“Trại người ngay-thẳng sẽ được hưng-thạnh”
“Trại người ngay-thẳng sẽ được hưng-thạnh”
KHI trận chiến Ha-ma-ghê-đôn bùng nổ để chấm dứt hệ thống ác của Sa-tan, “nhà kẻ gian-ác sẽ bị đánh-đổ”. Còn “trại người ngay-thẳng” thì sao? Ngược lại với nhà kẻ gian ác, trong thế giới mới do Đức Chúa Trời thiết lập, trại của người ngay thẳng sẽ “hưng-thạnh”.—Châm-ngôn 14:11.
Hiện nay người ngay thẳng phải sống giữa những kẻ ác cho đến khi ‘kẻ gian-ác bị truất khỏi đất, và kẻ bất-trung bị nhổ rứt khỏi đó’. (Châm-ngôn 2:21, 22) Người ngay thẳng có thể hưng thạnh trong môi trường như thế không? Câu 1 đến 11 của sách Châm ngôn chương 14 trong Kinh Thánh cho thấy là nếu chúng ta để sự khôn ngoan hướng dẫn lời nói và hành động, thì ngay trong hiện tại chúng ta có thể đươc hưng thạnh và yên ổn trong một mức độ nào đó.
Khi sự khôn ngoan xây dựng gia đình
Bàn về ảnh hưởng của người vợ đối với sự an lạc của gia đình, vua Y-sơ-ra-ên xưa là Sa-lô-môn nói: “Người nữ khôn-ngoan xây-cất [“xây dựng”, “Tòa Tổng Giám Mục”] nhà mình; song kẻ ngu-dại lấy tay mình mà phá-hủy nó đi”. (Châm-ngôn 14:1) Làm thế nào một người đàn bà khôn ngoan xây dựng nhà nàng? Người đàn bà khôn ngoan tôn trọng sự sắp đặt của Đức Chúa Trời về quyền làm đầu. (1 Cô-rinh-tô 11:3) Nàng sẽ không để tinh thần độc lập đang lan tràn trong thế gian của Sa-tan ảnh hưởng mình. (Ê-phê-sô 2:2) Nàng sẽ phục tùng và nói tốt về chồng, khiến chồng được người khác tôn trọng thêm. Người đàn bà khôn ngoan tích cực góp phần trong việc dạy dỗ con cái những điều thiêng liêng và những điều mang lại lợi ích thực tiễn. Nàng siêng năng làm việc vì lợi ích của gia đình mình, làm cho gia đình thành một tổ ấm an vui và thoải mái. Nàng quán xuyến gia đình một cách chu đáo và cần kiệm. Một người đàn bà thật sự khôn ngoan góp phần vào sự ấm no và bền vững của gia đình.
Người đàn bà ngu dại thiếu tôn trọng quyền làm đầu mà Đức Chúa Trời sắp đặt. Nàng không ngại nói xấu chồng. Không có tính tiết kiệm, nàng phung phí tiền bạc mà gia đình vất vả mới kiếm được. Nàng cũng lãng phí thì giờ. Hậu quả là nhà cửa không được sạch sẽ ngăn nắp và con cái bị đau ốm về thể chất lẫn thiêng liêng. Đúng vậy, người ngu dại phá hủy nhà mình.
Nhưng điều gì giúp xác định một người là khôn ngoan hay ngu dại? Châm-ngôn 14:2 ghi: “Ai đi theo sự ngay-thẳng kính-sợ Đức Giê-hô-va; còn ai ăn-ở tà-vạy khinh-bỉ Ngài”. Người ngay thẳng kính sợ Đức Chúa Trời thật, và “sự kính-sợ Đức Giê-hô-va là khởi-đầu sự khôn-ngoan”. (Thi-thiên 111:10) Một người thật sự khôn ngoan biết phận sự của mình là “kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài”. (Truyền-đạo 12:13) Trong khi đó người ngu dại có một lối sống không hòa hợp với tiêu chuẩn ngay thẳng của Đức Chúa Trời. Đường lối của người đó cong vẹo. Một người như thế khinh bỉ Đức Chúa Trời và nói trong lòng rằng “chẳng có Đức Chúa Trời”.—Thi-thiên 14:1.
Khi lời nói được sự khôn ngoan hướng dẫn
Có thể nói gì về lời nói của một người kính sợ Đức Giê-hô-va và lời nói của người khinh bỉ Ngài? Vị vua nói tiếp: “Trong miệng kẻ ngu-dại có cây roi đánh phạt sự kiêu-ngạo nó; song môi người khôn-ngoan giữ lấy người”. (Châm-ngôn 14:3) Thiếu sự khôn ngoan từ trên, người ngu dại sẽ không hiếu hòa cũng như không phải lẽ. Người đó chỉ có sự khôn ngoan thuộc về đất, xác thịt, ma-quỉ. Những lời của người đó trịch thượng và gây tranh cạnh. Môi miệng kiêu ngạo của người gây ra phiền muộn cho chính mình và những người khác.—Gia-cơ 3:13-18.
Miệng của người khôn ngoan gìn giữ hoặc che chở người ấy đồng thời đem lại mãn nguyện và hạnh phúc. Như thế nào? Kinh Thánh ghi: “Lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm; nhưng lưỡi người khôn-ngoan vốn là thuốc hay”. (Châm-ngôn 12:18) Người khôn ngoan sẽ không nói năng hấp tấp thiếu suy nghĩ hoặc châm chích người khác. Lòng người suy nghĩ lời phải đáp. (Châm-ngôn 15:28) Những lời nói suy xét cẩn thận của người có tác dụng như liều thuốc hiệu nghiệm—lời đó khích lệ những người ngã lòng và nâng đỡ những người bị ức hiếp. Thay vì chọc tức, người nói những lời mưu cầu bình an và làm lắng dịu tâm hồn.
Khi sự khôn ngoan hướng dẫn những nỗ lực của con người
Kế đến Vua Sa-lô-môn nêu ra một câu châm ngôn đáng chú ý liên quan đến việc cần phải cân nhắc điều lợi và điều bất lợi trước khi làm một việc nào đó. Vua nói: “Đâu không có bò, đó máng cỏ trống-không; nhưng nhiều hoa-lợi do nơi sức bò đực mà ra”.—Châm-ngôn 14:4.
Bình luận về ý nghĩa câu châm ngôn này, một sách tham khảo ghi: “Một máng cỏ trống cho thấy là không cần phải cho bò ăn, không cần dọn sạch hay chăm sóc chúng, nên ít chi phí. Nhưng ‘điều bất lợi’ được ghi nơi phần sau của câu bốn: Không dùng đến bò thì mùa màng không thu hoạch được nhiều”. Vì vậy người nông dân cần lựa chọn một cách khôn ngoan.
Chẳng phải nguyên tắc nơi câu châm ngôn này cũng áp dụng khi một người có ý thay đổi việc làm, chọn loại nhà ở, mua xe, dự tính mua một con thú nuôi, hay những điều tương tự sao? Người khôn ngoan sẽ cân nhắc những điều lợi và hại để xem những việc đó có đáng tốn kém công sức và tiền bạc không.
Khi một người làm chứng khôn ngoan
Sa-lô-môn nói tiếp: “Người chứng trung-thành không hề nói dối; còn kẻ làm chứng gian buông lời dối-trá”. (Châm-ngôn 14:5) Lời cáo buộc của người chứng gian quả gây nhiều tai hại. Na-bốt, người Gít-rê-ên bị ném đá chết vì hai tên gian phạm làm chứng dối về ông. (1 Các Vua 21:7-13) Chẳng phải những người làm chứng dối về Chúa Giê-su đã gây ra cái chết của ngài sao? (Ma-thi-ơ 26:59-61) Những người gian dối cũng đã làm chứng nghịch cùng Ê-tiên—môn đồ đầu tiên của Chúa Giê-su tử vì đạo.—Công-vụ 6:10, 11.
Một người dối trá có thể tạm thời không bị vạch mặt, nhưng hãy xem tương lai của người đó. Kinh Thánh cho biết là Đức Giê-hô-va ghét “kẻ làm chứng gian và nói điều dối”. (Châm-ngôn 6:16-19) Phần của người đó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng—đó là sự chết thứ hai—chung với những phạm nhân khác như kẻ giết người, kẻ dâm loạn, và kẻ thờ thần tượng.—Khải-huyền 21:8.
Khi ra làm chứng, người chứng thành thật sẽ không khai man. Lời người làm chứng không nhiễm dối trá. Nhưng điều đó không có nghĩa là người buộc phải nói hết mọi chi tiết với những ai muốn làm hại dân sự của Đức Giê-hô-va. Tộc trưởng Áp-ra-ham và Y-sác đã giữ kín một số chi tiết đối với một vài người không thờ Đức Giê-hô-va. (Sáng-thế Ký 12:10-19; 20:1-18; 26:1-10) Ra-háp ở thành Giê-ri-cô đã đánh lạc hướng những người vua sai đến. (Giô-suê 2:1-7) Chúa Giê-su cũng tránh tiết lộ hết mọi tin tức có thể gây thiệt hại không cần thiết. (Giăng 7:1-10) Ngài nói: “Đừng cho chó những đồ thánh, và đừng quăng hột trai mình trước mặt heo”. Vì sao? “Kẻo nó... quay lại cắn-xé các ngươi”.—Ma-thi-ơ 7:6.
Khi “tri-thức lấy làm dễ”
Phải chăng mọi người đều có sự khôn ngoan? Châm-ngôn 14:6 ghi: “Kẻ nhạo-báng tìm khôn-ngoan, mà không gặp; song sự tri-thức lấy làm dễ cho người thông-sáng”. Kẻ nhạo báng hay kẻ chế giễu có thể muốn tìm sự khôn ngoan thật nhưng không tìm được. Vì kẻ nhạo báng ngạo mạn chế giễu những điều thuộc về Đức Chúa Trời, kẻ đó không đạt được những điều tiên quyết để có được sự khôn ngoan—tri thức chính xác về Đức Chúa Trời thật. Thái độ tự phụ, hống hách ngăn cản người đó học biết về Đức Chúa Trời và đạt được sự khôn ngoan. (Châm-ngôn 11:2) Vậy sao người đó chịu bỏ công đi tìm sự khôn ngoan? Câu châm ngôn không cho biết, có lẽ người đó cố gây ấn tượng để người khác nghĩ mình là người khôn ngoan.
“Tri-thức lấy làm dễ” cho người thông sáng, hay người hiểu biết. Sự hiểu biết được định nghĩa là “khả năng hấp thụ của trí óc: lĩnh hội”, “khả năng nhận thức mối tương quan giữa tổng thể và từng phần của sự việc”. Đó là khả năng liên kết các khía cạnh khác nhau của một vấn đề và thấy được toàn thể sự việc, chứ không phải từng phần riêng lẽ. Câu châm ngôn này muốn nói rằng tri thức là điều dễ đạt được đối với những ai có khả năng này.
Về phương diện này, hãy nghĩ đến kinh nghiệm cá nhân của bạn để đạt được những tri thức hay hiểu biết các lẽ thật trong Kinh Thánh. Khi bạn bắt đầu học Kinh Thánh, thường thì những dạy dỗ căn bản về Đức Chúa Trời, lời hứa của Ngài và về con Ngài là những điều đầu tiên mà bạn học được. Thời gian đầu, những điều đó là chi tiết rời rạc. Nhưng khi tiếp tục học, các chi tiết bắt đầu ăn khớp với nhau, và bạn có thể thấy rõ làm thế nào những chi tiết khác nhau đó liên quan đến toàn bộ ý định của Đức Giê-hô-va đối với nhân loại và trái đất. Lẽ thật của Kinh Thánh trở nên hợp lý
và liên hệ chặt chẽ với nhau. Lúc ấy học và nhớ những chi tiết mới trở nên dễ hơn vì bạn có thể thấy chúng nằm nơi đâu trong toàn bộ bức hình.Vị vua khôn ngoan cho biết nơi đâu không có sự tri thức: “Hãy dan xa khỏi mặt kẻ ngu-muội, con sẽ chẳng tìm được môi khôn-ngoan [“tri thức”, “NW”] nơi nó”. (Châm-ngôn 14:7) Người ngu muội thiếu tri thức thật. Miệng người đó không nói lời tri thức. Chúng ta được khuyên là không nên đến gần, nhưng cần phải khôn ngoan lánh xa người đó. Ai “làm bạn với bọn điên-dại [“kẻ dại”, TTGM] sẽ bị tàn-hại”.—Châm-ngôn 13:20.
Kế đến Sa-lô-môn nói: “Sự trí-huệ của người khôn-khéo, ấy là hiểu rõ đường-lối mình; nhưng sự điên-cuồng của kẻ ngu-muội là sự phỉnh-gạt”. (Châm-ngôn 14:8) Một người khôn ngoan sẽ suy xét các hành động của mình. Người đó xem xét các sự lựa chọn khác nhau và cẩn thận cân nhắc những kết cuộc có thể xảy ra. Người đó chọn đường lối mình một cách khôn ngoan. Còn kẻ ngu muội thì sao? Kẻ đó chọn đường lối một cách dại dột nhưng lại tưởng rằng mình khôn và lựa chọn đúng nhất. Kẻ đó bị sự dại dột của mình phỉnh gạt.
Khi sự khôn ngoan hướng dẫn các mối quan hệ
Người được sự khôn ngoan hướng dẫn là người có mối quan hệ hòa thuận với người khác. Vua Y-sơ-ra-ên nêu ra nhận xét: “Kẻ ngu-dại bỉ-báng tội-lỗi; nhưng người ngay-thẳng có được ơn của Đức Chúa Trời”. (Châm-ngôn 14:9) Mặc cảm tội lỗi hoặc hối hận là điều nực cười đối với người ngu dại. Người đó phá hỏng sợi dây quan hệ trong và ngoài gia đình vì người “quá kiêu căng để nhận lỗi” và làm hòa. (The New English Bible) Người ngay thẳng sẵn sàng bỏ qua những thiếu sót của người khác. Người ấy không ngại xin lỗi và sửa đổi khi thấy mình sai trái. Vì tìm cầu hòa thuận, người đó có được mối giao hảo vững bền với người khác.—Hê-bơ-rơ 12:14.
Kế đến Sa-lô-môn nói về một yếu tố giới hạn trong mối quan hệ của con người. Ông nói: “Lòng nhìn-biết sự cay-đắng của lòng; một người ngoại không chia vui với nó được”. (Châm-ngôn 14:10) Chúng ta có thể nào luôn luôn bày tỏ được hết những cảm xúc sâu kín—dù vui hay buồn—với người khác và chia sẻ một cách tường tận những gì mình trải qua không? Và có ai luôn thấu hiểu được cảm xúc của người khác? Câu trả lời là không!
Thí dụ như trường hợp của một người có ý muốn tự tử. Thường thì người đó không thể nói rõ hết cảm nghĩ này của mình với một người trong gia đình hay với một người bạn. Những người khác thì không luôn luôn nhận ra các dấu hiệu của những cảm giác như thế nơi người đó. Chúng ta không nên tự trách khi không thấy những dấu hiệu đó và vì vậy mà không làm gì để giúp đỡ. Câu châm ngôn cũng dạy chúng ta rằng dù được an ủi khi đến với bạn bè biết cảm thông để được nâng đỡ về mặt cảm xúc, nhưng con người lại bị giới hạn về mức độ mà họ có thể an ủi. Có thể chúng ta phải nương cậy nơi một mình Đức Giê-hô-va khi phải chịu đựng một số khó khăn.
“Của-cải và sự giàu-có đều ở trong nhà người”
“Nhà kẻ gian-ác sẽ bị đánh-đổ”, vua Y-sơ-ra-ên nói, “song trại người ngay-thẳng sẽ được hưng-thạnh”. (Châm-ngôn 14:11) Một người gian ác có thể hưng thạnh trong hệ thống này và có thể ở trong nhà lộng lẫy, nhưng người đó được lợi ích gì nếu chết đi? (Thi-thiên 37:10) Ngược lại, nhà của người ngay thẳng tuy đơn sơ, nhưng như lời nơi Thi-thiên 112:3: “Của-cải và giàu-có đều ở trong nhà người”. Những của cải nào?
Khi lời nói và hành động của chúng ta được sự khôn ngoan hướng dẫn thì chúng ta được “giàu-có, sự tôn-trọng” là những điều đi kèm với sự khôn ngoan. (Châm-ngôn 8:18) Điều đó cũng bao gồm có được mối quan hệ hòa thuận với Đức Chúa Trời và người lân cận, có cảm giác khỏe khoắn, hạnh phúc và an ổn trong một mức độ nào đó. Thật vậy, “trại người ngay-thẳng” có thể hưng thạnh ngay cả trong hiện tại.
[Hình nơi trang 27]
Người nữ khôn ngoan xây dựng nhà mình
[Hình nơi trang 28]
“Lưỡi người khôn-ngoan vốn là thuốc hay”