Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hỡi những người trẻ, hãy ăn ở cách xứng đáng với Đức Giê-hô-va

Hỡi những người trẻ, hãy ăn ở cách xứng đáng với Đức Giê-hô-va

Hỡi những người trẻ, hãy ăn ở cách xứng đáng với Đức Giê-hô-va

MỘT số tín đồ Đấng Christ trẻ đã phải tạm thời sống xa gia đình và hội thánh nhà. Một số người làm thế để nới rộng thánh chức. Số khác phải rời nhà vì vị thế trung lập của họ đối với những vấn đề của thế gian này. (Ê-sai 2:4; Giăng 17:16) Tại một số quốc gia, “Sê-sa” đã kết án những người trẻ giữ sự trung kiên phải ở tù hoặc làm công việc cộng đồng. *Mác 12:17; Tít 3:1, 2.

Trong khi chịu án tù vì sự trung lập, những người trẻ này có thể bị giam chung với những kẻ phạm pháp trong một thời gian dài. Sống xa nhà vì những lý do khác cũng đã buộc người trẻ phải làm việc trong một môi trường đồi bại. Làm thế nào những tín đồ Đấng Christ trẻ này hay những người khác buộc phải sống trong môi trường như thế có thể đối phó thành công với những áp lực và đòi hỏi mà họ phải đương đầu trong khi cố gắng “ăn-ở một cách xứng-đáng với Đức Chúa Trời”? (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:12) Làm thế nào cha mẹ có thể giúp họ chuẩn bị đối phó với những tình huống không tốt có thể xảy ra?—Châm-ngôn 22:3.

Những thử thách đặc biệt

Buộc phải sống xa nhà 37 tháng, Tákis 21 tuổi đã nói: “Ở xa sự chăm sóc che chở của cha mẹ cũng như sự trông nom đầy yêu thương của các trưởng lão hiểu rõ tôi là điều khó khăn và đáng sợ”. * Anh nói thêm: “Đôi khi tôi cảm thấy yếu đuối vô cùng”. Pétros 20 tuổi, phải sống xa nhà hơn hai năm, thừa nhận: “Lần đầu tiên trong đời, tôi phải tự quyết định cho mình về việc giải trí và giao tiếp, và sự lựa chọn của tôi không phải lúc nào cũng khôn ngoan”. Sau đó anh bình luận: “Đôi khi tôi cảm thấy lo sợ vì phải chịu nhiều trách nhiệm hơn khi có thêm sự tự do”. Tássos, một trưởng lão đạo Đấng Christ thường xuyên tiếp xúc với những tín đồ trẻ trong những hoàn cảnh như thế, đã nhận xét: “Cách ăn nói thô tục, tính ngang ngược, và hành vi hung bạo của người đồng lứa không tin đạo có thể ảnh hưởng đến những người trẻ thiếu thận trọng và yếu đuối”.

Sống và làm việc giữa những người không tôn trọng các nguyên tắc Kinh Thánh, những tín đồ Đấng Christ trẻ ấy cần đề phòng cám dỗ muốn bắt chước đường lối vô luân và trái Kinh Thánh của người đồng lứa. (Thi-thiên 1:1; 26:4; 119:9) Duy trì lề thói tốt về việc học hỏi cá nhân, tham dự buổi họp, và công việc rao giảng dường như là điều khó. (Phi-líp 3:16) Đặt ra và thực hiện những mục tiêu thiêng liêng có thể cũng không dễ.

Tín đồ Đấng Christ trẻ tuổi trung thành chắc chắn muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va bằng hạnh kiểm và lời nói của mình. Họ trung thành cố gắng làm theo lời mời tha thiết của Cha trên trời: “Hỡi con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng cha, để cha có thế đáp lại cùng kẻ nào sỉ-nhục cha”. (Châm-ngôn 27:11) Họ nhận thức rằng sự đứng đắn và cách cư xử của họ ảnh hưởng đến cách người khác nghĩ về Đức Giê-hô-va và dân Ngài.—1 Phi-e-rơ 2:12.

Đáng khen là phần lớn những người trẻ ấy làm hết sức mình để giống như các anh em vào thế kỷ thứ nhất mà sứ đồ Phao-lô đã cầu nguyện : “Anh em ăn-ở cách xứng-đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường, nẩy ra đủ các việc lành... để nhịn-nhục vui-vẻ mà chịu mọi sự”. (Cô-lô-se 1:9-11) Kinh Thánh cung cấp một số gương của những người trẻ kính sợ Đức Chúa Trời đã ăn ở cách xứng đáng với Ngài ở giữa một môi trường xa lạ, đầy chống đối, và thờ hình tượng.—Phi-líp 2:15.

“Đức Giê-hô-va phù-hộ Giô-sép”

Khi còn niên thiếu, Giô-sép, con trai yêu quý của Gia-cốp và Ra-chên, đã phải xa lìa tổ ấm dưới sự bảo vệ của người cha biết kính sợ Đức Chúa Trời. Ông đã bị bán làm nô lệ ở Ai Cập. Giô-sép đã nêu gương xuất sắc là một thanh niên cần mẫn, đáng tin cậy, và có đạo đức. Dù làm nô lệ cho Phô-ti-pha—một người không thờ phượng Đức Giê-hô-va— Giô-sép vẫn tận tâm và siêng năng nên cuối cùng chủ đã tin cậy giao cho ông quản lý mọi việc trong nhà. (Sáng-thế Ký 39:2-6) Giô-sép giữ lòng trung kiên đối với Đức Giê-hô-va, và khi bị bỏ vào ngục vì sự trung kiên, ông đã không kết luận: “Có ích lợi gì đâu?” Thậm chí khi ở trong tù ông vẫn biểu lộ những tính tốt, và ít lâu sau ông chăm lo nhiều công việc lớn nhỏ trong tù. (Sáng-thế Ký 39:17-22) Đức Chúa Trời đã ban phước cho ông, và như được ghi nơi Sáng-thế Ký 39:23, “Đức Giê-hô-va phù-hộ [Giô-sép]”.

Sống xa gia đình kính sợ Đức Chúa Trời, thật dễ làm sao cho Giô-sép ăn ở theo cách của những người ngoại giáo chung quanh, bắt chước lối sống vô luân của người Ai Cập! Trái lại, ông kiên trì tuân thủ tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và giữ vị thế trong sạch bất chấp cám dỗ mạnh nhất. Khi vợ của Phô-ti-pha cứ nài nỉ ông ăn nằm với bà, câu trả lời kiên quyết của ông là: “Thế nào tôi dám làm điều đại-ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao?”—Sáng-thế Ký 39:7-9.

Ngày nay, các Nhân Chứng trẻ cần nghe theo những lời răn dựa trên Kinh Thánh về bạn bè không đúng đắn, giải trí có tính cách vô luân, tài liệu khiêu dâm và âm nhạc đồi trụy. Họ nhận thức rằng “Con mắt Đức Giê-hô-va ở khắp mọi nơi, xem-xét kẻ gian-ác và người lương-thiện”.—Châm-ngôn 15:3.

Môi-se tránh xa “sự vui sướng của tội-lỗi”

Môi-se lớn lên trong môi trường thờ hình tượng và ham mê khoái lạc của triều đình Pha-ra-ôn. Kinh Thánh nói về ông: “Bởi đức-tin, Môi-se... bỏ danh-hiệu mình là con trai của công-chúa Pha-ra-ôn, đành cùng dân Đức Chúa Trời chịu hà-hiếp hơn là tạm hưởng sự vui-sướng của tội-lỗi”.—Hê-bơ-rơ 11:24, 25.

Làm bạn với thế gian có thể mang lại một số thuận lợi nào đó, nhưng chỉ là tạm thời. Cùng lắm nó chỉ có thể kéo dài trong thời gian ngắn ngủi còn lại của thế gian này. (1 Giăng 2:15-17) Chẳng phải tốt hơn là theo gương Môi-se hay sao? Kinh Thánh nói rằng “người đứng vững như thấy Đấng không thấy được”. (Hê-bơ-rơ 11:27) Ông giữ tâm trí tập trung vào di sản thiêng liêng của những tổ tiên biết kính sợ Đức Chúa Trời. Ông xem ý định của Đức Giê-hô-va là mục đích trong đời sống ông, đặt mục tiêu làm theo ý muốn Đức Chúa Trời.—Xuất Ê-díp-tô Ký 2:11; Công-vụ 7:23, 25.

Khi phải sống giữa môi trường không tin kính và bất lợi, những người trẻ biết kính sợ Đức Chúa Trời có thể củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va qua việc học hỏi Kinh Thánh cá nhân, cố gắng hiểu biết rõ “Đấng không thấy được”. Chương trình đầy đủ các hoạt động của tín đồ Đấng Christ, bao gồm việc đều đặn tham dự các buổi họp và công việc rao giảng, sẽ giúp những người trẻ này giữ tâm trí tập trung vào những điều thiêng liêng. (Thi-thiên 63:6; 77:12) Họ cần cố gắng vun trồng đức tin và hy vọng mạnh mẽ như của Môi-se. Họ nên tập trung vào Đức Giê-hô-va khi suy nghĩ và hành động, sung sướng được là bạn của Ngài.

Cô đã dùng lời nói để ca ngợi Đức Chúa Trời

Một người trẻ khác đã chứng tỏ mẫu mực trong khi sống xa nhà là cô bé Y-sơ-ra-ên bị người Sy-ri bắt làm phu tù vào thời Ê-li-sê, tiên tri của Đức Chúa Trời. Cô làm tớ gái cho vợ của Na-a-man, quan tổng binh người Sy-ri bị bệnh phung. Cô gái này nói với bà chủ: “Ôi! Chớ chi chúa tôi đi đến cùng ông tiên-tri ở Sa-ma-ri! Người sẽ giải-cứu chúa tôi khỏi bịnh phung”. Nhờ sự làm chứng của cô, Na-a-man đi đến gặp Ê-li-sê trong xứ Y-sơ-ra-ên và được chữa sạch bệnh phung. Ngoài ra, Na-a-man đã trở thành một người thờ phượng Đức Giê-hô-va.—2 Các Vua 5:1-3, 13-19.

Gương của cô gái này nhấn mạnh việc những người trẻ cần ăn nói làm sao để tôn vinh Đức Chúa Trời, ngay cả khi họ sống xa cha mẹ. Nếu cô gái ấy có thói quen “giả-ngộ tầm-phào” hoặc “giễu-cợt”, thì khi cơ hội đến, liệu cô cảm thấy thoải mái dùng lời nói có hiệu quả như cô đã làm không? (Ê-phê-sô 5:4; Châm-ngôn 15:2) Níkos, một thanh niên ngoài 20 tuổi đã bị tù vì lập trường trung lập, nhớ lại: “Khi tôi và một số anh em trẻ sống tại một nhà tù nông trại, xa uy quyền của cha mẹ và hội thánh, tôi để ý thấy cách chúng tôi ăn nói đã trở nên sút kém. Điều đó chắc chắn không mang lại sự ngợi khen cho Đức Giê-hô-va”. Mừng thay, Níkos và các anh em khác đã được giúp đỡ để nghe theo lời khuyên của Phao-lô về vấn đề này: “Phàm những sự gian-dâm, hoặc sự ô-uế, hoặc sự tham-lam, cũng chớ nên nói đến giữa anh em, theo như cách xứng-đáng cho các thánh-đồ”.—Ê-phê-sô 5:3.

Đức Giê-hô-va có thật đối với họ

Kinh nghiệm của ba người bạn Hê-bơ-rơ của Đa-ni-ên ở xứ Ba-by-lôn xưa chứng thực nguyên tắc mà Chúa Giê-su nêu ra là trung-tín trong việc nhỏ dẫn đến trung-tín trong việc lớn. (Lu-ca 16:10) Khi đứng trước vấn đề ăn những thức ăn mà Luật Môi-se cấm, họ đã có thể viện lý rằng họ bị bắt làm phu tù trong xứ lạ và do đó không có sự lựa chọn nào trong vấn đề này. Nhưng họ nhận được ân phước tốt biết bao vì đã xem trọng cả việc dường như là nhỏ! Họ đã chứng tỏ khỏe mạnh và khôn ngoan hơn tất cả những người bị bắt giữ khác vẫn tiếp tục ăn đồ ngon của vua. Trung tín trong những việc nhỏ này rõ ràng đã củng cố họ, thế nên khi đương đầu với thử thách lớn hơn là việc quỳ lạy trước một hình tượng, họ đã từ chối không thỏa hiệp.—Đa-ni-ên 1:3-21; 3:1-30

Đức Giê-hô-va có thật đối với ba thanh niên này. Mặc dù sống xa quê hương và trung tâm của sự thờ phượng Đức Chúa Trời, họ đã kiên quyết giữ mình khỏi sự ô uế của thế gian. (2 Phi-e-rơ 3:14) Mối quan hệ với Đức Giê-hô-va thật vô cùng quý giá đối với họ nên họ sẵn sàng hy sinh mạng sống vì điều đó.

Đức Giê-hô-va sẽ không lìa bạn

Điều dễ hiểu là khi sống xa những người họ yêu mến và tin cậy, người trẻ cảm thấy bất an, bấp bênh, và sợ hãi. Tuy nhiên, họ có thể đương đầu với gian nan thử thách, hoàn toàn tin chắc rằng “Đức Giê-hô-va không lìa” họ. (Thi-thiên 94:14) Nếu những người trẻ ấy “vì sự công-bình mà chịu khổ”, Đức Giê-hô-va sẽ giúp họ tiếp tục bước đi trong “con đường công-bình”.—1 Phi-e-rơ 3:14; Châm-ngôn 8:20.

Một cách nhất quán, Đức Giê-hô-va củng cố và ban thưởng dồi dào cho Giô-sép, Môi-se, cô gái nô lệ người Y-sơ-ra-ên, và ba thanh niên Hê-bơ-rơ trung thành. Ngày nay, Ngài dùng thánh linh, tức Lời Ngài, và tổ chức của Ngài để nâng đỡ những ai “vì đức-tin mà đánh trận tốt-lành”, đặt trước mặt họ phần thưởng là “sự sống đời đời”. (1 Ti-mô-thê 6:11, 12) Đúng vậy, ăn ở cách xứng đáng với Đức Giê-hô-va điều có thể thực hiện được, và đó là việc khôn ngoan.—Châm-ngôn 23:15, 19.

[Chú thích]

^ đ. 2 Xem Tháp Canh, ngày 1-5-1996, trang 18-20.

^ đ. 5 Tên đã được đổi.

[Khung nơi trang 25]

HỠI CÁC BẬC CHA MẸ—HÃY CHUẨN BỊ CHO CON CÁI BẠN!

“Con trai sanh trong buổi đang-thì, khác nào mũi tên nơi tay dõng-sĩ”. (Thi-thiên 127:4) Một mũi tên sẽ không tình cờ bắn trúng mục tiêu. Nó phải được nhắm một cách khéo léo. Cũng thế, con trẻ sẽ không được chuẩn bị để đối phó với thực tế của việc sống xa gia đình mà không có sự hướng dẫn thích đáng của cha mẹ.—Châm-ngôn 22:6.

Những người trẻ thường hành động bốc đồng hoặc chịu khuất phục trước “tình-dục trai-trẻ”. (2 Ti-mô-thê 2:22) Kinh Thánh cảnh báo: “Roi-vọt và sự quở-trách ban cho sự khôn-ngoan; còn con trẻ phóng-túng làm mất-cỡ cho mẹ mình”. (Châm-ngôn 29:15) Không quy định những giới hạn về cách cư xử của người trẻ thì đứa bé sẽ không được chuẩn bị cho những đòi hỏi và áp lực của cuộc sống xa nhà.

Một cách rõ ràng và có trách nhiệm, các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ cần cho con cái biết về những khó khăn, áp lực, và thực tế của đời sống trong hệ thống mọi sự này. Không bi quan hoặc tiêu cực, họ có thể miêu tả những tình trạng xấu mà một người trẻ có thể phải đương đầu nếu phải sống xa nhà. Sự dạy dỗ này, cùng với sự khôn ngoan mà Đức Chúa Trời ban, sẽ khiến “người ngu-dốt được sự khôn-khéo, gã trai-trẻ được sự tri-thức và sự dẽ-dặt”.—Châm-ngôn 1:4.

Các bậc cha mẹ ghi khắc những giá trị của Đức Chúa Trời và nguyên tắc đạo đức vào lòng con cái giúp chúng có khả năng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đều đặn học hỏi Kinh Thánh với gia đình, trò chuyện cởi mở, và thành thật quan tâm đến hạnh phúc của con cái, có thể là yếu tố quyết định thành công hay thất bại. Cha mẹ nên dạy dỗ hướng dẫn con cái theo ý Đức Chúa Trời một cách thăng bằng nhưng tích cực và hợp lý, chuẩn bị chúng để có thể tự lo sau này. Bằng gương mẫu của chính mình, cha mẹ có thể dạy con cái rằng chúng ta có thể sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian.—Giăng 17:15, 16.

[Hình nơi trang 23]

Một số người trẻ tín đồ Đấng Christ đã phải rời nhà

[Các hình nơi trang 24]

Bằng cách cưỡng lại cám dỗ, người trẻ có thể noi gương Giô-sép và giữ sự trong sạch về đạo đức

[Các hình nơi trang 26]

Noi gương cô gái nô lệ người Y-sơ-ra-ên đã dùng lời nói mang lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va