Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chịu đựng với tư cách là lính của Đấng Christ

Chịu đựng với tư cách là lính của Đấng Christ

Tự Truyện

Chịu đựng với tư cách là lính của Đấng Christ

DO YURII KAPTOLA KỂ LẠI

“Bây giờ tôi mới công nhận anh thật sự có đức tin!” Những lời này đến từ một người không ngờ—một viên sĩ quan quân đội Liên Xô—và những lời này đem lại cho tôi sự khích lệ đúng lúc. Tôi đang phải đối diện với án tù dài hạn và đã tha thiết cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Cuộc tranh đấu trường kỳ mà tôi đang đối phó đòi hỏi sự chịu đựng và quyết tâm.

TÔI sinh ngày 19-10-1962 và lớn lên ở vùng phía tây Ukraine. Trong cùng năm đó, cha tôi (cũng tên là Yurii) được tiếp cận với Nhân Chứng Giê-hô-va. Chẳng bao lâu sau đó, cha trở thành người thờ phượng đầu tiên của Đức Giê-hô-va trong làng. Các hoạt động của cha không tránh khỏi con mắt dòm ngó của các viên chức chống đối Nhân Chứng Giê-hô-va.

Tuy nhiên, cha mẹ tôi được phần lớn người trong khu xóm kính trọng vì là tín đồ Đấng Christ tốt và hay quan tâm đến người khác. Cha mẹ tôi dùng mọi cơ hội để khắc ghi tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời vào lòng bốn chị em chúng tôi từ tuổi thơ ấu, và điều này đã giúp tôi đương đầu với nhiều thử thách tại trường học. Một trong những thử thách đó xảy ra khi nhà trường bắt buộc mỗi học sinh phải đeo phù hiệu nhận diện mình là một thiếu nhi thuộc một đoàn thể chính trị. Vì lập trường trung lập của tín đồ Đấng Christ, tôi không đeo phù hiệu, và do đó, tôi khác biệt hẳn.—Giăng 6:15; 17:16.

Sau này, khi học lớp ba, tất cả học sinh phải gia nhập một tổ chức chính trị dành cho thanh thiếu niên. Một ngày kia, lớp chúng tôi phải ra sân trường để làm lễ gia nhập. Tôi rất sợ, biết mình sẽ bị chế diễu và nhiếc móc. Ngoại trừ tôi, mọi người đều mang theo phù hiệu chính trị. Học sinh đứng thành một hàng dài trước ông hiệu trưởng, các giáo viên và học sinh lớp trên. Khi học sinh lớp trên được lệnh đeo phù hiệu cho chúng tôi, tôi cúi đầu và nhìn xuống đất, hy vọng không ai để ý đến tôi.

Bị đem đến nhà tù xa xôi

Khi lên 18 tuổi, tôi bị kết án ba năm tù vì giữ lập trường trung lập của tín đồ Đấng Christ. (Ê-sai 2:4) Tôi bị tù năm đầu ở thị trấn Trudovoye, thuộc địa hạt Vinnitskaya của nước Ukraine. Trong thời gian ở đó, tôi gặp khoảng 30 Nhân Chứng Giê-hô-va khác. Chúng tôi được chỉ định làm việc riêng rẽ từng hai người một, vì giới chức trông coi nhà tù không muốn chúng tôi kết hợp với nhau.

Vào tháng 8 năm 1982, Eduard—một Nhân Chứng khác—và tôi cùng với một nhóm tù nhân khác bị đưa đến phía bắc dãy núi Ural bằng các toa xe lửa của nhà tù. Chúng tôi phải chịu đựng tám ngày trong các toa chật ních người, dưới sức nóng kinh khủng cho đến khi tới nhà tù Solikamsk ở khu Permskaya. Eduard và tôi bị nhốt trong xà lim khác nhau. Hai tuần sau, tôi bị đưa đi xa hơn về phía bắc, đến làng Vels, trong vùng Krasnovishersky.

Xe chở chúng tôi đến nơi vào nửa đêm, trời tối mịt mùng. Mặc dù tối như vậy, một viên sĩ quan ra lệnh cho nhóm chúng tôi băng qua sông bằng thuyền. Chúng tôi không nhìn thấy con sông cũng chẳng thấy thuyền! Tuy vậy, chúng tôi dò dẫm chung quanh cho tới khi chạm vào cái thuyền, và mặc dù sợ hãi, chúng tôi tìm được cách băng qua con sông. Khi qua được bờ bên kia, chúng tôi đi về hướng ánh đèn sáng trên ngọn đồi gần đó, tại đây chúng tôi thấy vài cái lều. Những lều này là nhà mới của chúng tôi. Tôi sống trong cái lều tương đối rộng với khoảng 30 tù nhân khác. Vào mùa đông, chúng tôi phải chịu đựng cái lạnh, đôi khi xuống tới âm 40 độ C, và cái lều không đủ che lạnh. Công việc chính của tù nhân là chặt cây, nhưng tôi được giao công việc cất chòi cho tù nhân.

Thức ăn thiêng liêng được chuyển đến tận nơi hẻo lánh

Tôi là Nhân Chứng duy nhất ở vùng hẻo lánh này; thế nhưng Đức Giê-hô-va không bỏ tôi. Một ngày kia, tôi nhận được gói đồ do mẹ tôi, vẫn sống ở miền tây Ukraine, gửi đến. Khi lính canh mở gói đồ ra, món đầu tiên ông nhìn thấy là cuốn Kinh Thánh nhỏ. Ông cầm lên và bắt đầu lật qua các trang. Tôi cố nghĩ ra một điều gì đó để nói hầu cho kho tàng thiêng liêng này khỏi bị tịch thâu. Viên lính canh đột ngột hỏi: “Cái gì đây?” Trước khi tôi có thể nghĩ ra câu trả lời thì một viên thanh tra đứng gần đó đáp: “Ồ! Đó là cuốn từ điển”. Tôi không nói gì cả. (Truyền-đạo 3:7) Viên thanh tra lục xét các món đồ còn lại rồi trao cho tôi cùng với cuốn Kinh Thánh quý giá. Tôi vô cùng vui sướng đến độ mời ông ăn một ít hạt đậu tôi vừa nhận được. Khi nhận được gói đồ này, tôi biết Đức Giê-hô-va đã không quên tôi. Ngài rộng lượng giúp đỡ và chăm sóc nhu cầu thiêng liêng của tôi.—Hê-bơ-rơ 13:5.

Rao giảng không ngừng

Vài tháng sau, tôi ngạc nhiên nhận được lá thư của một anh Nhân Chứng đang bị giam cách chỗ tôi khoảng 400 kilômét. Anh yêu cầu tôi tìm kiếm một người chú ý rất có thể đang ở trong trại của tôi. Viết một lá thư công khai như vậy là thiếu khôn ngoan vì thư từ của chúng tôi đều bị kiểm duyệt. Không có gì đáng ngạc nhiên khi một trong các viên sĩ quan kêu tôi đến văn phòng ông và nghiêm khắc cảnh cáo tôi không được giảng. Rồi ông ra lệnh cho tôi ký vào tờ giấy nói rằng tôi sẽ ngưng chia sẻ niềm tin của mình với người khác. Tôi trả lời rằng tôi không hiểu tại sao lại phải ký một giấy với nội dung như thế vì mọi người đều đã biết tôi là một Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi nói là những tù nhân khác muốn biết tại sao tôi bị tù. Tôi phải nói gì với họ? (Công-vụ 4:20) Viên sĩ quan thấy không thể làm cho tôi sợ, vì vậy ông quyết định tống khứ tôi đi. Tôi bị chuyển sang một trại khác.

Tôi được chuyển đến làng Vaya, cách xa 200 kilômét. Viên chỉ huy tại đây tôn trọng lập trường tín đồ Đấng Christ của tôi và giao cho tôi công việc không liên hệ đến quân sự—lúc đầu là thợ mộc rồi thợ điện. Nhưng những công việc này cũng có khó khăn riêng. Vào dịp nọ, họ bảo tôi đem dụng cụ theo để đến câu lạc bộ của làng. Lính tráng trong câu lạc bộ mừng khi thấy tôi. Họ có vấn đề với đèn điện trang hoàng nhiều biểu tượng quân sự. Họ muốn tôi giúp sửa những đèn này vì họ đang chuẩn bị mừng ngày diễu hành hàng năm. Sau khi suy nghĩ và cầu nguyện để biết phải làm gì, tôi nói với họ rằng tôi không thể làm loại công việc này được. Tôi đưa cho họ đồ nghề của tôi và bỏ đi. Tôi phải trình diện với viên phó trại, và tôi ngạc nhiên là ông lắng nghe lời khiếu nại về tôi và trả lời họ: “Tôi tôn trọng ông ta về những điều đó. Ông ta là người có nguyên tắc”.

Khích lệ đến từ nguồn bất ngờ

Vào ngày 8-6-1984, sau đúng ba năm bị giam giữ, tôi được thả ra. Vừa trở về Ukraine, là một cựu tù nhân tôi phải đăng ký với lực lượng dân quân. Các viên chức cho tôi biết là trong vòng sáu tháng, tôi sẽ bị đưa ra tòa để tái xử, vậy tốt hơn cho tôi là nên rời hẳn khu này. Do đó, tôi rời Ukraine và cuối cùng tôi tìm được việc làm ở Latvia. Trong một thời gian tôi có thể rao giảng và kết hợp với một nhóm nhỏ Nhân Chứng sống ở thủ đô Riga và vùng phụ cận. Tuy nhiên, sau chỉ một năm, tôi lại bị gọi đi nghĩa vụ quân sự. Tại văn phòng nhập ngũ, tôi cho viên sĩ quan biết trước đây tôi đã từ chối đi nghĩa vụ quân sự. Đáp lại, ông hét lên: “Anh có thật sự biết anh đang làm gì không? Để xem anh sẽ nói gì với trung tá!”

Ông đem tôi lên phòng trên lầu hai, nơi viên trung tá ngồi đằng sau chiếc bàn dài. Vị sĩ quan này chú ý lắng nghe tôi giải thích lập trường của tôi, rồi ông bảo là tôi vẫn còn thời gian để xem xét lại quyết định của mình trước khi gặp ủy ban nhập ngũ. Khi rời văn phòng vị trung tá, viên sĩ quan vốn lúc đầu la mắng tôi thú nhận: “Bây giờ tôi mới công nhận anh thật sự có đức tin!” Khi đứng trước ủy ban quân sự, tôi lặp lại lập trường trung lập của tôi, và họ tạm thời để cho tôi về.

Trong thời gian đó, tôi sống ở trong một nhà tập thể. Một buổi tối nọ, tôi nghe thấy tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Tôi mở cửa và thấy một người mặc vét tông, tay xách cặp. Ông ta tự giới thiệu: “Tôi thuộc Cơ Quan An Ninh Quốc Gia. Tôi được biết anh đang gặp khó khăn và sẽ bị đem ra tòa xét xử”. Tôi trả lời: “Dạ, đúng vậy”. Ông nói tiếp: “Chúng tôi có thể giúp đỡ anh nếu anh đồng ý hợp tác với chúng tôi”. Tôi trả lời: “Không, điều đó không thể được, tôi sẽ tiếp tục trung thành với đức tin của tín đồ Đấng Christ”. Ông bỏ đi, không cố thuyết phục thêm.

Lại vào tù, lại rao giảng

Vào ngày 26-8-1986, Tòa Án Quốc Gia ở Riga tuyên án tôi bốn năm cưỡng bách lao động, và tôi bị giải đến Nhà Tù Trung Ương Riga. Tôi bị giam với 40 tù nhân khác trong một phòng lớn và tôi cố gắng rao giảng cho mọi tù nhân trong phòng này. Một số cho là mình tin nơi Đức Chúa Trời, còn những người khác thì chỉ cười chế nhạo. Tôi để ý thấy các tù nhân họp nhau lại thành từng nhóm, và sau hai tuần lễ, các đàn anh của những nhóm này bảo tôi không được rao giảng vì tôi không chịu theo luật ngầm của họ. Tôi giải thích là tôi bị tù vì chính lý do đó—tôi sống theo luật khác.

Tôi tiếp tục rao giảng một cách thận trọng. Tôi đã có thể học Kinh Thánh với bốn người trong số người có thiêng liêng tính mà tôi tìm được. Trong cuộc thảo luận, họ ghi chép những dạy dỗ căn bản của Kinh Thánh vào một cuốn vở. Vài tháng sau, tôi được gửi tới một trại được canh phòng cẩn mật ở Valmiera, nơi tôi làm thợ điện. Tại đây, tôi đã học Kinh Thánh với một thợ điện khác, và bốn năm sau, người này đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.

Vào ngày 24-3-1988, tôi được chuyển từ trại canh phòng cẩn mật tới một trại định cư gần đó. Điều này thật sự là một ân phước vì tôi được tự do hơn. Họ chỉ định tôi làm việc tại những công trường xây dựng khác nhau, và tôi luôn luôn tìm cơ hội để rao giảng. Tôi thường ra khỏi trại, rao giảng cho tới tối khuya, và khi trở về trại tôi không bao giờ gặp khó khăn gì.

Đức Giê-hô-va đã ban phước cho cố gắng của tôi. Trong vùng chỉ có vài Nhân Chứng, nhưng ở ngay thị trấn thì có một, đó là Vilma Krūmin̗a, một chị lớn tuổi. Chị Krūmin̗a và tôi bắt đầu hướng dẫn nhiều học hỏi Kinh Thánh với người trẻ. Thỉnh thoảng, các anh chị từ Riga đến tham gia rao giảng, và một số tiên phong đều đều thậm chí đến từ Leningrad (nay là St. Petersburg). Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng tôi bắt đầu một số học hỏi Kinh Thánh, và chẳng bao lâu tôi ghi tên làm tiên phong, dành ra 90 giờ mỗi tháng để rao giảng.

Vào ngày 7-4-1990, Tòa Án Nhân Dân ở Valmiera tái xét trường hợp của tôi. Khi vụ xét xử bắt đầu, tôi nhận ra ủy viên công tố. Anh là người đàn ông trẻ tuổi mà trước đây tôi có dịp thảo luận về Kinh Thánh! Anh cũng nhận ra tôi và mỉm cười nhưng không nói gì. Tôi vẫn còn nhớ những gì ông thẩm phán nói với tôi trong phiên tòa ngày hôm đó: “Yurii, án lệnh bỏ tù anh cách đây bốn năm là bất hợp pháp. Đáng lẽ họ không được kết án anh”. Bỗng nhiên tôi được tự do!

Lính của Đấng Christ

Vào tháng 6 năm 1990, tôi lại phải đăng ký tại văn phòng nhập ngũ để có thể được giấy phép cư trú ở Riga. Tôi bước vào cùng văn phòng với cùng chiếc bàn dài, nơi mà trước đây bốn năm, tôi đã nói với viên trung tá là tôi không thể phục vụ trong quân đội. Lần này, ông đứng lên chào hỏi, bắt tay tôi và nói: “Thật đáng tiếc là anh phải trải qua tất cả những khó khăn này. Tôi buồn là sự việc đã xảy ra như vậy”.

Tôi trả lời: “Tôi là lính của Đấng Christ, và tôi phải sống đúng với sứ mệnh của tôi. Với sự giúp đỡ của Kinh Thánh, ông cũng có thể được hưởng những điều Đấng Christ hứa với các môn đồ ngài—một đời sống hạnh phúc và một tương lai vô tận”. (2 Ti-mô-thê 2:3, 4) Viên trung tá trả lời: “Cách nay không lâu tôi đã mua một cuốn Kinh Thánh, và hiện tôi đang đọc”. Tôi có trong tay sách Bạn có thể sống đời đời trong Địa-đàng trên đất. * Tôi mở đến chương bàn về điềm của những ngày sau rốt và chỉ cho ông thấy lời tiên tri của Kinh Thánh liên quan thế nào đến thời kỳ chúng ta. Viên trung tá tỏ ra rất biết ơn, bắt tay tôi một lần nữa và chúc tôi thành công trong công việc tôi làm.

Vào thời điểm này, cánh đồng ở Latvia thật sự đã chín vàng, sẵn sàng để gặt. (Giăng 4:35) Vào năm 1991, tôi bắt đầu phục vụ trong hội thánh với tư cách trưởng lão. Trong cả nước chỉ có hai trưởng lão được bổ nhiệm! Một năm sau, hội thánh duy nhất tại Latvia được chia làm hai—một hội thánh nói tiếng Latvia và một hội thánh nói tiếng Nga. Tôi được đặc ân phục vụ trong hội thánh nói tiếng Nga. Việc gia tăng quá mau lẹ đến độ ngay trong năm sau, hội thánh chúng tôi phải chia ra làm ba! Khi tôi nhìn lại, rõ ràng chính Đức Giê-hô-va đã hướng dẫn chiên vào tổ chức của Ngài.

Vào năm 1998, tôi được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt ở Jelgava, một thị trấn cách Riga 40 kilômét về phía tây nam. Cùng năm đó, tôi là một trong những người đầu tiên từ Latvia được mời dự Trường Huấn Luyện Thánh Chức bằng tiếng Nga, ở Solnechnoye, gần St. Petersburg, Nga. Trong thời gian học, tôi mới nhận ra tầm quan trọng của việc có thái độ yêu thương đối với người khác để thành công trong thánh chức. Nhưng điều đặc biệt gây ấn tượng cho tôi, hơn cả những gì chúng tôi được dạy ở trường, đó là tình yêu thương và sự quan tâm mà gia đình Bê-tên và các giảng viên đã dành cho chúng tôi.

Một biến cố quan trọng khác xảy ra trong đời tôi vào năm 2001 khi tôi thành hôn với Karina, một nữ tín đồ Đấng Christ dễ yêu. Karina cùng tham gia với tôi làm tiên phong đặc biệt, và mỗi ngày tôi được khích lệ khi nhìn thấy vợ vui vẻ đi rao giảng về. Thật vậy, được phụng sự Đức Giê-hô-va quả là niềm vui lớn. Những kinh nghiệm cay đắng dưới chế độ vô thần đã dạy tôi tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va. Không có sự hy sinh nào là quá lớn cho một người muốn duy trì tình bạn với Đức Giê-hô-va và ủng hộ quyền tối thượng của Ngài. Việc giúp người khác học biết về Đức Giê-hô-va đã cho tôi mục đích trong đời sống. Thật là một vinh dự tuyệt vời cho tôi được phụng sự Đức Giê-hô-va “như một người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus-Christ”.—2 Ti-mô-thê 2:3.

[Chú thích]

^ đ. 29 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản nhưng nay không còn ấn hành nữa.

[Hình nơi trang 11]

Tôi bị tuyên án bốn năm cưỡng bách lao động và bị tù ở Nhà Tù Trung Ương Riga

[Hình nơi trang 12]

Với Karina trong thánh chức rao giảng