Làm hoặc không làm cho người khác?
Làm hoặc không làm cho người khác?
“ĐỪNG làm cho người khác những gì mình không muốn người khác làm cho mình”. Đây là lời nói được quy cho Khổng Tử, tôn sư và nhà triết học Trung Quốc nổi tiếng. Ngày nay, khoảng 2.500 năm sau, nhiều người vẫn tin rằng việc tránh làm hại người khác là tròn trách nhiệm về mặt đạo đức.
Phải thừa nhận rằng nguyên tắc đạo đức của Khổng Tử có giá trị. Mặt khác, Kinh Thánh cho thấy một khía cạnh khác trong cách cư xử và giao tiếp của con người. Ngoài những tội xúc phạm đến người lân cận, Kinh Thánh nói về tội chểnh mảng. Môn đồ Đấng Christ là Gia-cơ viết: “Kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội”. (Gia-cơ 4:17) Thay vì chỉ dạy các môn đồ chớ làm điều xấu hại người khác, Chúa Giê-su khuyên: “Điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”.—Ma-thi-ơ 7:12.
Ban đầu Đức Chúa Trời có ý định là cả nhân loại đối xử với nhau như họ muốn người khác đối xử với mình. Đức Chúa Trời nêu gương tốt nhất về việc thể hiện lòng quan tâm đến người khác qua cách Ngài tạo ra con người: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ”. (Sáng-thế Ký 1:27) Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời đã yêu thương ban cho con người một lương tâm, nếu được rèn luyện đúng đắn, sẽ hướng dẫn họ đối xử với người khác theo cách họ muốn người khác đối xử với mình.
Ngày nay nhiều người bất lực và không còn hy vọng nào thoát khỏi cảnh đau khổ dưới tay những kẻ ích kỷ không quan tâm đến người khác. Rõ ràng là không phải chỉ cần tránh làm gì xấu và hại người khác, nhưng phải làm điều thiện và giúp đỡ họ. Vì thế Nhân Chứng Giê-hô-va tự nguyện thực hiện những hành động tích cực để giúp người khác học biết về niềm hy vọng tuyệt vời trong Lời Đức Chúa Trời. Khi đến thăm người láng giềng để chia sẻ tin mừng của Kinh Thánh, họ hành động theo tinh thần yêu thương, làm cho người khác những gì họ muốn người khác làm cho mình.