Hãy hãnh diện mình là tín đồ Đấng Christ!
Hãy hãnh diện mình là tín đồ Đấng Christ!
“Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa”.—1 CÔ-RINH-TÔ 1:31.
1. Thái độ của người ta đối với tôn giáo cho thấy rõ xu hướng nào?
BÀN về quan điểm của nhiều người đối với tôn giáo của họ, một nhà bình luận về tôn giáo sự vụ gần đây nói: “Xu hướng phát triển mạnh nhất trong tôn giáo thời nay... là một thái độ được mô tả cách thích hợp nhất đó là ‘thờ ơ lãnh đạm với Đức Chúa Trời’”. Ông nhận xét nhiều người “tin có Đức Chúa Trời...; họ chỉ không chú ý gì đến Ngài”.
2. (a) Tại sao việc người ta trở nên lãnh đạm về thiêng liêng không có gì đáng ngạc nhiên? (b) Thái độ hờ hững nguy hiểm như thế nào đối với tín đồ thật của Đấng Christ?
2 Xu hướng lãnh đạm này không có gì đáng ngạc nhiên đối với những người học Kinh Thánh. (Lu-ca 18:8) Nói chung về tôn giáo, thái độ thờ ơ đó là chuyện bình thường. Tôn giáo giả từ lâu đã khiến nhân loại lầm đường lạc lối và làm cho họ thất vọng. (Khải-huyền 17:15, 16) Tuy nhiên, thái độ thiếu nhiệt tình lan tràn khắp nơi là một mối nguy hiểm cho tín đồ chân chính của Đấng Christ. Chúng ta không thể hờ hững đối với đức tin của mình và mất lòng nhiệt thành với việc phụng sự Đức Chúa Trời và đối với lẽ thật Kinh Thánh. Chúa Giê-su dặn phải tránh thái độ hâm hẩm đó khi ngài khuyên răn các tín đồ sống ở Lao-đi-xê vào thế kỷ thứ nhất: “Ngươi không lạnh cũng không nóng. Ước gì ngươi lạnh hoặc nóng thì hay!... Ngươi hâm-hẩm”.—Khải-huyền 3:15-18.
Nhận thức mình là ai
3. Tín đồ Đấng Christ có thể hãnh diện về những đặc điểm nào?
3 Để kháng cự xu hướng lãnh đạm về thiêng liêng, tín đồ Đấng Christ cần nhận biết rõ vai trò của mình, và phải hãnh diện về điều đó. Là tôi tớ Đức Giê-hô-va và môn đồ Đấng Christ, chúng ta có thể tìm thấy trong Kinh Thánh lời miêu tả về chúng ta. Khi tích cực chia sẻ tin mừng với người khác, chúng ta là “kẻ làm chứng” cho Đức Giê-hô-va, và “bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời”. (Ê-sai 43:10; 1 Cô-rinh-tô 3:9; Ma-thi-ơ 24:14) Chúng ta biết “yêu nhau”. (Giăng 13:34) Tín đồ thật của Đấng Christ là những người “hay dụng tâm-tư luyện-tập mà phân-biệt điều lành và dữ”. (Hê-bơ-rơ 5:14) Chúng ta là “đuốc trong thế-gian”. (Phi-líp 2:15) Chúng ta cố gắng “ăn-ở ngay-lành giữa dân ngoại”.—1 Phi-e-rơ 2:12; 2 Phi-e-rơ 3:11, 14.
4. Làm thế nào một người thờ phượng Đức Giê-hô-va có thể xác định mình không thuộc nhóm người nào?
4 Những người thờ phượng chân chính của Đức Giê-hô-va cũng biết mình không thuộc nhóm người nào. “Họ không thuộc về thế-gian”, giống như Đấng Lãnh Đạo họ là Chúa Giê-su Christ, đã không thuộc về thế gian. (Giăng 17:16) Họ giữ mình tách biệt với dân ngoại, là những người có “trí-khôn tối-tăm, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời”. (Ê-phê-sô 4:17, 18) Bởi thế, môn đồ Chúa Giê-su “chừa-bỏ sự không tin-kính và tình-dục thế-gian,... sống ở đời nầy theo tiết-độ, công-bình, nhân-đức”.—Tít 2:12.
5. Lời khuyên hãy “khoe mình trong Chúa” hàm ý gì?
5 Khi có mối quan hệ với Đấng Cai Trị Tối Thượng của vũ trụ và khi nhận thức rõ vai trò của mình, chúng ta sẽ muốn “khoe mình trong Chúa”. (1 Cô-rinh-tô 1:31) Đây là sự khoe mình như thế nào? Là tín đồ thật của Đấng Christ, chúng ta hãnh diện mình là người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Chúng ta làm theo lời khuyên: “Kẻ nào khoe, hãy khoe về trí-khôn mình biết ta là Đức Giê-hô-va, là Đấng làm ra sự thương-xót, chánh-trực, và công-bình trên đất”. (Giê-rê-mi 9:24) Chúng ta “khoe mình” về đặc ân được biết Đức Chúa Trời và được Ngài dùng để giúp người khác.
Thách đố
6. Tại sao một số người cảm thấy khó để luôn nhận thức rõ vai trò mình là tín đồ Đấng Christ?
6 Phải công nhận rằng không phải lúc nào cũng dễ để nhận thức rõ vai trò tín đồ Đấng Christ của chúng ta. Một thanh niên lớn lên trong một gia đình đạo Đấng Christ, nhớ lại đã có một thời gian anh cảm thấy yếu về thiêng liêng: “Đôi khi tôi không hiểu tại sao mình là Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi biết lẽ thật từ thuở nhỏ. Có khi tôi cảm thấy đây chỉ là một tôn giáo như bao tôn giáo khác”. Những người khác có lẽ đã để cho giới nghệ sĩ, phương tiện truyền thông đại chúng, và quan điểm không tin kính về đời sống ảnh hưởng đến việc nhận thức vai trò tín đồ Đấng Christ. (Ê-phê-sô 2:2, 3) Một số tín đồ Đấng Christ đôi khi cảm thấy thiếu tự tin và phải xét lại các giá trị và mục tiêu của mình.
7. (a) Đối với tôi tớ Đức Chúa Trời, tự xét mình như thế nào là thích hợp? (b) Có mối nguy hiểm tiềm tàng nào?
7 Có gì sai không khi thỉnh thoảng chúng ta cẩn thận tự xét mình? Không. Chắc bạn còn nhớ sứ đồ Phao-lô từng khuyến khích tín đồ Đấng Christ hãy luôn tự xét mình: “Chính anh em hãy tự xét để xem mình có đức-tin chăng. Hãy tự thử mình”. (2 Cô-rinh-tô 13:5) Ở đây sứ đồ khuyến khích một nỗ lực lành mạnh để phát hiện bất cứ nhược điểm nào về thiêng liêng đã nảy sinh, nhằm áp dụng những biện pháp cần thiết để sửa lại. Khi tự xét để xem mình có đức tin chăng, một tín đồ cần phải xác định xem lời nói và hành động mình có phù hợp với việc tuyên xưng đức tin của mình không. Tuy nhiên, nếu không được hướng dẫn đúng đắn, việc tự xét mình có thể khiến chúng ta muốn “tự khẳng định mình” hoặc tìm giải đáp bên ngoài mối quan hệ với Đức Giê-hô-va hoặc ngoài hội thánh đạo Đấng Christ, việc đó sẽ vô nghĩa và có thể tai hại về thiêng liêng. * Không bao giờ chúng ta muốn ‘đức-tin mình bị chìm-đắm’!—1 Ti-mô-thê 1:19.
Chúng ta cũng phải đương đầu với thách đố
8, 9. (a) Môi-se tỏ ra nghi ngờ bản thân như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va đáp ứng thế nào trước sự e ngại của Môi-se? (c) Bạn cảm thấy thế nào về những lời bảo đảm của Đức Giê-hô-va?
8 Đôi khi tín đồ Đấng Christ cảm thấy nghi ngờ về bản thân mình, họ có nên nghĩ là mình đã thất bại không? Tất nhiên là không. Quả thật, họ có thể an tâm khi biết rằng cảm nghĩ đó không có gì mới lạ. Các nhân chứng trung thành của Đức Chúa Trời thời xưa đã trải qua điều đó. Chẳng hạn như Môi-se, ông đã thể hiện đức tin, lòng trung thành và sự tin kính một cách phi thường. Khi được giao cho một nhiệm vụ tưởng chừng quá sức mình, Môi-se rụt rè hỏi: “Tôi là ai?” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:11) Có lẽ ông nghĩ: ‘Mình chỉ là người tầm thường!’ hoặc ‘mình chẳng tài cán gì cả!’ Vài khía cạnh về lai lịch của Môi-se có lẽ đã khiến ông cảm thấy thiếu kém: Ông thuộc về một dân tộc làm nô lệ. Ông từng bị dân Y-sơ-ra-ên hắt hủi. Ông không có khiếu ăn nói. (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:13, 14; 2:11-14; 4:10) Ông là người chăn chiên, một nghề bị dân Ê-díp-tô gớm ghê. (Sáng-thế Ký 46:34) Thảo nào ông cảm thấy không đủ tư cách làm người giải thoát dân của Đức Chúa Trời khỏi vòng nô lệ!
9 Đức Giê-hô-va trấn an Môi-se bằng cách hứa với ông hai điều phi thường: “Ta sẽ ở cùng ngươi; nầy là điều làm dấu cho ngươi biết rằng ta đã sai ngươi đi: Khi ngươi dắt dân-sự ra khỏi xứ Ê-díp-tô rồi, thì các ngươi sẽ phụng-sự Đức Chúa Trời tại trên núi nầy”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:12) Đức Chúa Trời bảo người tôi tớ e dè này rằng Ngài sẽ luôn ở cùng ông. Thêm vào đó, Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài chắc chắn sẽ giải thoát dân Ngài. Suốt các thế kỷ sau, Đức Chúa Trời đã hứa những lời tương tự là Ngài sẽ giúp đỡ họ. Chẳng hạn, qua Môi-se Ngài nói với dân Y-sơ-ra-ên khi họ sắp vào Đất Hứa: “Hãy vững lòng bền chí... Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đi cùng ngươi; Ngài chẳng lìa khỏi ngươi, chẳng từ-bỏ ngươi đâu”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:6) Đức Giê-hô-va cũng bảo đảm với Giô-suê: “Trót đời ngươi sống, sẽ chẳng ai chống-cự được trước mặt ngươi. Ta sẽ ở cùng ngươi...; ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu”. (Giô-suê 1:5) Và Ngài hứa với tín đồ Đấng Christ: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”. (Hê-bơ-rơ 13:5) Với sự giúp đỡ mạnh mẽ như thế, chúng ta hẳn phải hãnh diện mình là tín đồ Đấng Christ!
10, 11. A-sáp người Lê-vi đã được giúp như thế nào để giữ thái độ đúng về giá trị của thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va?
10 Khoảng năm thế kỷ sau thời Môi-se, một người Lê-vi trung thành tên là A-sáp thẳng thắn viết về mối nghi ngại của ông đối với giá trị của việc theo đuổi đường lối ngay thẳng. Trong lúc gắng sức để phụng sự Đức Chúa Trời bất chấp thử thách và cám dỗ, A-sáp thấy một số người từng phỉ báng Đức Chúa Trời nhưng lại trở nên quyền thế và hưng thịnh hơn. A-sáp đã bị ảnh hưởng như thế nào? Ông thú nhận: “Còn về phần tôi, chân tôi đã gần vấp, suýt chút bước tôi phải trượt. Vì khi tôi thấy sự hưng-thịnh của kẻ ác, thì có lòng ganh-ghét kẻ kiêu-ngạo”. Ông bắt đầu nghi ngờ giá trị của việc thờ phượng Đức Giê-hô-va. Ông nghĩ: “Tôi đã làm cho lòng tôi tinh-sạch, và rửa tay tôi trong sự vô-tội, việc ấy thật lấy làm luống-công; vì hằng ngày tôi phải gian-nan”.—Thi-thiên 73:2, 3, 13, 14.
11 A-sáp đối phó ra sao với cảm giác hoang mang lo lắng này? Ông có phủ nhận về cảm xúc đó không? Không. Ông bày tỏ cảm nghĩ này trong lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời, như chúng ta thấy trong bài Thi-thiên 73. Song A-sáp thay đổi hẳn thái độ khi thăm viếng đền thờ. Lúc đó ông nhận thức rõ rằng trung thành với Đức Chúa Trời vẫn là con đường tốt nhất. Phục hồi lòng quý trọng đối với điều thiêng liêng, ông hiểu rằng Đức Giê-hô-va ghét sự ác và đến kỳ hạn kẻ ác sẽ bị trừng phạt. (Thi-thiên 73:17-19) Với thái độ đúng đó, A-sáp nhận thức rõ hơn đặc ân được làm tôi tớ Đức Giê-hô-va. Ông nói với Đức Chúa Trời: “Tôi cứ ở cùng Chúa luôn luôn: Chúa đã nắm lấy tay hữu tôi. Chúa sẽ dùng sự khuyên-dạy mà dẫn-dắt tôi, rồi sau tiếp-rước tôi trong sự vinh-hiển”. (Thi-thiên 73:23, 24) A-sáp đã phục hồi niềm hãnh diện được làm tôi tớ Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 34:2.
Họ ý thức rõ vai trò của mình
12, 13. Hãy đưa ra thí dụ về những nhân vật Kinh Thánh hãnh diện về mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời.
12 Một cách để luôn nhớ mình là tín đồ Đấng Christ đó là xem xét và noi theo đức tin của những người trung thành thờ phượng, dù gặp nghịch cảnh vẫn hãnh diện về mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời. Hãy xem trường hợp của Giô-sép, con trai Gia-cốp. Lúc còn trẻ tuổi, Giô-sép bị bán làm nô lệ và đưa đến Ai Cập, một thế giới khác hẳn bầu không khí ấm cúng, thân yêu của gia đình và ông phải sống xa người cha biết kính sợ Đức Chúa Trời hàng trăm kilômét. Trong thời gian ở Ai Cập, không có người nào có thể cho Giô-sép lời khuyên phù hợp với ý Đức Chúa Trời. Ông phải đương đầu với hoàn cảnh gay go thử thách về đạo đức cũng như lòng tin cậy của ông nơi Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, rõ ràng ông đã cố gắng hết sức để luôn nhớ mình là tôi tớ Đức Chúa Trời, và tiếp tục làm theo những điều ông biết là đúng. Ông hãnh diện là người thờ phượng Đức Giê-hô-va ngay cả trong môi trường khó khăn. Ông không ngần ngại bày tỏ cảm nghĩ của mình.—Sáng-thế Ký 39:7-10.
13 Tám thế kỷ sau, một em gái Y-sơ-ra-ên bị bắt làm nô lệ cho quan tổng binh người Sy-ri tên là Na-a-man; em đã không quên mình là người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Khi có cơ hội, em mạnh dạn làm chứng về Ngài, nói rõ Ê-li-sê là tiên tri của Đức Chúa Trời. (2 Các Vua 5:1-19) Nhiều năm sau đó, vị vua trẻ Giô-si-a, tuy ở giữa môi trường đồi bại, đã ban hành những cải tổ lâu dài về tôn giáo, tu bổ đền thờ Đức Chúa Trời, và đưa dân sự trở lại với Đức Giê-hô-va. Ông hãnh diện về đức tin và sự thờ phượng của mình. (2 Sử-ký, chương 34, 35) Đa-ni-ên và ba người bạn Hê-bơ-rơ ở Ba-by-lôn không hề quên họ là tôi tớ Đức Giê-hô-va, ngay cả dưới áp lực và cám dỗ, họ đã tiếp tục giữ sự trung kiên. Rõ ràng, họ hãnh diện được làm tôi tớ Đức Giê-hô-va.—Đa-ni-ên 1:8-20.
Hãy hãnh diện về mình
14, 15. Khoe mình là tín đồ Đấng Christ bao hàm điều gì?
14 Các tôi tớ này của Đức Chúa Trời đã thành công vì họ vun trồng một niềm tự hào lành mạnh về vị thế mình có trước mắt Đức Chúa Trời. Còn chúng ta ngày nay thì sao? Khoe mình là tín đồ Đấng Christ bao hàm điều gì?
15 Điều này chủ yếu bao hàm lòng quý trọng đối với đặc ân được làm dân mang danh Đức Giê-hô-va, được Ngài ban phước và chấp nhận. Đức Chúa Trời biết chắc ai thuộc về Ngài. Là người từng sống trong một thời kỳ khá hỗn tạp về tôn giáo, sứ đồ Phao-lô viết: “Chúa biết kẻ thuộc về Ngài”. (2 Ti-mô-thê 2:19; Dân-số Ký 16:5) Đức Giê-hô-va hãnh diện về những “kẻ thuộc về Ngài”. Ngài tuyên bố: ‘Ai đụng đến các ngươi tức là đụng đến con ngươi mắt ta’. (Xa-cha-ri 2:8) Rõ ràng Đức Giê-hô-va yêu mến chúng ta. Để đáp lại, mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời phải dựa trên tình yêu mến sâu đậm đối với Ngài. Phao-lô viết: “Nếu có một người yêu-mến Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời biết người đó”.—1 Cô-rinh-tô 8:3.
16, 17. Tại sao tín đồ Đấng Christ, cả già lẫn trẻ, đều có thể hãnh diện về di sản thiêng liêng của mình?
16 Những người trẻ lớn lên trong gia đình Nhân Chứng Giê-hô-va nên kiểm điểm xem mối quan hệ riêng với Đức Chúa Trời có giúp họ nhận thức rõ hơn vai trò mình là tín đồ Đấng Christ không. Người trẻ không thể chỉ phụ thuộc vào đức tin của cha mẹ. Nói về mỗi tôi tớ của Đức Chúa Trời, Phao-lô viết: “Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó”. Vì thế, Phao-lô nói tiếp: “Mỗi người trong chúng ta sẽ khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 14:4, 12) Rõ ràng, giữ theo truyền thống thờ phượng của gia đình cách hời hợt không thể duy trì một quan hệ mật thiết, lâu dài với Đức Giê-hô-va.
17 Trong suốt lịch sử, có nhiều thế hệ nhân chứng của Đức Giê-hô-va nối tiếp nhau. Bắt đầu là A-bên, người trung thành đầu tiên—cách đây khoảng 60 thế kỷ—cho đến đám đông “vô-số người” gồm các Nhân Chứng thời nay và tiếp tục cho đến nhóm người thờ phượng sẽ được hưởng một tương lai vô tận. (Khải-huyền 7:9; Hê-bơ-rơ 11:4) Chúng ta thuộc lớp người gần đây nhất trong chuỗi các thế hệ những người thờ phượng trung thành. Quả là một di sản thiêng liêng hết sức phong phú!
18. Các giá trị và tiêu chuẩn của chúng ta tách biệt mình với thế gian như thế nào?
18 Tư cách của người tín đồ Đấng Christ cũng bao hàm những giá trị, đức tính, tiêu chuẩn và đặc điểm để nhận diện chúng ta là tín đồ Đấng Christ. Đó là “đạo”, tức lối sống thành công duy nhất đẹp ý Đức Chúa Trời. (Công-vụ 9:2; Ê-phê-sô 4:22-24) Tín đồ Đấng Christ “xem-xét mọi việc” và “điều chi lành thì giữ lấy”! (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21) Chúng ta hiểu rõ sự khác biệt rất lớn giữa đạo Đấng Christ và thế gian xa cách Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va phân biệt rõ sự thờ phượng thật và giả. Qua nhà tiên tri Ma-la-chi, Ngài tuyên bố: “Các ngươi sẽ trở lại và sẽ phân-biệt giữa kẻ công-bình và kẻ gian-ác, giữa kẻ hầu-việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu-việc Ngài”.—Ma-la-chi 3:18.
19. Tín đồ chân chính của Đấng Christ sẽ không bao giờ có thái độ nào?
19 Vì khoe mình về Đức Giê-hô-va là điều rất quan trọng trong thế gian hỗn độn và không định hướng này, điều gì có thể giúp chúng ta giữ thái độ tự hào lành mạnh về Đức Chúa Trời và luôn nhận thức rõ mình là tín đồ Đấng Christ? Bài kế tiếp đưa ra những đề nghị hữu ích. Trong lúc xem xét các điều này, bạn có thể chắc chắn rằng: Tín đồ chân chính của Đấng Christ sẽ không bao giờ có thái độ thờ ơ lãnh đạm đối với Đức Chúa Trời.
[Chú thích]
^ đ. 7 Ở đây chỉ đề cập đến việc nhận biết mình là ai về phương diện thiêng liêng. Đối với một số người, vấn đề tâm thần có thể cần đến sự chữa trị chuyên khoa.
Bạn có nhớ không?
• Tín đồ Đấng Christ “khoe mình trong Chúa” như thế nào?
• Bạn đã học được gì qua gương của Môi-se và A-sáp?
• Những nhân vật nào trong Kinh Thánh đã hãnh diện về thánh chức phụng sự Đức Chúa Trời?
• Khoe mình là tín đồ Đấng Christ bao hàm điều gì?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 14]
Có một thời gian Môi-se cảm thấy nghi ngờ bản thân
[Các hình nơi trang 15]
Nhiều tôi tớ thời xưa của Đức Giê-hô-va hãnh diện về vai trò đặc biệt của mình