Thể thao thời cổ và sự chú trọng vào việc thắng giải
Thể thao thời cổ và sự chú trọng vào việc thắng giải
“HẾT thảy những người đua-tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng-kỵ”. “Người đấu sức trong diễn-trường chỉ đấu nhau theo lệ-luật thì mới được mão triều-thiên”.—1 Cô-rinh-tô 9:25; 2 Ti-mô-thê 2:5.
Những cuộc đua tranh mà sứ đồ Phao-lô nói đến là một đặc trưng không thể thiếu được của nền văn minh cổ Hy Lạp. Lịch sử cho chúng ta biết gì về những cuộc thi đấu đó và bầu không khí chung quanh chúng?
Gần đây, một cuộc triển lãm về các môn điền kinh Hy Lạp, Nike—Il gioco e la vittoria (“Nike—Điền kinh và chiến thắng”), được tổ chức tại Đại Hý Trường của Rome. * Những vật trưng bày đưa ra một số câu trả lời cho câu hỏi đó và gợi ra những điều đáng suy ngẫm về quan điểm của tín đồ Đấng Christ đối với các môn thể thao.
Một truyền thống thời cổ
Hy Lạp không phải là nền văn minh đầu tiên tham gia vào
thể thao. Dù vậy, vào khoảng thế kỷ thứ tám TCN, thi sĩ Hy Lạp Homer miêu tả một xã hội sống động nhờ các lý tưởng anh hùng và tinh thần ganh đua, trong đó năng khiếu quân sự và tinh thần thể thao được đề cao. Như được giải thích trong cuộc triển lãm, những đại hội đầu tiên của Hy Lạp là lễ hội tôn giáo để tôn vinh thần thánh tại tang lễ của những nhân vật anh hùng. Thí dụ, Iliad của Homer, tác phẩm xưa nhất còn tồn tại của văn học Hy Lạp, miêu tả việc các chiến sĩ thuộc dòng dõi quý tộc, bạn bè của Achilles, đặt vũ khí xuống tại tang lễ cho Patroclus và tranh tài về quyền thuật, đấu vật, ném đĩa và lao, và đua xe ngựa để chứng tỏ lòng dũng cảm.Những lễ hội tương tự dần dần được tổ chức trên khắp Hy Lạp. Sách hướng dẫn về cuộc triển lãm nói: “Những lễ hội này là cơ hội căn bản qua đó người Hy Lạp, vì tôn trọng các thần, họ gác sang một bên những cuộc tranh chấp bất tận và thường hung dữ, và thành công trong việc nâng cao cách biểu lộ đặc tính ganh đua bằng một thành tích hòa bình nhưng không kém chân thành: đó là sự tranh tài về thể thao”.
Những nhóm thành phố độc lập có thông lệ thường xuyên tụ họp ở những trung tâm thờ phượng chung để tỏ lòng tôn kính các thần của họ qua những cuộc thi điền kinh. Với thời gian, bốn đại hội như thế—Olympic và Nemean, cả hai được hiến dâng cho thần Zeus, và đại hội Pythian, hiến dâng cho thần Apollo và đại hội Isthmian cho thần biển Poseidon—trở nên quan trọng và cuối cùng được xếp vào hàng đại hội toàn Hy Lạp. Tức là những đại hội này mở ra cho các đấu thủ từ khắp nơi trong thế giới Hy Lạp. Trong các đại hội có phần tế lễ và cầu nguyện đồng thời cũng tôn vinh các thần bằng những cuộc thi đấu ở mức cao nhất về điền kinh hay nghệ thuật.
Người ta nói rằng đại hội xưa nhất và có tiếng nhất là vào năm 776 TCN, đã được tổ chức bốn năm một lần để tôn vinh thần Zeus ở Olympia. Đại hội Pythian đứng hàng thứ hai về tầm quan trọng. Được tổ chức gần đền thờ lừng danh nhất của thế giới cổ đại, tại Delphi, đại hội này cũng bao gồm các môn điền kinh. Nhưng để tôn vinh thần thi ca và âm nhạc là Apollo, điều được chú trọng là thơ ca và khiêu vũ.
Các bộ môn
So với thể thao hiện đại, số môn thi khá giới hạn, và chỉ có đàn ông tham gia. Chương trình đại hội Olympic thời xưa không bao giờ có hơn mười môn thi đấu. Tượng, đồ chạm nổi, đồ khảm, và tranh vẽ trên những lọ đất nung triển lãm trong Đại Hý Trường cho thấy khái quát về những bộ môn đó.
Thi chạy bộ diễn ra ở ba cự ly—stadium, khoảng 200 mét; cự ly đôi, tương đương 400 mét ngày nay; và cự ly dài, khoảng 4.500 mét. Vận động viên chạy và tập luyện hoàn toàn trần truồng. Những đối thủ trong năm môn phối hợp tranh tài trong năm môn: chạy, nhảy xa, ném đĩa, ném lao, và đấu vật. Các cuộc thi đấu khác bao gồm quyền thuật và đô vật tự do, được miêu tả là “môn thể thao tàn bạo phối hợp quyền thuật tay trần với đấu vật”. Rồi có đua xe ngựa ở cự ly hơn 1.600 mét, với xe nhẹ không mui lắp trên những bánh nhỏ và do hai hay bốn ngựa con hay ngựa lớn kéo.
Quyền thuật là bộ môn cực kỳ hung bạo và đôi khi làm chết người. Các đấu thủ quấn quanh nắm tay những miếng da cứng có những núm lồng kim loại nguy hiểm đáng sợ. Bạn có thể tưởng tượng tại sao một đấu thủ
tên là Stratofonte đã không thể nhận ra mình trong gương sau bốn tiếng đánh quyền thuật. Những bức tượng và đồ khảm thời cổ chứng tỏ rằng mặt mày võ sĩ quyền thuật bị méo mó rất kinh khiếp.Trong môn đấu vật, luật chỉ cho ôm ghì phần thân trên, và người thắng cuộc là người đầu tiên đánh gục đối phương ba lần. Ngược lại, trong môn đô vật tự do, luật không cấm động tác nắm ghì nào cả. Các đấu thủ có thể đá, đấm, và vặn khớp xương. Luật chỉ cấm móc mắt, cào, và cắn. Mục tiêu là đè đối phương dưới đất và bắt phải đầu hàng. Một số người nghĩ môn này là “màn ngoạn mục nhất trong khắp Olympia”.
Người ta nói rằng cuộc đấu vật tự do nổi tiếng nhất thời cổ đã diễn ra trong trận chung kết của đại hội Olympic vào năm 564 TCN. Arrhachion trong lúc đang bị siết cổ, đã linh lợi bẻ trật khớp ngón chân của đối thủ. Đối phương vì quá đau đã chịu thua ngay trước khi Arrhachion chết. Trọng tài tuyên bố xác chết của Arrhachion đã thắng!
Đua xe ngựa là môn nổi bật nhất và cũng được giới quý tộc ưa chuộng nhất, vì người thắng cuộc không phải là người đánh xe mà là người chủ của xe và ngựa. Giai đoạn quyết định trong cuộc đua là lúc xuất phát, khi người đánh xe ngựa phải giữ bên trong hàng, và nhất là mỗi khi rẽ tại chỗ ngoặt ở hai đầu đường đua. Phạm lỗi có thể gây ra tai nạn khiến cho môn thi đua được ưa chuộng này còn ngoạn mục hơn nữa.
Giải thưởng
Sứ đồ Phao lô nói: “Trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng”. (1 Cô-rinh-tô 9:24) Chiến thắng là điều quan trọng nhất. Không có huy chương bạc hay đồng, không có giải nhì hay giải ba. Cuộc triển lãm giải thích: “Chiến thắng, ‘Nike’, là mục tiêu tối hậu của vận động viên. Chỉ điều này mới đủ vì chỉ điều này là sự phản ánh trung thực phẩm chất của họ, về cả thể lực lẫn đạo đức, và là niềm kiêu hãnh của thành phố quê hương”. Thái độ này được tóm tắt bằng một câu trong tác phẩm của Homer: “Tôi đã học cách luôn luôn trội hơn người khác”.
Giải thưởng trao cho người thắng cuộc trong Đại Hội Toàn Hy Lạp chỉ là tượng trưng—một vòng lá. Phao-lô gọi nó là “mão triều-thiên hay hư-nát”. (1 Cô-rinh-tô 9:25) Thế nhưng, giải thưởng đó mang ý nghĩa sâu sắc. Nó tượng trưng cho việc chính sức mạnh thiên nhiên ban quyền lực cho người thắng giải. Sự chiến thắng, được đeo đuổi với lòng quyết tâm tập trung, có nghĩa sự ban ân huệ của thánh thần. Đồ triển lãm dẫn chứng tài liệu cho thấy hình ảnh mà các nhà điêu khắc và họa sĩ thời cổ đã tưởng tượng Nike, nữ thần chiến thắng Hy Lạp, đội vòng hoa cho người thắng cuộc. Chiến thắng tại Olympia là tột điểm trong sự nghiệp của bất cứ vận động viên nào.
Vòng lá Olympic làm bằng lá ôliu dại—vòng Isthmian bằng thông, vòng Pythian bằng nguyệt quế, vòng Nemean bằng cần dại. Những người tổ chức các cuộc thi ở nơi khác đưa ra giải thưởng tiền hoặc các thứ khác để thu hút các đấu thủ thượng hạng. Một vài bình được triển lãm đã là phần thưởng tại Đại
Hội Toàn Athens, tổ chức ở Athens để tôn vinh nữ thần Athena. Những vò hai quai này lúc đầu có dầu Attica rất quý. Hình trang trí ở một bên của một bình vẽ nữ thần Athena và khắc nhóm từ “giải thưởng cho cuộc thi của Athena”. Mặt bên kia có hình vẽ một môn thi đấu, có lẽ môn thi mà vận động viên đã đoạt giải.Các thành phố Hy Lạp thích chia sẻ danh tiếng các lực sĩ của họ; những chiến thắng của các lực sĩ biến họ thành những nhân vật anh hùng tại cộng đồng nhà. Ngày trở về của người thắng cuộc được ăn mừng bằng cuộc diễu hành chiến thắng. Tượng để tôn vinh họ được dựng lên làm lễ vật tạ ơn các thần—một vinh dự thường không ban cho người phàm—và thi sĩ ca ngợi sự dũng cảm của họ. Những người thắng cuộc sau đó được ban cho vị trí hàng đầu tại các buổi lễ công cộng và được tiền trợ cấp do công chúng đài thọ.
Vận động trường và vận động viên
Cuộc thi điền kinh được xem là yếu tố cần thiết trong sự phát triển của người chiến sĩ-công dân. Mọi thành phố Hy Lạp đều có vận động trường, nơi sự huấn luyện về thể lực cho thanh niên được phối hợp với sự giáo huấn về trí tuệ và tôn giáo. Các tòa nhà của vận động trường được bố trí vòng quanh khoảng đất rộng để tập luyện, xung quanh là mái cổng và những khoảng đất khác có mái che được dùng làm thư viện và lớp học. Những trụ sở đó thường có người lui tới, nhất là các thanh niên thuộc gia đình giàu sang, có thể dành thì giờ cho học vấn thay vì làm việc. Nơi đây, các vận động viên tập luyện gắt gao trong một thời gian dài để chuẩn bị cho cuộc thi đấu, với sự giúp đỡ của các huấn luyện viên, là những người cũng quy định chế độ ăn uống và bảo đảm vận động viên kiêng cữ hoạt động tính dục.
Cuộc triển lãm tại Đại Hý Trường cho khách cơ hội ngắm nhìn hình tượng của các lực sĩ thời xưa, phần lớn là mẫu sao lại thời La Mã của những công trình điêu khắc gốc Hy Lạp. Vì theo quan niệm cổ điển, sự hoàn hảo về thể chất tương đương với sự hoàn hảo về đạo đức và chỉ riêng tầng lớp quý tộc mới có, thân thể cân đối này của các vận động viên chiến thắng tiêu biểu một lý tưởng triết học. Người La Mã ngưỡng mộ các bức tượng đó như những tác phẩm nghệ thuật, thường được dùng để trang hoàng các sân vận động, nhà tắm, biệt thự, và cung điện.
Người La Mã rất thích xem những cảnh biểu diễn hung bạo, vì thế trong tất cả các bộ môn Hy Lạp trình diễn ở Rome, quyền thuật, đấu vật và đô vật tự do được ưa chuộng nhất. Người La Mã không xem những môn thể thao đó là sự tranh tài giữa hai đấu thủ ngang hàng nhằm xác định tính dũng cảm của mỗi người mà chỉ xem đó là sự giải trí. Người ta đã từ bỏ quan niệm ban đầu về thể thao là sự tham gia chung của giới vận động viên chiến sĩ ưu tú, một phần của chương trình giáo dục. Thay vì thế, người La Mã xem các cuộc thi điền kinh Hy Lạp chỉ là thể dục lành mạnh trước khi tắm hoặc là môn thể thao được ưa chuộng của giới chuyên nghiệp thuộc giai cấp dưới, giống như các cuộc thi giữa các đấu sĩ.
Tín đồ Đấng Christ và các cuộc thi đấu
Tính chất tôn giáo của các cuộc thi là một lý do tại sao tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã tránh chúng, vì “có thể nào hiệp đền-thờ Đức Chúa Trời lại với hình-tượng tà-thần?” (2 Cô-rinh-tô 6:14, 16) Còn thể thao ngày nay thì sao?
Hiển nhiên, thể thao hiện đại không tôn vinh các thần ngoại giáo. Song, chẳng phải xung quanh một số môn thể thao có sự cuồng nhiệt gần giống như đối với tôn giáo, có thể so sánh với thời cổ xưa đó hay sao? Hơn nữa, như báo cáo trong vài năm qua cho thấy, nhằm chiến thắng, một số vận động viên đã sẵn sàng dùng thuốc để nâng cao kỹ năng biểu diễn, gây nguy hại cho sức khỏe thậm chí cho tính mạng họ.
Đối với tín đồ Đấng Christ, thành tích về thể lực có giá trị rất giới hạn. Phẩm chất thiêng liêng của người “bề trong giấu ở trong lòng” là điều làm chúng ta đẹp trước mắt Đức Chúa Trời. (1 Phi-e-rơ 3:3, 4) Chúng ta thừa nhận rằng không phải tất cả những người tham gia thể thao ngày nay đều có tinh thần ganh đua dữ dội, song nhiều người có tinh thần này. Liệu tiếp xúc với họ có giúp chúng ta làm theo lời khuyên của Kinh Thánh là “chớ làm sự chi vì lòng tranh-cạnh hoặc vì hư-vinh, nhưng hãy khiêm-nhường” không? Hoặc việc tiếp xúc đó không dẫn đến “thù-oán, tranh-đấu, ghen-ghét, buồn-giận, cãi-lẫy, bất-bình” hay sao?—Phi-líp 2:3; Ga-la-ti 5:19-21.
Nhiều môn thể thao “đụng chạm” hiện đại có tiềm năng khích động sự hung bạo. Bất cứ ai thấy những môn thể thao đó hấp dẫn nên ghi nhớ lời Thi-thiên 11:5: “Đức Giê-hô-va thử người công-bình; nhưng lòng Ngài ghét người ác và kẻ ưa sự hung-bạo”.
Tập thể dục nếu được đặt đúng chỗ có thể thích thú, và sứ đồ Phao-lô có nói rằng “sự tập-tành thân-thể ích-lợi chẳng bao-lăm”. (1 Ti-mô-thê 4:7-10) Tuy nhiên, khi nói về các cuộc đua tranh Hy Lạp, ông chỉ nhằm minh họa tầm quan trọng cho tín đồ Đấng Christ để có những đức tính như tự chủ và chịu đựng. Mục tiêu Phao-lô cố đạt tới, trên hết các điều khác, là nhận được “mão triều-thiên” sự sống đời đời. (1 Cô-rinh-tô 9:24-27; 1 Ti-mô-thê 6:12) Về phương diện đó, ông nêu gương cho chúng ta.
[Chú thích]
^ đ. 4 Nike là từ Hy Lạp có nghĩa “chiến thắng”.
[Khung/Các hình nơi trang 31]
Võ sĩ quyền thuật nghỉ ngơi
Bức tượng đồng thiếc thế kỷ thứ tư TCN này cho thấy hậu quả tàn phá của quyền thuật thời cổ, mà theo danh mục triển lãm ở Rome, “khi tham gia trong những cuộc đấu làm kiệt sức, trong đó ‘lấy thương tích thường thương tích’, sức chống cự của võ sĩ được ca tụng là gương tốt”. Lời miêu tả nói tiếp: “Biểu hiện của cuộc đấu vừa kết thúc thêm vào những vết thương của những cuộc đấu trước”.
[Hình nơi trang 29]
Đua xe ngựa là môn nổi bật nhất trong các cuộc thi thời cổ
[Hình nơi trang 30]
Họa sĩ thời cổ tưởng tượng Nike, nữ thần chiến thắng có cánh, đội vòng hoa cho người chiến thắng