Quyết tâm tiếp tục phụng sự Đấng Tạo Hóa
Tự Truyện
Quyết tâm tiếp tục phụng sự Đấng Tạo Hóa
DO CONSTANCE BENANTI KỂ LẠI
Mọi việc xảy ra thật bất ngờ! Chỉ trong vòng có sáu ngày mà con gái chúng tôi là Camille, 22 tháng tuổi, bị sốt cao rồi chết cách đột ngột. Nỗi đau buồn của tôi không thể nào tả xiết. Tôi cũng muốn chết theo con. Tại sao Đức Chúa Trời lại để cho con tôi chết? Tôi vô cùng hoang mang.
CHA MẸ tôi là di dân từ Castellammare del Golfo, một thị trấn ở Sicily, nước Ý. Họ đến định cư ở Thành Phố New York và tại đó tôi chào đời vào ngày 8-12-1908. Cha mẹ tôi có tám người con, gồm năm trai và ba gái. *
Vào năm 1927, cha tôi là Santo Catanzaro bắt đầu dự các buổi họp của một nhóm nhỏ Học Viên Kinh Thánh, tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ. Một anh người Ý tên Giovanni De Cecca phục vụ tại trụ sở trung ương (cũng gọi là Bê-tên) ở Brooklyn, New York, tổ chức các buổi họp ở gần đó, tại New Jersey, là nơi gia đình tôi sinh sống. Với thời gian, cha tôi bắt đầu đi rao giảng và phụng sự trong thánh chức trọn thời gian cho đến khi ông mất vào năm 1953.
Khi còn trẻ, mẹ muốn đi tu, nhưng ông bà ngoại không tán thành. Ban đầu, tôi nghe lời mẹ nên không cùng cha học Kinh Thánh. Nhưng chẳng bao lâu sau, tôi thấy cha có nhiều thay đổi. Ông trở nên điềm đạm, hòa nhã hơn và cả gia đình
được bình an hơn. Đó là điều mà tôi rất thích.Trong thời gian đó, tôi gặp được anh Charles, một người đàn ông trạc tuổi tôi, sinh tại Brooklyn. Gia đình anh cũng di cư từ Sicily như gia đình tôi. Ít lâu sau, chúng tôi đính hôn và sau khi cha dự đại hội năm 1931 của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Columbus, Ohio, về thì chúng tôi kết hôn. Chưa đầy một năm sau, con gái chúng tôi là Camille chào đời. Khi Camille chết, tôi đau buồn mãi không nguôi. Một ngày kia, anh Charles khóc và nói với tôi: “Em thương con cũng như anh thương con. Sao mình không cố gắng an ủi nhau để tiếp tục sống?”
Chúng tôi chấp nhận lẽ thật Kinh Thánh
Anh Charles nhắc tôi nhớ là cha tôi đã nói về hy vọng nơi sự sống lại trong bài giảng tại tang lễ của Camille. Tôi hỏi: “Anh có thật sự tin có sự sống lại không?”
Anh Charles đáp: “Anh tin chứ! Vậy tại sao chúng mình không tìm hiểu thêm Kinh Thánh nói gì về điều này?”
Đêm đó tôi không tài nào chợp mắt được. Sáu giờ sáng hôm sau, trước khi cha đi làm, tôi đến nói với ông rằng tôi và anh Charles muốn học Kinh Thánh. Cha rất vui và ôm lấy tôi. Lúc đó mẹ còn nằm ở trên giường nhưng bà nghe được cha và tôi nói chuyện với nhau nên bà thắc mắc muốn biết chúng tôi đã nói gì. Tôi trả lời: “Dạ, không có gì đâu mẹ. Con và anh Charles quyết định học Kinh Thánh đó thôi”.
Mẹ nói: “Cả gia đình mình cần học Kinh Thánh”. Thế là toàn thể gia đình tôi gồm 11 người cùng nhau bắt đầu học Kinh Thánh.
Việc học Kinh Thánh đem lại cho tôi niềm an ủi, dần dần tôi không còn hoang mang và đau buồn nữa vì có niềm hy vọng trong đời sống. Một năm sau, tức là vào năm 1935, tôi và anh Charles bắt đầu chia sẻ lẽ thật Kinh Thánh với người khác. Vào tháng 2 năm 1937, sau khi nghe được một bài giảng tại trụ sở trung ương ở Brooklyn giải thích ý nghĩa của báp têm trong nước dựa trên Kinh Thánh, chúng tôi cùng với nhiều người khác làm báp têm ở một khách sạn gần đó. Tôi quyết định làm báp têm không chỉ vì lý do muốn gặp lại con gái tôi, nhưng cũng vì mong muốn phụng sự Đấng Tạo Hóa, là Đấng mà tôi đã học biết và yêu mến.
Bắt đầu thánh chức trọn thời gian
Nói với người khác về những điều tôi học được làm cho tôi vui thích và thỏa lòng, nhất là vì có nhiều người hưởng ứng thông điệp Nước Trời và rồi tham gia công việc rao giảng. (Ma-thi-ơ 9:37) Vào năm 1941, tôi và anh Charles bắt đầu làm tiên phong, tức những người truyền giáo trọn thời gian theo cách gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va. Ít lâu sau, vợ chồng tôi mua một nhà lưu động và anh Charles giao lại cho em tôi là Frank xưởng may của gia đình chuyên sản xuất quần mặc. Sau đó vợ chồng tôi vui mừng nhận được một lá thư báo tin chúng tôi được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt. Ban đầu, chúng tôi phục vụ tại New Jersey, sau đó được gửi đến Tiểu Bang New York.
Vào năm 1946, trong lúc vợ chồng tôi đang dự một đại hội tại Baltimore, Maryland, thì chúng tôi được mời đến dự một cuộc họp với những anh đại diện đặc biệt của Nhân Chứng Giê-hô-va. Tại cuộc họp này, chúng tôi được gặp anh Nathan H. Knorr và anh Milton G. Henschel. Họ nói chuyện với chúng tôi về công việc giáo sĩ và đặc biệt công việc rao giảng ở Ý. Họ khuyến khích chúng tôi nghĩ đến việc dự Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh.
Các anh nói với chúng tôi: “Hãy suy nghĩ rồi cho chúng tôi biết quyết định của anh chị”. Sau khi rời khỏi phòng họp, tôi và anh Charles đưa mắt nhìn nhau rồi vòng ngay trở lại. Chúng tôi nói: “Vợ chồng tôi đã suy nghĩ rồi. Chúng tôi sẵn sàng đi Ga-la-át”. Chỉ mười ngày sau, tôi và anh Charles có mặt để dự khóa thứ bảy của Trường Ga-la-át.
Những tháng huấn luyện thật là đáng nhớ. Điều đặc biệt làm chúng tôi thật cảm kích chính là sự kiên nhẫn và tình yêu thương của những anh giảng viên. Họ chuẩn bị cho chúng tôi cách đối phó với những khó khăn trong cánh đồng nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp vào tháng 7 năm 1946, vợ chồng tôi được giao công tác rao giảng ở Thành Phố New York trong một thời gian, nơi đó có khá đông người Ý. Rồi ngày trọng đại cũng đến! Vào ngày 25-6-1947, tôi và anh Charles lên đường đi Ý, là nhiệm sở giáo sĩ của chúng tôi.
Ổn định tại nhiệm sở
Chúng tôi vượt biển bằng con tàu trước đây thuộc về quân đội. Sau 14 ngày lênh đênh trên biển, tàu cặp vào cảng Genoa, nước Ý. Thành phố này mang nặng những vết thương của Thế Chiến II, mới chấm dứt được hai năm. Chẳng hạn như trạm xe lửa do bị bom đạn tàn phá nên đã mất hết các ô kính cửa sổ. Chúng tôi đi từ Genoa đến Milan bằng xe lửa chở hàng, Milan là nơi có trụ sở chi nhánh và nhà giáo sĩ.
Điều kiện sống ở Milan sau chiến tranh vô cùng tồi tệ. Nhiều chương trình tái thiết đang được thi công, nhưng ở nơi đâu cũng có sự nghèo khổ. Ít lâu sau, tôi mắc một chứng bệnh nghiêm trọng. Một bác sĩ chẩn đoán là tôi bị bệnh tim rất nặng và ông khuyên tôi nên trở về Hoa Kỳ. Tôi mừng là ông ấy đã chẩn bệnh sai. Sau 58 năm, tôi vẫn còn phục vụ ở Ý.
Chúng tôi ở Ý mới được vài năm thì các em trai tôi ở Hoa Kỳ có ý muốn cho vợ chồng tôi một chiếc xe hơi. Nhưng chồng tôi từ chối, và tôi thấy quyết định này thật sáng suốt. Theo chúng tôi biết thì ở nước Ý lúc đó không có một Nhân Chứng nào có xe hơi, vì thế chồng tôi nghĩ rằng chúng tôi nên giữ cùng một mức sống như các anh em tín đồ Đấng Christ khác. Mãi cho đến năm 1961 chúng tôi mới có được một chiếc xe nhỏ.
Phòng Nước Trời đầu tiên của chúng tôi ở Milan nằm dưới một tầng hầm nền đất, chẳng có phòng vệ sinh, còn nước thì chỉ có ở dưới chân chúng tôi sau mỗi cơn mưa. Phòng Nước Trời cũng là nhà ở cho các chú chuột chạy tứ tung. Các buổi họp có được ánh sáng nhờ hai bóng đèn điện. Dù bất tiện như thế, nhưng thật
là khích lệ khi thấy những người có lòng thành thật đến dự các buổi họp và rồi cùng chúng tôi tham gia thánh chức.Kinh nghiệm làm giáo sĩ
Có một lần, chúng tôi phát sách nhỏ Peace—Can It Last? (Hòa bình có thể tồn tại không?) cho một người đàn ông. Khi chúng tôi chuẩn bị ra về thì vợ ông tên là Santina vừa về đến nhà, trên tay bà nặng trĩu những bịch đồ ăn. Bà có vẻ hơi bực bội và nói với chúng tôi rằng bà phải nuôi đến tám đứa con gái nên không có thời gian rảnh rỗi. Lần sau tôi đến thăm Santina, chồng bà không có ở nhà và bà đang đan len. “Tôi không có thời gian nghe bà, hơn nữa tôi không biết đọc”, Santina nói.
Tôi cầu nguyện thầm với Đức Giê-hô-va và rồi hỏi đặt bà đan cho chồng tôi một cái áo. Hai tuần sau, bà giao cho tôi áo và bắt đầu đều đặn học Kinh Thánh với tôi qua sách The Truth Shall Make You Free (Lẽ thật sẽ giải thoát bạn). Santina tập đọc và bất kể sự chống đối của người chồng, bà tiến bộ và làm báp têm. Năm người con gái của Santina trở thành Nhân Chứng và chị cũng giúp được nhiều người chấp nhận lẽ thật Kinh Thánh.
Vào tháng 3 năm 1951, vợ chồng tôi cùng với hai giáo sĩ khác là Ruth Cannon * và Loyce Callahan (sau này kết hôn với Bill Wengert) được chuyển đến Brescia, thành phố này chưa có một Nhân Chứng nào cả. Chúng tôi mướn được một căn hộ có sẵn đồ đạc, nhưng hai tháng sau chủ nhà buộc chúng tôi phải dọn ra trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Vì ở vùng đó không có một Nhân Chứng nào hết nên chúng tôi phải tạm trú trong khách sạn gần hai tháng.
Khẩu phần của chúng tôi rất hạn chế: điểm tâm gồm có cà phê và bánh sừng trâu (croaxăng), buổi ăn trưa có trái cây, bánh mì ba-gét khô và phó mát, buổi ăn chiều thì cũng lại trái cây, bánh mì ba-gét khô và phó mát. Dù cuộc sống không thoải mái, nhưng Đức Chúa Trời đã thật sự ban phước cho chúng tôi. Cuối cùng chúng tôi tìm được một căn hộ nhỏ, và vào năm 1952 có đến 35 người dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Đấng Christ trong căn phòng nhỏ bé mà chúng tôi dùng làm Phòng Nước Trời.
Đương đầu với những thách đố
Vào thời đó, hàng giáo phẩm có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với dân chúng. Chẳng hạn như trong lúc chúng tôi đang rao giảng ở Brescia thì một linh mục đã xúi giục vài cậu bé ném đá vào người chúng tôi. Tuy nhiên, với thời gian 16 người bắt đầu học Kinh Thánh và trong vòng một thời gian ngắn, họ trở thành Nhân Chứng. Một trong những người đó là ai? Là một cậu bé đã dọa ném đá vào chúng tôi! Giờ đây anh là trưởng lão của một hội thánh ở Brescia. Vào năm 1955 khi chúng tôi rời Brescia, có 40 người công bố Nước Trời đang tham gia vào công việc rao giảng.
Sau đó, chúng tôi phục vụ ở Leghorn (Livorno) được ba năm, ở đây đa số Nhân Chứng là phụ nữ. Vì vậy các chị phải gánh vác những trách nhiệm trong hội thánh mà thông thường được giao cho các anh. Rồi chúng tôi lại dọn trở về Genoa, nơi mà chúng tôi đã đặt chân đến cách đây 11 năm trước. Giờ đây, nơi này có một hội thánh. Phòng Nước Trời nằm ở tầng trệt tòa nhà mà chúng tôi ở.
Vừa đến Genoa, tôi bắt đầu dạy Kinh Thánh cho một phụ nữ, chồng bà là một cựu võ sĩ quyền Anh và cũng là viên quản lý của trung tâm quyền thuật. Người phụ nữ này tiến bộ về thiêng liêng và chẳng bao lâu sau trở thành một chị tín đồ Đấng Christ. Tuy nhiên, chị bị chồng chống đối trong một thời gian dài. Nhưng rồi ông bắt đầu cùng chị đến buổi họp. Ông không vào Phòng Nước Trời mà chỉ ngồi nghe ở ngoài cửa. Sau này, khi đã rời khỏi Genoa, chúng tôi được biết là ông bắt đầu học Kinh Thánh. Với thời gian, ông làm báp têm và trở thành một người giám thị đầy yêu thương. Anh giữ sự trung thành cho đến khi qua đời.
Tôi cũng hướng dẫn một phụ nữ khác học Kinh Thánh, bà này đính hôn với một viên cảnh sát. Ban đầu ông tỏ vẻ chú ý, nhưng sau khi hai người kết hôn thì ông thay đổi hẳn thái độ. Ông chống đối bà đến độ bà phải ngưng
học Kinh Thánh. Khi bà học Kinh Thánh trở lại, chồng bà hăm dọa rằng nếu ông bắt gặp bà học Kinh Thánh với tôi thì ông sẽ bắn chết cả hai người. Tuy thế, bà vẫn tiến bộ về thiêng liêng và làm báp têm trở thành Nhân Chứng. Điều không cần phải nói là ông đã không bao giờ bắn chúng tôi. Thật vậy, vài năm sau, trong lúc tôi đang dự hội nghị tại Genoa thì có người đến sau lưng, lấy tay bịt mắt tôi lại và bảo tôi đoán xem người đó là ai. Tôi không cầm được nước mắt khi nhận ra người bịt mắt tôi chính là chồng của người phụ nữ từng học với tôi năm nào. Anh ôm chầm lấy tôi và cho biết là anh vừa mới biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua phép báp têm ngay ngày hôm đó!Từ năm 1964 đến năm 1972, tôi được đặc ân đi cùng với anh Charles khi anh đến thăm và làm vững mạnh các hội thánh về mặt thiêng liêng. Chúng tôi phục vụ ở gần hết miền bắc nước Ý—ở Piedmont, Lombardy và Liguria. Rồi chúng tôi tiếp tục công việc tiên phong gần Florence và sau đó ở Vercelli. Vào năm 1977, ở Vercelli chỉ có một hội thánh, nhưng khi chúng tôi rời khỏi đó vào năm 1999 thì Vercelli có đến ba hội thánh. Năm đó tôi được 91 tuổi và chúng tôi được khuyến khích nên dọn đến nhà giáo sĩ ở Rome, đó là một tòa nhà nhỏ bé xinh xắn nằm trong một khu tương đối yên tĩnh.
Một thử thách đau buồn khác
Anh Charles là người luôn có sức khỏe tốt nhưng rồi vào tháng 3 năm 2002, anh đột nhiên ngã bệnh nặng. Sức khỏe anh sa sút dần rồi anh qua đời vào ngày 11-5-2002. Suốt 71 năm, chúng tôi đã cùng nhau khóc khi gặp hoạn nạn cũng như cùng nhau vui mừng khi hưởng được ân phước. Cái chết của anh làm tôi đau buồn vô hạn và là một sự mất mát to lớn đối với tôi.
Tôi thường nhớ hình ảnh anh mặc bộ com lê cài chéo và đội cái nón thời 1930. Tôi mường tượng đến nụ cười và tiếng cười quen thuộc của anh dường như còn văng vẳng bên tai. Nhờ sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va cũng như tình yêu thương của nhiều anh chị tín đồ Đấng Christ thân thương mà tôi chịu đựng được thời gian đau buồn này. Tôi nôn nóng mong chờ ngày được gặp lại anh Charles.
Tiếp tục phụng sự
Phụng sự Đấng Tạo Hóa là điều tuyệt vời nhất trong đời tôi. Qua nhiều năm, ‘tôi đã nếm thử Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao’. (Thi-thiên 34:8) Tôi cảm nghiệm được tình yêu thương cũng như sự chăm sóc của Ngài. Dù tôi mất đứa con gái, nhưng Đức Giê-hô-va đã ban cho tôi nhiều con trai và con gái thiêng liêng ở rải rác khắp nước Ý và họ mang lại cho tôi cũng như Đức Chúa Trời nhiều niềm vui.
Điều mà tôi luôn luôn thích làm nhất là nói về Đấng Tạo Hóa với người khác. Đó là lý do tại sao tôi vẫn tiếp tục rao giảng và hướng dẫn các cuộc học hỏi Kinh Thánh. Đôi khi tôi hơi buồn là mình không thể làm nhiều hơn vì sức khỏe yếu kém. Nhưng tôi hiểu rằng Đức Giê-hô-va biết các giới hạn của tôi. Ngài yêu thương tôi và quý trọng những gì tôi có thể làm được. (Mác 12:42) Tôi cố gắng sống đúng với câu Thi-thiên 146:2: “Trọn đời sống tôi sẽ ngợi-khen Đức Giê-hô-va; hễ tôi còn sống chừng nào tôi sẽ hát-xướng cho Đức Chúa Trời tôi chừng nấy”. *
[Chú thích]
^ đ. 5 Kinh nghiệm của em trai tôi là Angelo Catanzaro được đăng trong Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-4-1975, trang 205-207.
^ đ. 28 Tự truyện của chị được đăng trong Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-5-1971, trang 277-280.
^ đ. 41 Trong khi bài đang được biên soạn, chị Constance Benanti qua đời vào ngày 16-7-2005 ở tuổi 96.
[Hình nơi trang 13]
Camille
[Hình nơi trang 14]
Ngày cưới của chúng tôi, năm 1931
[Hình nơi trang 14]
Ban đầu mẹ không chú ý nhưng rồi mẹ muốn cho cả gia đình học Kinh Thánh
[Hình nơi trang 15]
Với anh Knorr vào ngày lễ mãn khóa Trường Ga-la-át năm 1946
[Hình nơi trang 17]
Với anh Charles ít lâu trước khi anh qua đời