Hãy coi chừng các phong tục trái ý Đức Chúa Trời
Hãy coi chừng các phong tục trái ý Đức Chúa Trời
TRONG cái sân nhỏ, một quan tài mở nắp được đặt dưới cái nắng chói chang của xứ Phi Châu. Trong số những người đến chia buồn đang xếp hàng để lại gần quan tài, có một người đàn ông lớn tuổi dừng lại. Với ánh mắt đầy thương tiếc, ông ghé gần mặt người chết và nói: “Sao không báo trước là cậu sẽ đi? Sao cậu lại bỏ tôi đi thế này? Giờ đã trở về bên đó, cậu có còn giúp tôi nữa không?”
Ở vùng khác cũng thuộc Phi Châu, một đứa bé vừa chào đời. Không ai được phép nhìn thấy bé. Chỉ sau một thời gian đứa bé mới được trình diện trước mọi người và có lễ đặt tên cho bé.
Đối với một số người, việc nói chuyện với người chết hoặc giấu một em bé mới sinh nghe có vẻ lạ. Nhưng đối với một số xã hội và nền văn hóa, tập tục và quan niệm liên quan đến việc sinh tử là do ảnh hưởng của niềm tin mãnh liệt cho rằng người chết thật sự còn hiện hữu và có ý thức.
Niềm tin này mạnh mẽ đến nỗi ăn sâu vào các phong tục và nghi lễ liên quan đến hầu hết mọi khía cạnh đời sống. Chẳng hạn, hàng triệu người tin rằng những giai đoạn quan trọng trong đời—lúc chào đời, dậy thì, kết hôn, sinh con, và khi nhắm mắt xuôi tay—là các bước trong quá trình dẫn đến cõi thần linh của tổ tiên. Nơi đó, người ta tin rằng người chết vẫn còn ảnh hưởng đến đời
sống của người thân ở trần gian và có thể tiếp tục vòng luân hồi bằng cách đầu thai.Những phong tục và nghi lễ nhằm mục đích làm cho các bước chuyển giai đoạn trong vòng luân hồi được suôn sẻ. Những phong tục này bị ảnh hưởng bởi niềm tin cho rằng vẫn còn cái gì đó tồn tại sau khi người ta chết. Tín đồ thật của Đấng Christ tránh bất cứ phong tục nào liên quan đến niềm tin này. Tại sao vậy?
Người chết ở trong tình trạng nào?
Kinh Thánh cho biết rõ tình trạng của người chết: “Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết... Sự yêu, sự ghét, sự ganh-gỗ của họ thảy đều tiêu-mất từ lâu,... dưới Âm-phủ [mồ mả chung của nhân loại], là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan”. (Truyền-đạo 9:5, 6, 10) Những người thật sự thờ phượng Đức Chúa Trời xưa nay đều chấp nhận lẽ thật cơ bản này của Kinh Thánh. Họ hiểu rằng linh hồn có thể chết hoặc bị hủy diệt chứ không bất tử. (Ê-xê-chi-ên 18:4) Họ cũng biết người chết không có linh hồn nào tiếp tục tồn tại. (Thi-thiên 146:4) Thời xưa, Đức Giê-hô-va nghiêm khắc ra lệnh cho dân Ngài tuyệt đối tránh xa những phong tục hoặc lễ nghi liên quan đến niềm tin cho rằng người chết còn ý thức và có thể ảnh hưởng đến người sống.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 14:1; 18:9-13; Ê-sai 8:19, 20.
Tín đồ Đấng Christ thời thế kỷ thứ nhất cũng tránh bất cứ phong tục hoặc lễ nghi nào liên quan đến sự dạy dỗ sai lầm của tôn giáo giả. (2 Cô-rinh-tô 6:15-17) Ngày nay Nhân Chứng Giê-hô-va, dù thuộc chủng tộc, bộ lạc, hoặc gốc gác nào đi nữa, đều tránh những phong tục và truyền thống liên quan đến sự dạy dỗ sai lầm cho rằng vẫn còn cái gì đó tồn tại sau khi một người chết.
Điều gì có thể giúp chúng ta, những tín đồ Đấng Christ, quyết định nên hay không nên theo một phong tục nào đó? Chúng ta phải suy nghĩ kỹ xem phong tục đó có liên quan gì đến sự dạy dỗ trái với Kinh Thánh hay không, chẳng hạn như niềm tin linh hồn người chết còn ảnh hưởng đến người sống. Ngoài ra, chúng ta cần cân nhắc xem việc tham gia một phong tục hoặc nghi lễ như thế có thể gây vấp phạm cho những người đã biết về niềm tin và sự dạy dỗ của Nhân Chứng Giê-hô-va hay không. Ý thức về những điều trên, chúng ta hãy xem xét hai khía cạnh—sinh và tử.
Các lễ liên quan đến sự chào đời và việc đặt tên
Nhiều phong tục liên quan đến sự chào đời không có gì là sai. Tuy nhiên, tín đồ thật của Đấng Christ phải thận trọng tại những nơi người ta cho rằng sự chào đời là bước chuyển từ thế giới vô hình của tổ tiên sang thế giới loài người. Ví dụ, tại vài xứ ở Phi Châu, một bé sơ sinh được giữ kín một thời gian trong nhà và chưa được đặt tên. Thời gian này có thể được qui định tùy mỗi địa phương và chấm dứt vào ngày lễ đặt tên, khi đứa bé chính thức được trình diện trước mặt thân nhân và bạn bè. Tới lúc đó tên đứa bé được công bố trước mặt mọi người hiện diện.
Giải thích ý nghĩa của phong tục này, cuốn Ghana—Understanding the People and Their Culture (Tìm hiểu về văn hóa và dân tộc Ghana) nói: “Trong bảy ngày đầu sau khi sinh, đứa bé được coi là ‘khách’ đang ở giai đoạn chuyển từ cõi thần linh sang thế giới loài người... Đứa bé thường được giữ kín trong nhà và không cho người ngoài nhìn thấy”.
Tại sao phải đợi một thời gian rồi mới làm lễ đặt tên cho đứa bé? Cuốn Ghana in Retrospect (Ghana trong quá khứ) giải thích: “Trước ngày thứ tám, đứa bé chưa được coi là người. Không nhiều thì ít nó vẫn còn liên hệ đến cõi thần linh nơi mà nó đã ra đi”. Sách này cho biết thêm: “Việc đặt tên có nghĩa là đứa bé đã thành người, và vì sợ đứa bé chết nên cha mẹ thường chỉ đặt tên cho con sau
khi chắc chắn là nó sẽ sống... Do đó, nghi lễ chuyển giai đoạn này—đôi khi được gọi là nghi thức giới thiệu con—được xem là có ảnh hưởng rất lớn đến cha mẹ và đứa bé. Nghi lễ này đưa đứa bé đến với cộng đồng hoặc thế giới loài người”.Người trưởng họ thường làm chủ tọa cho lễ đặt tên này. Cách cử hành nghi lễ này khác nhau tùy từng nơi, nhưng thường bao gồm nghi thức rưới rượu cúng thần, tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho đứa bé đến nơi đến chốn, cùng các nghi thức khác.
Cao điểm của buổi lễ này là khi tên của đứa bé được công bố. Dù trách nhiệm đặt tên cho đứa bé là của cha mẹ, nhưng thường họ hàng cũng ảnh hưởng phần lớn trong việc này. Một số tên mang ý nghĩa tượng trưng trong ngôn ngữ địa phương như “đã đi và trở lại”, “mẹ đã đến lần thứ hai”, hay là “cha lại đến”. Còn những tên gọi khác nhằm ngăn cản tổ tiên mang đứa bé trở về thế giới bên kia.
Hiển nhiên, vui mừng khi một đứa bé chào đời không có gì là sai. Phong tục lấy tên người khác đặt cho con mình hoặc đặt tên liên quan đến sự kiện nào đó khi đứa bé chào đời cũng không có gì là sai. Việc quyết định khi nào đặt tên con là chuyện cá nhân. Tuy nhiên, những tín đồ Đấng Christ muốn làm vui lòng Đức Chúa Trời nên cẩn thận tránh bất cứ phong tục hoặc lễ nghi nào gây hiểu lầm là người đó đồng ý với quan điểm cho rằng đứa bé sơ sinh là “khách” chuyển từ thế giới vô hình của tổ tiên sang thế giới loài người.
Hơn nữa, trong khi nhiều người thuộc cộng đồng xem lễ đặt tên là nghi thức quan trọng của việc chuyển giai đoạn, tín đồ Đấng Christ nên nhạy cảm trước lương tâm của người khác và cân nhắc xem hành động của mình có gây hiểu lầm cho người chưa tin đạo không. Chẳng hạn, một số người sẽ nghĩ sao nếu một gia đình tín đồ Đấng Christ giữ kín trẻ sơ sinh trong nhà cho tới ngày lễ đặt tên? Họ nghĩ sao nếu tên của đứa bé mâu thuẫn với việc họ xưng là người dạy lẽ thật Kinh Thánh?
Vì vậy, khi quyết định đặt tên con là gì và vào lúc nào, các tín đồ Đấng Christ cố gắng làm mọi việc “vì sự vinh-hiển Đức Chúa Trời”, để không gây vấp phạm cho ai. (1 Cô-rinh-tô 10:31-33) Họ không bỏ “điều-răn của Đức Chúa Trời, đặng giữ theo lời truyền-khẩu” chủ yếu nhằm tôn vinh người chết. Trái lại, họ tôn vinh và làm vinh hiển Đức Chúa Trời hằng sống, Đức Giê-hô-va.—Mác 7:9, 13.
Từ thế giới vô hình sang hữu hình
Nhiều người xem sự chết, cũng như sự ra đời, là một bước chuyển tiếp; một người chết đi từ thế giới hữu hình sang thế giới vô hình của các linh hồn. Người ta cũng tin rằng tổ tiên—những người được xem như có quyền thưởng phạt người sống—sẽ nổi giận nếu một người chết đi mà không được làm đám tang theo nghi lễ và phong tục. Niềm tin này ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc tổ chức tang lễ.
Cách tổ chức đám tang nhằm làm hài lòng người chết thường bao gồm những cảm xúc khác nhau—từ việc khóc than, kêu gào trước thi hài cho đến tiệc tùng vui vẻ sau khi chôn cất. Ăn uống vô độ, say sưa và nhảy múa theo tiếng nhạc ồn ào thường là đặc điểm của các đám tang này. Việc tổ chức đám tang quan trọng đến nỗi những gia đình vô cùng nghèo khó cũng ráng chạy vạy để có đủ tiền làm một “đám tang xứng đáng” dù sau đó phải nợ nần và túng thiếu.
Từ nhiều năm, Nhân Chứng Giê-hô-va đã giải thích rõ ràng các phong tục về lễ tang trái với Kinh Thánh. * Các phong tục này bao gồm việc thức canh người chết, rưới rượu cúng thần, nói chuyện và cầu khấn người chết, tổ chức đám giỗ hằng năm và những nghi lễ khác dựa trên niềm tin cho rằng vẫn còn cái gì đó tồn tại sau khi một người chết. Những phong tục xem thường Đức Chúa Trời như thế là “ô-uế”, dựa trên “lời hư-không, theo lời truyền-khẩu của loài người” thay vì lẽ thật trong Lời của Đức Chúa Trời.—Ê-sai 52:11; Cô-lô-se 2:8.
Áp lực làm theo đa số
Đối với nhiều người, tránh những phong tục truyền thống quả là khó khăn, đặc biệt tại những nơi việc tôn thờ người chết được xem là vô cùng quan trọng. Vì không theo những phong tục này nên Nhân Chứng Giê-hô-va bị người ta nhìn với cặp mắt nghi ngờ, hoặc bị buộc tội là phản xã hội và bất kính với người đã khuất. Do lời chỉ trích và áp lực nặng nề, nên một số người—dù hiểu rõ lẽ thật của Kinh Thánh—đã không dám làm khác với đa số. (1 Phi-e-rơ 3:14) Một số khác cảm thấy rằng các phong tục này là một phần trong nền văn hóa của họ nên không hoàn toàn tránh được. Vẫn còn một số lý luận rằng từ chối làm theo phong tục có thể khiến cộng đồng thành kiến với dân Đức Chúa Trời.
Chúng ta không muốn làm ai phật lòng cách không cần thiết. Thế nhưng, Kinh Thánh cảnh báo rằng việc giữ vững lập trường theo lẽ thật sẽ không được thế gian xa cách Đức Chúa Trời chấp nhận. (Giăng 15:18, 19; 2 Ti-mô-thê 3:12; 1 Giăng 5:19) Chúng ta sẵn lòng giữ lập trường đó vì biết mình phải khác biệt với những người đang ở trong sự tối tăm về thiêng liêng. (Ma-la-chi 3:18; Ga-la-ti 6:12) Như Chúa Giê-su đã kháng cự sự cám dỗ của Sa-tan khi hắn xui giục ngài làm trái ý Đức Chúa Trời, chúng ta cũng nên chống lại áp lực thúc đẩy chúng ta làm những điều phật lòng Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 4:3-7) Thay vì để khuynh hướng sợ loài người ảnh hưởng, tín đồ thật của Đấng Christ chủ yếu quan tâm đến việc làm hài lòng và tôn vinh Giê-hô-va Đức Chúa Trời, xem Ngài là Nguồn của lẽ thật. Họ không vì áp lực của người khác mà thỏa hiệp các tiêu chuẩn của Kinh Thánh về sự thờ phượng thanh sạch.—Châm-ngôn 29:25; Công-vụ 5:29.
Tôn trọng người đã khuất—Tôn vinh Đức Giê-hô-va
Cảm giác đau đớn tột cùng khi người chúng ta thương yêu qua đời là điều đương nhiên. (Giăng 11:33, 35) Giữ trong lòng những kỷ niệm về người thân yêu quá cố, tổ chức đám tang chu đáo là cách thích hợp và xứng đáng để bày tỏ tình yêu thương đối với người đã khuất. Tuy nhiên, dù vô cùng đau buồn trước cái chết của người thân yêu, nhưng Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia những phong tục trái ý Đức Chúa Trời. Điều này không phải là dễ đối với những người lớn lên trong những xứ có nền văn hóa bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi niềm tin sợ người chết. Giữ được thăng bằng không phải là điều dễ làm khi chúng ta đau buồn trước cái chết của người thân. Tuy nhiên, tín đồ Đấng Christ trung thành được ‘Đức Chúa Trời của mọi sự yên-ủi’ trợ sức và nhận được sự nâng đỡ yêu thương từ anh chị em cùng đức tin. (2 Cô-rinh-tô 1:3, 4) Họ tin chắc rằng người chết—tuy không còn ý thức được nữa, nhưng vẫn ở trong trí nhớ của Đức Chúa Trời—sẽ được Ngài cho sống lại. Niềm tin này giúp các tín đồ thật của Đấng Christ có đủ lý do để hoàn toàn tránh xa những phong tục tang chế phủ nhận sự sống lại và trái với Kinh Thánh.
Chẳng lẽ chúng ta không phấn khích hay sao khi được Đức Giê-hô-va ‘gọi chúng ta ra khỏi nơi tối-tăm, đến nơi sáng-láng lạ-lùng của Ngài’? (1 Phi-e-rơ 2:9) Dù hưởng được niềm vui khi một đứa bé chào đời, cũng như nếm trải nỗi đau buồn do cái chết mang lại, mong sao ước muốn mãnh liệt làm điều đúng và tình yêu thương sâu xa đối với Đức Chúa Trời luôn thúc đẩy chúng ta tiếp tục “bước đi như các con sáng-láng”. Mong rằng chúng ta sẽ không bao giờ để các phong tục trái ý Đức Chúa Trời làm ô uế sự thờ phượng của chúng ta dành cho Ngài.—Ê-phê-sô 5:8.
[Chú thích]
^ đ. 23 Xin xem sách mỏng Thần linh của người chết—Chúng có thể giúp bạn hay làm hại bạn không? Chúng có thực sự hiện hữu không? do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.