Niềm ao ước về một chính phủ tốt
Niềm ao ước về một chính phủ tốt
“Xu hướng hội nhập thế giới ngày càng tăng đã dẫn đến nhiều vấn đề toàn cầu mà giờ đây không một quốc gia riêng lẽ nào có thể tự giải quyết được. Chỉ bằng con đường hợp tác quốc tế, chúng ta mới có thể đương đầu với các hiểm họa và khó khăn chồng chất mà nhân loại đang gặp phải”.—Theo nhà phân tích chính trị người Pakistan, Ghulam Umar.
THẾ GIỚI ngày nay đầy những nghịch lý. Của cải vật chất dồi dào nhưng nhiều người vẫn phải vất vả kiếm sống. Thế hệ điện tử ngày nay rõ ràng là thế hệ có trình độ và kiến thức sâu rộng nhất từ xưa đến nay, nhưng ngày càng có nhiều người khó tìm được việc làm ổn định. Con người có nhiều quyền tự do hơn bao giờ hết, nhưng hàng triệu người phải sống trong nỗi sợ hãi và bất an. Đời sống có vô vàn cơ hội hấp dẫn, nhưng nạn tham nhũng và phạm pháp trong mọi ngóc ngách xã hội khiến nhiều người cảm thấy tuyệt vọng.
Những vấn đề mà nhân loại đang đối mặt có tầm mức rộng lớn đến độ không một quốc gia hay thậm chí một khối quốc gia nào có thể giải quyết được. Chính vì vậy nhiều nhà quan sát thời cuộc cho rằng muốn có hòa bình và an ninh thật sự thì tất cả các nước phải đoàn kết lại dưới sự chỉ đạo của một chính phủ duy nhất. Ông Albert Einstein từ lâu đã ủng hộ ý tưởng đó. Vào năm 1946, ông tuyên bố: “Tôi tin chắc phần đông người dân trên thế giới đều muốn được sống hòa bình và yên ổn... Niềm ao ước hòa bình của nhân loại chỉ có thể thành hiện thực khi một chính phủ quốc tế được thành lập”.
Hơn năm thập kỷ sau, mong mỏi này vẫn chưa thành hiện thực. Bình luận về những trở ngại của thế kỷ 21, một bài xã luận trên tờ Le Monde ở Paris, Pháp, nhận xét: “Vấn đề là phải xây dựng được nền tảng tư pháp, hành chính và hiến pháp của một chính phủ quốc tế có khả năng can thiệp ngay khi các cuộc thảm sát sắc tộc xảy ra, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới, và mọi người phải chấp nhận ý tưởng là từ nay trên đất chỉ có một nước duy nhất”. Cá nhân hay tổ chức nào có đủ quyền lực và khả năng để thực hiện điều này hầu bảo đảm hòa bình cho toàn nhân loại trong tương lai?
Phải chăng là Liên Hiệp Quốc?
Nhiều người hy vọng Liên Hiệp Quốc (LHQ) sẽ mang lại hòa bình thế giới. Phải chăng LHQ là tổ chức quốc tế có thể kiến tạo hòa bình và an ninh cho thế giới? Chắc chắn đã có không ít những lời hô hào chính trị đầy phấn khởi và hứa hẹn. Chẳng hạn, trong bản “Tuyên ngôn Thiên niên kỷ” vào năm 2000, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã trịnh trọng tuyên bố nghị quyết: “Chúng ta sẽ không từ bất kỳ nỗ lực nào để giải thoát các dân tộc
khỏi thảm họa chiến tranh, dù là giữa các nước hay nội chiến, mà chỉ riêng trong thập kỷ qua đã cướp đi sinh mạng của hơn năm triệu người”. Những lời tuyên bố như thế đã mang lại cho LHQ nhiều sự tán thưởng và ngưỡng mộ, cũng như giải Nobel Hòa Bình vào năm 2001. Ủy ban Nobel của Na Uy đã đề cao LHQ qua lời phát biểu: “Con đường duy nhất dẫn đến hòa bình và sự hợp tác toàn cầu là thông qua Liên Hiệp Quốc”.Với tất cả sự tán dương đó, Liên Hiệp Quốc, đã được thành lập từ năm 1945, có tỏ ra là tổ chức có khả năng mang lại hòa bình thật sự và lâu dài trên thế giới không? Không, sự ích kỷ và tham vọng của các quốc gia thành viên đã khiến nhiều nỗ lực của LHQ trở nên vô hiệu. Theo lời của biên tập viên một tờ báo, đối với công chúng, LHQ chẳng khác nào “một loại áp kế thăm dò dư luận thế giới” và “chương trình nghị sự của LHQ luôn đầy những vấn đề đã được tranh cãi hết năm này sang năm khác mà chẳng có chút tiến triển nào”. Như vậy, vẫn còn đó câu hỏi: Liệu một ngày nào đó các dân tộc trên thế giới sẽ thật sự đoàn kết lại với nhau không?
Kinh Thánh cho biết sự đoàn kết đó chẳng bao lâu nữa sẽ thành hiện thực. Điều này sẽ xảy ra như thế nào? Và chính phủ nào sẽ thực hiện điều đó? Mời bạn hãy xem tiếp bài kế để biết lời giải đáp.
[Hình nơi trang 3]
Ông Einstein đã ủng hộ việc thiết lập một chính phủ quốc tế
[Nguồn tư liệu]
Einstein: U.S. National Archives photo