Bạn còn nhớ không?
Bạn còn nhớ không?
Bạn có thích đọc những số Tháp Canh ra gần đây không? Hãy thử xem bạn có thể trả lời các câu hỏi sau đây không:
• Ru-tơ là một gương mẫu tốt về phương diện nào?
Ru-tơ nổi bật về tình yêu của nàng đối với Đức Giê-hô-va, về lòng yêu thương trung tín đối với Na-ô-mi, về tính cần cù và khiêm nhường. Chẳng lạ gì khi dân sự xem nàng là “một người đàn bà hiền-đức”. (Ru-tơ 3:11)—15/4, trang 23-26.
• Làm sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va quan tâm đến những người bình thường?
Ngài đã nói dân Y-sơ-ra-ên từng bị đối đãi tàn nhẫn ở xứ Ai Cập chớ nên bạc đãi những người bị thiệt thòi. (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:21-24) Chúa Giê-su noi gương Cha ngài, đã bày tỏ lòng quan tâm thành thật đối với người tầm thường, và chọn những người “thường dân thiếu học” làm sứ đồ của ngài. (Công-vụ 4:13, An Sơn Vị; Ma-thi-ơ 9:36) Chúng ta có thể noi gương Đức Chúa Trời bằng cách tỏ lòng quan tâm đến người khác chẳng hạn như những người trẻ.—15/4, trang 28-31.
• Chúng ta có lý do nào để tin chắc rằng Đức Giê-hô-va lưu tâm đến những điều chúng ta làm?
Những lời tường thuật của Kinh Thánh cho thấy Ngài lưu tâm đến những việc làm của con người. Ngài đã lưu tâm đến của-lễ A-bên dâng cho Ngài và cũng lưu tâm đến ‘tế-lễ bằng lời ngợi-khen, bông trái của môi-miếng’ của chúng ta. (Hê-bơ-rơ 13:15) Đức Giê-hô-va biết ông Hê-nóc đã cố gắng làm đẹp lòng Ngài bằng cách sống một đời trong sạch đạo đức. Và Đức Chúa Trời để ý đến một quả phụ ở thành Sa-rép-ta, không phải là người Y-sơ-ra-ên, đã chia sẻ với nhà tiên tri Ê-li phần thực phẩm ít oi của bà. Đức Giê-hô-va cũng lưu tâm đến những hành động biểu lộ đức tin của chúng ta.—1/5, trang 28-31.
• Tại sao có thể nói là sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN người Do Thái trở thành tín đồ Đấng Christ phải tự dâng mình cho Đức Chúa Trời?
Vào năm 1513 TCN, qua giao ước Luật Pháp, những người Do Thái sinh ra trong nước Y-sơ-ra-ên có mối quan hệ đặc biệt với Đức Giê-hô-va với tư cách là dân tộc dâng hiến cho Ngài. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:3-8) Nhưng Đức Giê-hô-va đã loại bỏ giao ước Luật Pháp qua sự chết của Đấng Christ vào năm 33 CN. (Cô-lô-se 2:14) Về sau, những người Do Thái muốn phụng sự Đức Chúa Trời theo cách Ngài chấp nhận cần phải tự dâng mình và làm báp têm nhân danh Chúa Giê-su Christ.—15/5, trang 30, 31.
• Ngày nay sự thờ phượng thật có đòi hỏi phải đốt hương không?
Dân Y-sơ-ra-ên xưa dùng hương trong việc thờ phượng thật. (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:37, 38; Lê-vi Ký 16:12, 13) Tuy nhiên giao ước Luật Pháp, kể cả việc dùng hương, chấm dứt với sự chết của Đấng Christ. Một tín đồ Đấng Christ có thể quyết định đốt hương với mục đích không liên quan đến tôn giáo, nhưng ngày nay sự thờ phượng thật không đòi hỏi phải đốt hương. Người ấy nên cân nhắc cảm nghĩ của người khác để tránh làm cho họ vấp phạm.—1/6, trang 28-30.
• Tin tức mới nào đã khiến nhiều người suy nghĩ kỹ hơn về sự kiện Chúa Giê-su đã hiện hữu trên đất?
Tin tức về một hộp chứa hài cốt tìm được ở nước Do Thái đã gợi nhiều sự chú ý. Dường như hộp này thuộc thế kỷ thứ nhất và nó mang hàng chữ: “Gia-cơ, con của Giô-sép, em của Giê-su”. Nhiều người coi đây là “bằng chứng khảo cổ xưa nhất ngoài Kinh Thánh” về sự hiện hữu của Chúa Giê-su.—15/6, trang 3, 4.
• Làm thế nào con người học yêu thương?
Con người học yêu thương trước hết qua gương mẫu và sự dạy dỗ của cha mẹ. Khi vợ chồng yêu và tôn trọng nhau con cái học yêu thương. (Ê-phê-sô 5:28; Tít 2:4) Ngay cả những người không được lớn lên trong một gia đình yêu thương có thể học yêu thương bằng cách chấp nhận sự hướng dẫn của Cha Giê-hô-va, tìm sự trợ giúp của thánh linh, và hưởng sự hỗ trợ nồng ấm của đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ.—1/7, trang 4-7.
• Eusebius là ai và chúng ta rút được bài học nào qua đời sống của ông?
Eusebius là một sử gia thời xưa. Vào năm 324 CN ông viết xong mười tập của tác phẩm mang tựa đề History of the Christian Church (Lịch sử giáo hội Đấng Christ). Mặc dù ông tin rằng Cha hiện hữu trước Con, vào Giáo Hội Nghị Nicaea, ông đã ủng hộ một quan điểm khác. Dường như ông đã lờ đi sự đòi hỏi của Chúa Giê-su là môn đồ ngài “không thuộc về thế-gian”. (Giăng 17:16)—15/7, trang 29-31.
• Đức Giê-hô-va đã thay đổi quan điểm của Ngài về tục đa thê không?
Không, Đức Giê-hô-va không thay đổi quan điểm về tục đa thê. (Ma-la-chi 3:6) Thời ban đầu sự sắp đặt của Ngài là người nam phải “dính-díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt”. (Sáng-thế Ký 2:24) Chúa Giê-su phán rằng trừ trường hợp tà dâm, ai ly dị và cưới người khác phạm tội ngoại tình. (Ma-thi-ơ 19:4-6, 9, Bản Dịch Mới) Việc Đức Giê-hô-va cho phép tục đa thê đã chấm dứt khi hội thánh tín đồ Đấng Christ được thành lập.—1/8, trang 28.