Bạn có muốn trường sinh bất tử?
Bạn có muốn trường sinh bất tử?
“TÔI không sợ chết nhưng chỉ tiếc vì phải chia tay với những bông hoa này”. Đó là lời phát biểu của một phụ nữ lớn tuổi ở Nhật. Khi đến thăm bà, một tín đồ Đấng Christ đã hiểu tại sao bà nói như thế, vì bà có một khu vườn tuyệt đẹp. Nhiều người tuy nói không sợ chết thật ra rất yêu đời và thích các kỳ công sáng tạo. Trên thực tế có lẽ họ cũng ao ước được trường sinh bất tử.
Trường sinh bất tử ư? Nhiều người để ngoài tai ý tưởng này. Số khác có lẽ còn nói điều đó chẳng thích thú gì. Tại sao người ta cảm thấy như thế?
Sống mãi mãi—Nhàm chán chăng?
Một số người cho rằng sống mãi mãi sẽ
nhàm chán. Họ có lẽ sẽ nhắc tới đời sống đơn điệu của nhiều người về hưu, chẳng biết làm gì khác hơn là ngồi trước máy truyền hình. Nếu đó là cảm nghĩ của bạn thì hãy suy nghĩ về lời phát biểu của nhà thiên văn học Robert Jastrow. Khi được hỏi sự sống vĩnh cửu là phước hay họa, ông Jastrow đã trả lời: “Đó sẽ là một ân phước cho những ai có óc tìm tòi và luôn muốn học hỏi. Ý tưởng được sống mãi để thâu thập kiến thức sẽ là một nguồn phấn khích đối với họ. Còn với những người không có óc cầu tiến và cảm thấy họ đã học hết những gì cần học, đó sẽ là một thảm họa đáng sợ. Họ sẽ không biết làm gì cho hết thời gian”.Sự sống vĩnh cửu nhàm chán hay thú vị tùy thuộc nhiều ở thái độ của bạn. Nếu “có óc tìm tòi và luôn muốn học hỏi”, hãy tưởng tượng bạn sẽ tiến xa đến đâu trong lãnh vực hội họa, âm nhạc, kiến trúc, nghệ thuật chăm sóc cây cảnh hay bất kỳ mục tiêu có ý nghĩa nào bạn muốn theo đuổi. Sự trường sinh sẽ là cơ hội tuyệt vời để bạn phát triển tiềm năng trong nhiều lãnh vực.
Được yêu thương và bày tỏ tình yêu thương mãi mãi cũng mang lại sự mãn nguyện trong đời sống vĩnh cửu. Chúng ta được tạo ra với khả năng bày tỏ tình yêu thương và khi được yêu, chúng ta hạnh phúc và phấn khích. Sống trong tình yêu thương chân thật, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự mãn nguyện sâu sắc, không phai nhòa theo thời gian. Sự trường sinh sẽ cho chúng ta cơ hội vô tận để xây đắp tình yêu thương với đồng loại, và đặc biệt là với Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô nói: “Nếu có một người yêu-mến Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời biết người đó”. (1 Cô-rinh-tô 8:3) Thật là một triển vọng tuyệt diệu—được biết Đấng Tối Thượng hoàn vũ và được Ngài biết đến! Hơn nữa, chúng ta sẽ không bao giờ có thể học hết về Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương. Vậy, lẽ nào có thể nói sống mãi mãi là nhàm chán và buồn tẻ?
Sự sống—Ngắn ngủi nên quý giá?
Một số người cho rằng chính vì đời sống ngắn ngủi nên mới quý giá. Họ ví sự sống giống như vàng, vốn hiếm hoi. Nếu đâu cũng có vàng thì chắc giá trị của nó sẽ giảm. Nhưng dù như vậy đi nữa, vàng vẫn đẹp. Sự sống chắc chắn cũng vậy.
Chúng ta có thể ví việc vui hưởng sự sống vĩnh cửu như việc được tự do hít thở không khí. Các thủy thủ trên một chiếc tàu ngầm bị hỏng chắc chắn sẽ thấy không khí vô cùng quý giá. Sau khi họ được cứu lên khỏi mặt nước, bạn có nghĩ là họ sẽ than phiền vì lại
được tự do hít thở không khí không? Chắc chắn không!Giống như các thủy thủ đó, chúng ta cũng có thể được cứu nhưng với triển vọng còn tuyệt vời hơn nhiều, đó là để sống mãi mãi. Sứ đồ Phao-lô viết: “Tiền công của tội-lỗi là sự chết; nhưng sự ban-cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus-Christ, Chúa chúng ta”. (Rô-ma 6:23) Qua giá chuộc của Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời sẽ xóa bỏ sự bất toàn và sự chết, đồng thời ban cho những người biết vâng lời sự sống vĩnh cửu. Sự sắp đặt đầy yêu thương ấy đáng cho chúng ta cảm kích biết bao!
Những người thân yêu của bạn thì sao?
Một số người có lẽ nghĩ: ‘Còn những người thân yêu của tôi thì sao? Nếu sống mà không có họ thì sống vĩnh cửu để làm gì?’ Có lẽ bạn đã tiếp thu sự hiểu biết trong Kinh Thánh và biết về hy vọng sống đời đời trong địa đàng ngay trên đất này. (Lu-ca 23:43; Giăng 3:16; 17:3) Dĩ nhiên là bạn muốn những người thân yêu, bà con và bạn bè thân thiết được cùng bạn ở đó để hưởng những niềm vui trong thế giới mới công bình mà Đức Chúa Trời đã hứa.—2 Phi-e-rơ 3:13.
Nhưng nếu bạn bè và người thân của bạn không quan tâm đến sự sống vĩnh cửu trong địa đàng thì sao? Đừng nản chí. Hãy tiếp tục tiếp thu sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh và sống phù hợp với những điều đó. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hỡi kẻ làm vợ kia, biết đâu ngươi sẽ cứu được chồng mình? Hỡi kẻ làm chồng kia, biết đâu ngươi sẽ cứu được vợ mình?” (1 Cô-rinh-tô 7:16) Người ta có thể thay đổi. Chẳng hạn, một ông từng chống đối đạo Đấng Christ đã thay đổi và về sau trở thành một trưởng lão trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. Ông ấy nói: “Tôi rất biết ơn gia đình thân yêu của tôi vì họ đã trung thành sống theo các nguyên tắc Kinh Thánh trong suốt thời gian bị tôi chống đối”.
Đức Chúa Trời rất quan tâm đến sự sống của bạn và những người thân bạn. Thật vậy, “Ngài... không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”. (2 Phi-e-rơ 3:9) Giê-hô-va Đức Chúa Trời muốn bạn và những người thân yêu của bạn sống mãi mãi. Tình yêu của Ngài đối với bạn lớn lao hơn của bất kỳ người bất toàn nào. (Ê-sai 49:15) Vậy tại sao không vun đắp mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời? Sau đó biết đâu bạn sẽ có thể giúp người thân yêu làm thế. Dù bây giờ họ chưa có cùng hy vọng như bạn về sự sống vĩnh cửu, nhưng khi thấy bạn sống phù hợp với sự hiểu biết chính xác trong Kinh Thánh, có thể thái độ của họ sẽ thay đổi.
Nói gì về những người thân yêu quá cố của bạn? Kinh Thánh cho biết hàng triệu người đã chết có hy vọng tuyệt vời là được sống lại—được thức dậy trong Địa Đàng. Chúa Giê-su Christ hứa: “Giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả... ra khỏi”. (Giăng 5:28, 29) Ngay cả những người đã chết khi chưa biết về Đức Chúa Trời cũng sẽ được sống lại, vì Kinh Thánh nói: “Sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình”. (Công-vụ 24:15) Sẽ vui mừng biết bao khi chào đón những người ấy sống lại!
Sự sống vĩnh cửu—Một triển vọng tràn đầy vui mừng
Nếu trong thế giới đầy bất trắc ngày nay bạn còn tìm được hạnh phúc và sự mãn nguyện, thì chắc chắn bạn sẽ thích thú sự sống vĩnh cửu trong địa đàng. Thế nhưng khi một Nhân Chứng Giê-hô-va trình bày những ân phước của đời sống vĩnh cửu, một phụ nữ nói: “Tôi không muốn sống mãi đâu. Sống đến 70 hay 80 tuổi là quá đủ rồi”. Một trưởng lão đạo Đấng Christ có mặt lúc đó hỏi bà: “Bà có bao giờ nghĩ đến khi bà chết, con cái sẽ cảm thấy thế nào
không?” Nước mắt lăn dài trên má khi bà nghĩ đến nỗi đau của các con lúc bà qua đời. Bà nhìn nhận: “Lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra mình thật ích kỷ. Giờ đây tôi hiểu sự sống vĩnh cửu không phải là một hy vọng ích kỷ, chỉ sống cho riêng mình, mà là sống vì người khác nữa”.Một số người nghĩ họ sống hay chết cũng chẳng ai quan tâm. Nhưng Đấng Ban Sự Sống có quan tâm. Ngài nói: “Ta hằng sống, ta chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui, nhưng vui về nó xây-bỏ đường-lối mình và được sống”. (Ê-xê-chi-ên 33:11) Vì Đức Chúa Trời quan tâm đến cả mạng sống của kẻ ác, chắc chắn Ngài quan tâm sâu xa đến những người yêu mến Ngài.
Vua Đa-vít của nước Y-sơ-ra-ên xưa luôn tin tưởng nơi sự chăm sóc đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va. Ông từng nói: “Khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp-nhận tôi”. (Thi-thiên 27:10) Đa-vít hẳn tin tưởng vào tình yêu thương của cha mẹ mình. Nhưng ngay cả nếu cha mẹ, tức những người thân thiết nhất, có lìa bỏ ông thì ông biết rằng Đức Chúa Trời vẫn không bao giờ từ bỏ ông. Chính vì yêu thương và quan tâm đến chúng ta mà Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta triển vọng sống vĩnh cửu và tình bạn bất diệt với Ngài. (Gia-cơ 2:23) Lẽ nào chúng ta không cảm kích đón nhận sự ban cho tuyệt vời đó?
[Hình nơi trang 7]
Tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người lân cận sẽ khiến đời sống vĩnh cửu thật đáng quý