Bôn-xơ Phi-lát là ai?
Bôn-xơ Phi-lát là ai?
“NGƯỜI TA luôn thắc mắc về Phi-lát, một nhân vật lịch sử có bản tính nhạo báng và hoài nghi. Đối với một số người, ông là vị thánh, số khác thì xem ông là hiện thân cho sự yếu đuối của con người hoặc là nhà chính trị điển hình, sẵn sàng hy sinh một mạng người để bảo đảm an ninh trật tự”.—Sách Pontius Pilate, của Ann Wroe.
Dù bạn có đồng ý hay không với một trong những quan điểm nêu trên, Bôn-xơ Phi-lát đã được nhiều người biết đến qua cách ông đối xử với Chúa Giê-su Christ. Vậy Phi-lát là ai? Chúng ta biết gì về ông? Khi biết thêm về địa vị của ông, chúng ta hiểu rõ hơn những sự kiện hết sức quan trọng từng xảy ra trên đất.
Địa vị, chức vụ và quyền lực
Hoàng Đế La Mã là Ti-be-rơ bổ nhiệm Phi-lát làm tổng đốc tỉnh Giu-đê vào năm 26 CN. Những quan chức cấp cao như ông thường thuộc dòng được gọi là dòng kỵ sĩ—thuộc giới quý tộc, thấp hơn so với những người quý tộc có địa vị trong Thượng Nghị Viện. Phi-lát có lẽ đã phục vụ trong quân đội với tư cách là quan chỉ huy bộ binh hoặc sĩ quan; và đã được thăng chức qua những lần hoàn thành nhiệm vụ; rồi được bổ nhiệm làm tổng đốc khi chưa đầy 30 tuổi.
Trong quân đội, Phi-lát có lẽ mặc bộ quân phục bằng da với áo giáp kim loại. Khi xuất hiện trước công chúng, ông mặc áo choàng trắng với viền màu tía. Tóc ông cắt ngắn và không để râu. Dù một số người nghĩ ông đến từ Tây Ban Nha, nhưng tên ông làm người ta nghĩ ông đến từ một bộ tộc dòng Pontii—giới quý tộc ở Samnium, miền nam nước Ý.
Những quan chức cùng giai cấp với Phi-lát thường được phái đi những vùng ngoại bang thiếu văn minh. Người La Mã xem xứ Giu-đê là một nơi như thế. Ngoài việc giữ trật tự, Phi-lát giám sát thuế gián thu và thuế thân. Những vụ tư pháp thường ngày được các tòa án Do Thái xét xử, còn những vụ liên quan đến án tử hình thì phải được trình lên tổng đốc, tức quan chấp chính tối cao về tư pháp.
Phi-lát và vợ ông sống ở Sê-sa-rê, một thành phố cảng, cùng với một vài viên thư lại, tôi tớ và người đưa tin. Phi-lát chỉ huy năm đội quân bộ binh, mỗi đội có từ 500 đến 1.000 lính, và một trung đoàn kỵ binh gồm khoảng 500 lính. Các lính của ông thường hành quyết những kẻ phạm luật. Vào thời bình thì có những cuộc xét xử đơn giản trước khi thi hành án tử hình, nhưng trong lúc hỗn loạn thì những kẻ nổi loạn bị hành quyết hàng loạt ngay lập tức. Chẳng hạn, để dẹp tan sự dấy loạn, lính La Mã hành quyết 6.000 kẻ nô lệ đã theo Spartacus là kẻ cầm đầu. Nếu xứ Giu-đê có nguy cơ gặp rối loạn, tổng đốc thường có thể yêu cầu sự hỗ trợ của quan khâm sai La Mã ở Sy-ri, người chỉ huy
những quân đoàn. Tuy nhiên, trong thời gian Phi-lát làm tổng đốc ở Giu-đê, quan khâm sai ở Sy-ri thường vắng mặt nên Phi-lát phải cấp tốc giải quyết những cuộc nổi loạn.Các tổng đốc thường xuyên liên lạc với hoàng đế. Những vấn đề liên quan đến uy quyền của hoàng đế, hoặc bất cứ hiểm họa nào đe dọa thẩm quyền của đế chế La Mã thì phải tấu trình lên hoàng đế để được lệnh. Khi có vấn đề trong vùng, tổng đốc của vùng ấy có lẽ nhanh chóng tìm cách báo cáo sự việc trước khi người khác có thể phàn nàn. Tình trạng ngày càng lộn xộn ở Giu-đê quả là một vấn đề đối với Phi-lát.
Ngoài các lời tường thuật trong Phúc Âm, những nguồn thông tin chính về Phi-lát đến từ hai sử gia Flavius Josephus và Philo. Ông Tacitus, một sử gia người La Mã cũng nói về sự kiện Phi-lát xử tử Christus, là người có danh mà các tín đồ Đấng Christ dùng để nhận diện mình.
Xúc phạm đến người Do Thái
Josephus cho biết rằng, vì quan tâm đến sự thận trọng của người Do Thái về hình tượng, các tổng đốc La Mã tránh mang vào Giê-ru-sa-lem những cờ hiệu của quân đội mang biểu tượng của hoàng đế. Vì Phi-lát không màng đến vấn đề này, những người Do Thái bị xúc phạm tức giận kéo đến Sê-sa-rê để phàn nàn. Trong năm ngày, Phi-lát không làm gì cả. Vào ngày thứ sáu, ông ra lệnh cho lính bao vây những kẻ phản kháng và đe dọa sẽ xử tử nếu họ không giải tán. Khi những người Do Thái ấy nói họ thà chết còn hơn là thấy luật pháp họ bị vi phạm thì Phi-lát dịu lại và ra lệnh gỡ những biểu tượng của hoàng đế.
Phi-lát có thể dùng vũ lực khi ông muốn. Trong một sự việc Josephus kể lại, tổng đốc Phi-lát bắt đầu xây một hệ thống dẫn nước vào Giê-ru-sa-lem và dùng quỹ đền thờ để tài trợ công trình này. Phi-lát không đơn thuần chiếm lấy tiền trong quỹ đền thờ vì biết rằng đó là một hành động xúc phạm thánh thần, chắc sẽ chọc giận người Do Thái và khiến họ yêu cầu Ti-be-rơ triệu ông về Rô-ma. Vì vậy, hình như Phi-lát có sự hợp tác của giới lãnh đạo trong đền thờ. Ngân quỹ được dâng riêng, gọi là “co-ban”, có thể dùng hợp pháp cho những công trình mang lại ích lợi cho thành. Thế nhưng hàng ngàn người Do Thái nhóm lại để phản đối.
Phi-lát cho binh lính ông trà trộn vào trong đám đông và ra lệnh không được dùng gươm nhưng chỉ lấy gậy đánh kẻ chống đối. Có lẽ ông muốn kiềm chế đám đông ấy và tránh một cuộc tàn sát. Quyết định này dường như có hiệu quả, dù một số người bị thiệt mạng. Lời tường thuật về một người báo cho Chúa Giê-su biết việc Phi-lát lấy huyết của người Ga-li-lê trộn lộn với của-lễ có lẽ muốn nói đến sự kiện này.—Lu-ca 13:1.
“Lẽ thật là cái gì?”
Sự kiện khiến Phi-lát bị mang tiếng là việc ông xem xét lời các thầy tế-lễ cả và trưởng lão Do Thái buộc tội Chúa Giê-su tự xưng mình là vua. Khi nghe Chúa Giê-su nói sứ mạng của ngài là làm chứng cho lẽ thật, Phi-lát nhận thấy người bị bắt này không phải là mối đe dọa cho Rô-ma. Ông hỏi: “Lẽ thật là cái gì?”, có lẽ vì nghĩ rằng lẽ thật là một khái niệm quá khó hiểu nên không cần phải để ý nhiều. Ông đi đến kết luận nào? “Ta chẳng thấy người có tội-lỗi gì cả”.—Giăng 18:37, 38; Lu-ca 23:4.
Mác 15:7, 10; Lu-ca 23:2) Ngoài ra, những cuộc tranh cãi trước đó với người Do Thái đã làm giảm uy tín của ông đối với Ti-be-rơ, vốn nổi tiếng là người xử nghiêm khắc những tổng đốc không làm việc hữu hiệu. Ngược lại, nếu nhượng bộ người Do Thái, ông lại bị xem là nhu nhược. Do đó, Phi-lát ở trong tình trạng khó xử.
Vụ xét xử Chúa Giê-su có thể chấm dứt ở đây, nhưng người Do Thái vẫn khăng khăng nói rằng ngài xúi dân nổi loạn. Phi-lát biết nguyên nhân khiến những thầy tế-lễ cả nộp Chúa Giê-su là bởi lòng ghen ghét. Ông cũng ý thức rằng việc thả Chúa Giê-su sẽ gây rối loạn và muốn tránh điều này. Đã có nhiều sự rối loạn rồi vì tên Ba-ra-ba và một số kẻ khác đang bị giam vì tội dấy loạn và giết người. (Khi biết về xuất xứ của Chúa Giê-su, Phi-lát tìm cách chuyển vụ này sang Hê-rốt An-ti-ba, người cai trị miền Ga-li-lê. Khi không làm được điều này, ông cố khiến dân đang tụ tập bên ngoài dinh xin tha cho Chúa Giê-su, theo tục lệ thả một tù nhân vào ngày Lễ Vượt Qua. Đám đông lại kêu la xin ông thả Ba-ra-ba.—Lu-ca 23:5-19.
Phi-lát có lẽ muốn làm điều đúng, nhưng ông cũng muốn giữ địa vị và làm dân hài lòng. Cuối cùng ông đặt sự nghiệp lên trên lương tâm và công lý. Sai người mang nước đến, ông rửa tay và tuyên bố mình vô tội về cái chết của người mà ông cho phép tử hình. * Dù tin Chúa Giê-su vô tội, Phi-lát vẫn ra lệnh đánh đòn, cho lính nhạo báng, đập và nhổ vào ngài.—Ma-thi-ơ 27:24-31.
Phi-lát nỗ lực lần cuối cùng để thả Chúa Giê-su, nhưng đám đông la hét lên rằng nếu làm thế là ông không trung thành với Sê-sa. (Giăng 19:12) Nghe như vậy, Phi-lát nhượng bộ. Một học giả nói như sau về quyết định của Phi-lát: “Giải pháp là dễ dàng: cho xử tử người đó. Tất cả mất mát chỉ là mạng sống của một người Do Thái có vẻ tầm thường; còn để cho sự rắc rối phát sinh vì cớ người này là điều thiếu khôn ngoan”.
Điều gì xảy ra cho Phi-lát?
Sự kiện cuối cùng xảy ra trong cuộc đời làm quan của Phi-lát được ghi lại là một cuộc xung đột khác. Josephus cho biết rằng một nhóm rất đông người Sa-ma-ri được trang bị vũ khí đã tập trung tại núi Ga-ri-xim với hy vọng tìm ra những của quý mà người ta cho rằng Môi-se đã chôn cất. Phi-lát can thiệp và lính ông giết một số người trong nhóm này. Những người Sa-ma-ri phàn nàn với cấp trên của Phi-lát là Lucius Vitellius, tổng đốc của Sy-ri. Sử gia không cho biết Vitellius có nghĩ rằng Phi-lát đã hành động quá đáng hay không. Dù sao đi nữa, Vitellius ra lệnh đòi Phi-lát đến Rô-ma để khai trình với hoàng đế về hành động của mình. Tuy nhiên, Ti-be-rơ qua đời trước khi Phi-lát đến Rô-ma.
Một tài liệu cho biết: “Từ đó trở đi, Phi-lát ra khỏi lịch sử mà đi vào huyền thoại”. Nhưng nhiều người cố gắng đưa ra những chi tiết còn thiếu về Phi-lát. Một số cho rằng Phi-lát trở thành tín đồ Đấng Christ. Những “tín đồ Đấng Christ” gốc Ê-thi-ô-bi phong ông là một “vị thánh”. Ông Eusebius, tác giả vào cuối thế kỷ thứ ba và đầu thế kỷ thứ tư, là người đầu tiên trong số những người cho rằng Phi-lát đã tự tử, như Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Tuy nhiên, điều gì xảy ra cho Phi-lát chỉ là sự suy đoán.
Phi-lát có thể là người ngoan cố, thiếu nghiêm túc và độc đoán. Nhưng ông giữ được chức vụ mười năm, lâu hơn phần lớn các tổng đốc khác của Giu-đê. Vì thế, theo quan điểm của phía La Mã, Phi-lát là một quan chức làm việc hiệu quả. Một số người xem ông như một kẻ hèn nhát, đáng bị chê trách vì đã cho phép người ta hành hạ và xử tử Chúa Giê-su để bảo vệ bản thân mình. Một số người khác thì cãi lại rằng nhiệm vụ chính của Phi-lát không phải là duy trì công lý mà là đẩy mạnh hòa bình và quyền lợi của đế chế La Mã.
Thời kỳ của Phi-lát khác xa với thời chúng ta. Tuy nhiên, không quan án nào được xem là công bình khi kết án một người mà mình cho là vô tội. Nếu như chưa từng gặp Chúa Giê-su, thì có lẽ Bôn-xơ Phi-lát chỉ là tên của một nhân vật nào đó trong sử sách.
[Chú thích]
^ đ. 19 Việc rửa tay là một phong tục của người Do Thái, chứ không phải của người La Mã, cho thấy một người không dính líu đến việc đổ máu.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:6, 7.
[Hình nơi trang 11]
Bia đá tìm được tại Sê-sa-rê có câu khắc cho biết Bôn-xơ Phi-lát là tổng đốc của Giu-đê