chính yếu đến các vấn đề thiêng liêng
Kinh Thánh được soi dẫn có lý do chính đáng để khuyên chúng ta lập những điều ưu tiên thiêng liêng như sau: “[Hãy] nhận rõ những điều quan trọng hơn”. Những điều quan trọng hơn này là gì? Câu trả lời bao hàm “sự hiểu biết chính xác và sự suy xét”. (Phi-líp 1:9, 10, NW) Thu thập sự hiểu biết về ý định của Đức Giê-hô-va đòi hỏi phải khôn khéo dùng thời gian của chúng ta. Tuy nhiên, sự quan tâm hàng đầu đến các vấn đề thiêng liêng bảo đảm cho chúng ta một đời sống phong phú và thỏa nguyện.
Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở chúng ta “xét điều chi vừa lòng Chúa”. Việc xét này phải bao gồm việc tự kiểm điểm động lực và ước muốn trong lòng. Sứ đồ tiếp tục: “Phải hiểu rõ ý-muốn của Chúa là thế nào”. (Ê-phê-sô 5:10, 17) Vậy Giê-hô-va Đức Chúa Trời thấy vừa lòng về điều gì? Một câu Châm-ngôn trong Kinh Thánh đáp: “Sự khôn-ngoan là điều cần-nhứt; vậy, khá cầu lấy sự khôn-ngoan; hãy dùng hết của con đã được mà mua sự thông-sáng. Hãy tôn-tặng sự khôn-ngoan, thì sự khôn-ngoan sẽ thăng con lên”. (Châm-ngôn 4:7, 8) Đức Giê-hô-va vui lòng khi thấy một người thu thập và áp dụng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. (Châm-ngôn 23:15) Cái hay của sự khôn ngoan như thế là nó không thể bị cướp đi hoặc bị hủy diệt. Thật thế, nó bảo vệ và che chở chúng ta ‘khỏi đường dữ và khỏi kẻ nói việc gian-tà’.—Châm-ngôn 2:10-15.
Vậy thật khôn ngoan làm sao khi cưỡng lại bất cứ khuynh hướng nào đưa chúng ta đến thái độ hờ hững đối với những vấn đề thiêng liêng! Chúng ta cần phải vun trồng một thái độ biết ơn đối với lời của Đức Giê-hô-va và kính sợ Ngài một cách lành mạnh. (Châm-ngôn 23:17, 18) Dù có thể vun trồng một tâm tính như thế bất cứ lúc nào trong đời, tốt nhất là thiết lập chuẩn mực đúng này và ghi tạc các nguyên tắc Kinh Thánh vào nhân cách của chúng ta từ thuở thơ ấu. Vua khôn ngoan Sa-lô-môn nói: “Trong buổi còn thơ-ấu hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa ngươi”.—Truyền-đạo 12:1.
Cách mật thiết nhất để vun trồng một tấm lòng biết ơn đối với Đức Giê-hô-va là hàng ngày cầu nguyện với Ngài. Đa-vít nhận biết tầm quan trọng của việc thổ lộ tâm tình với Đức Giê-hô-va, vì ông nài xin: “Đức Giê-hô-va ôi! xin hãy nghe lời cầu-nguyện tôi, lắng tai nghe tiếng kêu-cầu của-tôi; xin chớ nín-lặng về nước mắt tôi”. (Thi-thiên 39:12) Quan hệ mật thiết giữa chúng ta với Đức Chúa Trời có sâu xa đến độ đôi khi rung động tình cảm làm chúng ta rơi lệ không? Thật thế, chúng ta càng thổ lộ với Đức Giê-hô-va về những vấn đề thầm kín trong lòng và suy ngẫm về Lời Ngài, Ngài càng đến gần chúng ta hơn.—Gia-cơ 4:8.
Học tập vâng lời
Môi-se là một người khác nữa cũng có đức tin và nhận biết mình tùy thuộc vào Đức Chúa Trời. Giống như Đa-vít, Môi-se đã có thể thấy đời sống đầy gian khổ. Do đó ông nài xin Đức Chúa Trời cho ông biết ‘đếm các ngày của ông, hầu cho ông được lòng khôn-ngoan’. (Thi-thiên 90:10-12) Một tấm lòng khôn ngoan chỉ đạt được nhờ học hỏi và sống phù hợp với các luật pháp và nguyên tắc của Đức Giê-hô-va. Môi-se biết điều này và sau đó cố gắng khắc ghi vào lòng dân Y-sơ-ra-ên lẽ thật trọng yếu đó bằng cách lặp lại cho họ các luật pháp và quy tắc trước khi chiếm lấy Đất Hứa. Sau đó bất cứ người nào mà Đức Giê-hô-va lập lên làm vua cai trị Y-sơ-ra-ên đều phải tự tay chép lại một bản Luật Pháp và đọc nó trọn đời. Tại sao? Để tập kính sợ Đức Chúa Trời. Việc ấy sẽ thử thách lòng vâng phục của vị vua. Điều đó sẽ che chở vua khỏi tự tâng bốc mình vượt lên trên anh em đồng hương và cũng sẽ được cai trị lâu ngày trong nước. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:18-20) Lời hứa này cũng được lặp lại khi Đức Giê-hô-va nói với Sa-lô-môn, con trai Đa-vít: “Nếu ngươi đi trong đường-lối ta, gìn-giữ luật-pháp và điều-răn ta, như Đa-vít, cha ngươi, đã đi, thì ta sẽ khiến cho ngươi được sống lâu ngày thêm”.—1 Các Vua 3:10-14.
Đức Chúa Trời xem sự vâng lời là một việc quan trọng. Trong một số khía cạnh nào đó, nếu chúng ta xem những sự đòi hỏi và mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va là tầm thường, không quan trọng, chắc chắn Ngài sẽ nhận ra ngay thái độ như thế. (Châm-ngôn 15:3) Biết được điều này sẽ thúc đẩy chúng ta luôn kính trọng tất cả những sự chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va, dù không phải luôn luôn dễ làm như thế. Sa-tan cố hết sức mình để “ngăn-trở” khi chúng ta cố gắng vâng theo luật pháp và mệnh lệnh của Đức Chúa Trời.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:18.
Điều đặc biệt quan trọng là nghe theo lời khuyên của Kinh Thánh về việc nhóm lại để thờ phượng và kết hợp với anh em. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:12, 13; Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Vậy chúng ta nên tự hỏi: ‘Tôi có sự kiên định và bền bỉ cần thiết để làm những gì thật sự xứng đáng không?’ Lơ là việc kết hợp và lời dạy dỗ ở các buổi họp tín đồ Đấng Christ vì muốn làm thêm để được yên tâm về mặt tài chính sẽ làm yếu đi mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Sứ đồ Phao-lô viết: “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức [Giê-hô-va] có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”. (Hê-bơ-rơ 13:5) Sẵn lòng tuân theo mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va cho thấy chúng ta tin tưởng tuyệt đối rằng Ngài sẽ chăm sóc chúng ta.
Chúa Giê-su đã học tập vâng lời và ngài nhận được lợi ích. Chúng ta cũng thế. (Hê-bơ-rơ 5:8) Càng vun trồng sự vâng lời, chúng ta càng dễ vâng lời hơn, ngay cả trong những việc nhỏ. Công nhận rằng chúng ta có thể bị người khác bạc đãi và đối xử khiếm nhã, vì lòng trung kiên. Điều này đặc biệt có thể xảy ra ở sở làm, trường học, hoặc trong một gia đình không cùng một tôn giáo. Thế nhưng, chúng ta tìm thấy niềm an ủi qua lời tuyên bố với dân Y-sơ-ra-ên rằng nếu họ ‘thương-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời họ, vâng theo tiếng phán Ngài, và tríu-mến Ngài thì Ngài là sự sống họ và làm cho họ được sống lâu’. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:20) Lời hứa này cũng dành cho chúng ta.
Khéo dùng thì giờ
Khéo dùng thì giờ cũng sẽ giúp chúng ta làm cho đời sống mình có giá trị trước mắt Đức Giê-hô-va. Không giống như tiền bạc có thể dành dụm được, thời gian phải được sử dụng, nếu không sẽ mất. Mỗi giờ trôi qua là mất đi vĩnh viễn. Vì không thể làm hết những điều muốn làm, chúng ta có đang dùng thì giờ phù hợp với những mục tiêu trong đời chúng ta không? Một mục tiêu chính của tất cả tín đồ Đấng Christ phải là đều đặn tham gia rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ.—Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20.
Chúng ta chỉ khéo dùng thì giờ nếu nhận thức rõ giá trị của thời gian. Ê-phê-sô 5:16 khuyên chúng ta một cách thích đáng là “hãy lợi-dụng thì-giờ”, và điều này bao hàm việc “mua” thì giờ, tức hy sinh những điều kém quan trọng hơn. Điều này có nghĩa là phải giảm bớt những cuộc theo đuổi làm phí thì giờ. Xem truyền hình hoặc truy cập Internet quá nhiều, đọc tài liệu vô bổ của thế gian, hoặc giải trí và tiêu khiển quá đáng có thể khiến chúng ta bị kiệt sức. Ngoài ra, việc tích lũy quá nhiều của cải vật chất có thể chiếm hết giờ cần thiết để vun trồng một tấm lòng khôn ngoan.
Những chuyên gia cổ vũ việc cẩn thận quản lý thì giờ nói: “Ta không thể tận dụng thì giờ nếu không có những mục tiêu rõ rệt”. Họ đề nghị năm tiêu chuẩn để lập mục tiêu: cụ thể, có thể đo lường được, có thể đạt được, thực tiễn và có thời hạn nhất định.
Một trong những mục tiêu xứng đáng là trau dồi việc đọc Kinh Thánh. Bước đầu tiên là có mục tiêu rõ rệt: đọc toàn bộ cuốn Kinh Thánh. Bước kế tiếp là làm cho mục tiêu của chúng ta có thể đo lường được. Nhờ làm thế, chúng ta có thể theo dõi sự tiến triển. Các mục tiêu phải kích thích mình cố gắng và tăng trưởng. Mục tiêu cũng phải dễ đạt được và thực tiễn. Cần cân nhắc khả năng, kỹ năng cá nhân và số lượng thì giờ chúng ta có. Đối với một số người, có thể mất nhiều thời gian hơn người khác để đạt mục tiêu. Cuối cùng, chúng ta cần phải ấn định thời hạn. Ấn định ngày tháng hoàn tất một điều có thể gia tăng động lực nhằm hoàn thành việc đó.
Tất cả những thành viên trong gia đình Bê-tên toàn cầu, phục vụ tại trụ sở trung ương quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va hoặc tại một văn phòng chi nhánh trên khắp thế giới đều có một mục tiêu rõ rệt là đọc xong cuốn Kinh Thánh trong năm đầu ở Bê-tên. Họ hiểu rằng việc đọc Kinh Thánh bổ ích, góp phần vào sự tăng trưởng thiêng liêng và mối quan hệ mật thiết hơn với Đức Giê-hô-va, Đấng dạy những điều giúp ích cho họ. (Ê-sai 48:17) Chúng ta có thể đặt ra mục tiêu đọc Kinh Thánh mỗi ngày như thế không?
Các lợi ích khi làm cho các ngày của mình có giá trị
Dành sự quan tâm hàng đầu cho những vấn đề thiêng liêng sẽ đem lại vô số ân phước. Một mặt, điều này góp phần tạo nơi chúng ta cảm nghĩ là mình hoàn thành được một điều và có mục đích trong đời sống. Cầu nguyện khẩn thiết và đều đặn với Đức Giê-hô-va đưa chúng ta đến gần Ngài hơn. Chính hành động cầu nguyện đã cho thấy chúng ta tin cậy Ngài. Việc mỗi ngày đọc Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh do lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp chứng tỏ chúng ta muốn lắng nghe khi Đức Chúa Trời nói với chúng ta. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Điều này giúp chúng ta vun trồng một tấm lòng khôn ngoan để quyết định và chọn lựa đúng trong đời.—Thi-thiên 1:1-3.
Chúng ta vui thích vâng theo các mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va, vì làm thế không phải là một gánh nặng. (1 Giăng 5:3) Khi làm cho mỗi ngày có giá trị trước mắt Đức Giê-hô-va, chúng ta củng cố mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Chúng ta cũng trở thành một nguồn nâng đỡ cho anh em tín đồ Đấng Christ về mặt thiêng liêng. Những hành động như thế làm Giê-hô-va Đức Chúa Trời vui lòng. (Châm-ngôn 27:11) Và không có phần thưởng nào lớn hơn việc được Đức Giê-hô-va chấp nhận hiện tại và mãi mãi!
[Hình nơi trang 21]
Tín đồ Đấng Christ xem trọng những vấn đề thiêng liêng
[Các hình nơi trang 22]
Bạn có khéo dùng thì giờ của mình không?
[Hình nơi trang 23]
Chúng ta củng cố mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va khi làm cho mỗi ngày có giá trị trước mắt Ngài