Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va thu hút người khiêm nhường đến lẽ thật

Đức Giê-hô-va thu hút người khiêm nhường đến lẽ thật

Tự Truyện

Đức Giê-hô-va thu hút người khiêm nhường đến lẽ thật

DO ASANO KOSHINO KỂ LẠI

Vào năm 1949, chỉ vài năm sau khi Thế Chiến II kết thúc, một người đàn ông ngoại quốc cao, thân thiện đến thăm gia đình mà tôi đang giúp việc ở Thành Phố Kobe. Anh là giáo sĩ đầu tiên của Nhân Chứng Giê-hô-va đến nước Nhật. Cuộc viếng thăm của anh đã mở đường cho tôi đến với lẽ thật Kinh Thánh. Nhưng trước tiên hãy để tôi kể về gốc gác của mình.

TÔI sinh năm 1926 tại một làng nhỏ thuộc miền bắc Quận Okayama. Tôi là thứ năm trong gia đình có tám con. Cha tôi là người sùng đạo của miếu thờ Thần Đạo địa phương. Thế nên bọn trẻ chúng tôi vui thích lễ hội và các buổi họp mặt gia đình tại những buổi lễ tôn giáo trong suốt năm.

Khi lớn lên, tôi có nhiều thắc mắc về đời sống, nhưng tôi quan tâm nhiều nhất về sự chết. Theo truyền thống, người ta phải chết tại nhà của mình, và trẻ con phải có mặt bên cạnh giường người chết. Tôi vô cùng đau khổ khi bà nội qua đời và khi em trai tôi chết lúc nó chưa tròn một tuổi. Tôi chán nản vô cùng khi nghĩ đến cái chết của cha mẹ tôi. ‘Chỉ có thế thôi sao? Đời sống còn có điều gì ý nghĩa hơn không?’ Tôi khao khát muốn biết.

Năm 1937, khi tôi đang học lớp sáu ở trường cấp một, Cuộc Chiến Trung-Nhật bắt đầu. Đàn ông bị gọi nhập ngũ và đưa đi chiến trường ở Trung Quốc. Học sinh đưa tiễn cha, anh ra trận, la to: hoàng đế “banzai!” (muôn năm). Dân chúng tin chắc sự chiến thắng của Nhật Bản, một nước do thần cai trị, và hoàng đế chính là vị thần sống.

Chẳng bao lâu, các gia đình bắt đầu nhận tin báo tử từ tiền tuyến. Tang quyến đau buồn không nguôi. Nỗi căm thù dâng lên trong lòng, và họ vui mừng khi quân địch bị thương vong nặng nề. Nhưng đồng thời tôi suy nghĩ: ‘Dân chúng bên địch hẳn cũng đau khổ như chúng tôi khi sự chết cướp đi người thân yêu’. Khi tôi học xong cấp một, chiến tranh đang mở rộng và tiến sâu vào Trung Quốc.

Gặp một người ngoại quốc

Là những nông dân, gia đình chúng tôi luôn sống trong cảnh nghèo, nhưng cha tôi đồng ý để tôi theo đuổi việc học miễn là gia đình không phải đóng học phí. Vì thế, năm 1941 tôi vào một trường nữ ở Thành Phố Okayama, cách nhà khoảng 100 kilômét. Trường dạy cho các cô gái trở thành vợ đảm, mẹ hiền. Nhà trường gửi học sinh đến sống với những gia đình giàu có trong thành phố để tập sự quán xuyến việc nhà. Buổi sáng học sinh đến thực tập tại những gia đình này, và buổi chiều trở về trường.

Sau lễ khai giảng, cô giáo tôi mặc áo kimono, dẫn tôi đến một ngôi nhà lớn. Nhưng không hiểu vì lý do gì bà chủ nhà đã không nhận tôi. Cô giáo tôi hỏi: “Vậy, chúng ta sẽ đến nhà bà Koda chứ?” Cô giáo dẫn tôi đến một ngôi nhà kiểu Tây Phương và bấm chuông. Một lúc sau, một phụ nữ cao, tóc hoa râm bước ra. Tôi hết sức ngạc nhiên! Bà ấy không phải là người Nhật, và tôi chưa bao giờ thấy một người Tây Phương. Cô giáo giới thiệu tôi với bà Maud Koda và nhanh chóng ra về. Kéo lê những túi xách, tôi bồn chồn bước vào nhà. Sau này tôi biết được rằng bà Maud Koda là người Mỹ, và bà đã kết hôn với người đàn ông Nhật đi du học ở Hoa Kỳ. Bà dạy Anh ngữ tại trường thương nghiệp.

Một cuộc sống bận rộn bắt đầu ngay sáng ngày hôm sau. Chồng bà Koda bị bệnh động kinh, và tôi phải chăm sóc cho ông. Vì hoàn toàn không biết tiếng Anh, tôi hơi lo lắng. Tôi bớt căng thẳng khi bà Koda nói với tôi bằng tiếng Nhật. Hàng ngày nghe vợ chồng họ trò chuyện với nhau bằng tiếng Anh, dần dần ngôn ngữ ấy trở nên quen tai đối với tôi. Tôi yêu thích bầu không khí ấm cúng trong gia đình.

Tôi khâm phục sự tận tụy của bà Koda đối với người chồng đang bệnh. Ông ấy thích đọc Kinh Thánh. Sau này tôi biết là hai vợ chồng đã mua được sách The Divine Plan of the Ages (Kế hoạch các thời đại của Đức Chúa Trời) bằng Nhật ngữ tại một tiệm bán sách cũ và mấy năm qua đã đặt mua Tháp Canh dài hạn bằng Anh ngữ.

Một ngày nọ tôi được tặng quà là một cuốn Kinh Thánh. Tôi rất sung sướng vì đó là lần đầu tiên trong đời, tôi có một cuốn Kinh Thánh riêng. Tôi đọc trên đường đến trường và trở về nhưng hiểu rất ít. Vì sinh trưởng trong gia đình theo Thần Đạo Nhật Bản, Chúa Giê-su dường như xa lạ đối với tôi. Tôi đã không ý thức rằng đó là khởi đầu của việc giúp tôi cuối cùng đón nhận lẽ thật Kinh Thánh; lẽ thật này sẽ giải đáp thắc mắc của tôi về đời sống và sự chết.

Ba biến cố buồn thảm

Chẳng mấy chốc, hai năm thực tập kết thúc, và tôi chào từ giã gia đình đó. Sau khi tốt nghiệp, tôi kết hợp với đoàn thanh nữ tình nguyện và tham gia việc sản xuất quân phục hải quân. Những cuộc đột kích của oanh tạc cơ B-29 của Mỹ bắt đầu, và một quả bom nguyên tử đã thả xuống Hiroshima vào ngày 6-8-1945. Vài ngày sau, tôi nhận được một điện tín báo tin mẹ tôi bệnh nặng. Tôi đáp chuyến xe lửa sớm nhất để về nhà. Vừa bước xuống xe, một người bà con đến đón và cho biết mẹ tôi đã qua đời. Bà mất ngày 11 tháng 8. Điều mà tôi lo sợ đã thành sự thật! Bà sẽ không bao giờ nói chuyện và mỉm cười với tôi nữa.

Ngày 15 tháng 8, sự thất trận của nước Nhật đã trở thành hiện thực. Như thế, tôi đã đương đầu với ba biến cố buồn thảm chỉ trong vòng mười ngày: trước tiên là vụ nổ bom nguyên tử, tiếp đến là mẹ qua đời, và cuối cùng là sự thất trận lịch sử của nước Nhật. Ít nhất cũng còn niềm an ủi là người ta không chết trong chiến tranh nữa. Với nỗi trống trải trong tâm hồn, tôi rời xưởng may và trở về quê nhà.

Được thu hút đến lẽ thật

Một ngày kia, bất ngờ tôi nhận được thư của bà Maud Koda ở Okayama. Bà hỏi xem tôi có thể đến giúp việc nhà cho bà không, vì bà định mở một trường dạy Anh ngữ. Tôi tự hỏi không biết mình phải làm gì, nhưng tôi nhận lời. Vài năm sau, tôi dọn về Kobe với gia đình Koda.

Vào đầu mùa hè năm 1949, một người đàn ông cao, thân thiện đến thăm gia đình Koda. Anh ấy tên Donald Haslett, từ Tokyo đến Kobe để tìm cho các giáo sĩ một ngôi nhà. Anh là giáo sĩ đầu tiên của Nhân Chứng Giê-hô-va đến Nhật. Anh tìm được một ngôi nhà, và vài giáo sĩ đã đến Kobe vào tháng 11 năm 1949. Một ngày kia có năm người đến thăm gia đình Koda. Hai trong số năm người đó là Lloyd Barry và Percy Iszlaub, mỗi anh nói độ mười phút bằng tiếng Anh với những người có mặt ở đấy. Chị Maud là một nữ tín đồ Đấng Christ và dường như chị được khích lệ qua sự kết hợp với các giáo sĩ. Kể từ lúc ấy tôi được thôi thúc học tiếng Anh.

Với sự giúp đỡ của những giáo sĩ sốt sắng, dần dần tôi hiểu được những lẽ thật căn bản của Kinh Thánh. Tôi tìm được lời giải đáp cho những thắc mắc từ thời thơ ấu. Đúng vậy, Kinh Thánh đưa ra hy vọng sống đời đời trong địa đàng và lời hứa về sự sống lại của “mọi người ở trong mồ-mả”. (Giăng 5:28, 29; Khải-huyền 21:1, 4) Tôi biết ơn Đức Giê-hô-va vì Ngài đã làm cho hy vọng này có thể có được nhờ giá chuộc hy sinh của Con Ngài, Chúa Giê-su Christ.

Những hoạt động thần quyền đầy vui mừng

Từ ngày 30-12-1949 đến 1-1-1950, hội nghị đầu tiên của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Nhật được tổ chức tại nhà giáo sĩ ở Kobe. Tôi đi với chị Maud. Ngôi nhà rộng lớn này nhìn ra cảnh Biển Inland và Đảo Awaji, trước kia thuộc sở hữu của một đảng viên Quốc Xã. Vì biết rất ít về Kinh Thánh nên tôi chẳng hiểu bao nhiêu. Song, sự hòa nhập tự nhiên của các giáo sĩ với người Nhật đã gây ấn tượng sâu xa đối với tôi. Tổng cộng có 101 người hiện diện nghe bài diễn văn công cộng tại hội nghị.

Sau đó không lâu, tôi quyết định tham gia thánh chức rao giảng. Vì bản tính nhút nhát, tôi phải thu hết can đảm để đi rao giảng từ nhà này sang nhà kia. Một buổi sáng nọ, anh Lloyd Barry đến nhà để dẫn tôi đi rao giảng. Anh bắt đầu căn nhà ngay sát cạnh nhà chị Koda. Hầu như tôi núp sau lưng anh Lloyd trong khi nghe anh trình bày. Lần rao giảng thứ nhì tôi cùng làm việc với hai giáo sĩ khác. Một bà cụ người Nhật đã mời chúng tôi vào nhà, lắng nghe, và sau đó cụ mời mỗi người một ly sữa. Cụ đồng ý học Kinh Thánh tại nhà và cuối cùng trở thành một tín đồ Đấng Christ đã báp têm. Thật khích lệ khi thấy cụ tiến bộ.

Vào tháng 4 năm 1951, anh Nathan H.  Knorr, từ trụ sở trung ương ở Brooklyn, lần đầu tiên đến viếng thăm Nhật. Có khoảng 700 người đến nghe anh nói bài diễn văn công cộng tại Hội Trường Kyoritsu ở Kanda, Tokyo. Tại buổi họp đặc biệt này, tất cả những người tham dự vui mừng về sự ra mắt của tạp chí Tháp Canh bằng Nhật ngữ. Tháng sau, anh Knorr viếng thăm Kobe, và tại buổi họp đặc biệt ở đấy, tôi làm báp têm biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va.

Khoảng một năm sau, tôi được khuyến khích tham gia thánh chức trọn thời gian, tức làm tiên phong. Bấy giờ ở Nhật chỉ có một vài người tiên phong, và tôi tự hỏi không biết làm thế nào để tự mưu sinh. Tôi cũng suy nghĩ về triển vọng lập gia đình của mình sẽ như thế nào. Nhưng rồi tôi ý thức rằng việc phụng sự Đức Giê-hô-va nên đặt lên hàng đầu trong cuộc sống, vì thế tôi gia nhập hàng ngũ tiên phong vào năm 1952. Mừng thay, tôi đã có thể làm việc bán thời gian cho chị Koda trong khi làm tiên phong.

Khoảng thời gian đó, anh tôi, người mà tôi ngỡ đã chết trong chiến tranh, từ Đài Loan trở về nhà cùng với gia đình anh ấy. Gia đình tôi không bao giờ quan tâm đến đạo Đấng Christ, nhưng với tinh thần sốt sắng của người tiên phong, tôi bắt đầu gửi cho họ những tạp chí và sách nhỏ. Sau đó, vì công việc làm ăn, anh tôi cùng với gia đình dọn đến Kobe. “Chị có đọc những tạp chí em gửi cho chị không?” Tôi hỏi chị dâu tôi. Tôi ngạc nhiên khi chị đáp: “Những tạp chí này rất hay”. Chị bắt đầu học Kinh Thánh với một giáo sĩ, và em gái tôi đang sống với họ cũng học chung. Với thời gian, cả hai đã làm báp têm trở thành tín đồ Đấng Christ.

Cảm kích bởi đoàn thể anh em quốc tế

Không lâu sau đó, tôi sửng sốt khi nhận được giấy mời tham dự khóa 22 của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh. Anh Tsutomu Fukase và tôi là những người đầu tiên từ nước Nhật được mời theo học trường này. Vào năm 1953, trước khi khóa học bắt đầu, chúng tôi có thể dự Đại Hội Xã Hội Thế Giới Mới được tổ chức tại Sân Vận Động Yankee ở New York. Đoàn thể anh em quốc tế của dân Đức Giê-hô-va đã gây ấn tượng mạnh mẽ nơi tôi.

Vào ngày thứ năm của đại hội, những đại biểu Nhật, hầu hết là giáo sĩ mặc áo kimono. Vì kimono của tôi đã gửi đi trước đó chưa đến kịp, tôi phải mượn của chị Knorr. Trong buổi họp trời bắt đầu đổ mưa, và tôi lo ngại áo kimono bị ướt. Lúc ấy, có người nào đó từ phía sau nhẹ nhàng choàng áo mưa cho tôi. Một chị đứng sát bên tôi hỏi: “Chị có biết anh ấy là ai không?” Sau này tôi biết đó là anh Frederick W. Franz, một thành viên của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương. Tôi thật sự cảm nghiệm được sự nồng ấm của tổ chức Đức Giê-hô-va!

Khóa thứ 22 của Trường Ga-la-át thật sự là một khóa học quốc tế, gồm 120 học viên từ 37 nước. Mặc dù đôi khi bất đồng về ngôn ngữ, chúng tôi vui hưởng tràn trề tình anh em quốc tế. Vào một ngày tuyết rơi của tháng 2 năm 1954, tôi tốt nghiệp và nhận nhiệm sở là trở về Nhật. Bạn đồng khóa, Inger Brandt, một chị người Thụy Điển, là bạn cùng làm việc với tôi ở Thành Phố Nagoya. Ở đấy, chúng tôi kết hợp với một nhóm giáo sĩ vừa rút khỏi Hàn Quốc vì chiến tranh. Những năm làm công việc giáo sĩ rất quý giá đối với tôi.

Cùng người hôn phối vui mừng phụng sự

Tháng 9 năm 1957, tôi được mời phục vụ tại nhà Bê-tên ở Tokyo. Một ngôi nhà hai tầng bằng gỗ được dùng làm trụ sở chi nhánh ở Nhật. Trong chi nhánh chỉ có bốn thành viên, kể cả anh Barry, giám thị chi nhánh. Những người còn lại đều là giáo sĩ. Tôi được chỉ định dịch, đọc và sửa bài, kể cả dọn dẹp, giặt giũ, nấu ăn v.v....

Công việc ở Nhật phát triển, và nhiều anh được mời vào làm việc trong nhà Bê-tên. Một trong những anh đó trở thành giám thị hội thánh mà tôi kết hợp. Năm 1966, anh ấy, Junji Koshino, và tôi kết hôn. Sau khi kết hôn, anh Junji được bổ nhiệm làm công việc vòng quanh. Thật là niềm vui được biết nhiều anh chị khi chúng tôi viếng thăm những hội thánh khác nhau. Vì được chỉ định dịch một số bài, tôi làm công việc này ở nhà, nơi chúng tôi ở trọ một tuần. Khi lưu động, ngoài va li và những túi xách khác, chúng tôi phải mang theo những cuốn tự điển nặng nề.

Chúng tôi vui thích với công việc vòng quanh hơn bốn năm và thấy tổ chức tiếp tục phát triển. Chi nhánh dọn đến Numazu, và nhiều năm sau dọn tới Ebina, nơi cơ sở chi nhánh hiện nay tọa lạc. Anh Junji và tôi vui thích phục vụ tại nhà Bê-tên trong nhiều năm, giờ đây chúng tôi cùng làm việc với một gia đình gồm khoảng 600 thành viên. Tháng 5 năm 2002, các bạn trong nhà Bê-tên đã tử tế tổ chức kỷ niệm 50 năm phụng sự trọn thời gian của tôi.

Vui mừng thấy sự gia tăng

Khi tôi bắt đầu phụng sự Đức Giê-hô-va vào năm 1950, bấy giờ ở Nhật chỉ có một ít người công bố. Hiện nay có hơn 210.000 người công bố Nước Trời . Thật vậy, cũng như tôi, hàng ngàn người có lòng giống như chiên được thu hút đến với Đức Giê-hô-va.

Bốn anh chị giáo sĩ đến viếng thăm chúng tôi ở nhà chị Koda vào năm 1949, cũng như chị Maud Koda, đã trung thành phụng sự cho đến chết. Anh và chị dâu tôi cũng đã qua đời. Anh tôi đã là tôi tớ thánh chức, và chị dâu đã vui thích công việc tiên phong khoảng 15 năm. Có triển vọng gì trong tương lai cho cha mẹ tôi, mà lúc còn thơ ấu tôi đã lo sợ khi nghĩ đến ngày họ qua đời? Lời hứa về sự sống lại của Kinh Thánh cho tôi niềm hy vọng và an ủi.—Công-vụ 24:15.

Nhìn về quá khứ, tôi cảm thấy rằng việc gặp gỡ với chị Maud vào năm 1941 là một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Nếu tôi đã không gặp chị và không nhận lời làm việc cho chị một lần nữa sau chiến tranh, có lẽ tôi đã sống với ruộng vườn nơi miền quê hẻo lánh và không thể tiếp xúc với các giáo sĩ trong những thời đầu ấy. Tôi biết ơn Đức Giê-hô-va xiết bao vì Ngài đã thu hút tôi đến lẽ thật qua chị Maud và những giáo sĩ đầu tiên!

[Hình nơi trang 25]

Với chị Maud Koda và chồng chị ấy. Tôi ở bên trái phía trước

[Hình nơi trang 27]

Với các giáo sĩ từ Nhật tại Sân Vận Động Yankee năm 1953. Tôi ở rìa trái

[Các hình nơi trang 28]

Tại nhà Bê-tên với anh Junji, chồng tôi