‘Làm công việc của người giảng tin mừng’
‘Làm công việc của người giảng tin mừng’
“Phải có tiết-độ [“sáng suốt”, “Bản Dịch Mới”] trong mọi sự,... làm việc của người giảng Tin-lành”.—2 TI-MÔ-THÊ 4:5.
1. Chúa Giê-su giao sứ mệnh nào cho môn đồ ngài?
DANH và ý định của Đức Giê-hô-va đang được loan báo khắp trái đất. Đó là bởi vì dân tộc dâng mình cho Đức Chúa Trời đã xem trọng sứ mệnh mà Chúa Giê-su đã giao cho các môn đồ khi ngài phán: ‘Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhân danh Cha, Con, và Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi’.—Ma-thi-ơ 28:19, 20.
2. Giám thị Ti-mô-thê đã nhận được sự chỉ dẫn nào, và một cách mà giám thị đạo Đấng Christ thi hành thánh chức là gì?
2 Các môn đồ của Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất đã xem trọng sứ mệnh đó. Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô khuyên giục Ti-mô-thê, một giám thị đạo Đấng Christ: “Làm việc của người giảng Tin-lành, mọi phận-sự về chức-vụ con phải làm cho đầy-đủ”. (2 Ti-mô-thê 4:5) Ngày nay, một cách mà người giám thị thi hành thánh chức là làm người sốt sắng công bố về Nước Trời, một người tham gia đều đặn vào công việc rao giảng. Thí dụ, anh giám thị Buổi Học Cuốn Sách Hội Thánh có đặc ân là dẫn đầu và huấn luyện người khác trong công việc rao giảng. Phao-lô làm tròn trách nhiệm rao truyền tin mừng và giúp huấn luyện người khác trong thánh chức rao giảng.—Công-vụ 20:20; 1 Cô-rinh-tô 9:16, 17.
Những người sốt sắng giảng tin mừng trong quá khứ
3, 4. Người giảng tin mừng Phi-líp đã có những kinh nghiệm nào?
3 Các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu có tiếng là những người sốt sắng rao giảng tin mừng. Hãy xem người giảng tin mừng Phi-líp. Ông là một trong “bảy người có danh tốt, đầy-dẫy Đức Thánh-Linh và trí-khôn” được chọn để thực hiện việc phân phát thức ăn đồng đều hằng ngày cho những tín đồ góa bụa nói tiếng Hê-bơ-rơ và những người nói tiếng Hy Lạp tại Giê-ru-sa-lem. (Công-vụ 6:1-6) Sau khi nhiệm vụ đặc biệt đó chấm dứt và sự bắt bớ đã làm tản mác tất cả tín đồ ngoại trừ các sứ đồ, Phi-líp đi đến Sa-ma-ri. Tại đó ông rao truyền tin mừng và được thánh linh cho quyền phép đuổi quỉ và chữa lành những người què, bại liệt. Nhiều người Sa-ma-ri đã chấp nhận thông điệp Nước Trời và báp-têm. Hay được tin này, các sứ đồ ở Giê-ru-sa-lem bèn phái sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng đến Sa-ma-ri để những người tin đạo mới báp-têm có thể nhận được thánh linh.—Công-vụ 8:4-17.
4 Kế đó thánh linh Đức Chúa Trời dẫn đưa Phi-líp đến gặp hoạn quan người Ê-thi-ô-bi trên đường đến Ga-xa. Sau khi Phi-líp giải thích rõ ràng lời tiên tri của Ê-sai, “hoạn quan Ê-thi-ô-bi, làm quan hầu của Can-đác, nữ-vương nước Ê-thi-ô-bi” đặt đức tin nơi Chúa Giê-su Christ và báp-têm. (Công-vụ 8:26-38) Sau đó Phi-líp đến thành A-xốt và rồi Sê-sa-rê, “giảng tin-lành khắp những thành” ông đi qua. (Công-vụ 8:39, 40) Chắc chắn ông đã nêu gương tốt trong việc làm người giảng tin mừng!
5. Bốn con gái của Phi-líp đặc biệt có tiếng về điều gì?
5 Phi-líp vẫn còn tích cực rao giảng ở Sê-sa-rê khoảng 20 năm sau đó. Khi Phao-lô và Lu-ca trú ngụ ở nhà Phi-líp, ông “có bốn con gái đồng-trinh hay nói tiên-tri”. (Công-vụ 21:8-10) Chắc hẳn họ đã được dạy kỹ về mặt thiêng liêng, nhiệt thành với thánh chức, và còn có đặc ân nói tiên tri. Lòng sốt sắng của cha mẹ đối với thánh chức có thể có ảnh hưởng tốt cho con cái ngày nay, thúc đẩy chúng cả đời sốt sắng làm công việc giảng tin mừng.
Những người sốt sắng giảng tin mừng ngày nay
6. Những người giảng tin mừng vào thế kỷ thứ nhất đã thành công như thế nào?
6 Trong lời tiên tri quan trọng nói về thời chúng ta và thời kỳ cuối cùng, Chúa Giê-su Christ tuyên bố: “Trước hết tin-lành phải được giảng ra cho khắp muôn dân đã”. (Mác 13:10) Sự cuối cùng sẽ đến sau khi tin mừng được rao giảng “khắp đất”. (Ma-thi-ơ 24:14) Lúc Phao-lô và những người rao giảng khác vào thế kỷ thứ nhất công bố tin mừng, nhiều người đã tin đạo, và các hội thánh được thành lập ở nhiều nơi khắp lãnh thổ của Đế Quốc La Mã. Các trưởng lão được bổ nhiệm để phục vụ trong những hội thánh này cùng với các anh chị em tham gia vào việc giảng tin mừng và mở rộng hoạt động rao giảng. Lời của Đức Giê-hô-va tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời đó, cũng như là thời nay vì hàng triệu Nhân Chứng Giê-hô-va đang làm công việc giảng tin mừng. (Công-vụ 19:20) Bạn có trở thành một trong những người vui mừng ca ngợi Đức Giê-hô-va chưa?
7. Những người công bố về Nước Trời đang làm gì ngày nay?
7 Nhiều người công bố về Nước Trời ngày nay đang tận dụng mọi cơ hội để tham gia nhiều hơn vào việc giảng tin mừng. Hàng ngàn người đã làm công việc giáo sĩ và hàng trăm ngàn người tham gia vào hoạt động giảng tin mừng trọn thời gian với tư cách là tiên phong đều đều và phụ trợ. Khi phục vụ sốt sắng với tư cách là người công bố về Nước Trời, những nam, nữ và trẻ con quả thật đang làm một việc tốt thay! Thật vậy, tất cả dân tộc của Đức Giê-hô-va đang hưởng ân phước dồi dào của Ngài trong lúc họ cùng sánh vai phụng sự Ngài với tư cách người rao giảng tin mừng của Đấng Christ.—Sô-phô-ni 3:9.
8. Công việc ghi dấu nào đang được thực hiện ngày nay và bởi ai?
8 Đức Chúa Trời đã cho các môn đồ xức dầu của Chúa Giê-su trách nhiệm công bố tin mừng khắp đất. Cùng với họ làm công việc giảng tin mừng là số “chiên khác” ngày càng tăng của Đấng Christ. (Giăng 10:16) Với ý nghĩa tiên tri, công việc cứu mạng này được ví như là ghi dấu lên trán những người đang than thở khóc lóc về những sự gớm ghiếc đang xảy ra hiện nay. Chẳng bao lâu nữa những người ác sẽ bị hủy diệt. Nhưng trong thời gian này, quả là một đặc ân được đem lẽ thật cứu mạng đến dân cư trên đất!—Ê-xê-chi-ên 9:4-6, 11.
9. Làm sao có thể giúp những người mới trong công việc rao giảng?
9 Nếu đã tham gia vào việc giảng tin mừng một thời gian, chúng ta có thể làm cái gì đó để giúp những người mới trong hội thánh. Đôi khi chúng ta có thể mời họ cùng đi rao giảng. Những người phụng sự với tư cách là trưởng lão muốn làm hết sức để xây dựng anh em cùng đức tin về mặt thiêng liêng. Nỗ lực tốt lành của các giám thị khiêm nhường có thể giúp người khác rất nhiều để trở thành người giảng tin mừng sốt sắng và hữu hiệu.—2 Phi-e-rơ 1:5-8.
Làm chứng từ nhà này sang nhà kia
10. Đấng Christ và các môn đồ thời ban đầu đã nêu gương mẫu nào trong công việc rao giảng?
10 Chúa Giê-su đã nêu gương tuyệt vời cho các môn đồ với tư cách là người giảng tin mừng. Về công việc rao giảng của Đấng Christ và các sứ đồ, Lời Đức Chúa Trời nói: “Chúa Jêsus đi thành nầy đến thành kia, làng nầy đến làng khác, giảng-dạy và rao-truyền tin lành của nước Đức Chúa Trời. Có mười hai sứ-đồ ở với Ngài”. (Lu-ca 8:1) Còn chính các sứ đồ thì sao? Sau khi thánh linh đổ xuống vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, “ngày nào cũng vậy, tại trong đền-thờ hoặc từng nhà, sứ-đồ cứ dạy-dỗ rao-truyền mãi về Tin-lành của Đức Chúa Jêsus, tức là Đấng Christ”.—Công-vụ 5:42.
11. Theo Công-vụ 20:20, 21, sứ đồ Phao-lô đã làm gì trong công việc rao giảng của ông?
11 Vì sốt sắng rao giảng tin mừng, sứ đồ Phao-lô có thể nói với trưởng lão ở thành Ê-phê-sô: “Tôi chẳng trễ-nải rao-truyền mọi điều ích-lợi cho anh em, chẳng giấu điều chi hết, lại biết tôi đã dạy anh em hoặc giữa công-chúng, hoặc từ nhà nầy sang nhà kia”. Khi ‘dạy dỗ từ nhà nầy sang nhà kia’, có phải Phao-lô đến nhà viếng thăm những người cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va, làm công việc thăm chiên hay không? Không, vì sau đó ông giải thích: “[Tôi] giảng cho người Giu-đa như cho người Gờ-réc về sự ăn-năn đối với Đức Chúa Trời, và đức-tin trong Đức Chúa Jêsus là Chúa chúng ta”. (Công-vụ 20:20, 21) Nói chung, những người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va không cần được chỉ dẫn về việc “ăn-năn đối với Đức Chúa Trời, và đức-tin trong Đức Chúa Jêsus”. Phao-lô huấn luyện những trưởng lão ở Ê-phê-sô trong việc rao giảng từ nhà nầy sang nhà kia trong khi ông dạy dỗ về sự ăn năn và đức tin cho những người chưa tin đạo. Khi làm thế, Phao-lô đã làm theo phương pháp được Chúa Giê-su lập ra.
12, 13. Phù hợp với Phi-líp 1:7 (NW) dân tộc của Đức Giê-hô-va đã làm gì về quyền rao giảng của họ?
12 Thánh chức rao giảng từ nhà này sang nhà kia có thể là khó khăn. Thí dụ, một số người cảm thấy bực bội khi chúng ta đến nhà họ nói về thông điệp Kinh Thánh. Chúng ta không muốn làm người ta khó chịu. Nhưng, công việc rao giảng từ nhà này sang nhà kia phù hợp với Kinh Thánh, và tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người đồng loại thúc đẩy chúng ta làm chứng bằng cách này. (Mác 12:28-31) Để ‘dùng pháp lý bênh vực’ quyền rao giảng từ nhà này sang nhà kia, chúng ta đã đệ trình các vụ kiện ra tòa, kể cả Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. (Phi-líp 1:7, NW) Hầu như lần nào tòa này cũng quyết định thuận lợi cho chúng ta. Điển hình là sự phán quyết sau đây:
13 “Việc phân phát những tờ thông điệp về tôn giáo là hình thức truyền giáo lâu đời—có từ thời phát minh máy in. Đó là phương pháp rất có hiệu lực trong nhiều phong trào tôn giáo trải qua bao năm. Hình thức giảng tin mừng này được nhiều giáo phái dùng ngày nay trong bình diện rộng lớn. Những người phân phát sách đạo của họ mang Phúc Âm đến hàng ngàn nhà và qua những cuộc viếng thăm riêng, họ tìm kiếm người theo đạo... Chiếu theo Tu Chính Án thứ nhất [Hiến Pháp Hoa Kỳ], hình thức hoạt động tôn giáo này chiếm một vị trí quan trọng như sự thờ phượng trong nhà thờ và giảng đạo trên bục”.—Murdock v. Pennsylvania, 1943.
Tại sao tiếp tục rao giảng?
14. Hiệu quả của công việc rao giảng của chúng ta có thể tăng dần lên bằng cách nào?
14 Có nhiều lý do để làm chứng từ nhà này sang nhà kia. Mỗi lần chúng ta đến thăm người chủ nhà, chúng ta cố gắng gieo hạt giống lẽ thật của Kinh Thánh. Bằng cách viếng thăm lại, chúng ta tìm cách để tưới hạt giống ấy. Và hiệu quả tốt có thể tăng dần lên, vì Phao-lô viết: “Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên”. (1 Cô-rinh-tô 3:6) Vậy chúng ta hãy tiếp tục ‘trồng và tưới’, tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va ‘sẽ làm cho lớn lên’.
15, 16. Tại sao chúng ta đến nhà người ta nhiều lần?
15 Chúng ta làm công việc của người giảng tin mừng bởi vì tính mạng người khác đang lâm nguy. Bằng cách rao giảng chúng ta có thể cứu chính mình và những người lắng nghe chúng ta. (1 Ti-mô-thê 4:16) Nếu biết mạng sống một người bị lâm nguy, chúng ta có hời hợt giúp đỡ người ấy chỉ một lần không? Chắc chắn không! Vì có liên hệ đến sự cứu rỗi của người ta, chúng ta tiếp tục đến nhà họ nhiều lần. Hoàn cảnh thường hay thay đổi. Một người quá bận không nghe lần này nhưng có thể sẵn sàng để nghe thông điệp Kinh Thánh lần khác. Có lẽ một người khác trong gia đình ra mở cửa, và có thể dẫn đến cuộc thảo luận Kinh Thánh.
16 Không phải chỉ hoàn cảnh mà còn thái độ của chủ nhà cũng có thể thay đổi. Chẳng hạn, sự đau đớn vì mất đi người thân có thể khiến cho một người lắng nghe thông điệp Nước Trời. Chúng ta hy vọng an ủi người ấy, giúp người ấy ý thức được nhu cầu thiêng liêng của mình, và chỉ cách để thỏa mãn nhu cầu ấy.—Ma-thi-ơ 5:3, 4, NW.
17. Lý do hàng đầu để chúng ta rao giảng là gì?
17 Đứng đầu trong những lý do làm chứng từ nhà này sang nhà kia hoặc tham gia vào hình thức rao giảng khác là vì chúng ta muốn cho người ta biết danh Đức Giê-hô-va. (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:16; Thi-thiên 83:18) Quả là thỏa nguyện khi việc giảng tin mừng của chúng ta giúp những người yêu mến lẽ thật và sự công bình trở thành những người ca ngợi Đức Giê-hô-va! Người viết Thi-thiên hát: “Gã trai-trẻ và gái đồng-trinh, người già-cả cùng con nhỏ: Cả thảy khá ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va! Vì chỉ danh Ngài được tôn cao-cả; sự vinh-hiển Ngài trổi cao hơn trái đất và các từng trời”.—Thi-thiên 148:12, 13.
Việc giảng tin mừng mang lợi ích cho cá nhân chúng ta
18. Chúng ta được lợi ích qua việc giảng tin mừng như thế nào?
18 Làm công việc rao giảng tin mừng mang lợi ích cho cá nhân chúng ta trong nhiều cách. Đem tin mừng từ nhà này sang nhà kia giúp chúng ta vun trồng tính khiêm nhường, nhất là khi chúng ta không được tiếp đãi tử tế. Để là người giảng tin mừng hữu hiệu, chúng ta cần giống như Phao-lô, ông “đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu-chuộc được một vài người không cứ cách nào”. (1 Cô-rinh-tô 9:19-23) Kinh nghiệm trong công việc rao giảng giúp chúng ta tế nhị. Bằng cách tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và chọn lời nói khéo léo, chúng ta có thể áp dụng lời khuyên của Phao-lô: “Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối-đáp mỗi người là thể nào”.—Cô-lô-se 4:6.
19. Những người giảng tin mừng được thánh linh giúp như thế nào?
19 Công việc giảng tin mừng cũng khiến chúng ta nương cậy nơi thánh linh của Đức Chúa Trời. (Xa-cha-ri 4:6) Để rồi những bông trái của thánh linh—“yêu-thương, vui-mừng, bình-an, nhịn-nhục, nhân-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ”—thể hiện rõ trong thánh chức chúng ta. (Ga-la-ti 5:22, 23) Thánh linh ảnh hưởng đến cách chúng ta cư xử với người khác, vì để cho thánh linh hướng dẫn giúp chúng ta thực hành sự yêu-thương, có vui-mừng và bình-an, nhịn-nhục và nhân-từ, bày tỏ lòng tốt và đức tin, và thể hiện tính mềm mại và tự chủ trong khi rao truyền tin mừng.
20, 21. Bận rộn giảng tin mừng đem lại một số ân phước và lợi ích nào?
20 Một ân phước khác đến với chúng ta khi làm người giảng tin mừng là chúng 2 Cô-rinh-tô 4:4) Và thật là vui mừng để giúp đỡ về thiêng liêng cho những người “sẵn sàng tiếp nhận sự sống vĩnh cửu”!—Công-vụ 13:48, Bản Diễn Ý.
ta trở nên đồng cảm hơn. Khi người ta nói về những vấn đề của họ—bệnh tật, thất nghiệp, khó khăn trong gia đình—chúng ta không làm người cố vấn, nhưng dùng Kinh Thánh khích lệ và an ủi họ. Chúng ta quan tâm đến những người bị mù về thiêng liêng nhưng có vẻ yêu mến sự công bình. (21 Đều đặn tham gia vào công việc giảng tin mừng giúp chúng ta tập trung tâm trí vào những điều thiêng liêng. (Lu-ca 11:34) Điều đó chắc chắn hữu ích, vì nếu không chúng ta có thể bị vật chất cám dỗ, một điều rất thông thường trên thế gian này. Sứ đồ Giăng khuyến giục tín đồ Đấng Christ: “Chớ yêu thế-gian, cũng đừng yêu các vật ở thế-gian nữa; nếu ai yêu thế-gian, thì sự kính-mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế-gian, như sự mê-tham của xác-thịt, mê-tham của mắt, và sự kiêu-ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế-gian mà ra. Vả thế-gian với sự tham-dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”. (1 Giăng 2:15-17) Bận rộn giảng tin mừng, làm công việc của Chúa cách dư dật sẽ giúp chúng ta không yêu mến thế gian.—1 Cô-rinh-tô 15:58.
Chứa của cải trên trời
22, 23. (a) Những tín đồ giảng tin mừng chứa loại của cải nào? (b) Bài tới sẽ giúp chúng ta như thế nào?
22 Việc sốt sắng rao giảng về Nước Trời đem lại lợi ích lâu bền. Chúa Giê-su cho thấy điều này khi ngài nói: “Các ngươi chớ chứa của-cải ở dưới đất, là nơi có sâu-mối, ten-rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của-cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu-mối, ten-rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của-cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó”.—Ma-thi-ơ 6:19-21.
23 Mong rằng chúng ta tiếp tục chứa của cải trên trời, ý thức rằng chúng ta không thể có đặc ân nào lớn hơn là được đại diện Chúa Tối Thượng Giê-hô-va với tư cách là Nhân Chứng của ngài. (Ê-sai 43:10-12) Khi thi hành sứ mệnh với tư cách là người hầu việc Đức Chúa Trời, rất có thể chúng ta sẽ cảm thấy giống như một nữ tín đồ Đấng Christ ngoài 90 tuổi nói như sau về cuộc đời phụng sự Đức Chúa Trời lâu dài của chị: “Tôi thật cảm tạ Đức Giê-hô-va vì đã kiên nhẫn với tôi trong tất cả những năm qua, và tôi tha thiết cầu nguyện rằng Ngài sẽ là Cha yêu thương của tôi mãi mãi”. Nếu chúng ta trân trọng mối quan hệ với Đức Chúa Trời giống như thế, chắc chắn chúng ta muốn làm công việc của người giảng tin mừng một cách trọn vẹn. Bài tới sẽ giúp chúng ta hiểu làm sao có thể thi hành thánh chức một cách đầy đủ.
Bạn trả lời thế nào?
• Tại sao chúng ta nên làm công việc của người giảng tin mừng?
• Bạn có thể nói gì về công việc của những người giảng tin mừng thời quá khứ và thời nay?
• Tại sao chúng ta làm chứng từ nhà này sang nhà kia?
• Cá nhân bạn được lợi ích như thế nào qua công việc giảng tin mừng?
[Câu hỏi thảo luận]
[Các hình nơi trang 10]
Những người ngày nay giảng tin mừng như Phi-líp và những con gái của ông
[Hình nơi trang 14]
Bạn được lợi ích như thế nào khi chia sẻ tin mừng với người khác?