Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cappadocia—Nơi có những chỗ ở do gió và nước tạo nên

Cappadocia—Nơi có những chỗ ở do gió và nước tạo nên

Cappadocia—Nơi có những chỗ ở do gió và nước tạo nên

SỨ ĐỒ Phi-e-rơ nhắc đến Cappadocia (Cáp-ba-đốc) trong lá thư thứ nhất được Đức Chúa Trời soi dẫn. Ông viết thư này cho những người ở nhiều nơi, gồm cả “những người kiều-ngụ rải-rác trong xứ... Cáp-ba-đốc”. (1 Phi-e-rơ 1:1) Cappadocia là xứ như thế nào? Tại sao dân vùng ấy sống trong những chỗ ở đục trong đá? Đạo Đấng Christ đã đến với họ như thế nào?

W. F. Ainsworth, một du khách người Anh đến Cappadocia vào thập niên 1840 kể lại: “Chúng tôi thấy mình thình lình lạc vào giữa những trụ đá và khối đá hình nón, nhiều như một đám rừng”. Ngày nay phong cảnh độc đáo của vùng này ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn làm du khách viếng thăm phải giật mình kinh ngạc. Các “tượng” đá khác thường này ở trong những thung lũng vùng Cappadocia như những người lính gác thầm lặng đứng tụm lại bên nhau. Một số “tượng” trông như những ống khói khổng lồ cao vút trên không trung, từ 30 mét trở lên. Những cái khác có hình nón, hay giống như những ngọn tháp hoặc cây nấm khổng lồ.

Tùy theo ánh nắng mặt trời trong ngày, những tượng đá này phản chiếu những màu sắc khác nhau đẹp làm sao! Lúc rạng đông, chúng có màu hồng lợt. Buổi trưa chúng mang màu trắng ngà; dưới ánh hoàng hôn, chúng đổi thành màu hoàng thổ. Do đâu mà “những trụ đá và khối đá hình nón” này đã thành hình? Và tại sao người dân vùng này làm nhà ở trong đó?

Do gió và nước chạm trổ

Cappadocia nằm ở trung tâm bán đảo Anatolia, nhịp cầu nối liền Châu Á và Châu Âu. Nếu không có hai ngọn núi lửa, vùng này sẽ là cao nguyên. Nhiều ngàn năm trước đây, đã có những trận phun lửa dữ dội, cả vùng này được bao phủ bằng hai loại đá—bazan cứng và tufa mềm, tức loại đá trắng do tro của núi lửa đông đặc lại.

Sông, mưa, và gió bắt đầu xói mòn lớp đá tufa tạo ra các hẻm núi. Cuối cùng, một số vách đá ven bờ những hẻm núi này dần dần mòn đi thành vô số những cột đá, tạo cho vùng đất này những kiến trúc không có ở nơi nào khác trên đất. Một số khối đá có hình dạng y như tổ ong. Dân địa phương đục lớp đá mềm làm phòng, và làm thêm phòng khi gia đình có thêm người. Họ cũng thấy những chỗ ở này mùa hè mát còn mùa đông thì ấm.

Sống ở điểm giao lưu của các nền văn minh

Nếu những người ở trong hang động vùng Cappadocia không sống ở giữa điểm giao lưu quan trọng của các nền văn minh, chắc hẳn họ đã bị biệt lập khỏi những dân tộc khác. Con Đường Tơ Lụa nổi tiếng, tức lộ trình giao thương dài 6.500 kilômét nối Đế Quốc La Mã với Trung Hoa, chạy ngang qua Cappadocia. Ngoài những lái buôn, quân đội Ba Tư, Hy Lạp và La Mã cũng đi qua con đường này. Những khách lữ hành này du nhập tư tưởng tôn giáo mới vào nơi đây.

Vào thế kỷ thứ hai TCN, đã có người Do Thái định cư ở vùng này. Người Do Thái xứ này có mặt ở Giê-ru-sa-lem vào năm 33 CN để dự Lễ Ngũ Tuần. Vì thế mà sau khi thánh linh giáng xuống, sứ đồ Phi-e-rơ đã rao giảng cho người Do Thái vùng Cappadocia. (Công-vụ 2:1-9) Dường như một số người chấp nhận thông điệp của ông và mang về xứ họ niềm tin mới. Do đó, Phi-e-rơ đã nhắc đến tín đồ Đấng Christ ở Cappadocia trong lá thư thứ nhất.

Nhưng năm tháng trôi qua, tín đồ Đấng Christ vùng Cappadocia bắt đầu bị triết lý ngoại giáo ảnh hưởng. Thậm chí ba nhà lãnh đạo chính của giáo hội ở Cappadocia trong thế kỷ thứ tư đã hết sức bênh vực một giáo lý phản Kinh Thánh là thuyết Chúa Ba Ngôi. Họ là Gregory ở Nazianzus, Basil Vĩ Nhân, và em của ông là Gregory ở Nyssa.

Basil Vĩ Nhân cũng khuyến khích lối sống khổ hạnh. Những chỗ ở đơn sơ đục trong đá rất thích hợp cho lối sống khổ hạnh do ông đề nghị. Khi cộng đồng người theo lối sống khổ hạnh gia tăng, họ xây nguyên cả ngôi nhà thờ trong những khối đá lớn hơn. Đến thế kỷ 13, khoảng 300 nhà thờ được kiến trúc trong đá. Nhiều ngôi nhà thờ này vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay.

Dù những nhà thờ và tu viện không còn được sử dụng nữa, nhưng lối sống của dân địa phương qua hàng thế kỷ đã không mấy đổi thay. Nhiều hang động vẫn được dùng làm nhà ở. Du khách đến Cappadocia ít ai không thán phục đầu óc khéo léo của người dân vùng này đã biến những hình thể thiên nhiên thành những ngôi nhà thực dụng.

[Bản đồ nơi trang 24, 25]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

CAPPADOCIA

TRUNG HOA (Cathay)