Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va là Đấng Tiếp Trợ chúng ta

Đức Giê-hô-va là Đấng Tiếp Trợ chúng ta

Đức Giê-hô-va là Đấng Tiếp Trợ chúng ta

“Sự tiếp-trợ tôi đến từ Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên trời và đất”.​—Thi-thiên 121:2.

1, 2. (a) Tại sao có thể nói rằng tất cả chúng ta đều có những lúc cần giúp đỡ? (b) Đức Giê-hô-va là Nguồn Giúp Đỡ như thế nào?

CÓ AI trong vòng chúng ta không bao giờ cần sự giúp đỡ? Sự thật là tất cả chúng ta đều có những lúc cần sự giúp đỡ: đối phó với vấn đề nghiêm trọng, chịu đựng gian khổ hay một sự mất mát đau đớn. Khi cần giúp đỡ, người ta thường tìm đến một người bạn tốt. Chia sẻ gánh nặng với người bạn như thế có thể giúp sức để chịu đựng. Nhưng người đồng loại chỉ có thể giúp đến một mức nào đó thôi. Vả lại, đôi khi người khác không có khả năng đáp ứng khi bạn cần.

2 Tuy nhiên, có một Nguồn Giúp Đỡ vô tận với quyền năng vô hạn. Ngoài ra Đấng đó còn bảo đảm sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Đó là Đấng mà người viết Thi-thiên nêu danh và tuyên bố cách quả quyết: “Sự tiếp-trợ tôi đến từ Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 121:2) Tại sao người viết Thi-thiên này tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ giúp ông? Để biết câu trả lời, chúng ta hãy xem xét bài Thi-thiên 121. Chúng ta sẽ hiểu tại sao mình cũng có thể tin chắc vào sự tiếp trợ của Đức Giê-hô-va.

Một nguồn giúp đỡ chắc chắn

3. Người viết Thi-thiên có lẽ đã ngước mắt nhìn dãy núi nào, và tại sao?

3 Người viết Thi-thiên mở đầu bằng cách nêu ra sự kiện vì Đức Giê-hô-va tạo ra muôn vật nên chúng ta có lý do để tin chắc: “Tôi ngước mắt lên trên núi: Sự tiếp-trợ tôi đến từ đâu? Sự tiếp-trợ tôi đến từ Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên trời và đất”. (Thi-thiên 121:1, 2) Người viết Thi-thiên ngước mắt lên không phải chỉ để nhìn bất cứ núi nào. Khi ông viết những lời này, đền thờ Đức Giê-hô-va tọa lạc tại Giê-ru-sa-lem. Thành đó, nằm cao trên dãy núi ở xứ Giu-đa, là nơi Đức Giê-hô-va ngự theo nghĩa bóng. (Thi-thiên 135:21) Người viết Thi-thiên có lẽ đã ngước mắt nhìn dãy núi ở Giê-ru-sa-lem, nơi có đền thờ Đức Giê-hô-va, và trông cậy nơi sự tiếp trợ của Đức Giê-hô-va. Tại sao ông chắc chắn Ngài giúp được ông? Vì Ngài là “Đấng đã dựng nên trời và đất”. Như thể ông nói: ‘Chắc chắn không gì có thể cản trở Đấng Tạo Hóa toàn năng trợ giúp tôi!’—Ê-sai 40:26.

4. Người viết Thi-thiên cho thấy Đức Giê-hô-va luôn luôn để ý đến nhu cầu của dân Ngài như thế nào, tại sao đó là điều đầy khích lệ?

4 Kế đến, người viết Thi-thiên giải thích rằng Đức Giê-hô-va luôn luôn để ý đến nhu cầu của tôi tớ Ngài: “Ngài không để cho chân ngươi xiêu-tó; Đấng gìn-giữ ngươi không hề buồn ngủ. Đấng gìn-giữ Y-sơ-ra-ên không hề nhắp mắt, cũng không buồn ngủ”. (Thi-thiên 121:3, 4) Không bao giờ Đức Chúa Trời để cho những người tin cậy Ngài “xiêu tó” hoặc bị ngã mà không đứng lên được. (Châm-ngôn 24:16) Tại sao không? Vì Đức Giê-hô-va giống như người chăn rất tỉnh táo canh chừng bầy chiên mình. Chẳng phải đó là điều đầy khích lệ sao? Không lúc nào Ngài sẽ nhắm mắt làm ngơ trước nhu cầu của dân Ngài. Ngày đêm, họ được Ngài cảnh giác trông chừng.

5. Tại sao lời Thi-thiên nói Đức Giê-hô-va ở “bên hữu”?

5 Tin chắc rằng Đức Giê-hô-va là Đấng thành tín bảo vệ dân Ngài, người viết Thi-thiên ghi: “Đức Giê-hô-va là Đấng gìn-giữ ngươi; Đức Giê-hô-va là bóng che ở bên hữu ngươi. Mặt trời sẽ không giọi ngươi lúc ban ngày, mặt trăng cũng không hại ngươi trong ban đêm”. (Thi-thiên 121:5, 6) Dưới ánh nắng nóng rực ở Trung Đông, khách bộ hành rất cần những bóng mát. Đức Giê-hô-va giống như bóng che chở dân Ngài, bảo vệ họ khỏi tai họa được ví như sức nóng cháy da. Hãy lưu ý lời Thi-thiên đó nói rằng Đức Giê-hô-va “ở bên hữu”. Trong chiến trận thời xưa, tay mặt của người lính không được che chở như tay trái là tay cầm khiên. Một người bạn trung thành có thể giúp bảo vệ bằng cách đứng và chiến đấu ở bên hữu người lính đó. Giống người bạn như thế, Đức Giê-hô-va trung thành đứng cạnh những người thờ phượng Ngài, luôn sẵn sàng giúp họ.

6, 7. (a) Bằng cách nào người viết Thi-thiên bảo đảm với chúng ta Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ ngưng giúp đỡ dân Ngài? (b) Tại sao chúng ta có thể tin chắc như người viết Thi-thiên?

6 Có khi nào Đức Giê-hô-va sẽ ngưng giúp đỡ dân Ngài không? Không khi nào. Người viết Thi-thiên kết luận: “Đức Giê-hô-va sẽ gìn-giữ ngươi khỏi mọi tai-họa; Ngài sẽ gìn-giữ linh-hồn ngươi. Đức Giê-hô-va sẽ gìn-giữ ngươi khi ra khi vào, từ nay cho đến đời đời”. (Thi-thiên 121:7, 8) Hãy lưu ý rằng người viết chuyển từ thời hiện tại sang tương lai. Trước đó, câu 5 nói: “Đức Giê-hô-va Đấng gìn-giữ ngươi”. Nhưng trong những câu này, người viết Thi-thiên ghi: “Đức Giê-hô-va sẽ gìn-giữ ngươi”. Vì thế những người thờ phượng thật được bảo đảm rằng sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục kéo dài đến tương lai. Dù đi đâu, phải đương đầu với tai họa nào, họ sẽ không bao giờ ở ngoài tầm tay trợ giúp của Ngài.—Châm-ngôn 12:21; chúng tôi viết nghiêng trong đoạn này.

7 Quả thật, người viết Thi-thiên 121 tin chắc rằng Đấng Tạo Hóa toàn năng trông nom các tôi tớ Ngài với sự dịu dàng của người chăn chiên chu đáo, và với sự thận trọng của người lính canh luôn cảnh giác đề phòng. Chúng ta có mọi lý do để tin tưởng như người viết Thi-thiên này, vì Đức Giê-hô-va không thay đổi. (Ma-la-chi 3:6) Phải chăng điều này có nghĩa là chúng ta sẽ luôn được bảo vệ về thể chất? Không, nhưng hễ chúng ta trông cậy vào sự trợ giúp của Ngài thì sẽ được Ngài che chở khỏi mọi sự có thể gây nguy hại cho chúng ta về thiêng liêng. Câu hỏi tất nhiên là: ‘Đức Giê-hô-va trợ giúp chúng ta như thế nào?’ Hãy xem xét bốn cách Ngài giúp chúng ta. Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận cách Ngài trợ giúp các tôi tớ Ngài vào thời Kinh Thánh. Bài tới, chúng ta sẽ xem xét cách Ngài giúp dân Ngài ngày nay.

Sự giúp đỡ từ thiên sứ

8. Tại sao không có gì lạ khi thiên sứ hết sức chú ý đến sự an lạc của các tôi tớ trên đất của Đức Chúa Trời?

8 Đức Giê-hô-va chỉ huy hàng triệu thiên sứ. (Đa-ni-ên 7:9, 10) Các con thần linh này trung thành thi hành ý muốn Ngài. (Thi-thiên 103:20) Họ biết rõ Đức Giê-hô-va rất yêu thương những người thờ phượng Ngài và Ngài muốn giúp họ. Vì thế không có gì lạ khi các thiên sứ hết sức chú ý đến sự an lạc của các tôi tớ trên đất của Đức Chúa Trời. (Lu-ca 15:10) Vậy chắc chắn là các thiên sứ hẳn vui mừng được Đức Giê-hô-va dùng để trợ giúp loài người. Đức Giê-hô-va dùng thiên sứ qua những cách nào để trợ giúp các tôi tớ trên đất của Ngài vào thời xưa?

9. Hãy đưa ra thí dụ cho thấy thiên sứ được Đức Chúa Trời ban quyền năng như thế nào để bảo vệ những người trung thành.

9 Thiên sứ được Đức Chúa Trời ban quyền năng để bảo vệ và giải cứu những người trung thành. Hai thiên sứ đã giúp Lót và hai con gái ông thoát khỏi sự hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. (Sáng-thế Ký 19:1, 15-17) Khi quân A-si-ri đe dọa thành Giê-ru-sa-lem, chỉ một thiên sứ đã giết 185.000 quân lính đó. (2 Các Vua 19:35) Khi Đa-ni-ên bị quăng vào hang sư tử, Đức Giê-hô-va “sai thiên-sứ Ngài, và bịt miệng các sư-tử”. (Đa-ni-ên 6:21, 22) Thiên sứ đã giải cứu Phi-e-rơ ra khỏi tù. (Công-vụ 12:6-11) Kinh Thánh nói đến nhiều trường hợp khác về sự bảo vệ của thiên sứ, xác nhận lời ghi nơi Thi-thiên 34:7: “Thiên-sứ Đức Giê-hô-va đóng lại chung-quanh những kẻ kính-sợ Ngài, và giải-cứu họ”.

10. Đức Giê-hô-va dùng thiên sứ như thế nào để khích lệ nhà tiên tri Đa-ni-ên?

10 Đôi khi Đức Giê-hô-va dùng thiên sứ để khích lệ và làm vững chí những người trung thành. Một trường hợp rất cảm động được ghi lại nơi chương 10 của sách Đa-ni-ên. Lúc bấy giờ, Đa-ni-ên có lẽ gần 100 tuổi. Nhà tiên tri rất nản lòng có lẽ vì tình trạng hoang tàn của Giê-ru-sa-lem và sự đình trệ trong việc tái thiết đền thờ. Ông cũng bối rối sau khi thấy sự hiện thấy kinh hoàng. (Đa-ni-ên 10:2, 3, 8) Đức Chúa Trời ân cần phái một thiên sứ đến để khích lệ ông. Hơn một lần, vị thiên sứ nhắc Đa-ni-ên rằng ông là “người rất được yêu-quí” trước mắt Đức Chúa Trời. Kết quả ra sao? Nhà tiên tri cao niên bảo vị thiên sứ: “Chúa đã khiến tôi nên mạnh”.—Đa-ni-ên 10:11, 19.

11. Hãy kể lại một trường hợp cho thấy cách thiên sứ đã được dùng để hướng dẫn công việc rao giảng tin mừng.

11 Đức Giê-hô-va cũng dùng thiên sứ để hướng dẫn công việc rao giảng tin mừng. Một thiên sứ đã hướng dẫn Phi-líp đến giảng về Đấng Christ cho một hoạn quan người Ê-thi-ô-bi, sau đó ông quan này đã làm báp têm. (Công-vụ 8:26, 27, 36, 38) Ít lâu sau, đúng theo ý Đức Chúa Trời, tin mừng được rao giảng cho Dân Ngoại chưa cắt bì. Trong một sự hiện thấy, một thiên sứ hiện đến với Cọt-nây, một người dân ngoại biết kính sợ Đức Chúa Trời, và bảo ông hãy mời sứ đồ Phi-e-rơ đến. Khi gặp Phi-e-rơ, sứ giả của Cọt-nây nói: “Cọt-nây... đã bởi một vị thiên-sứ thánh mà chịu mạng-lịnh từ nơi cao rằng phải mời ông về nhà và nghe lời ông”. Phi-e-rơ đáp ứng, và vì thế những người đầu tiên thuộc dân ngoại chưa cắt bì đã gia nhập hội thánh tín đồ Đấng Christ. (Công-vụ 10:22, 44-48) Hãy tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy thế nào khi biết rằng thiên sứ đã giúp bạn tiếp xúc với một người có lòng hướng thiện!

Sự giúp đỡ qua thánh linh

12, 13. (a) Tại sao các sứ đồ của Chúa Giê-su có lý do vững chắc để tin rằng thánh linh giúp họ được? (b) Thánh linh ban quyền sức cho tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất như thế nào?

12 Ít lâu trước khi chết, Chúa Giê-su trấn an các sứ đồ rằng họ sẽ không bị bỏ quên mà không có sự giúp đỡ. Cha sẽ ban cho họ một “Đấng Yên-ủi [“nguồn giúp đỡ”, NW], tức là Đức Thánh-Linh”. (Giăng 14:26) Các sứ đồ có lý do vững chắc để tin rằng thánh linh giúp họ được. Nói cho cùng, Kinh Thánh thuật lại rất nhiều trường hợp cho thấy cách Đức Giê-hô-va dùng thánh linh, nguồn lực mạnh nhất, để trợ giúp dân Ngài.

13 Trong nhiều trường hợp, thánh linh được dùng để ban quyền sức cho con người đặng thực hiện ý muốn Đức Giê-hô-va. Thánh linh hay “thần” ban quyền sức cho các Quan Xét để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên. (Các Quan Xét 3:9, 10; 6:34) Thánh linh đó cũng đã ban quyền sức cho tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất để họ tiếp tục rao giảng với lòng dạn dĩ bất kể mọi sự chống đối. (Công-vụ 1:8; 4:31) Sự thành công của họ trong việc thi hành thánh chức là bằng chứng hùng hồn cho thấy hoạt động của thánh linh. Nếu không thì làm sao những người “dốt-nát không học” đó lại có khả năng truyền bá thông điệp về Nước Trời khắp thế gian thời bấy giờ?—Công-vụ 4:13; Cô-lô-se 1:23.

14. Đức Giê-hô-va dùng thánh linh như thế nào để dạy dỗ dân Ngài?

14 Đức Giê-hô-va cũng dùng thánh linh để dạy dỗ dân Ngài. Với sự giúp đỡ của thánh linh Đức Chúa Trời, Giô-sép đã giải thích được các giấc mơ có tính cách tiên tri của Pha-ra-ôn. (Sáng-thế Ký 41:16, 38, 39) Qua thánh linh, Đức Giê-hô-va tiết lộ các ý định Ngài cho những người khiêm nhường nhưng giữ kín với những kẻ kiêu ngạo. (Ma-thi-ơ 11:25) Vì thế, liên quan những điều Đức Giê-hô-va ban “cho những người yêu-mến Ngài”, sứ đồ Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời đã dùng Đức Thánh-Linh để bày-tỏ những sự đó cho chúng ta”. (1 Cô-rinh-tô 2:7-10) Chỉ nhờ sự giúp đỡ của thánh linh một người mới thật sự hiểu được ý muốn của Đức Chúa Trời.

Sự giúp đỡ từ Lời Đức Chúa Trời

15, 16. Giô-suê được căn dặn phải làm gì để được thành công trong đường mình?

15 Lời được soi dẫn của Đức Giê-hô-va “có ích cho sự dạy-dỗ”, và giúp các tôi tớ Đức Chúa Trời được “trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành”. (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Kinh Thánh tường thuật nhiều trường hợp cho thấy dân Đức Chúa Trời thời xưa được giúp đỡ như thế nào nhờ những phần của Lời Ngài đã được ghi chép.

16 Kinh Thánh giúp cung cấp sự hướng dẫn đúng đắn cho những người thờ phượng Đức Chúa Trời. Khi được giao phó trọng trách lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên, Giô-suê được dặn bảo: “Quyển sách luật-pháp nầy [do Môi-se ghi chép] chớ xa miệng ngươi, hãy suy-gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn-thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may-mắn [“thành công”, Bản Diễn Ý] trong con đường mình, và mới được phước”. Hãy lưu ý rằng Đức Chúa Trời không hứa ban cho Giô-suê sự khôn ngoan một cách mầu nhiệm để thành công. Nhưng, nếu đọc và suy ngẫm “quyển sách luật-pháp”, thì Giô-suê sẽ được thành công trong đường mình.—Giô-suê 1:8; Thi-thiên 1:1-3.

17. Cả Đa-ni-ên lẫn Vua Giô-si-a đã nhận được sự giúp đỡ như thế nào qua những phần Thánh Kinh mà họ có?

17 Lời được viết ra của Đức Chúa Trời cũng giúp tiết lộ ý muốn và ý định của Ngài. Thí dụ, qua lời ghi chép của Giê-rê-mi, Đa-ni-ên nhận biết được khoảng thời gian thành Giê-ru-sa-lem bị hoang tàn. (Giê-rê-mi 25:11; Đa-ni-ên 9:2) Cũng hãy xem điều gì đã xảy ra dưới triều đại Vua Giô-si-a của xứ Giu-đa. Lúc bấy giờ, quốc gia này đã lìa bỏ Đức Giê-hô-va, và các vua hẳn đã không chép lại một bản Luật Pháp cho mình và làm theo các lời đó. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:18-20) Nhưng trong lúc đền thờ đang được tu sửa, người ta tìm thấy “quyển Luật-pháp”, có lẽ do Môi-se viết. Đây có lẽ là bản gốc, đã được hoàn tất khoảng 800 năm trước đó. Sau khi nghe đọc các lời ghi trong đó, Giô-si-a thấy rõ dân sự đã đi ngược ý muốn Đức Giê-hô-va đến độ nào, vì thế vua áp dụng biện pháp nghiêm ngặt để thi hành những lời ghi trong sách. (2 Các Vua 22:8; 23:1-7) Chẳng phải rõ ràng là dân Đức Chúa Trời vào thời xưa đã nhận được sự giúp đỡ qua những phần Thánh Kinh mà họ có hay sao?

Sự giúp đỡ qua các anh em đồng đạo

18. Tại sao có thể nói rằng bất cứ khi nào một người thờ phượng thật giúp anh em mình thì đó là do Đức Giê-hô-va?

18 Đức Giê-hô-va thường cung cấp sự giúp đỡ qua các anh chị em đồng đạo. Đúng vậy bất cứ khi nào một người thờ phượng thật giúp anh em mình thì đó là do Đức Chúa Trời. Tại sao chúng ta có thể nói thế? Vì hai lý do. Thứ nhất, việc đó có liên quan đến thánh linh Đức Chúa Trời. Thánh linh sinh bông trái, bao gồm tình yêu thương và sự hiền lành, nơi những ai muốn được thánh linh tác động. (Ga-la-ti 5:22) Vì thế, khi một trong các tôi tớ của Đức Chúa Trời cảm nhận sự thôi thúc muốn giúp đỡ anh em khác, thì điều này cho thấy thánh linh Đức Giê-hô-va đang hoạt động. Thứ hai, chúng ta được tạo ra theo hình Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 1:26) Điều này nghĩa là chúng ta có khả năng phản ánh các đức tính của Ngài, bao gồm lòng nhân từ và thương xót. Vậy bất cứ khi nào một tôi tớ Đức Giê-hô-va giúp anh em mình, Nguồn thật sự của sự giúp đỡ như thế chính là Đức Chúa Trời.

19. Theo lời Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va cung cấp sự giúp đỡ như thế nào qua các anh em đồng đạo?

19 Vào thời Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va cung cấp sự giúp đỡ qua những người đồng đạo như thế nào? Đức Giê-hô-va thường khiến một tôi tớ Ngài khuyên bảo người khác, giống như Giê-rê-mi đưa ra lời khuyên để cứu Ba-rúc. (Giê-rê-mi 45:1-5) Đôi khi, những người thờ phượng thật cảm thấy lòng thôi thúc để giúp đỡ anh em đồng đạo về vật chất, như khi tín đồ Đấng Christ ở Ma-xê-đoan và A-chai biểu lộ lòng sốt sắng giúp đỡ anh em thiếu thốn ở Giê-ru-sa-lem. Sứ đồ Phao-lô nhận xét rằng lòng rộng rãi đó khiến người khác có lý do chính đáng để “tạ ơn Đức Chúa Trời”.—2 Cô-rinh-tô 9:11.

20, 21. Trong hoàn cảnh nào sứ đồ Phao-lô đã được các anh em ở Rô-ma làm vững chí?

20 Đặc biệt cảm động là lời tường thuật về cách các tôi tớ Đức Giê-hô-va cố gắng làm vững chí và khuyến khích lẫn nhau. Hãy xem trường hợp của sứ đồ Phao-lô. Trên đường đến Rô-ma, Phao-lô lúc ấy là một tù nhân đã đi dọc theo quốc lộ La Mã được gọi là Appian Way. Chặng đường cuối rất xấu, vì là vùng đất thấp đầm lầy. * Các anh em trong hội thánh ở Rô-ma biết Phao-lô sắp đến. Họ đã làm gì? Đợi tại nhà trong thành đến khi Phao-lô đến, rồi ra chào đón ông chăng?

21 Người viết Kinh Thánh là Lu-ca đã cùng đi với Phao-lô trong chuyến đó, kể lại những gì diễn ra: “Anh em trong thành nầy nghe nói về chúng ta, bèn ra đến Phô-rum Áp-bi-u và chỗ Ba-Quán mà đón-rước”. Bạn có thể hình dung cảnh đó không? Biết Phao-lô sắp đến, một phái đoàn các anh em đi từ Rô-ma đến đón ông. Một số người đợi tại Chợ Áp-bi-u, một trạm nghỉ ngơi được nhiều người biết đến trên Appian Way, cách thành Rô-ma khoảng 74 kilômét. Những người còn lại đợi ở Ba Quán, nơi nghỉ ngơi bên ngoài thành khoảng 58 kilômét. Phao-lô phản ứng ra sao? Lu-ca tường thuật: “Phao-lô thấy anh em, thì cảm-tạ Đức Chúa Trời và vững chí”. (Công-vụ 28:15) Hãy thử nghĩ—chỉ thấy các anh em đó đã bỏ công đi đón ông cũng đủ khiến Phao-lô cảm thấy vững chí và được khích lệ! Và ông đã tạ ơn ai về sự giúp đỡ này? Ông tạ ơn Đấng ban điều này, Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

22. Câu Kinh Thánh cho năm 2005 là gì, và điều gì sẽ được xem xét trong bài kế?

22 Rõ ràng lời được soi dẫn về cách Đức Chúa Trời cư xử cho thấy rằng Ngài là Đấng Tiếp Trợ vô song. Vậy thật thích hợp, Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ dùng lời Thi-thiên 121:2 làm câu Kinh Thánh cho năm 2005: “Sự tiếp-trợ tôi đến từ Đức Giê-hô-va”. Nhưng Đức Giê-hô-va giúp chúng ta thế nào ngày nay? Điều này sẽ được xem xét trong bài kế.

[Chú thích]

^ đ. 20 Nhà văn La Mã Horace (65—8 TCN), người cũng đã đi qua chặng đường đó, bình luận về nỗi vất vả trên quãng đường này. Ông Horace miêu tả Chợ Áp-bi-u “có đầy dân chèo thuyền và chủ quán trọ keo kiệt”. Ông than phiền về “những con muỗi và ếch ghê tởm” và nước “bẩn thỉu”.

Bạn có nhớ không?

Đức Giê-hô-va đã cung cấp sự giúp đỡ như thế nào—

• qua thiên sứ?

• qua thánh linh?

• bằng Lời được Ngài soi dẫn?

• qua các anh em đồng đạo?

[Câu hỏi thảo luận]

[Câu nổi bật nơi trang 15]

Câu Kinh Thánh cho năm 2005 sẽ là: “Sự tiếp-trợ tôi đến từ Đức Giê-hô-va”.—Thi-thiên 121:2.

[Hình nơi trang 16]

Phao-lô tạ ơn Đức Chúa Trời về sự giúp đỡ mà ông nhận được từ các anh em ở Rô-ma