Độc giả thắc mắc
Độc giả thắc mắc
Tại sao Đa-vít, một tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va, lại để cho vợ là Mi-canh có một tượng thê-ra-phim, như được đề cập nơi 1 Sa-mu-ên 19:12, 13?
Trước hết, chúng ta hãy xem sơ qua về văn cảnh. Khi hay tin Vua Sau-lơ âm mưu giết Đa-vít, Mi-canh vợ Đa-vít đã tìm cách đối phó ngay lập tức. Kinh Thánh nói: “Mi-canh thòng Đa-vít xuống nơi cửa sổ; người trốn và thoát khỏi. Kế ấy, Mi-canh lấy tượng thê-ra-phim [xem chừng có hình dáng và kích thước của một người] mà để lên giường, dùng tấm nệm bằng lông dê bọc đầu nó, rồi bao-phủ cái mình nó bằng một cái áo tơi”. Khi người của Sau-lơ đến bắt Đa-vít, Mi-canh nói với họ: “Chàng đau”. Mưu kế này đã trì hoãn việc tìm bắt Đa-vít, và ông đã trốn thoát vô sự.—1 Sa-mu-ên 19:11-16.
Những phát hiện khảo cổ gợi ý rằng vào thời xưa, tượng thê-ra-phim không những được dùng trong tôn giáo mà còn cho cả mục đích pháp lý. Giống như bằng khoán và chúc thư xác định quyền thừa kế ngày nay, tượng thê-ra-phim cũng có tác dụng tương tự trong thời xưa. Xem chừng việc con rể sở hữu tượng thê-ra-phim có thể, trong một vài trường hợp nào đó, được quyền hưởng tài sản của người cha vợ quá cố. Điều này có thể giải thích tại sao, vào một dịp trước đó, Ra-chên đã lấy tượng thê-ra-phim của cha nàng và tại sao ông hết sức nôn nóng muốn lấy trở lại. Trong trường hợp ấy, Gia-cốp chồng của Ra-chên đã không hay biết gì về hành động của vợ.—Sáng-thế Ký 31:14-34; Nguyễn Thế Thuấn.
Khi trở thành một quốc gia, dân Y-sơ-ra-ên đã nhận được Mười Điều Răn, và điều răn thứ hai rõ ràng cấm việc làm hình tượng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5) Sau này, tiên tri Sa-mu-ên gián tiếp nhắc đến luật này khi nói với Vua Sau-lơ: “Sự bội-nghịch cũng đáng tội bằng sự tà-thuật; sự cố-chấp giống như tội trọng cúng-lạy hình-tượng [“Têraphim”, NTT]”. (1 Sa-mu-ên 15:23) Vì lý do này, tượng thê-ra-phim hẳn đã không được dùng nhằm mục đích kế thừa di sản trong Y-sơ-ra-ên. Tuy thế, hình thức mê tín cổ xưa này của người Do Thái dường như tiếp diễn trong một số gia đình người Y-sơ-ra-ên. (Các Quan Xét 17:5, 6; 2 Các Vua 23:24) Việc Mi-canh giữ một tượng thê-ra-phim cho thấy lòng bà không trọn vẹn với Đức Giê-hô-va. Đa-vít đã không hay biết gì về tượng thê-ra-phim hoặc dung túng việc này vì Mi-canh là con gái của Vua Sau-lơ.
Quan điểm của Đa-vít về sự thờ phượng chuyên độc đối với Đức Giê-hô-va được diễn đạt bằng những lời sau: “Đức Giê-hô-va là lớn, rất đáng ngợi-khen, đáng kính-sợ hơn các thần. Vì các thần của những dân-tộc vốn là hình-tượng; còn Đức Giê-hô-va dựng nên các từng trời”.—1 Sử-ký 16:25, 26.
[Hình nơi trang 29]
Điều răn thứ hai trong Mười Điều Răn cấm việc làm hình tượng như thê-ra-phim thấy ở đây
[Nguồn tư liệu]
Từ sách The Holy Land, Tập II, 1859