Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Được Đức Giê-hô-va dạy dỗ từ buổi thơ ấu

Được Đức Giê-hô-va dạy dỗ từ buổi thơ ấu

Tự Truyện

Được Đức Giê-hô-va dạy dỗ từ buổi thơ ấu

DO RICHARD ABRAHAMSON KỂ LẠI

“Hỡi Đức Chúa Trời, Chúa đã dạy tôi từ buổi thơ-ấu; cho đến bây giờ tôi đã rao-truyền các công-việc lạ-lùng của Chúa”. Hãy để tôi giải thích tại sao những lời của Thi-thiên 71:17 có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi.

VÀO năm 1924, mẹ tôi là Fannie Abrahamson tiếp xúc với các Học Viên Kinh Thánh, tên gọi Nhân Chứng Giê-hô-va thời đó. Tôi mới được một tuổi. Khi học được lẽ thật của Kinh Thánh, mẹ liền đến gặp những người lân cận, nói cho họ biết những điều đã học được, đồng thời cũng dạy cho tôi và anh chị tôi. Trước khi tôi biết đọc, mẹ đã giúp tôi học thuộc lòng nhiều câu Kinh Thánh nói về ân phước của Nước Đức Chúa Trời.

Vào cuối thập niên 1920, nhóm Học Viên Kinh Thánh của chúng tôi ở La Grande, thuộc bang Oregon, Hoa Kỳ, nơi tôi sinh trưởng, chỉ có vài phụ nữ và trẻ em. Dù ở xa xôi hẻo lánh, chúng tôi vẫn được các giám thị lưu động viếng thăm một hoặc hai lần mỗi năm. Các anh cho những bài giảng khích lệ, cùng chúng tôi rao giảng từ nhà này sang nhà kia và tỏ ra ân cần quan tâm đến trẻ em. Trong số những người đáng mến đó có Shield Toutjian, Gene Orrell và John Booth.

Vào năm 1931 không ai trong nhóm chúng tôi có thể tham dự đại hội ở Columbus, bang Ohio, nơi các Học Viên Kinh Thánh chấp nhận danh hiệu Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhưng những hội đoàn, tên gọi các hội thánh thời đó, và những nhóm lẻ loi không có đại diện tại đại hội, đã nhóm lại tại địa phương vào tháng 8 năm đó để biểu quyết chấp nhận danh hiệu ấy. Nhóm nhỏ chúng tôi ở La Grande cũng làm thế. Rồi, trong đợt phân phát sách nhỏ The Crisis vào năm 1933, tôi học thuộc lòng một lời trình bày Kinh Thánh và lần đầu tiên tôi đã một mình làm chứng từ nhà này sang nhà kia.

Trong thập niên 1930, công việc của chúng tôi gặp sự chống đối ngày càng gia tăng. Để đối phó với điều này, các hội đoàn được phân thành những nhóm gọi là đơn vị; những đơn vị này tổ chức những hội nghị nhỏ và tham gia vào sứ mệnh rao giảng được gọi là những chiến dịch đơn vị, một hoặc hai lần một năm. Tại những hội nghị này, chúng tôi được hướng dẫn những phương pháp rao giảng và được chỉ cách xử sự lễ độ đối với những cảnh sát viên đến gây trở ngại. Vì Nhân Chứng Giê-hô-va thường xuyên bị giải đến cảnh sát hoặc tòa án, chúng tôi tập dượt những điều cần làm theo tài liệu trong tờ hướng dẫn khi bị bắt ra tòa, nó được gọi là Order of Trial. Điều này trang bị cho chúng tôi để đối phó với sự chống đối.

Sớm tiến bộ trong lẽ thật Kinh Thánh

Sự hiểu biết và quý trọng của tôi đối với lẽ thật của Kinh Thánh cũng như hy vọng dựa trên Kinh Thánh về sự sống đời đời trên đất dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời ngày càng gia tăng. Vào thời đó, phép báp têm không được nhấn mạnh nhiều cho những ai không có hy vọng lên trời cai trị với Đấng Christ. (Khải-huyền 5:10; 14:1, 3) Tuy nhiên, tôi được bảo rằng nếu tôi quyết tâm thực hiện ý muốn của Đức Giê-hô-va, thì báp têm là điều thích hợp. Tôi đã làm báp têm vào tháng 8 năm 1933.

Khi tôi được 12 tuổi, cô giáo thấy tôi có khả năng nói trước công chúng nên cô khuyến khích mẹ sắp xếp cho tôi học thêm. Mẹ nghĩ rằng điều này có thể giúp tôi phụng sự Đức Giê-hô-va tốt hơn. Do đó, mẹ đã trả tiền học phí bằng cách giặt ủi quần áo cho cô giáo dạy khoa ăn nói trong một năm. Việc huấn luyện chứng tỏ có ích cho thánh chức của tôi. Năm lên 14 tuổi, tôi bị bệnh sốt thấp khớp khiến tôi phải nghỉ học hơn một năm.

Vào năm 1939 một người rao giảng trọn thời gian tên là Warren Henschel đến khu vực chúng tôi. * Về mặt thiêng liêng, tôi xem anh là anh cả, dẫn tôi đi rao giảng suốt ngày. Anh sớm giúp tôi bắt đầu làm tiên phong kỳ nghỉ, một hình thức thánh chức trọn thời gian tạm thời. Mùa hè năm đó, nhóm chúng tôi trở thành hội đoàn. Anh Warren được bổ nhiệm làm tôi tớ hội đoàn, còn tôi được bổ nhiệm làm người điều khiển Buổi Học Tháp Canh. Khi Warren đi phụng sự tại nhà Bê-tên, trụ sở trung ương quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn, New York, tôi trở thành tôi tớ hội đoàn.

Bắt đầu thánh chức trọn thời gian

Phụng sự với tư cách tôi tớ hội đoàn tôi có thêm nhiều trách nhiệm, nhưng điều này lại khiến ước muốn tham gia thánh chức trọn thời gian mạnh mẽ hơn. Tôi bắt đầu phụng sự trọn thời gian lúc 17 tuổi sau khi học xong năm thứ ba trung học. Cha không cùng đức tin với chúng tôi, nhưng cha chăm sóc nhu cầu gia đình cách chu đáo, và là người có nguyên tắc nghiêm túc. Cha muốn tôi học tiếp lên cao đẳng. Dù vậy, ông nói rằng nếu tôi không phụ thuộc vào ông về việc ăn ở, tôi có thể thực hiện điều tôi chọn. Vì thế, tôi bắt đầu làm tiên phong ngày 1-9-1940.

Khi tôi rời nhà ra đi, mẹ bảo tôi đọc câu Châm-ngôn 3:5, 6: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”. Thật vậy, luôn phó thác đời sống mình trong tay Đức Giê-hô-va quả là một sự giúp đỡ lớn lao cho tôi.

Chẳng bao lâu sau, tôi cùng với Joe và Margaret Hart rao giảng ở vùng trung bắc của bang Washington. Đây là một khu vực đa dạng, có các trại nuôi bò, các trại cừu, những vùng dành riêng cho người da đỏ, cũng như nhiều thị trấn và làng nhỏ. Vào mùa xuân 1941, tôi được bổ nhiệm làm tôi tớ hội đoàn tại Wenatchee, Washington.

Tại một hội nghị của chúng tôi ở Walla Walla, Washington, tôi làm người hướng dẫn, tiếp đón những người vào hội trường. Tôi chú ý một anh trẻ đang cố xoay xở với hệ thống âm thanh mà không thành. Vì thế tôi đề nghị anh đảm nhận nhiệm vụ của tôi, và tôi sẽ làm phần việc của anh. Khi anh Albert Hoffman, tôi tớ vùng, trở lại và thấy rằng tôi đã bỏ phần việc của mình, bằng nụ cười thân thiện, anh giải thích cho tôi giá trị của việc ở nguyên với nhiệm vụ cho đến khi được chỉ định làm việc khác. Từ đó tôi nhớ mãi lời khuyên của anh.

Vào tháng 8 năm 1941, Nhân Chứng Giê-hô-va trù liệu tổ chức một đại hội thật lớn ở St. Louis, Missouri. Gia đình anh Hart làm một mái che phía sau xe tải nhỏ của họ, và gắn thêm mấy băng ghế dài. Chín người tiên phong chúng tôi đã vượt 2.400 kilômét trên chiếc xe tải đó để tới St. Louis. Mỗi lượt đi mất khoảng một tuần. Tại đại hội, một ước tính của cảnh sát về số người tham dự cao nhất là 115.000 người. Cho dù số người tham dự có lẽ ít hơn số đó, chắc chắn vẫn nhiều hơn số lượng khoảng 65.000 Nhân Chứng ở Hoa Kỳ lúc đó. Đại hội này quả đã đem lại sự khích lệ về thiêng liêng.

Phụng sự tại nhà Bê-tên Brooklyn

Sau khi trở lại Wenatchee, tôi nhận được thư mời đến nhà Bê-tên ở Brooklyn. Khi đến nơi vào ngày 27-10-1941, tôi được dẫn đến văn phòng của anh Nathan H. Knorr, giám thị xưởng in. Anh ân cần giải thích cho tôi biết hoạt động nhà Bê-tên như thế nào và nhấn mạnh sự gắn bó mật thiết với Đức Giê-hô-va là cần thiết để thành công với cuộc sống ở đây. Sau đó tôi được đưa đến Ban Gửi Hàng và phụ trách việc đóng những thùng ấn phẩm để gửi đi.

Vào ngày 8-1-1942, anh Joseph Rutherford, người dẫn đầu trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va toàn thế giới, qua đời. Năm ngày sau, các giám đốc của Hội bình chọn anh Knorr kế nhiệm. Khi anh W. E. Van Amburgh, thủ quỹ kiêm thư ký lâu đời của Hội, thông báo điều này cho gia đình Bê-tên, anh nói: “Tôi còn nhớ khi anh C. T. Russell qua đời [vào năm 1916] thì anh J. F. Rutherford thay thế. Chúa tiếp tục điều khiển và làm công việc Ngài tiến triển. Tôi hoàn toàn hy vọng là công việc sẽ tiến triển với anh Nathan H. Knorr trong cương vị chủ tịch, bởi vì đây là công việc của Chúa, không phải của loài người”.

Vào tháng 2 năm 1942, có thông báo rằng sẽ khai giảng một “Khóa Cao cấp về Thánh Chức Thần Quyền”. Khóa học nhằm huấn luyện những người phục vụ tại Bê-tên trau dồi khả năng nghiên cứu những đề tài Kinh Thánh, sắp xếp tài liệu của họ cho phù hợp, trình bày có hiệu quả. Nhờ vốn được đào tạo thuở nhỏ về nghệ thuật nói trước công chúng, tôi có thể tiến bộ nhanh khi theo chương trình học.

Chẳng bao lâu, tôi được chỉ định đến Ban Công Tác là ban trông coi thánh chức của Nhân Chứng tại Hoa Kỳ. Cuối năm đó, có quyết định tái lập chương trình cho các giám thị lưu động thăm viếng các hội thánh. Những giám thị này được gọi là tôi tớ của anh em, rồi với thời gian được gọi là giám thị vòng quanh. Vào mùa hè 1942, một khóa học tại nhà Bê-tên được tổ chức để đào tạo những anh phụ trách phần thánh chức này, và tôi được đặc ân dự khóa học đó. Tôi đặc biệt nhớ anh Knorr, một trong các giảng viên, đã nhấn mạnh điểm này cho chúng tôi: “Đừng cố làm vừa lòng người ta. Các anh sẽ chẳng làm hài lòng được ai đâu. Hãy làm hài lòng Đức Giê-hô-va, thì các anh sẽ làm vui lòng tất cả những người yêu mến Đức Giê-hô-va”.

Công việc lưu động đã được thực hiện vào tháng 10 năm 1942. Một số chúng tôi tại nhà Bê-tên tham gia công việc này vào những ngày cuối tuần nhất định nào đó, thăm viếng các hội thánh quanh Thành Phố New York trong phạm vi 400 kilômét. Chúng tôi duyệt lại hoạt động rao giảng của hội thánh và số người tham dự buổi họp, tổ chức một buổi họp với những người có trách nhiệm trong hội thánh, nói một hoặc hai bài giảng, và rao giảng với Nhân Chứng địa phương.

Vào năm 1944, tôi ở trong số những người từ Ban Công Tác được chuyển sang công tác lưu động trong thời gian sáu tháng, phục vụ tại các bang Delaware, Maryland, Pennsylvania và Virginia. Sau này, tôi viếng thăm những hội thánh ở các bang Connecticut, Massachusetts và Rhode Island trong một vài tháng. Khi trở về nhà Bê-tên, tôi làm việc văn phòng bán thời gian cùng với anh Knorr và thư ký của anh là Milton Henschel; nơi đây tôi đã trở nên quen thuộc với công việc rao giảng trên khắp thế giới. Tôi cũng phục vụ bán thời gian tại Văn Phòng Thủ Quỹ dưới sự giám thị của W. E. Van Amburgh và phụ tá của anh, Grant Suiter. Sau đó, vào năm 1946, tôi được bổ nhiệm làm giám thị một số văn phòng tại nhà Bê-tên.

Những thay đổi lớn trong đời tôi

Trong khi phục vụ các hội thánh năm 1945, tôi quen biết Julia Charnauskas ở thành phố Providence thuộc bang Rhode Island. Vào giữa năm 1947, chúng tôi bàn tính việc kết hôn. Tôi rất thích phụng sự tại nhà Bê-tên, tuy nhiên vào lúc đó, không có sự sắp đặt đưa người hôn phối vào phụng sự tại đó. Do đó, vào tháng 1 năm 1948, tôi rời nhà Bê-tên và cưới Julia (Julie). Tôi làm việc bán thời gian tại một siêu thị ở Providence, chúng tôi cùng nhau bắt đầu làm công việc tiên phong.

Tháng 9 năm 1949, tôi được mời làm công việc vòng quanh ở tây bắc bang Wisconsin. Đó là một thay đổi lớn đối với Julie và tôi để rao giảng ở một vùng mà phần lớn là các thị xã nhỏ và các khu vực nông thôn chuyên sản xuất bơ sữa. Mùa đông kéo dài và lạnh lẽo, với nhiều tuần nhiệt độ xuống dưới âm 20 độ và nhiều tuyết. Chúng tôi không có xe. Tuy nhiên, luôn luôn có người chở chúng tôi đến hội thánh kế tiếp.

Ít lâu sau khi tôi bắt đầu công việc vòng quanh, chúng tôi có một hội nghị vòng quanh. Tôi nhớ là tôi đã kiểm tra kỹ lưỡng xem mọi hoạt động có được chu toàn hay không, điều này khiến một số người hơi lo ngại. Do đó giám thị địa hạt, anh Nicholas Kovalak, tử tế giải thích rằng những anh ở địa phương đã quen chăm lo cho công việc theo cách riêng của họ và tôi không cần phải chú ý đến những chi tiết như thế. Từ đó, lời khuyên ấy thật hữu ích cho tôi trong việc xử lý nhiều công việc tôi được giao phó.

Vào năm 1950, tôi nhận một nhiệm vụ tạm thời—giám thị việc cung cấp chỗ ở cho những đại biểu tới đại hội đầu tiên trong số nhiều đại hội lớn tại Sân Vận Động Yankee ở Thành Phố New York. Đại hội đầy hứng khởi từ đầu đến cuối, với những đại biểu từ 67 nước và số người tham dự cao nhất là 123.707! Sau đại hội, Julie và tôi trở lại công việc lưu động. Chúng tôi hoàn toàn hài lòng trong công tác vòng quanh nhưng nếu được thì cũng sẵn sàng làm bất cứ công việc phụng sự trọn thời gian khác. Do đó mỗi năm chúng tôi đều nộp cả đơn xin phụng sự tại nhà Bê-tên lẫn đơn xin làm công tác giáo sĩ. Vào năm 1952, chúng tôi vui mừng nhận được lời mời tham dự khóa 20 của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh, nơi chúng tôi được đào tạo làm giáo sĩ.

Phục vụ ở nước ngoài

Khi tốt nghiệp vào năm 1953, chúng tôi được chỉ định đến nước Anh, nơi tôi phục vụ trong công tác địa hạt ở miền nam nước Anh. Julie và tôi rất vui thích công tác này, nhưng chưa đầy một năm, chúng tôi ngạc nhiên trước việc được chỉ định đến Đan Mạch. Ở Đan Mạch có nhu cầu về việc thay đổi giám thị văn phòng chi nhánh. Vì ở gần đó và đã được huấn luyện về công việc này ở Brooklyn, tôi được phái đến giúp. Đến Hà Lan bằng phà, từ đó đáp xe lửa đến Copenhagen, Đan Mạch, chúng tôi đến nơi vào ngày 9-8-1954.

Một trong những vấn đề cần giải quyết là một vài anh có trách nhiệm đã không chấp nhận sự chỉ dẫn từ trụ sở trung ương ở Brooklyn. Ngoài ra, ba trong bốn người đang dịch ấn phẩm sang tiếng Đan Mạch đã rời nhà Bê-tên và cuối cùng ngưng kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhưng Đức Giê-hô-va đã đáp lại lời cầu nguyện của chúng tôi. Hai người tiên phong, Jørgen và Anna Larsen, đã làm công tác phiên dịch bán thời gian, sẵn sàng chuyển sang làm trọn thời gian. Do đó việc dịch tạp chí sang tiếng Đan Mạch được tiếp tục mà không bị mất số nào. Anh chị Larsen vẫn ở trong nhà Bê-tên tại Đan Mạch, anh Jørgen là điều phối viên của Ủy Ban Chi Nhánh.

Nguồn khuyến khích thật sự trong thời đầu ở đó là các cuộc thăm viếng thường xuyên của anh Knorr. Anh dành thời gian nói chuyện với từng người, kể lại những kinh nghiệm giúp có sự thông sáng để giải quyết những vấn đề. Trong chuyến viếng thăm năm 1955, có quyết định là chúng tôi phải xây một chi nhánh mới với cơ sở in ấn để có thể sản xuất tạp chí cho Đan Mạch. Khu đất mua được ở ngoại ô phía bắc Copenhagen, và vào mùa hè năm 1957, chúng tôi dọn đến một tòa nhà vừa mới được xây dựng. Harry Johnson cùng với vợ là Karin, vừa mới đến Đan Mạch sau khi tốt nghiệp khóa 26 Trường Ga-la-át, giúp bố trí để xưởng in của chúng tôi hoạt động.

Chúng tôi cải tiến cách tổ chức để tiến hành những đại hội lớn ở Đan Mạch, và kinh nghiệm tôi có được khi làm việc ở những đại hội tại Hoa Kỳ chứng tỏ là có ích. Vào năm 1961, đại hội quốc tế lớn ở Copenhagen đón tiếp các đại biểu từ hơn 30 nước đến tham dự. Số người tham dự cao nhất lên tới 33.513. Vào năm 1969, chúng tôi đã tổ chức đại hội lớn nhất trong những đại hội được tổ chức ở Scandinavia, với số người tham dự đông nhất là 42.073!

Vào năm 1963, tôi được mời tham dự khóa 38 của Trường Ga-la-át. Đây là khóa học với chương trình đã được điều chỉnh dài mười tháng, nhằm đặc biệt đào tạo nhân viên chi nhánh. Thật là sung sướng được ở với gia đình Bê-tên tại Brooklyn một lần nữa và rút tỉa thêm kinh nghiệm của những người đã nhiều năm trông coi các hoạt động tại trụ sở trung ương.

Sau khóa đào tạo này, tôi trở lại Đan Mạch để tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ ở đó. Ngoài ra, tôi có đặc ân phục vụ với tư cách giám thị vùng, viếng thăm các chi nhánh ở tây và bắc Âu để khuyến khích những nhân viên ở đó và giúp họ hoàn thành trách nhiệm. Vừa mới đây, tôi đã thăm viếng vùng Tây Phi và vùng vịnh Caribbean.

Vào cuối thập niên 1970, anh em ở Đan Mạch bắt đầu tìm địa điểm để xây cất cơ sở lớn hơn thích ứng với việc gia tăng hoạt động dịch thuật và in ấn. Họ tìm được một miếng đất thật tốt ở cách phía tây Copenhagen khoảng 60 kilômét. Cùng với những người khác, tôi có phần trong việc lập kế hoạch, thiết kế cho cơ sở mới này. Julie và tôi trông mong được sống với gia đình Bê-tên trong ngôi nhà mới xinh đẹp này, nhưng mọi việc không xảy ra như vậy.

Trở về Brooklyn

Vào tháng 11 năm 1980, Julie và tôi được mời phụng sự ở nhà Bê-tên Brooklyn. Chúng tôi đến đây vào đầu tháng Giêng năm 1981. Lúc đó chúng tôi đã gần 60 tuổi, và sau khi phụng sự gần nửa đời cùng với những anh chị thân yêu ở Đan Mạch, không dễ dàng cho chúng tôi trở lại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chúng tôi không chỉ nghĩ đến nơi mình thích nhưng cố tập trung vào những nhiệm vụ hiện thời và bất cứ thử thách nào xảy đến.

Chúng tôi đến Brooklyn và ổn định cuộc sống. Julie được chỉ định làm việc ở vào phòng kế toán, công việc Julie đã làm ở Đan Mạch. Tôi được chỉ định vào Ban Biên Tập để phụ giúp lên chương trình ấn hành sách báo. Đầu thập niên 1980 là lúc công việc in ấn ở Brooklyn có sự thay đổi, khi chúng tôi chuyển từ việc dùng máy chữ và xếp chữ bằng khuôn sang sử dụng máy vi tính và in offset. Tôi không biết gì về vi tính nhưng hiểu biết chút ít về phương thức tổ chức và làm việc với người khác.

Không lâu sau đó, có nhu cầu củng cố cách tổ chức của Ban Nghệ Thuật khi chúng tôi chuyển sang in offset màu và dùng tranh và ảnh màu. Dù không có kinh nghiệm của một họa sĩ nhưng tôi cũng có thể giúp trong việc tổ chức. Vì vậy tôi được đặc ân giám thị ban đó trong chín năm.

Vào năm 1992, tôi được bổ nhiệm phụ tá Ủy Ban Xuất Bản của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương và được chuyển đến Văn Phòng Thủ Quỹ. Ở đây tôi tiếp tục làm những việc liên quan đến hoạt động về tài chính của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Phụng sự từ thơ ấu

Từ thơ ấu và trong suốt 70 năm phụng sự sốt sắng, tôi đã được Đức Giê-hô-va kiên nhẫn dạy dỗ qua Lời Ngài là Kinh Thánh và các anh có lòng giúp đỡ trong tổ chức tuyệt vời của Ngài. Tôi vui hưởng hơn 63 năm phụng sự trọn thời gian, trong đó hơn 55 năm cùng với người vợ trung thành của tôi, Julie. Quả thật, tôi cảm nhận được Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào.

Hồi năm 1940, khi tôi rời nhà để làm tiên phong, cha tôi chế nhạo quyết định của tôi và nói: “Con à, khi xa nhà để làm công việc này, đừng mong rằng con có thể trở về nhờ cha giúp đỡ”. Qua nhiều năm, tôi chẳng bao giờ phải làm thế. Đức Giê-hô-va đã rộng lượng cung cấp mọi nhu cầu cho tôi, thường qua sự giúp đỡ của các anh em tín đồ Đấng Christ. Sau này, cha tôi bắt đầu tôn trọng công việc chúng tôi, và cha lại còn tiến bộ trong việc học hỏi lẽ thật của Kinh Thánh trước khi mất vào năm 1972. Mẹ tôi là người có hy vọng sống trên trời, đã tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va cho đến cuối đời vào năm 1985, ở tuổi 102.

Mặc dù có những vấn đề nảy sinh trong thánh chức trọn thời gian, Julie và tôi không bao giờ nghĩ đến việc rời bỏ nhiệm sở. Đức Giê-hô-va luôn hỗ trợ chúng tôi trong quyết tâm này. Thậm chí khi cha mẹ tôi về già và cần giúp đỡ, chị của tôi, Victoria Marlin, đã tình nguyện ân cần chăm sóc họ. Chúng tôi biết ơn sâu xa sự góp phần yêu thương của chị, nhờ chị chúng tôi mới tiếp tục thánh chức trọn thời gian của mình.

Julie đã trung thành hỗ trợ tôi trong mọi công việc tôi được giao phó, xem đó là một phần của sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Mặc dù nay tôi đã 80 tuổi và gặp phải một số vấn đề về sức khỏe, tôi vẫn cảm thấy được Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào. Tôi được khích lệ rất nhiều từ người viết Thi-thiên sau khi nói rằng Đức Chúa Trời đã dạy dỗ ông từ thuở thơ ấu, ông nài xin: ‘Hỡi Đức Chúa Trời, dầu khi tôi đã già, xin chớ bỏ tôi, cho đến chừng tôi truyền ra quyền-thế Chúa cho mỗi người sẽ đến’.—Thi-thiên 71:17, 18.

[Chú thích]

^ đ. 12 Warren là anh ruột của Milton Henschel, người đã phụng sự nhiều năm với tư cách một thành viên thuộc Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va.

[Hình nơi trang 20]

Với mẹ khi tôi bắt đầu làm tiên phong năm 1940

[Hình nơi trang 21]

Với Joe và Margaret Hart, bạn cùng tiên phong với tôi

[Hình nơi trang 23]

Vào ngày cưới của chúng tôi tháng 1 năm 1948

[Hình nơi trang 23]

Năm 1953, với các bạn cùng Trường Ga-la-át. Từ trái qua phải: Don và Virginia Ward, Geertruida Stegenga, Julie và tôi

[Hình nơi trang 23]

Với Frederick W. Franz và Nathan H. Knorr ở Copenhagen, Đan Mạch, 1961

[Hình nơi trang 25]

Với Julie hiện nay