Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách E-xơ-ra

Những điểm nổi bật trong sách E-xơ-ra

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách E-xơ-ra

SÁCH E-xơ-ra nối tiếp sách 2 Sử-ký. Người viết sách này, thầy tế-lễ E-xơ-ra, mở đầu bằng lời tường thuật về sự kiện Vua Si-ru nước Phe-rơ-sơ ra chiếu chỉ cho phép số dân Do Thái đang bị lưu đày ở Ba-by-lôn được trở về quê hương. Phần cuối của sách tường thuật những cách E-xơ-ra giúp những người Do Thái bị ô uế, do kết thân với người ngoại, có lại vị thế trong sạch. Tổng cộng, sách này tường thuật 70 năm lịch sử, từ năm 537 đến 467 TCN.

Khi viết sách này, E-xơ-ra nhắm vào một mục đích rõ ràng: cho thấy cách Đức Giê-hô-va thực hiện lời hứa giải cứu dân Ngài thoát khỏi sự lưu đày ở Ba-by-lôn và khôi phục sự thờ phượng thật tại thành Giê-ru-sa-lem. Vì vậy, ông chỉ chú trọng những sự kiện có liên quan đến mục đích này. Sách E-xơ-ra tường thuật về quá trình dân Đức Chúa Trời xây lại đền thờ và tái thiết sự thờ phượng Đức Giê-hô-va, dù họ bị chống đối và có những thiếu sót. Lời tường thuật này rất đáng lưu ý vì hiện nay chúng ta cũng đang sống trong một thời kỳ phục hưng. Nhiều người đổ về “núi Đức Giê-hô-va” và không lâu nữa, “sự nhận-biết vinh-quang Đức Giê-hô-va sẽ đầy-dẫy” khắp đất.—Ê-sai 2:2, 3; Ha-ba-cúc 2:14.

ĐỀN THỜ ĐƯỢC XÂY LẠI

(E-xơ-ra 1:1–6:22)

Tuân theo chiếu chỉ do Si-ru ban, khoảng 50.000 người Do Thái đã trở về Giê-ru-sa-lem dưới sự lãnh đạo của Quan Tổng Đốc Xô-rô-ba-bên, còn gọi là Sết-ba-xa. Họ mau chóng xây lại bàn thờ tại vị trí cũ và bắt đầu dâng của-lễ cho Đức Giê-hô-va.

Năm sau, dân Y-sơ-ra-ên đặt móng của đền thờ Đức Giê-hô-va. Kẻ thù luôn tìm cách cản trở công việc xây lại đền thờ và cuối cùng họ đã thuyết phục được vua ra lệnh đình chỉ công việc. Hai nhà tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri giục lòng dân sự để họ tiếp tục lại công việc xây cất đền, bất kể lệnh cấm. Vì e rằng mình đã chống lại chiếu chỉ của Vua Si-ru—chiếu chỉ vua nước Phe-rơ-sơ vốn bất di bất dịch—nên kẻ thù chùn bước. Sau khi được lệnh kiểm tra văn khố, người ta đã tìm thấy chiếu chỉ của Vua Si-ru “về đền của Đức Chúa Trời tại Giê-ru-sa-lem”. (E-xơ-ra 6:3) Công việc xây dựng tiến triển tốt và cuối cùng hoàn tất.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

1:3-6—Phải chăng những người Y-sơ-ra-ên không tình nguyện trở về quê hương là người yếu đức tin? Dù một số người không trở về Giê-ru-sa-lem có lẽ vì thiên về vật chất hoặc vì thiếu lòng quý trọng sự thờ phượng thật, nhưng không phải tất cả đều như vậy. Thứ nhất, chặng đường về Giê-ru-sa-lem dài khoảng 1.600 kilômét và phải mất bốn hoặc năm tháng đi đường. Hơn nữa, việc đến sinh sống ở một vùng đất đã bị bỏ hoang 70 năm và xây cất lại mọi thứ ở đó đòi hỏi phải có sức khỏe tốt. Vì vậy, những người có hoàn cảnh bất lợi như đau ốm, già yếu và có trách nhiệm gánh vác gia đình dĩ nhiên không thể trở về.

2:43, cước chú—Người Nê-thi-nim là ai? Những người này vốn không phải dân Y-sơ-ra-ên, họ là người phục dịch trong đền thờ. Trong đó, có một số là con cháu của người Ga-ba-ôn thời Giô-suê, và số khác là những người “mà Đa-vít và các quan-trưởng đã đặt giúp việc người Lê-vi”.—E-xơ-ra 8:20.

2:55—Con cháu của các tôi tớ Sa-lô-môn là ai? Họ không phải là dân Y-sơ-ra-ên nhưng được giao những nhiệm vụ đặc biệt trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Có lẽ họ là thư ký, tức người sao chép trong đền thờ hoặc làm một số việc hành chánh.

2:61-63—U-rim và Thu-mim được dùng khi có việc cầu vấn Đức Giê-hô-va. Vậy, lúc dân từ xứ lưu đày trở về thì hai vật đó còn không? Những người nhận mình là con cháu dòng thầy tế lễ, nhưng không thể chứng minh bằng bảng gia phả, thì có thể cầu hỏi U-rim và Thu-mim để xác nhận. E-xơ-ra chỉ đề cập đến cách giải quyết vấn đề như thế. Không lời tường thuật nào trong Kinh Thánh nói rằng U-rim và Thu-mim đã được sử dụng lúc bấy giờ hoặc sau đó. Theo tục truyền của người Do Thái, U-rim và Thu-mim đã biến mất khi đền thờ bị hủy diệt vào năm 607 TCN.

3:12—Tại sao “những người già-cả đã thấy đền-thờ trước [kia]” lại khóc ? Họ nhớ vẻ nguy nga tráng lệ của đền thờ do Sa-lô-môn xây. Nền của đền thờ mới ‘trước mắt họ như là hư-không’. (A-ghê 2:2, 3) Liệu nỗ lực của họ có mang lại vẻ nguy nga cho đền thờ như trước không? Hẳn họ cảm thấy nản lòng lắm, và vì thế họ khóc.

3:8-10; 4:23, 24; 6:15, 16—Quá trình xây lại đền thờ mất bao nhiêu năm? Nền móng của đền thờ được xây vào năm 536 TCN—‘năm thứ hai sau khi họ về đến Giê-ru-sa-lem’. Vào năm 522 TCN thời Vua Ạt-ta-xét-xe, công việc xây dựng bị đình chỉ. Lệnh cấm có hiệu lực đến năm 520 TCN, nhằm năm thứ hai triều Vua Đa-ri-út. Đền thờ được xây xong vào năm thứ sáu triều vua này, tức năm 515 TCN. (Xem khung “Triều đại các vua Phe-rơ-sơ từ năm 537 đến 467 TCN”). Vậy, công việc xây đền được thực hiện trong khoảng 20 năm.

4:8–6:18—Phần này của sách E-xơ-ra được viết bằng tiếng A-ram. Tại sao? Hầu hết phần này được sao chép từ văn thư giữa các quan và vua. E-xơ-ra đã chép lại từ những văn thư tiếng A-ram—ngôn ngữ dùng trong lĩnh vực thương mại và ngoại giao vào thời bấy giờ. Tiếng A-ram cổ thuộc nhóm ngôn ngữ Xê-mít cũng được dùng để viết những phần Kinh Thánh sau: E-xơ-ra 7:12-26, Giê-rê-mi 10:11, và Đa-ni-ên 2:4b–7:28.

Bài học cho chúng ta:

1:2. Lời tiên tri của Ê-sai trước đó khoảng 200 năm đã thành sự thật. (Ê-sai 44:28) Lời tiên tri của Đức Giê-hô-va luôn ứng nghiệm.

1:3-6. Giống số người Y-sơ-ra-ên đã ở lại Ba-by-lôn, nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va không thể tham gia thánh chức trọn thời gian hoặc phục vụ ở nơi có nhu cầu lớn hơn. Tuy nhiên, họ ủng hộ và khích lệ những người có thể làm được, đồng thời tự nguyện đóng góp để đẩy mạnh công việc rao giảng tin mừng Nước Trời và đào tạo môn đồ.

3:1-6. Vào tháng thứ bảy năm 537 TCN (tháng Tishri, khoảng giữa tháng Chín/tháng Mười), những người trung thành từ xứ lưu đày trở về đã dâng của-lễ đầu tiên cho Đức Giê-hô-va. Tháng thứ năm (tháng Ab, khoảng giữa tháng Bảy/tháng Tám) của năm 607 TCN, người Ba-by-lôn vào thành Giê-ru-sa-lem và hai tháng sau thành bị tan hoang. (2 Các Vua 25:8-17, 22-26) Như được báo trước, thời kỳ 70 năm thành Giê-ru-sa-lem bị bỏ hoang đã chấm dứt đúng kỳ định. (Giê-rê-mi 25:11; 29:10) Lời tiên tri của Đức Giê-hô-va luôn thành sự thật.

4:1-3. Những người trung thành được trở về đã từ chối lời đề nghị có thể dẫn đến việc hòa đồng tôn giáo với những kẻ thờ thần giả. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5; 34:12) Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va ngày nay cũng không dự phần vào bất cứ phong trào nào mang tính hòa đồng tôn giáo.

5:1-7; 6:1-12. Đức Giê-hô-va có thể lèo lái sự việc để có lợi cho dân Ngài.

6:14, 22. Sốt sắng tham gia công việc Đức Giê-hô-va giao là chúng ta làm đẹp lòng Ngài và sẽ được ban phước.

6:21. Những người Sa-ma-ri đang sống trên đất của dân Do Thái, và những người Do Thái bị ảnh hưởng bởi phong tục ngoại giáo đều được thúc đẩy điều chỉnh đời sống nhờ chứng kiến tiến trình công việc của Đức Giê-hô-va. Vì vậy, chẳng phải chúng ta nên sốt sắng tham gia công việc Đức Chúa Trời giao, bao gồm sứ mạng loan báo thông điệp Nước Trời sao?

E-XƠ-RA ĐẾN THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM

(E-xơ-ra 7:1–10:44)

Năm mươi năm đã trôi qua kể từ khi khánh thành đền thờ được xây lại của Đức Giê-hô-va. Đó là năm 468 TCN. Dẫn đầu đoàn dân của Đức Chúa Trời và đem theo tiền và vật do dân sự đóng góp, E-xơ-ra rời Ba-by-lôn trở về Giê-ru-sa-lem. Ông thấy gì ở đó?

Các quan trưởng nói với E-xơ-ra: “Dân Y-sơ-ra-ên, những thầy tế-lễ, và người Lê-vi chẳng có phân-rẽ với các dân-tộc của xứ này; họ bắt-chước theo sự gớm-ghiếc” của những dân ấy. Hơn nữa, “các trưởng và quan-cai vốn là kẻ đầu phạm tội dường ấy”. (E-xơ-ra 9:1, 2) E-xơ-ra vô cùng sửng sốt. Ông được khuyến khích hãy “can-đảm mà làm”. (E-xơ-ra 10:4) E-xơ-ra thực hiện những biện pháp sửa trị và dân sự đã làm theo lời ông.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

7:1, 7, 11—Có phải tất cả những câu này đều nói về Vua Ạt-ta-xét-xe, người đã ra lệnh đình chỉ công việc xây cất? Không. Ạt-ta-xét-xe là danh hoặc tước hiệu của hai vị vua nước Phe-rơ-sơ. Một là Vua Bardiya, hoặc có thể là Vua Gaumata, đã ra lệnh đình chỉ công việc xây cất đền thờ vào năm 522 TCN. Hai là Ạt-ta-xét-xe Longimanus, người trị vì vào thời E-xơ-ra đến thành Giê-ru-sa-lem.

7:28–8:20—Tại sao nhiều người Do Thái ở Ba-by-lôn lưỡng lự không muốn về thành Giê-ru-sa-lem cùng với E-xơ-ra? Dù hơn 60 năm đã trôi qua từ khi số người Do Thái đầu tiên trở về quê hương, nhưng dân số trong thành Giê-ru-sa-lem vẫn còn ít. Trở về Giê-ru-sa-lem có nghĩa là xây dựng lại một cuộc sống mới trong hoàn cảnh thiếu tiện nghi và nguy hiểm. Thành Giê-ru-sa-lem lúc bấy giờ không phải là nơi có thể làm ăn phát đạt đối với những người Do Thái đã có cuộc sống thịnh vượng ở Ba-by-lôn. Ngoài ra, đây cũng là cuộc hành trình đầy nguy hiểm. Những người trở về phải can đảm, có niềm tin chắc nơi Đức Giê-hô-va và sốt sắng với sự thờ phượng thật. Ngay cả E-xơ-ra cũng nhờ tay của Đức Giê-hô-va phù trợ mà được vững mạnh. Qua sự huy động của E-xơ-ra, 1.500 gia đình—có lẽ khoảng 6.000 người—đã đáp ứng lời kêu gọi. Sau khi E-xơ-ra vận động thêm, có 38 người Lê-vi và 220 người Nê-thi-nim đáp ứng.

9:1, 2—Việc kết hôn với người ngoại của xứ là mối đe dọa nghiêm trọng đến mức nào? Dân được khôi phục sẽ là những người bảo vệ sự thờ phượng của Đức Giê-hô-va cho tới khi Đấng Mê-si đến. Việc kết hôn với người ngoại thật sự là mối đe dọa đối với sự thờ phượng thật. Vì một số người đã kết hôn với những người thờ thần tượng, có lẽ cả dân sự sẽ dần dần bị đồng hóa với các dân thờ thần ngoại giáo. Sự thờ phượng thật có thể bị biến mất khỏi mặt đất. Vậy thì Đấng Mê-si sẽ đến với ai? Vì thế không lạ gì khi E-xơ-ra sửng sốt trước những sự kiện xảy ra!

10:3—Tại sao những đứa con cũng bị đuổi ra khỏi xứ cùng với mẹ của chúng? Nếu những đứa con đó còn ở lại, rất có thể những người vợ bị đuổi sẽ trở về với con. Hơn nữa, con nhỏ thường cần sự chăm sóc của người mẹ.

Bài học cho chúng ta:

7:10. Là một người siêng năng học hỏi Lời Đức Chúa Trời và có tài dạy dỗ, E-xơ-ra nêu gương mẫu cho chúng ta. Ông cầu nguyện và chuẩn bị lòng để tra xét Luật Pháp Đức Giê-hô-va. Khi tra cứu Luật Pháp, E-xơ-ra hết sức chú tâm đến những gì Đức Giê-hô-va nói. E-xơ-ra áp dụng những gì học được và nỗ lực dạy người khác.

7:13. Đức Giê-hô-va muốn tôi tớ Ngài phải sẵn lòng.

7:27, 28; 8:21-23. E-xơ-ra cảm tạ Đức Giê-hô-va về những điều ông làm được, thành khẩn cầu xin Ngài giúp ông trước khi khởi hành chuyến đi dài và nguy hiểm về thành Giê-ru-sa-lem, ông sẵn lòng liều mình vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Vì thế, ông là gương mẫu đáng cho chúng ta noi theo.

9:2. Chúng ta phải xem trọng lời khuyên chỉ kết hôn “theo ý Chúa”.—1 Cô-rinh-tô 7:39.

9:14, 15. Giao du với bạn bè xấu có thể dẫn đến tình trạng không được Đức Giê-hô-va chấp nhận.

10:2-12. Những người cưới vợ ngoại đã khiêm nhường ăn năn và sửa chữa sai lầm của mình. Thái độ và hành động của họ đáng cho chúng ta noi theo.

Đức Giê-hô-va giữ lời hứa của Ngài

Sách E-xơ-ra thật có giá trị cho chúng ta! Đến đúng kỳ định, Đức Giê-hô-va thực hiện lời hứa giải thoát dân Ngài khỏi cảnh phu tù ở Ba-by-lôn và khôi phục sự thờ phượng thật tại thành Giê-ru-sa-lem. Chẳng phải điều đó củng cố đức tin của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va và những lời hứa của Ngài sao?

Hãy suy ngẫm những gương được tường thuật trong sách E-xơ-ra. Số người trở về để khôi phục sự thờ phượng thanh sạch tại thành Giê-ru-sa-lem và E-xơ-ra đều nêu gương về lòng tin kính đối với Đức Chúa Trời. Sách này cũng nêu bật đức tin của những người dân ngoại có lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Đồng thời, sách cũng nhấn mạnh thái độ khiêm nhường của những người phạm lỗi biết ăn năn. Thật vậy, những lời được soi dẫn của E-xơ-ra là bằng chứng rõ ràng rằng “lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm”.—Hê-bơ-rơ 4:12.

[Biểu đồ/Hình nơi trang 18]

TRIỀU ĐẠI CÁC VUA PHE-RƠ-SƠ TỪ NĂM 537 ĐẾN 467 TCN

Si-ru Đại Đế (E-xơ-ra 1:1) từ trần năm 530 TCN

Cambyses, còn gọi A-suê-ru (E-xơ-ra 4:6) 530-522 TCN

Ạt-ta-xét-xe—hoặc Bardiya hoặc Gaumata (E-xơ-ra 4:7) 522 TCN (Bị ám sát sau khi lên ngôi chỉ được bảy tháng)

Đa-ri-út I (E-xơ-ra 4:24) 522-486 TCN

Xerxes, còn gọi A-suê-ru * 486-475 TCN (Đồng nhiếp chính với Đa-ri-út I từ 496-486 TCN)

Ạt-ta-xét-xe Longimanus (E-xơ-ra 7:1) 475-424 TCN

[Chú thích]

^ đ. 50 Xerxes không được đề cập trong sách E-xơ-ra. Trong sách Ê-xơ-tê thì ông được nhắc đến với tên A-suê-ru.

[Hình]

A-suê-ru

[Hình nơi trang 17]

Si-ru

[Hình nơi trang 17]

Trụ Đá của Vua Si-ru có đề cập đến chính sách cho phép dân phu tù trở về quê hương

[Nguồn tư liệu]

Trụ đá: Hình chụp với sự cho phép của British Museum

[Hình nơi trang 20]

Bạn có biết tại sao E-xơ-ra là người có tài dạy dỗ không?