Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn của Đức Chúa Trời tại “Quần đảo thân thiện”

Bạn của Đức Chúa Trời tại “Quần đảo thân thiện”

Bạn của Đức Chúa Trời tại “Quần đảo thân thiện”

Vào năm 1932 một chiếc thuyền buồm đã chở một số hạt giống quý giá đến xứ Tonga. Người trưởng đoàn đưa quyển sách nhỏ “Người chết ở đâu?” (Anh ngữ) cho ông Charles Vete. Ông tin chắc là mình đã tìm được lẽ thật. Một thời gian sau, trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va chấp thuận lời yêu cầu của ông Charles, cho ông dịch quyển sách ấy qua tiếng bản xứ. Sau khi hoàn tất, ông nhận được 1.000 quyển sách nhỏ để phân phát. Đó là cách mà hạt giống lẽ thật về Nước của Đức Giê-hô-va được gieo tại vương quốc Tonga.

TRÊN bản đồ vùng Nam Thái Bình Dương, bạn có thể tìm thấy xứ Tonga nằm về phía tây nơi giao điểm của tuyến đổi ngày và nam chí tuyến. Hòn đảo lớn nhất là Tongatapu cách Auckland, New Zealand khoảng 2.000 kilômét về hướng đông bắc. Vương quốc Tonga gồm 171 đảo nhưng chỉ 45 đảo là có người ở. Nhà thám hiểm nổi tiếng người Anh là James Cook, sống vào thế kỷ 18, đã đặt tên những hòn đảo xa xôi này là “Quần đảo thân thiện”.

Với dân số độ 106.000 người, Tonga là quần đảo gồm ba nhóm đảo chính—đó là Tongatapu, Ha’apai và Vava’u. Ba trong số năm hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va nằm trong nhóm đảo đông dân nhất Tongatapu, một hội thánh nằm trên Ha’apai, còn hội thánh kia nằm trên Vava’u. Nhằm giúp người ta trở thành bạn của Đức Chúa Trời, Nhân Chứng Giê-hô-va mở một nhà giáo sĩ và văn phòng dịch thuật gần thủ đô Nuku’alofa.—Ê-sai 41:8.

Từ thập niên 1930, nhiều người nghĩ ông Charles Vete là một Nhân Chứng Giê-hô-va dù đến năm 1964 ông mới làm báp têm. Những người khác cùng anh Charles tham gia công việc rao giảng, và một Phòng Nước Trời với 30 chỗ ngồi được xây năm 1966. Năm 1970, một hội thánh gồm 20 người công bố được thành lập tại Nuku’alofa.

Kể từ đó, có thể thấy lời tiên tri của Ê-sai được ứng nghiệm trên quần đảo Tonga: “Hãy dâng vinh-hiển cho Đức Giê-hô-va, và rao sự ngợi-khen Chúa trong các cù-lao!” (Ê-sai 42:12) Công việc rao giảng về Nước Trời tiếp tục phát triển đã giúp nhiều người tạo được mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Tại kỳ đại hội ở Nuku’alofa vào năm 2003, số người dự đông nhất lên đến 407 người, với 5 người làm báp têm. Con số 621 người dự Lễ Tưởng Niệm năm 2004 cho thấy còn nhiều triển vọng gia tăng tại quần đảo này.

Sống cuộc đời giản dị

Tuy nhiên, vùng ngoại ô thành phố vẫn cần thêm người công bố Nước Trời. Thí dụ, có 8.500 người sống trên 16 hòn đảo thuộc nhóm đảo Ha’apai cần được nghe thêm về lẽ thật của Kinh Thánh. Phần lớn Ha’apai là những đảo thấp rợp bóng dừa và có những bãi cát trắng trải dài. Nước biển trong vắt, thường thì người ta có thể nhìn thấy tới độ sâu hơn 30 mét. Thật là một kinh nghiệm tuyệt vời khi bơi giữa những dải san hô ngầm và hàng trăm giống cá đầy màu sắc vùng nhiệt đới. Các đảo thường chỉ có những ngôi làng nhỏ, còn nhà cửa dù giản dị nhưng xây chắc chắn để đứng vững trước những cơn gió lốc nhiệt đới.

Cây mít bột và xoài trên đảo cung cấp bóng mát và thực phẩm. Tìm thức ăn và nấu nướng chiếm phần lớn sinh hoạt trong ngày. Ngoài thịt heo, cư dân trên đảo còn ăn nhiều loại hải sản. Vườn tược sản xuất ra những loại cây củ và rau trái. Cây thuộc giống cam quít mọc hoang, dừa và chuối cũng đầy dẫy. Những kiến thức địa phương về dược tính của thảo mộc, lá, vỏ và rễ cây được lưu truyền từ thế hệ nầy qua thế hệ khác.

Hiển nhiên, điều đáng quý nhất tại Ha’apai là cư dân thân thiện, sống hòa hợp với môi trường yên tĩnh ở đó. Lối sống tại đấy thật giản dị. Phần đông phụ nữ làm nghề thủ công—đan giỏ, dệt vải tapa và làm chiếu đệm. Trong lúc làm việc, phụ nữ Tonga ngồi quây quần dưới bóng cây, cười nói, ca hát với nhau trong khi con trẻ vui đùa hay ngủ gần bên. Và khi thủy triều xuống, thường thì những phụ nữ ra ngoài đá ngầm bắt hải sản cũng như gom rong biển về trộn thành món ăn thật ngon.

Phần đông những người đàn ông làm vườn, đánh cá, điêu khắc, đóng tàu và vá lưới. Người ta dùng những thuyền đánh cá nhỏ có mái che đi qua lại giữa các đảo để thăm họ hàng, đi trị bệnh hay buôn bán.

Tin mừng rao truyền đến nơi xa xôi

Trong khung cảnh thiên nhiên bình dị đó, hai người giáo sĩ và hai anh tiên phong đã đến vào mùa Lễ Tưởng Niệm năm 2002. Trước kia thỉnh thoảng có vài cuộc tiếp xúc và phân phát ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va, và ngay cả thảo luận Kinh Thánh với người dân tại Ha’apai.

Bốn người giảng dạy Kinh Thánh nói trên có ba mục tiêu: phân phát những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, bắt đầu những cuộc học hỏi, và mời những người chú ý đến dự Bữa Tiệc Thánh của Chúa. Họ đạt được cả ba mục tiêu trên. Có 97 người đã đến dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su. Một số người đến bằng thuyền không mui bất chấp mưa to gió lớn. Vì thời tiết xấu, nhiều người phải ở lại qua đêm ngay tại nơi tổ chức lễ, và hôm sau mới về nhà.

Trường hợp của người diễn giả buổi lễ cũng khó khăn không kém. Anh giáo sĩ ấy nói: “Không cần phải nói là tôi sợ đến mức nào vì cùng một tối, tôi phải giảng hai bài bằng ngoại ngữ trong hai buổi Lễ Tưởng Niệm”. Anh nói tiếp: “Bạn có thể đoán là tôi lo lắng đến mức nào. Lời cầu nguyện đã giúp tôi thật nhiều! Tôi nhớ được những chữ và cấu trúc câu mà tôi không biết mình học từ bao giờ”.

Nhờ những người rao giảng vun trồng thêm sự chú ý sẵn có tại quần đảo Ha’apai, kết quả là có hai cặp vợ chồng làm báp têm. Trường hợp của một trong hai cặp nói trên là người chồng chú ý đến các ấn phẩm của Nhân Chứng khi đang dự khóa huấn luyện để trở thành mục sư phục vụ tại nhà thờ địa phương.

Dù nghèo, cặp vợ chồng này thường dâng món tiền lớn khi người ta đọc tên của họ trong buổi gây quỹ hàng năm tại nhà thờ. Một anh Nhân Chứng từng đến thăm đã mời người chồng lật Kinh Thánh của ông ra và đọc câu 1 Ti-mô-thê 5:8. Nơi đó sứ đồ Phao-lô nói: “Ví bằng có ai không săn-sóc đến bà-con mình, nhứt là không săn-sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa”. Nguyên tắc nơi câu Kinh Thánh này động đến lòng người chồng. Ông nhận ra là khi đáp ứng những đòi hỏi quá đáng của nhà thờ, ông đã không làm tròn trách nhiệm cung cấp các nhu cầu căn bản cho gia đình. Vào buổi gây quỹ năm sau, dù có đem tiền, ông không thể quên lời ghi nơi 1 Ti-mô-thê 5:8. Và khi người ta đọc tên ông thì ông mạnh dạn nói với mục sư rằng nhu cầu của gia đình ông phải là điều ưu tiên. Điều đó khiến cho cặp vợ chồng này bị các người có chức phận trong nhà thờ công khai khinh khi và mắng nhiếc.

Sau khi học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, cặp vợ chồng này đã trở thành người công bố tin mừng. Người chồng nói: “Lẽ thật Kinh Thánh đã biến đổi con người tôi. Tôi không còn tàn nhẫn và khắt khe với gia đình, cũng như không còn uống rượu quá độ nữa. Những người trong làng có thể thấy sự khác biệt trong cuộc sống tôi nhờ tác động của lẽ thật. Tôi hy vọng rằng họ cũng sẽ yêu thích lẽ thật như tôi”.

Dùng chiếc thuyền Quest để rao giảng

Vài tháng sau ngày Lễ Tưởng Niệm năm 2002, một chiếc thuyền khác đem những thứ quý giá đến vùng đảo xa xôi Ha’apai. Đó là chiếc thuyền buồm Quest dài 18 mét đến từ New Zealand, đi qua các hải đảo Tonga. Trên thuyền có Gary, Hetty, con gái của họ là Katie, với chín anh chị người Tonga và hai giáo sĩ cùng họ đi trong hai chuyến rao giảng. Các anh chị Nhân Chứng địa phương giúp lèo lái thuyền, đôi khi qua những chỗ đá ngầm mà không có ghi trên hải đồ. Đây không phải là những chuyến du lịch nhàn nhã. Những người trên thuyền đến đó nhằm mục tiêu giảng dạy lẽ thật Kinh Thánh. Họ rao giảng tại 14 hải đảo nằm trong vùng biển rộng lớn. Một vài hòn đảo đó chưa hề được ai đến giảng tin mừng Nước Trời.

Những người dân phản ứng như thế nào? Nói chung những người rao giảng này được tiếp đón với cả sự tò mò, nồng ấm và sự hiếu khách truyền thống của người dân trên đảo. Khi những người trên đảo hiểu được mục tiêu của cuộc thăm viếng, họ tỏ lòng biết ơn sâu xa. Các Nhân Chứng đến thăm viếng đều thấy rõ là những người này tôn trọng Lời Đức Chúa Trời và có ý thức đến nhu cầu thiêng liêng.

Nhiều lúc người đến rao giảng ngồi dưới bóng cây, vây quanh họ có đông người với nhiều thắc mắc về Kinh Thánh. Khi màn đêm xuống, cuộc thảo luận tiếp diễn tại nhà. Người dân trên một đảo nọ khẩn khoản yêu cầu những Nhân Chứng đang chuẩn bị đi về: “Xin đừng đi! Ai sẽ trả lời các câu hỏi của chúng tôi sau khi quý vị đi khỏi?” Một Nhân Chứng nói: “Thật khó khi phải từ giả nhiều người giống như chiên và khao khát lẽ thật. Nhiều hạt giống lẽ thật đã được gieo”. Khi chiếc thuyền của chúng tôi đến một đảo nọ, chúng tôi thấy mọi người trên đảo mặc tang phục. Vợ của một viên chức thành phố vừa qua đời. Ông đích thân cám ơn các anh chị em đã đem đến thông điệp an ủi của Kinh Thánh.

Một số đảo không dễ cập bờ. Chị Hetty giải thích: “Một đảo kia không có bến cập thuận tiện, chỉ có vách đá nhô cao trên mặt biển hơn cả thước. Chúng tôi chỉ có thể lên đảo bằng cách dùng xuồng cao su nhỏ. Trước hết chúng tôi phải ném hành lý lên bờ. Sau đó, khi sóng nâng xuồng lên tới rìa đá, chúng tôi phải nhảy lên bờ trước khi xuồng hạ xuống”.

Tuy vậy, không phải mọi người trên thuyền đều là những người đi biển gan dạ. Sau khi căng buồm đi được hai tuần, người trưởng đoàn viết như sau về chuyến hành trình trở lại hòn đảo chính Tongatapu: “Chúng tôi còn phải đi thêm 18 tiếng đồng hồ, nhưng không thể đi liên tục vì có người bị say sóng. Chúng tôi mừng khi quay thuyền trở về nhưng đồng thời rất buồn khi phải chia tay những người mà giờ đây đã được nghe thông điệp về Nước Trời. Chúng tôi giao họ lại cho Đức Giê-hô-va chăm sóc, để thánh linh và các thiên sứ giúp đỡ họ lớn lên về thiêng liêng”.

Quần đảo đầy hứa hẹn

Khoảng sáu tháng kể từ khi chiếc thuyền Quest rời đảo, hai anh tiên phong đặc biệt là Stephen và Malaki được phái đến nhóm đảo Ha’apai. Tại đó, họ cộng tác với hai cặp vợ chồng mới làm báp têm trong việc giảng dạy Kinh Thánh. Hiện đang có những cuộc thảo luận sống động về giáo lý, và các người công bố đã khéo dùng Kinh Thánh.

Vào ngày 1-12-2003, một hội thánh đã được thành lập tại Haʹapai, đó là hội thánh thứ năm tại xứ Tonga. Trong số những người đến dự có nhiều trẻ em. Các em học cách chú tâm tại buổi họp, ngồi yên lặng và rất sốt sắng phát biểu trong các phần mà cử tọa được mời tham gia. Anh giám thị vòng quanh nhận xét là “sự hiểu biết của các em dựa trên Sách kể chuyện Kinh-thánh cho thấy là bậc cha mẹ rất quan tâm đến trách nhiệm khắc ghi lẽ thật Kinh Thánh vào lòng con cái”. Rõ ràng là những hòn đảo đó có triển vọng có thêm những người trở thành bạn của Đức Giê-hô-va.

Hơn 70 năm trước, khi Charles Vete dịch quyển sách nhỏ Người chết ở đâu? sang tiếng Tonga, ông không ngờ đến mức độ nào hạt giống Nước Trời sẽ phát triển trong lòng của những người cùng xứ ông. Từ một khởi đầu nhỏ như thế, Đức Giê-hô-va đã tiếp tục ban phước cho việc công bố về tin mừng ngày một gia tăng tại phần đất ấy trên địa cầu. Ngày nay có thể nói Tonga ở trong số những hải đảo xa xôi đang quay về với Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 97:1; Ê-sai 51:5) “Quần đảo thân thiện” hiện là nơi trú ngụ của nhiều người bạn của Đức Giê-hô-va.

[Hình nơi trang 8]

Charles Vete, 1983

[Hình nơi trang 9]

Dệt vải tapa

[Hình nơi trang 10]

Chiếc thuyền “Quest” được dùng để rao truyền tin mừng tại xứ Tonga

[Hình nơi trang 11]

Ban dịch, Nukuʹalofa

[[Nguồn hình ảnh nơi trang] 9]

Dệt vải tapa: © Jack Fields/CORBIS; nền của trang 8, 9 và đánh cá: © Fred J. Eckert